Chuẩn bị “hành trang” cho phạm nhân trước ngày tái hòa nhập cộng đồng

Thứ Sáu, 30/06/2023, 07:59

Hơn 180 phạm nhân trú tại nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Bình Điền (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng Bộ Công an) đã được dự Hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm.

Tại hội nghị, các phạm nhân đã được chuyên gia tâm lý “trang bị” hành trang trước ngày tái hòa nhập cộng đồng. Hội nghị mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc này do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trại giam Bình Điền tổ chức vào chiều 28/6.

Chuẩn bị “hành trang” cho phạm nhân trước ngày tái hòa nhập cộng đồng -0
Hơn 180 phạm nhân tại Trại giam Bình Điền sắp chấp hành xong hình phạt tù đã sẵn sàng để trở về với cuộc sống.

Dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng trong hội trường của Trại giam Bình Điền, hơn 180 phạm nhân sắp mãn hạn tù vẫn chăm chú lắng nghe đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tư vấn các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương cư trú, tái hòa nhập cộng đồng. Các phạm nhân đã được tư vấn cụ thể các nội dung liên quan đến thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; thông tin tuyển sinh và hàng chục ngành nghề đào tạo như: lái xe, nấu ăn, thợ cơ khí, nghề trang điểm, sửa chữa và lắp ráp ôtô, xuất khẩu lao động…

“Hội nghị là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cũng như các cập, các ngành và chính quyền địa phương trong việc chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất về tâm lý, pháp lý, tạo việc làm để giúp phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù sẽ tự tin tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng và phát triển xã hội”, Đại tá Hồ Sỹ Lưu, Giám thị Trại giam Bình Điền chia sẻ.

Biết mình sắp được ra tù, những ngày này, phạm nhân P.A.L (SN 1975, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) rất vui mừng và cố gắng cải tạo tốt hơn. Bước chân vào Trại giam Bình Điền với bản án 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, những ngày sống, cải tạo trong trại giam là những chuỗi ngày phạm nhân L day dứt, ân hận vì tội lỗi mình gây ra.

Cùng với tình yêu thương của gia đình, sự quan tâm của cán bộ quản giáo trại tạm giam đã trở thành động lực để phạm nhân L phấn đấu sửa chữa sai lầm. Lúc sắp ra tù, được các cơ quan ban, ngành của Nhà nước đến tận Trại giam để định hướng, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu về cách thức vay vốn khiến phạm nhân này rất xúc động khi Nhà nước đã có nhiều chính sách nhân đạo cho người mãn hạn tù trở về cộng đồng.

Phạm nhân N.T.H.N (SN 1989, trú phường Xuân Phú, TP Huế) chia sẻ: “Vì ma lực của đồng tiền mà tôi đã phạm tội trộm cắp tài sản với bản án 9 tháng tù giam. Quãng thời gian chấp hành án, tôi đã được cán bộ quản giáo dạy dỗ, cảm hóa và qua đó đã hiểu được hành vi vi phạm pháp luật của mình. Sau khi được các cơ sở giới thiệu việc làm tư vấn, sau khi ra tù tôi sẽ chọn học nghề làm nail nghệ thuật và trang điểm cô dâu”.

Qua những câu chuyện với các phạm nhân sắp được tha tù, chúng tôi nhận ra điểm chung của hầu hết các phạm nhân chính là nỗi lo ẩn chứa khi về với cuộc sống đời thường. Bên cạnh nỗi lo về cuộc sống mưu sinh thì nỗi lo lớn nhất của họ đó chính là sự kỳ thị từ bạn bè, bà con hàng xóm, đồng nghiệp… luôn bao trùm trong suy nghĩ, nhận thức của họ. Một phạm nhân từng là cán bộ đã bật khóc chia sẻ, lộ chút băn khoăn: Khi bước qua cánh cổng trại giam để trở về nhà, họ sẽ được vợ con đón nhận, thương yêu, nhưng với hàng xóm láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp thì họ không biết ứng xử thế nào?

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ được nghe những chia sẻ đầy xúc động từ những câu chuyện đang diễn ra trong đời sống và những truyền đạt về kiến thức tâm lý từ TS Nguyễn Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm Huế, những lo âu của các phạm nhân dường như đã được hóa giải. Có phạm nhân đã khẳng định rằng, với những “hành trang” có được tại hội nghị, chỉ 2 tuần nữa thôi, khi rời cánh cổng trại giam họ sẵn sàng đứng lên làm lại cuộc đời…

TS Nguyễn Thanh Hùng đã dẫn ra những số phận dù đứng trước lằn ranh sinh tử nhưng được sự thương yêu, đùm bọc của người thân, bạn bè, xã hội và ý chí, nghị lực của bản thân đã giúp họ vượt qua, giành sự sống từng ngày, từng giờ…

“Mỗi phạm nhân có nhiều sự khác biệt nhưng có một điểm chung là sự khát khao được trở về bên vòng tay yêu thương của người thân và cái nhìn rộng lượng, sẻ chia, nâng đỡ từ cộng đồng để nẻo về của họ không lạc lối” - sự đồng cảm của TS Nguyễn Thanh Hùng đã khiến không ít phạm nhân nghẹn ngào, xúc động rơi nước mắt.         

Hải Lan
.
.