Carlos Ghosn và cuộc đào thoát chấn động dư luận

Chủ Nhật, 12/01/2020, 07:11
Ngày 8-1-2020, cựu Chủ tịch của Liên doanh Renault-Nissan Carlos Ghosn đã tổ chức một cuộc họp báo tại Thủ đô Beirut của Lebanon. Đây là lần ra mắt công khai đầu tiên kể từ khi ông chạy trốn khỏi Nhật Bản, nơi ông bị tố cáo là tham ô, biển thủ công quỹ và khai man thu nhập. Mục đích của cuộc họp như ông nói là để tố cáo một âm mưu chống lại ông và để "rửa sạch thanh danh cho mình".


Đất nước Lebanon đón nhận và che chở đứa con cưng

Ngày 31-12-2019, Lebanon Al Joumhouriya là tờ báo đầu tiên đưa ra thông tin: "Cựu chủ tịch của Nissan, Carlos Ghosn đã hạ cánh xuống sân bay Beirut trên một chiếc máy bay tư nhân đến từ Thổ Nhĩ Kỳ".

Carlos Ghosn hóa trang thành một công nhân xây dựng khi ra khỏi nhà tù để hưởng chế độ tại ngoại sau khi đã nộp tiền bảo lãnh 13,8 triệu USD.

Carlos Ghosn, người có nguy cơ ngồi tù 15 năm ở Nhật Bản với tội danh tham ô và lạm dụng công quỹ, ngay sau đó cũng khẳng định rằng mình đang có mặt ở Lebanon: "Hiện nay tôi đang ở Lebanon và tôi không chạy trốn pháp luật, tôi chỉ tự giải thoát mình khỏi một sự bất công và ngược đãi về chính trị, giờ đây tôi có thể tự do cung cấp thông tin trung thực về câu chuyện của mình cho báo giới và tôi sẽ sớm làm việc đó".

Trong khi đó, Tòa án Tokyo đã ra tuyên bố: "Lệnh cấm đi ra nước ngoài với ông Carlos Ghosn chưa hề bị dỡ bỏ, vì vậy nếu việc rời khỏi Nhật Bản của ông ta là xác thực, chế độ tại ngoại sẽ bị hủy bỏ và số tiền bảo lãnh gần 14 triệu USD sẽ bị xung công quỹ".

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng khẳng định sẽ xác minh tính xác thực của lời tuyên bố trên thông qua đại sứ quán Nhật Bản tại Lebanon, ông cũng nói thêm rằng Nhật Bản sẽ yêu cầu chính quyền Lebanon cho dẫn độ tội phạm.

Carlos Ghosn bị bắt giữ tháng 11-2018, sau khi nộp số tiền bảo lãnh 13,8 triệu USD thì đã được hưởng chế độ tại ngoại chờ phiên tòa xét xử (dự định mở năm 2020). Vụ bắt giữ Ghosn đã gây ra làn sóng phê phán trên khắp thế giới đối với hệ thống pháp luật của Nhật Bản và trở thành một sự kiện nóng bỏng ở Lebanon, nơi mà Ghosn được xem như một anh hùng dân tộc.

Carlos Ghosn lên tàu siêu tốc Shinkansen từ Tokyo đến Osaka trong hành trình chạy trốn.

Vì không có hiệp định dẫn độ giữa Nhật Bản và Lebanon, cuộc đào thoát này của Ghosn dường như đã đặt dấu chấm hết cho vụ xử án  ông. Ngay sau khi trở về Lebanon, Ghosn cũng đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Lebanon Michel Aoun và nhận được lời hứa từ tổng thống sẽ  có những biện pháp hỗ trợ và bảo vệ ông ở cấp độ quốc gia.

Đại diện cơ quan An ninh quốc gia Lebanon thì tuyên bố Ghosn đã nhập cảnh vào Lebanon một cánh hoàn toàn hợp pháp và sẽ không phải đối mặt với bất kỳ rắc rối nào về luật pháp.

Cựu Chủ tịch của Nissan có một quá trình gắn bó dài lâu với đất nước Lebanon. Sinh ra trong một gia đình nhập cư Lebanon sống ở  miền Đông Brazil, Ghosn đã trải qua thời thơ ấu cho đến hết trung học ở Lebanon và có quốc tịch nước này. Ghosn luôn được xem là hình mẫu của sự thành công mang tên Lebanon ở nước ngoài và luôn nhận được sự tin tưởng cao độ của Beirut.

Ngay sau khi Ghosn bị bắt giữ vào năm 2018, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Lebanon Gebran Bassil đã lên tiếng bày tỏ sự quan tâm đến số phận của Ghosn. Trong thời gian Ghosn bị giam giữ trong tù, đại diện Sứ quán Lebanon tại Nhật cũng thường xuyên tới gặp gỡ ông, trong các phát biểu với báo chí truyền thông của Nhật và quốc tế, Đại sứ Lebanon cũng luôn luôn kiên định quan điểm rằng Ghosn vô tội. Còn Bộ trưởng Nội vụ Lebanon Nohad Machnouk thì tuyên bố vào năm 2018: "Một con phượng hoàng Lebanon thì không thể bị thiêu cháy bởi mặt trời Nhật Bản".

Một cuộc đào tẩu như trong phim của Hollywood

Sau cuộc đào thoát của Ghosn, Cảnh sát Tokyo cùng văn phòng Viện Công tố Tokyo đã tiến hành thu thập tất cả những hình ảnh của các camera giám sát trên những quãng đường mà cựu Chủ tịch Nissan đã đi qua nhằm phục dựng lại một cách chính xác nhất mọi hành động của ông này.

Carlos Ghosn trong cuộc họp báo ngày 8-1-2020.

Theo đó, vào lúc 14h30 ngày 29-12, Ghosn rời khỏi căn nhà ở khu Minato ở Tokyo, nơi ông ta sống trong thời gian tại ngoại chờ ra hầu toà, Ghosn ra khỏi nhà một mình,đi  đến gặp hai người nước ngoài tại một hotel ở cùng khu phố. Khoảng 15h30 tại nhà ga Shinagawa, cả ba người đàn ông đã leo lên tầu tốc hành Tokaido Shinkansen chặng Tokyo-Osaka. Tốp ba người này xuống sân ga Shin-Osaka vào lúc 19h30 và chuyển qua một chiếc taxi đi đến một khách sạn gần sân bay Kansai vào lúc 20h.

Vào lúc 22h, hai đồng bọn của Ghosn rời khỏi khách sạn, hành lý mang theo có một chiếc hộp to mầu đen và một chiếc bao đựng nhạc cụ. Không thấy Ghosn đi cùng với họ. Hai người đàn ông đi đến sân bay Kansai và leo lên một chiếc máy bay tư nhân cất cánh lúc 23h10.

Các phóng viên đang đứng trước cửa ngôi nhà được cho là của Carlos Ghosn, ở Beirut.

Người ta tin rằng Ghosn đã trốn trong chiếc hộp để được đưa lên chiếc máy bay đó. Hành lý đi kèm trong chuyến bay đó đã không phải đi qua máy soi chiếu. Dẫu rằng  chiểu theo luật hàng không của Nhật Bản các hãng hàng không có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra hành lý để loại bỏ đi những vật độc hại, tuy nhiên trên thực tế các hãng hàng không thường đút lót cho các nhân viên an ninh để bỏ qua một số công đoạn kiểm tra.

Chiếc máy bay tư nhân mà Ghosn đã dùng để tẩu thoát ra khỏi Nhật Bản là mẫu máy bay do công ty Bombardier của Canada chế tạo. Trên trang web của công ty này có thể tìm thấy sơ đồ thiết kế chiếc máy bay, có một lối đi nối khoang hàng khách với khoang chứa đồ sao cho "các vật dụng cá nhân luôn nằm trong tầm kiểm soát của hành khách". Chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Kansai  bay về Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đi vào không phận Lebanon vào ngày 30-12-2019.

Tờ Wall Street Journal đã đăng bức ảnh chiếc hộp to mầu đen mà Ghosn dường như đã trốn trong đó để có thể leo lên máy bay, chắc chắn người ta đã khoét những chiếc lỗ dưới đáy để vị cựu Chủ tịch Nissan có thể thở được, một chiếc hộp thứ hai đi kèm có chứa trong đó một loại nhạc cụ.

Cuộc họp báo chấn động dư luận

9 ngày sau cuộc chạy trốn tưởng như trong phim trinh thám, cựu Chủ tịch của Liên doanh Renault-Nissan-Mitsubishi đã tổ chức một buổi họp báo công khai tại Beirut, cuộc họp báo được toàn thế giới nóng lòng chờ đợi.

Địa điểm họp báo tại tòa nhà của Hiệp hội Báo chí ở Beirut, đứng sau một chiếc bục gỗ, đối diện với hơn 150 nhà báo được chọn lựa kỹ càng, Carlos Ghosn đã mở đầu bằng việc nhấn mạnh rằng đây là một ngày trọng đại đối với ông để "rửa sạch danh dự cho mình" trước những lời cáo buộc "vô căn cứ".

Sau những lời nhập đề ngắn gọn bằng tiếng Pháp và tiếng Ảrập, doanh nhân 65 tuổi này tiếp tục câu chuyện bằng tiếng Anh. Đầu tiên ông hồi tưởng lại khung cảnh ngày 19-11-2018, ngày ông bị bắt giữ ở Tokyo, "một vở kịch được dàn dựng, một âm mưu".

"Đã hơn 400 ngày trôi qua kể từ khi tôi đột ngột bị dứt khỏi cái thế giới quen thuộc của mình, dứt khỏi gia đình, bạn bè, dứt khỏi Renault-Nissan và Mitsubishi và hơn 450.000 con người đang làm việc ở đó (...).

Ngày hôm nay cũng là dịp để tôi nhớ lại một ngày khác đầy đau đớn, cách đây đúng một năm, khi tôi bị dẫn giải ra trước mặt một một đám đông các nhà báo như các bạn hôm nay, đi kèm với một quan toà và một công tố viên Nhật Bản, ngày hôm đó tôi cũng tuyên bố mình vô tội trong tình trạng lê từng bước chân đi với những dây xích quấn quanh để kiểm soát sự di chuyển của tôi trong căn phòng", Carlos Ghosn nói.

Trước những câu hỏi dồn dập của các phóng viên bằng đủ các thứ tiếng, người đàn ông có ba quốc tịch Lebanon, Pháp và Brazil này đã điềm đạm trả lời bằng thứ ngôn ngữ của người hỏi sử dụng. Ông tỏ ý không muốn hé lộ về cách thức ông đã áp dụng để có thể đào thoát đến Lebanon ngày 30-12-2019.

"Tôi không đến đây để kể cho các bạn nghe bằng cách nào tôi đã thành công trong việc chạy trốn khỏi Nhật Bản, dẫu rằng tôi biết các bạn rất nóng lòng được biết tường tận về chuyện đó. Tôi ở đây với mục đích để kể cho các bạn nghe lý do vì sao tôi phải bỏ chạy khỏi Nhật Bản.

Lần đầu tiên kể từ khi cơn ác mộng này bắt đầu, khi tôi nghĩ đến cách tự bảo vệ mình, tôi tự nhủ rằng mày sẽ chết ở cái đất nước Nhật Bản này, vậy bằng mọi giá phải đi khỏi đây thôi. Lúc này đây tôi đã có quyền được cất tiếng nói để đòi lại sự trong sạch cho mình, với các dữ liệu, các chứng cứ, các sự kiện, tôi tin rằng chính các bạn tự mình cũng sẽ tìm thấy sự thật".

Khẳng định rằng các công tố viên Nhật Bản đã tìm cách ép cung bằng cách dọa sẽ bắt giữ các thành viên trong gia đình ông, Carlos Ghosn cũng chỉ ra vai trò chủ mưu trong vụ này của một số lãnh đạo người Nhật trong ban lãnh đạo của Nissan.

"Tôi bị tuyên bố là thủ phạm trong con mắt của cộng đồng quốc tế bởi một hệ thống tư pháp mà mục đích duy nhất là lấy cho được lời thú tội để xử một vụ kiện bất chấp thực tế ra sao. Sau cùng tôi cũng được biết rằng những khổ đau không thể tưởng tượng nổi của tôi trong 14 tháng qua bắt nguồn từ một âm mưu được dàn dựng của một nhóm những kẻ đố kỵ độc ác ở Nissan. Một số người bạn Nhật Bản đã từng nói với tôi rằng cách duy nhất để xóa bỏ những ảnh hưởng của Renault đối với Nissan là tìm cách hạ gục tôi, thật bất hạnh là họ đã có lý. Sự thông đồng giữa công tố viên và Nissan là rất rõ ràng và theo tôi hiểu, đó là điều hoàn toàn bất hợp pháp", Carlos Ghosn khẳng định.

Dương Thắng
.
.