Bước ngoặt UAV

Thứ Năm, 25/01/2018, 15:01
Ngày 6-1 vừa qua, 13 chiếc máy bay điều khiển từ xa không người lái (UAV) đã bất ngờ mở cuộc tấn công ồ ạt vào căn cứ không quân của Nga ở Hmeymim-Tartus, thuộc tỉnh Latakia, Syria.


Với hệ thống phòng thủ hiện đại và công nghệ cao, Nga đã chặn đứng cuộc tấn công kể trên mà không có thương vong nào. Tuy nhiên, sự việc đã gây ra thái độ nghi kỵ giữa các nước; đồng thời đánh dấu bước ngoặt của chiến tranh khủng bố.

Công nghệ điều khiển tinh vi

Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga, đêm 6-1 vừa qua, 13 "mục tiêu trên không kích thước nhỏ" đã bị bắn hạ. Các chuyên viên quân sự nhận xét rằng những "giải pháp kỹ thuật" sử dụng trong vụ tấn công có gốc gác từ "một trong những quốc gia có khả năng công nghệ cao".

Ngày 11-1, Thiếu tướng Alexander Novikov - người đứng đầu Cục Xây dựng và Phát triển máy bay không người lái của Bộ Tổng tham mưu Nga - cho biết các phương tiện do thám trên không của căn cứ Không quân Nga đã phát hiện tất cả 13 UAV tại khoảng cách an toàn so với sân bay, đủ thời gian để các phương tiện đánh chặn và tác chiến điện tử đập tan vụ tấn công.

1 trong số 6 chiếc UAV mà Nga chiếm được quyền điều khiển, hiện được trưng bày tại Bộ Quốc phòng Nga ở Moscow.

Theo đó, 7 thiết bị bay không người lái đã bị tiêu diệt bằng các tổ hợp phòng không tầm gần "Pantsir-S", 6 chiếc khác bị rơi khi bị các phương tiện chiến tranh điện tử bố trí tại các điểm định trước tác động vào hệ thống chỉ huy-điều khiển của chúng. Người đại diện Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga cho biết, trong số đó có 3 thiết bị bay không người lái trong quá trình hạ cánh bị nổ do đạn dược mà chính chúng mang theo.

Theo giới phân tích Nga, mặc dù UAV chế tạo rất thủ công cho thấy chúng đúng là do lực lượng phiến quân sản xuất, nhưng chúng khó có thể chế tạo được loại đạn trên UAV và sở hữu công nghệ điều khiển UAV kiểu “bầy đàn” mà chỉ vài nước tiên tiến mới có thể thực hiện được.

Những nước bị nghi ngờ

Sau vụ tấn công này, Nga đã nêu một số nghi vấn có liên quan đến Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, Mỹ bị tố vì có một chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A Poseidon hiện diện một cách đáng ngờ trên biển Địa Trung Hải, đoạn giữa không phận căn cứ Không quân Hmeymim và căn cứ Hải quân Tartus, trong hơn 4 tiếng đồng hồ.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi ngờ vì những chiếc máy bay không người lái đã được phóng lên từ không phận làng Muazar, phía tây nam của “Khu vực giảm leo thang chiến sự” thuộc tỉnh Idlib, vùng hiện do phe “đối lập ôn hòa” chiếm giữ và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang giám sát ngừng bắn.

Sau khi “mổ” xác các UAV bị rơi còn nguyên vẹn ở Hmeymim, Bộ Tổng tham mưu Nga lại đưa thêm một nước vào danh sách nghi ngờ, đó là Ukraine. Theo đó, chất nổ cơ sở trong các thiết bị bay không người lái đã tấn công căn cứ của Nga ở Syria là PETN (tên đầy đủ là Pentaerythritol Tetranitrate). PETN là một trong những chất nổ mạnh nhất, còn hơn cả TNT. Nó có chứa nitroglycerin và nhiều nhóm nitro.

Tuy nhiên, PETN rất khó để phát nổ nên người ta thường kết hợp nó với TNT hoặc RDX (Hexogen), lấy 2 loại thuốc nổ nhạy này để kích nổ PETN. Hiện nay, loại chất nổ này được sử dụng cả trong kíp nổ của vũ khí hạt nhân. Do đó, nó là một trong những loại thuốc nổ khó chế tạo nhất. Vì nguyên nhân này nên các tổ chức khủng bố công nghệ thấp không có dụng cụ chuyên dụng khó có thể chế tạo được. Cũng đã từng có những âm mưu khủng bố bằng PETN nhưng đó là các vụ có tổ chức, tính toán kỹ lưỡng, trong điều kiện đầy đủ các dụng cụ hiện đại.

Theo Thiếu tướng Alexander Novikov, chất này không có nhiều nước sản xuất được và Ukraine là một quốc gia nằm trong số các nước có đủ khả năng như vậy. "Các nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng, thuốc nổ PETN được sử dụng làm cơ sở cho chất nổ trong đạn dược, có tính chất mạnh hơn so với hexogen (tức RDX). Chất nổ này được sản xuất ở một số nước, trong đó có Nhà máy hoá học Shostkinsky của Ukraine" - ông Novikov nói.

Theo ông Novikov, hiện Nga đang tiến hành các nghiên cứu đặc biệt để chỉ ra chính xác nước sản xuất chất nổ này. Khi đó, thủ phạm đứng sau vụ tấn công UAV sẽ được đưa ra trước ánh sáng. Hiện các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành đánh giá chi tiết về thiết kế và khả năng của các thiết bị bay không người lái này, cùng với mẫu đạn dược mà nó mang theo.

Hiểm họa khó lường

Vụ tập kích bằng UAV hiện đại này là sự thách thức lớn nhất đối với quân đội Nga kể từ khi họ bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria từ tháng 9-2015. Từ phân tích các UAV thu được qua vụ tấn công, Thiếu tướng Alexander Novikov cảnh báo: "Việc sử dụng máy bay không người lái cho các mục đích khủng bố đang là một mối đe dọa thực sự với bất cứ nơi nào trên thế giới. Thế nên, cần phải tìm ra cách thức nhằm vô hiệu hóa các cuộc tấn công này”.

Ông Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, đối phó với các cuộc tấn công khủng bố liên quan đến UAV đòi hỏi sự hợp tác trên bình diện quốc tế. 

“Thực tế cho thấy, các phần tử phiến loạn đã tiếp nhận công nghệ để lắp ráp và lập trình những chiếc máy bay không người lái từ bên ngoài. Điều đó chứng minh mối đe dọa không chỉ hiện hữu tại Syria. Có thể nói rằng đây là một trang mới trong lịch sử chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Cần lưu ý là các thiết bị bay không người lái ở Syria đã xuất phát từ khoảng cách khá xa. Bây giờ UAV là mối đe dọa hiện thực mà tất cả các cơ quan tình báo thế giới cần tính đến, là thách thức mới mà chủ nghĩa khủng bố quốc tế ném ra trước tất cả các nước", ông Korotchenko nhận định.

Ông Korotchenko cũng lưu ý rằng những vụ khủng bố như vậy có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào, dù đó là quốc gia châu Âu, Trung Đông hoặc châu Á. Theo ông Korotchenko, những mục tiêu của UAV có thể không chỉ là quân sự mà còn là các chủ thể dân sự, đoàn xe hộ tống và dinh thự của các vị lãnh đạo Nhà nước, cũng như các cơ sở công nghiệp, kho nhiên liệu…

Mỹ cũng bày tỏ quan ngại tương tự. “Chúng tôi đã thấy loại công nghệ UAV thương mại này được sử dụng để thực hiện các chiến dịch của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Những thiết bị và công nghệ này có thể dễ dàng mua được trên thị trường tự do và đó là lý do gây quan ngại”, phát ngôn viên Lầu Năm góc, Thiếu tá Adrian Rankin-Galloway nói với Hãng Sputnik ngày 8-1.

Song Vĩnh
.
.