Thiết bị giám sát hành trình: Lắp nhiều nhưng hiệu quả giám sát thấp

Vi phạm nhiều nhưng xử phạt rất "mỏng manh"! (bài 1)

Thứ Hai, 01/05/2023, 09:25

Sau gần 10 năm vận hành, Trung tâm Dữ liệu thiết bị giám sát hành trình phần nào phát huy hiệu quả trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Thế nhưng, việc giám sát các phương tiện có thực hiện nghiêm hay không thì cơ quan quản lý vẫn chưa thể ở thế chủ động, còn chờ nhiều từ ý thức của các doanh nghiệp vận tải…

Hệ thống giám sát hành trình (GSHT) có chức năng giám sát toàn bộ quá trình di chuyển và vị trí của xe một cách chính xác thông qua thiết bị định vị GPS. Nhờ vào khả năng có thể tích hợp các tiện ích mở rộng mà hệ thống này được sử dụng để đáp ứng nhu cầu của đa dạng các ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, GSHT còn được xem là giải pháp cho rất nhiều vấn đề tiêu cực trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Thế nhưng, qua nhiều năm thực hiện lắp thiết bị này, thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn còn tình trạng buông lỏng, cơ quan chức năng chưa thể giám sát 24/24h khiến cho mục tiêu và hiệu quả của giải pháp này chưa được như kỳ vọng.

Vi phạm nhiều nhưng xử phạt rất
Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên ôtô kinh doanh vận tải.

Tính đến nay cả nước có khoảng hơn 900.000 phương tiện vận tải thuộc diện phải lắp thiết bị GSHT và bắt buộc phải truyền dữ liệu về Cục Đường bộ để quản lý. Sau gần 10 năm vận hành, Trung tâm Dữ liệu thiết bị GSHT phần nào phát huy hiệu quả trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Thế nhưng, việc giám sát các phương tiện có thực hiện nghiêm hay không thì cơ quan quản lý vẫn chưa thể ở thế chủ động, còn chờ nhiều từ ý thức của các doanh nghiệp vận tải…

Lỗi đi trước, chỉ đạo… theo sau

Tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy đón trả khách qua mặt lực lượng chức năng không phải bây giờ mới xảy ra. Thế nhưng gần đây, tình trạng xe limousine hợp đồng trá hình của 2 nhà xe Ba Sáu và Đại Nam gom chở khách lẻ tuyến Hà Nội - Thanh Hoá mà báo chí phản ánh đã khiến UBND tỉnh Thanh Hoá chú ý. Sau khi phát hiện sự việc trên, UBND tỉnh này đã có công văn yêu cầu xử lý nghiêm, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự và lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm xử lý nghiêm tình trạng xe khách dừng, đỗ đón, trả khách không đúng quy định trên địa bàn TP Thanh Hoá và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố nắm thông tin, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải thông qua hình thức lập nhóm trên Zalo, Facebook và các trang mạng xã hội khác.

Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) sau đó đã chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái phối hợp với Thanh tra giao thông tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT để theo dõi, xử lý kịp thời các vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Thanh Hoá cũng cho biết, Sở GTVT Thanh Hoá đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội đề nghị phối hợp trong việc quản lý, xử lý vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, du lịch do Sở GTVT Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

Không chỉ ở Thanh Hoá, mới đây Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định cũng vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 11 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Vận tải Đạt Thành (đóng tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) vì có hành vi không thực hiện việc truyền các thông tin từ thiết bị GSHT về Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định, sau vụ tai nạn giữa xe tải biển kiểm soát 77H-036.40 với xe khách biển kiểm soát 77F-001.32 xảy ra tại ngã tư Long Vân (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) làm 13 người bị thương vào ngày 15/3, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) phát hiện, tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách nói trên thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Đạt Thành không truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT về Cục Đường bộ Việt Nam. Cục Đường bộ Việt Nam sau đó đã đề nghị Sở GTVT tỉnh Bình Định kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với Công ty cổ phần Vận tải Đạt Thành; kiểm tra và xử lý đối với xe khách biển kiểm soát 77F-001.32 vì hành vi không truyền dữ liệu và các trường hợp vi phạm khác (nếu có) theo quy định; kiểm tra việc thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông đối với bến xe khách Bồng Sơn (đóng tại thị xã Hoài Nhơn) khi để xe khách nói trên không có dữ liệu thiết bị GSHT nhưng vẫn cho xe xuất bến.

Sau khi kiểm tra đột xuất Công ty cổ phần Vận tải Đạt Thành, đoàn kiểm tra phát hiện công ty này có hành vi không thực hiện việc truyền các thông tin từ thiết bị GSHT lắp trên xe ôtô khách biển kiểm soát 77F-001.32 theo quy định. Do đó, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 11 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Vận tải Đạt Thành; đồng thời buộc công ty này phải thực hiện ngay việc truyền các thông tin từ thiết bị GSHT lắp trên xe ôtô khách 77F-001.32 theo quy định.

Hàng nghìn phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu nhưng vi phạm chưa giảm

Thống kê từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, trong tháng 2/2023, đơn vị đã có quyết định thu hồi 819 phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ thông qua trích xuất dữ liệu trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT của Cục Đường bộ Việt Nam.

Vi phạm nhiều nhưng xử phạt rất
Việc lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải kiểm soát chặt hơn việc xe di chuyển đúng lịch trình.

Lý do thu hồi, trong 1 tháng, phương tiện có từ 5 lần vi phạm tốc độ xe chạy theo quy định. Đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng các phương tiện nêu trên để tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trong thời gian phương tiện đó bị thu hồi phù hiệu. Tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận theo dõi an toàn giao thông, đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định.

Theo danh sách của Sở GTVT Hà Nội, đứng đầu về vi phạm tốc độ là xe hợp đồng BKS 29B-147.12 của Công ty TNHH TM&DV du lịch Hòa Phát với 2.037 lần vi phạm tốc độ trong 1 tháng; xe đầu kéo BKS 29H-1462 của Công ty CP TCT Việt Nam với 541 lần vi phạm tốc độ trong 1 tháng; xe khách tuyến cố định BKS 29B-171.71 của Công ty TNHH Vận tải CIV với 357 lần vi phạm tốc độ trong 1 tháng; HTX Vận tải xe Đô Thành có nhiều phương tiện xe đầu kéo, xe container vi phạm về tốc độ, từ 200-500 lần/tháng; xe đầu kéo BKS 37C-327.08 của HTX Dịch vụ vận tải Trường Hải có 942 lần vi phạm.

Đây cũng là HTX có nhiều đầu xe vi phạm tốc độ... Và tiếp tục trong tháng 4/2023, Sở GTVT đã có quyết định thu hồi 793 phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ trong tháng 3/2023. Đứng đầu vi phạm về tốc độ trong tháng 3/2023, Sở GTVT Hà Nội “gọi tên” phương tiện của HTX ôtô Trường Hải, xe đầu kéo BKS 37H-0052 với 1.289 lần vi phạm tốc độ; tiếp đến là xe đầu kéo BKS 37H-040.55 với 1.269 lần vi phạm tốc độ; xe đầu kéo BKS 37H-040.56 với 1.120 lần vi phạm. Đáng nói, HTX ôtô Trường Hải cũng đứng đầu danh sách các doanh nghiệp có số phương tiện vi phạm nhiều nhất trong tháng 4 với 40 đầu xe bị thu hồi phù hiệu… Công ty TNHH TM&DV du lịch Hòa Phát, xe hợp đồng BKS 29B-147.12 với 559 lần vi phạm cũng tiếp tục lọt vào danh sách các phương tiện vi phạm nhiều lần trong tháng 3.

Thông tin mới nhất từ Ủy ban ATGT Quốc gia, riêng trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2023, trên cả nước lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 9.000 phương tiện vi phạm luật giao thông, trong đó đã có tới hơn 1700 trường hợp vi phạm về tốc độ. Điều này có thể hình dung phần nào rằng, dù cơ quan chức năng đang cố gắng thực hiện nghiêm việc xử phạt, song nếu doanh nghiệp vận tải nói chung hay lái xe nói riêng không quá quan tâm, không được cảnh báo kịp thời thì việc vi phạm vẫn tái diễn.

Đặng Nhật
.
.