Nhận diện những trở ngại, khó khăn tại các dự án đường cao tốc

Thứ Sáu, 02/06/2023, 06:15

Ngày 1/6, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến chia sẻ một số kinh nghiệm triển khai các dự án đường bộ cao tốc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối đến 37 điểm cầu có dự án tuyến cao tốc cả nước.

Phải hoàn thành gần 2.000km đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc và đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bộ Chính trị khoá XIII cũng ra 6 Nghị quyết về phát triển vùng, xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ cao tốc.

Nhận diện những trở ngại, khó khăn tại các dự án đường cao tốc -0
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, cần có giải pháp mới hơn, cách làm hay hơn, làm chuyển biến các dự án đường cao tốc. Ảnh minh họa.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã có những chương trình hành động, đưa ra mục tiêu cả nước phấn đấu đạt trên 3.000km đường cao tốc đến năm 2025. Đây là nhiệm vụ hết sức to lớn, bởi đến năm 2020, sau gần 20 năm triển khai, mới có 1.163km đường cao tốc được hoàn thành đưa vào sử dụng. Như vậy, trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 phải xây dựng hoàn thành gần 2.000km đường cao tốc.

Thời gian vừa qua, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương với nhiều chủ trương chính sách, đến nay, đã đạt được tiến độ và kế hoạch đề ra. Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đã triển khai 11 dự án, đưa vào khai thác 6 dự án, trong đó có 1 dự án PPP, 5 dự án còn lại thì 3 dự án phải hoàn thành trong năm 2023, 2 dự án hoàn thành trong năm 2024. Đặc biệt, tháng 6 này, theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch đề ra, nhiều dự án phân cấp cho địa phương sẽ tổ chức khởi công, xây dựng như: Châu Đốc - Cần Thơ - Cần Đề, Đồng Nai - Vũng Tàu, Nha Trang - Buôn Ma Thuột; Khu vực phía Bắc có tuyến Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300km đường cao tốc.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai dự án cao tốc trong hơn 20 năm, tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết là một số quy định pháp luật còn bất cập; quy định về trình tự đầu tư còn kéo dài, một số thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành; thời gian từ khi đề xuất cho đến khi khởi công dự án kéo dài; một số hướng dẫn của các bộ, ngành còn chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây các cách hiểu khác nhau khi triển khai.

Tiếp đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư thường chậm; còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được xử lý kịp thời. Nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường tại địa phương. Khi các dự án giao thông triển khai đồng loạt gây khan hiếm về nguồn cung. Trong khi đó, thủ tục cấp phép mỏ mới còn phức tạp, kéo dài qua nhiều khâu, nhiều cấp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Cùng với đó, công tác phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án còn chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền để người dân có sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng còn hạn chế. Đặc biệt, khả năng thu hút huy động vốn tư nhân tham gia đầu tư các dự án giao thông còn thấp, các ngân hàng còn thận trọng trong việc cho vay đầu tư giao thông. Trong khi đó, năng lực quản lý điều hành của các chủ đầu tư còn chưa đồng đều, một số cần tiếp tục kiện toàn, để đáp ứng yêu cầu khi triển khai các dự án lớn.

Kiên quyết xử nghiêm các chủ thể làm dự án chậm tiến độ

Tại hội nghị, các đơn vị liên quan, các địa phương chia sẻ kinh nghiệm về lập dự toán, khảo sát hiện trường dự án; công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng; về nâng cao vai trò và trách nhiệm, công tác phối hợp…

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (được giao quản lý, triển khai các dự án cao tốc: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu…) cho biết, do được hưởng chính sách đặc thù nên phần lớn các dự án tại khu vực ĐBSCL được chỉ định thầu; được chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ; nguyên tắc không chia nhỏ các gói thầu. "Nhu cầu cát xây lắp thi công tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau lên đến 18 tỷ m3. Hiện nguồn vật liệu (cát sông) đang rất khan hiếm nên ảnh hưởng đến tiến độ. Dự án đang tiến hành thử nghiệm sử dụng cát biển để thay thế, nếu thấy phù hợp sẽ được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới", ông Thi thông tin.  

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP Hà Nội đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng 4 nhóm giải pháp chính cho công tác GPMB. Đó không chỉ là tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập; triển khai đồng thời với công tác GPMB một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB để các địa phương tổ chức thực hiện. Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp với dự án đầu tư được duyệt. Rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện GPMB khu tái định cư (nếu có).

Đồng thời, TP Hà Nội đã căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013) để ứng vốn cho việc bồi thường, GPMB; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện GPMB, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm. Cuối cùng là để tăng tính chủ động của địa phương, TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ GPMB trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương. Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, hiện tại khối lượng GPMB dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công (vượt chỉ tiêu 10%). GPMB đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.

Nhìn nhận lại vấn đề, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Chính phủ, các Bộ, các địa phương đã có những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt, như phân cấp phân quyền, giao địa phương quản lý dự án nhằm phát huy nguồn nhân lực, nâng cao và gắn trách nhiệm Trung ương, địa phương… nên tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đã được đẩy lên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, theo kế hoạch được Chính phủ giao, cần có giải pháp mới hơn, cách làm hay hơn, làm chuyển biến các dự án. Đó là đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật công trình, môi trường, an ninh trật tự và kết quả cuối cùng là đạt hiệu quả đầu tư cao nhất khi đưa vào sử dụng.

Song hành với đó, Bộ GTVT cũng tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đồng thời làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, bãi đổ thải,…

Bộ GTVT tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ định kỳ và đột xuất; đồng thời nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có dự án chậm tiến độ. Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu xây dựng tiến độ tổng thể, chi tiết; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng tuần/tháng; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: Cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng; đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng.

Phạm Huyền
.
.