Tuyến metro số 1 dùng robot đào ngầm với công nghệ hiện đại

Chủ Nhật, 28/05/2017, 08:32
Sau lễ khai trương, ngày 27-5, robot TBM (hay còn được gọi là máy khoan nằm ngang hoặc khiên đào) với chiều dài lên đến 70m, nặng 300 tấn đã chính thức tiến hành việc đào đường hầm xuyên lòng đất để làm đoạn chạy ngầm của tuyến metro tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP Hồ Chí Minh.

Theo Giám đốc BQL dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Dương Hữu Hòa, robot TBM được sản xuất tại Nhật, trị giá khoảng 4 triệu USD, được vận chuyển về TP Hồ Chí Minh và lắp ráp xong vào tháng 3 vừa qua. Robot TBM sẽ thực hiện đào đoạn đường hầm dài 781m, kết nối với đoạn đang thi công đào hở ở hai đầu nhà ga Nhà hát thành phố và Ba Son. 

Với khả năng đào đất an toàn và tạo ra vách tường của hầm dưới độ sâu 17m, đường kính đào là 6,79m - lớn nhất cả nước từ trước tới nay, TBM sẽ làm việc 3 ca liên tục không bị ảnh hưởng thời tiết nên mỗi ngày TBM sẽ đào được 12m. 

Do đó, dự kiến đến tháng 12, sau khi hoàn thành việc đào đường ngầm kết nối từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố, robot TBM sẽ được tháo dỡ, vận chuyển về lại ga Ba Son để tiếp tục khoan hầm phía Tây chạy song song đến ga Nhà hát thành phố trong tháng 6-2018 để tạo thành 2 ống hầm đơn tại đoạn này.

Lắp đặt robot TBM để chuẩn bị đưa vào thi công. 

Theo một số chuyên gia về hạ tầng giao thông, chiều dài đường hầm ngầm của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên lên đến 2,6km, việc liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda đưa robot vào đào dù phải chi phí lớn ban đầu nhưng sẽ phát huy hiệu quả cao. Việc đào, vận chuyển đất và tạo ra lớp vỏ hầm được thực hiện trong một quy trình khép kín sẽ đảm bảo chất lượng và không gây ảnh hưởng đến hạ tầng đô thị.

Đến thời điểm này, nhanh nhất trong số 5 gói thầu của tuyến metro số 1, gói thầu 1B thi công đoạn đi ngầm từ ga nhà hát thành phố đến ga Ba Son đã đạt 45% khối lượng; gói thầu số 2 thi công đoạn đi trên cao và ga depot đã đạt khối lượng 67%. Công trình ga Nhà hát thành phố đã hoàn thành 64% và ga Ba Son đạt 46% khối lượng thi công. 

Tuy nhiên, theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng BQL đường sắt đô thị thành phố, lượng vốn được phân bổ gần đây không đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, nhu cầu vốn của tuyến metro số 1 trong năm nay được dự toán là 5.400 tỷ đồng, nhưng dự án chỉ được duyệt khoản vốn hơn 2.100 tỷ. 

Với số vốn này, Ban quản lý dự án sẽ phải chi khoảng 600 tỷ để trả khoản nợ từ năm ngoái, phần còn lại chi trả cho nhà thầu từ đầu năm đến nay nên nguồn vốn để duy trì tiến độ thi công, bảo đảm tiến độ dự án này gặp không ít khó khăn.

Cũng theo đại diện BQL đường sắt đô thị, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên  dự kiến sẽ được kéo dài đến địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai với tổng chi phí khoảng 2.100 tỷ đồng. 

Hiện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã cam kết tài trợ khoảng 100 triệu USD để đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 đến 2 tỉnh lân cận trên. Đồng Nai và Bình Dương đã có văn bản đề nghị thành phố hỗ trợ thực hiện đoạn tuyến kéo dài này với cam kết sẽ đầu tư chi phí giải phóng mặt bằng. 

Mặc dù dự án kéo dài tuyến vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị. Song nếu được thực hiện, tuyến metro số 1 hứa hẹn sẽ tăng lưu lượng khai thác hành khách, giảm áp lực giao thông, kéo giãn dân thành phố về phía Đông trong quá trình khai thác.

Bảo Sơn
.
.