Ngăn vi phạm ATGT: Phải xử lý người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ

Chủ Nhật, 05/05/2019, 08:24
Chỉ đạo trên được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đưa ra tại buổi giao ban công tác tháng 4, triển khai công tác tháng 5 của Bộ.


Cho rằng tình hình TNGT trong tháng 4 diễn biến rất phức tạp, Bộ trưởng yêu cầu Ủy ban ATGT quốc gia, Vụ ATGT cần tiếp tục đề xuất các giải pháp hiệu quả, linh hoạt. “Tình hình đảm bảo ATGT 3 tháng đầu năm rất tốt, nhưng sang tháng tư, diễn biến phức tạp. TNGT tăng cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Các đồng chí cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, trong đó có giải pháp xử lý cán bộ, người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ. Phê bình, kiểm điểm miệng thôi chưa đủ”, Bộ trưởng gợi ý. 

Đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu các vụ TNGT tài xế sử dụng rượu, bia, chất kích thích vẫn tham gia giao thông, Bộ trưởng nêu rõ: "Các đồng chí thấy cần bổ sung quy định gì, giải pháp nào để khắc chế hiệu quả tình trạng này cứ tham mưu, lãnh đạo Bộ sẵn sàng ủng hộ. Việc gì có lợi cho người dân, giúp đảm bảo ATGT thì phải tận sức làm. Phải có chế tài nghiêm mới ngăn chặn được vi phạm quy định về ATGT".

Trước đó, báo cáo nhanh về công tác đảm bảo ATGT, Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, 4 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 5.453 vụ TNGT, làm chết 2.570 người, bị thương 4.179 người. 

So với 4 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 567 vụ (giảm 9,42%), số người chết giảm 218 người (giảm 7,82%), số người bị thương giảm 457 người (giảm 9,86%). Riêng tháng 4-2019, cả nước xảy ra 1.423 vụ, làm chết 665 người và làm bị thương 1.038 người. So với tháng 4-2018, tăng 77 vụ (tăng 5,72%), tăng 26 người chết (tăng 4,07%), tăng 29 người bị thương (tăng 2,87%).

Cùng thời gian này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là không sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. 

CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý lái xe khách vi phạm trên tuyến. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần xây dựng nội dung tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú; trong đó CBCNVC trong ngành GTVT phải tăng cường sử dụng các trang mạng xã hội (như: facebook, zalo, viber...) với các logo (biểu trưng) sinh động để tuyên truyền đến người thân, người dân về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Vụ ATGT và các đơn vị có liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016 của Chính phủ, nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. 

“Tổng cục Đường bộ VN cũng phải phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng công chức thanh tra giao thông, thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến tại các bến xe, đầu nguồn hàng; Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, ATGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện”, Bộ GTVT yêu cầu.

Bộ GTVT cũng đề nghị Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia khẩn trương phối hợp với các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ năm 2019 và kỳ cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2020. 

“Ủy ban ATGT Quốc gia cần vận động các đơn vị, DN hỗ trợ cung cấp tài liệu (video clip, tờ rơi…) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” cho các cơ quan, đơn vị thành viên và Ban ATGT các địa phương để xây dựng một môi trường giao thông văn minh, an toàn”, Chỉ thị nêu.

Bốn dự án giao thông lớn hoàn thành trong quý II-2019

Cũng trong buổi họp giao ban, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Lê Kim Thành cho biết, theo kế hoạch, quý II/2019, có 3 dự án đăng ký khởi công và 4 dự án khác được hoàn thành. 

Cụ thể, 3 dự án dự kiến khởi công gồm: mở rộng các cầu trên QL1 qua Tiền Giang; một số cầu dân sinh và đường địa phương (LRAMP); mở rộng tuyến nối QL1 đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường ven biển phía Nam (QL40). 

4 công trình giao thông dự kiến hoàn thành gồm: đường HCM đoạn tránh Chư Sê, Gia Lai (sản lượng đạt 97%, đã cơ bản hoàn thành, hiện đang thi công hệ thống ATGT); đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (cơ bản hoàn thành các hạng mục chính để đảm bảo vận hành khách khai thác); cầu Vàm Cống (đã hoàn thành công tác sửa chữa và kiểm định thử tải toàn cầu, hiện đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu nhà nước). 

Cuối cùng, dự án nâng cấp một số đoạn trên QL26 đoạn qua Khánh Hoà, Đắk Lắk.

Phạm Huyền
.
.