Nỗi lo mất an toàn lao động tại các công trình giao thông:

Bài cuối: Tìm cách giải bài toán khó

Thứ Sáu, 22/05/2015, 08:11
Sau rất nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra ở các công trường công trình giao thông, không ít người cho rằng đó là lỗi chủ quan của con người, song cũng có nguồn dư luận đặt câu hỏi, liệu áp lực về tiến độ có khiến đơn vị thi công không có đủ thời gian để sát sao về các quy chuẩn an toàn? Dù là nguyên nhân gì, thì chúng ta đều thấy rằng, tai nạn xảy ra là điều không thể chấp nhận được. Nhưng làm gì để không tái diễn những vụ tai nạn tương tự, là bài toán đau đầu với cơ quan chức năng.
>>Bài 2: Đêm không yên tĩnh trên công trường thi công đường sắt đô thị

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tuy nhiên trong năm 2014, toàn ngành GTVT vẫn xảy ra 123 vụ tai nạn lao động, làm 15 người chết. Các vụ tai nạn tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực hàng hải, cơ khí đóng tàu và công trình giao thông.

Còn nhớ, tại một cuộc phát động về an toàn lao động trong ngành giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, yếu tố quan trọng góp phần thực hiện công trình theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, đó là phải làm tốt công tác ATLĐ trong quá trình thi công. 

Để hiện thực hoá mục tiêu này, Thứ trưởng Trường yêu cầu các Ban QLDA, nhà đầu tư chỉ đạo nhà thầu xây lắp, TVGS, đặc biệt là người lao động trên tất cả các công trình giao thông, tuân thủ nghiêm các quy định về ATVSLĐ-PCCN trong quá trình thi công.

Đặc biệt, đối với các nhà thầu xây lắp cần trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân cho người lao động, thi công theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra việc sử dụng, bảo dưỡng máy móc thiết bị thi công, bố trí và sử dụng người lao động đúng quy định về thời gian làm việc và nghỉ ngơi,…

Trước câu hỏi, liệu chúng ta có thể loại trừ hết các sự cố không, ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Thương binh và xã hội nhấn mạnh rằng: Điều này không phải dễ dàng gì. Trách nhiệm của chúng ta là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, để không xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Nếu có xảy ra sự cố, thì ít nhất không làm ảnh hưởng đến con người lao động, người dân xung quanh.

Để làm được điều này, ngoài việc tập trung quản lý công trình, phải tăng cường công tác giám sát an toàn, phải có rào chắn an toàn, đủ để người dân không thể thâm nhập vào khu vực nguy hiểm đấy. Có như vậy mới đảm bảo an toàn được.  Mặt khác, ngay từ khâu triển khai dự án, lựa chọn các nhà thầu phải rất khoa học, rất chỉn chu, để khi họ bắt tay vào thi công, họ đủ thời gian để thi công những công trình đó đúng tiến độ, họ cũng có đủ năng lực và chuyên môn để đảm bảo vấn đề an toàn kỹ thuật thì mới thực sự an toàn.

Cùng với đảm bảo an toàn trong công trường, cần quan tâm các tuyến đường xung quanh.

Theo PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng), thi công bất kỳ nơi nào chúng ta phải đặt an toàn là trên hết, không chỉ cho công nhân, công trình, mà còn đảm bảo cho đối tượng thứ ba. Thi công đường sắt đô thị thì không thể cấm bà con không được tham gia giao thông, nên phải quan tâm đến bối cảnh giao thông đô thị khi lập phương án tổ chức thi công.

Thi công các công trình trong đô thị thì cần có các yêu cầu đảm bảo an toàn cho  đối tượng thứ ba là người tham gia giao thông. Biện pháp thi công phải tính toán chi tiết các công việc thi công có ảnh hưởng tới sự hoạt động bình thường trong các đô thị. Mọi người dân đều ủng hộ việc xây dựng các công trình để phát triển đô thị, nhưng cũng không vì thế mà sẵn sàng chịu đựng các rủi ro.

Vì vậy nhà thầu phải có các giải pháp phòng tránh, tổ chức thi công hợp lý sao cho giảm thiểu thấp nhất các ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động của đô thị. Ví dụ: Các công việc cẩu lắp, vận chuyển … có nguy cơ mất an toàn khi thực hiên tại các thời điểm mật độ giao thông cao nhất. Và như vậy, biện pháp thi công công trình giao thông trong đô thị khác với việc thi công các công trình ngoài đô thị và các chi phí phải lớn hơn.

Còn để hạn chế tai nạn lao động tiếp diễn trên các công trình này, thì cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia dự án. Tập trung kiểm tra xem tư vấn, nhà thầu thi công đủ năng lực không, các giải pháp đảm bảo ATLĐ có không và vận hành trong thực tiễn ra sao?

Chính quyền các địa phương mà công trình đang thi công có nghĩa vụ giám sát, phát hiện,  thông báo kịp thời và theo dõi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp kiểm tra, ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Nhân dân cũng cần tham gia vào quá trình này trong vai trò giám sát cộng đồng. Không ai đứng ngoài cuộc, nhưng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền TP Hà Nội phải chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra này. Chủ đầu tư phải kiểm tra giám sát an toàn công trường, giám sát các nhà thầu thi công thực hiện các biện pháp an toàn được lập và chịu trách nhiệm về các sự cố mất an toàn xảy ra trên công trường do không có biện pháp kiểm tra thích hợp.

Đứng về phía quản lý nhà nước, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết: Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ có tham mưu bằng văn bản, Cục đang trình xin Bộ trưởng văn bản chỉ đạo cho tất cả các dự án đường sắt nói chung, tất cả các công trình đang thi công trên các tuyến đường giao thông hiện có.

Thứ nhất, các công trình vừa khai thác, vừa thi công thì cần phải thường xuyên đảm bảo an toàn lao động, chứ không phải ngày 1, ngày 2. Tiếp đến, hàng ngày đi vào ca kíp, trưởng ca, trưởng kíp, đội trưởng phải tập hợp công nhân lại nhắc nhở mấy phút đầu trước khi vào ca, vào kíp, như vậy sẽ tăng thêm tính hiệu quả khi tham gia lao động.

Để đạt được hiệu quả, ông Sanh cho rằng, tất cả các quy định, chỉ đạo phải được thực hiện hết sức nghiêm khắc, tuân thủ nghiêm khắc các quy trình thủ tục, quy định về vấn đề tổ chức sản xuất thì mới có hiệu quả.

Thế nhưng, qua những sự cố vừa rồi, có thể thấy, hiệu quả của việc áp dụng các quy định còn quá thấp. Cục sẽ tiếp tục nhắc lại văn bản, rà soát lại xem có còn quy định nào thiếu hay không? Nếu kiểm tra thấy lỗi mà chỉ đạo rồi, kiểm tra rồi mà vẫn thiếu thì sẽ phải bổ sung.

Phạm Huyền
.
.