Hẻm cầu con ở Sài Gòn: Những nỉ non thiết tha huyết thống

Chủ Nhật, 24/11/2019, 09:35
Có người gọi con hẻm nhỏ vừa lụp xụp vừa xiêu vẹo ấy là “hẻm hiếm muộn”, 'hẻm cầu con", cũng có người gọi là “hẻm bà bầu”, cũng có người bảo là “xóm chờ đẻ”.... Hỏi tên như thế nào cũng có người biết, chỉ vào tận nơi vì ở đây tập hợp những phụ nữ từ khắp nơi đến thuê trọ để chữa vô sinh.


Xóm trọ hiếm muộn nằm trên đường Cống Quỳnh, sát Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) một trưa nắng gắt, các chị em vừa ăn chung với nhau bữa cơm, cạnh đó những thân nhân nằm giải khuây bằng chương trình truyền hình.

Hẻm hiếm muộn lụp xụp và xuống cấp.

7 năm khao khát một lần nghe tiếng gọi “mẹ ơi!”

Sau đám cưới, như bao cặp vợ chồng khác, vợ chồng chị Lê Thị Hoàng Anh (Phù Cát, Bình Định) mong sớm sinh con đầu lòng. Nhưng càng mong lại càng không thấy... 3 năm chờ đợi vẫn không có tín hiệu mừng nên vợ chồng chị đã tìm đến các cơ sở y tế để khám. 

Sau thăm khám, bác sĩ kết luận chị Hoàng Anh bị buồng trứng đa nang mà tinh trùng của chồng chị lại yếu, cả hai vợ chồng cùng phải điều trị lâu dài thì mới có thai được. Lại thêm 3 năm vừa đi làm, vừa dành dụm dồn hết cho việc thăm khám, chữa hiếm muộn cho cả hai vợ chồng nhưng đều không có dấu hiệu khả quan. 

Tháng ngày trôi đi, niềm mong ước, khát khao có một mụn con vẫn chỉ là mong ước. Cuối cùng, họ chọn cách thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ. Dẫu được tư vấn rất kỹ, cũng như biết nhiều thông tin từ các cặp vợ chồng từng sử dụng cách này chia sẻ nhưng chị Hoàng Anh vẫn không thể tránh khỏi tâm trạng chán nản, có khi tuyệt vọng muốn buông tay khi cấy phôi lần thứ 5 vẫn không thành công.

Lần thứ 5, chụp que thử thai đã 2 vạch, một vạch rõ - một vạch mờ, gửi cho em gái xem cùng với niềm vui khôn xiết “Chị đậu rồi em ơi!” nhưng chỉ mấy ngày sau khi em gái nhắn tin thăm hỏi, chị buồn đến mức không trả lời. Phôi thai đã tuột ra ngoài. Bây giờ, chị kiên nhẫn đợi chờ kết quả của lần thứ 6.

Viện sản Từ Dũ lớn nhất nhì đất nước có nhiều nỗi niềm hiếm muộn tá túc kề bên. 

Mẹ chồng chị Hoàng Anh là một nhà giáo về hưu, theo chị, bà tuy cũng hiểu và thông cảm cho con dâu nhưng khát khao có cháu nối dõi tông đường khiến bà sốt ruột không tả nỗi, năm thứ nhất bà cười hiền nhìn con dâu bảo hai vợ chồng cứ từ từ mà liệu. Năm thứ hai bà khuyên sinh cháu cho bà ẵm bồng được rồi. Sang năm thứ ba, bà sốt ruột bảo cũng đã đến lúc đẻ rồi chứ... 

Rồi từ khi biết cả hai vợ chồng đều mắc chứng hiếm muộn, bà buồn phiền đến đau lòng, có hôm ngồi suốt trong phòng khấn vái tổ tiên, có khi nghĩ ngợi buồn rầu sinh bệnh. Ai chỉ thầy đâu đâu bà cũng tìm hỏi cặn kẻ rồi bắt buộc hai con phải đến khám. 

Uống dăm mười thang thuốc cũng không khá gì hơn, bà lại tự chẩn trị cho con bằng cách mỗi sáng mỗi tối đều pha lòng đỏ trứng gà và mật ong để các con uống. Cái mùi ngờ ngợ tanh tanh cố cũng có thể nuốt nhưng cảm giác tủi thân khi nhìn mẹ chồng nửa cảm thông nửa như trách cứ khiến chị thu mình lại lầm lũi mỗi ngày.

"Nhiều lúc thèm được chơi với trẻ nhỏ quá, hai vợ chồng lại sang đưa cháu con em gái 4 tuổi đi chơi. Dì dượng tung tăng vui vẻ mà người ngoài nhìn cứ tưởng là bố mẹ. Lúc ấy, mình lại khao khát nghĩ đến ngày mình có thể thông báo tin vui với tất cả mọi người. Hẳn đây sẽ là một ngày vô cùng trọng đại. Mình đang mong đợi ngày ấy đến lắm, 7 năm rồi mình luôn khao khát tiếng gọi “mẹ ơi!””... Chị Hoàng Anh tay sờ sờ xuống bụng, mắt âu yếm đầy hy vọng vào lần cấy phôi thứ 6 này.

Bữa ăn của các bà bầu trong “ngôi nhà chung”. 

Nằm trên chiếc giường nhỏ kê liền kề nhiều chiếc giường khác cũng nhỏ bé ngăn bằng một tấm mành, bên trái một chị ở miền Tây sông nước Cần Thơ đang chờ tới ngày vô thuốc lần 3 vẫn thường chia cho chị một ít trái cây miệt vườn; một bà mẹ đang nuôi con sinh thiếu tháng vẫn hay ngồi kể lể các câu chuyện quê miền Trung; một anh chồng lớn tuổi vẫn chưa biết mùi làm bố một lần nào lóng ngóng, thập thò ngó trước ngó sau rồi mới dám bước vào phòng các chị phụ nữ để mang cơm nước cho cô vợ nằm giường trong cùng... 

Trong căn phòng nhỏ bé, ô cửa sổ hờ hờ những vệt nắng xuyên ngang. Tấm mành mỏng manh che hờ trên chiếc giường, những người phụ nữ bơ phờ, hốc hác như người mất hồn. Căn phòng từng có rất nhiều phụ nữ đi chữa hiếm muộn, đến đến đi đi, thuê thuê trả trả, được được mất mất diễn ra mỗi ngày. Số người có tin vui chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không khí u ám, buồn bã, ủ đột bao trùm. Không có tiếng cười, chỉ nghe tiếng thủ thỉ có khi là từ cuốn kinh cầu nguyện, có khi là tiếng gõ mõ đều đều. 

Họ đều không còn trẻ nữa, mỗi ngày trôi đi là một hy vọng tan theo mây khói, họ đang chạy đua với thời gian trong cuộc trường chinh vĩ đại này. Những đường chạy không bằng phẳng trơn tru và vận động viên trên đường chạy ấy nặng trĩu một nỗi lòng được nghe tiếng khóc trẻ thơ. Mỗi người mỗi quê, mỗi thân phận một hoàn cảnh, mỗi hoàn cảnh là cả chuỗi chuyện buồn. Họ đến ở “ngôi nhà chung” nơi đây với cùng mục tiêu duy nhất là tìm con.

Bên trong một buồng trọ tá túc lâu dài. 

“Tam niên vô tử bất thành thê”

“Tam niên vô tử bất thành thê” là câu nói mà anh Tuấn (33 tuổi, Châu Thành A, Cần Thơ) phải nghe nhiều nhất mỗi lần cha mẹ gọi anh lên phòng nói chuyện riêng khi đã cưới 3 năm mà vợ anh vẫn chưa mang thai.

Anh Tuấn quen chị từ hồi sinh viên, rồi ra trường đi làm 6 năm mới kết hôn. Vợ anh Tuấn mắc chứng tử cung lạnh bẩm sinh, có thai 2 lần nhưng đều sảy. Tâm trạng chán chường và u uất khi gia đình anh không giấu vẻ suốt ruột mong có cháu ẵm bồng khiến chị bị trầm cảm rồi từ đó không mang thai được thêm một lần nào nữa. Thương chị, anh vừa vỗ về mẹ ruột, vừa săn sóc vợ, tìm cách chữa trị cho vợ. Sau cùng, vợ chồng anh Tuấn nghe lời chị gái là bác sĩ khuyên nên đi thụ tinh nhân tạo.

Anh Tuấn là một trong những người đàn ông hiếm hoi theo chăm sóc vợ ở khu hiếm muộn này. Trong khi vợ anh ái ngại, từ chối tiếp chuyện thì anh lại rất cởi mở và thân thiện chia sẻ mọi thứ. 

Thời gian rảnh, anh tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe sinh sản, về chứng vợ anh đang mắc phải. Anh có thể nói rất rành mạch rằng theo y khoa, ngoài nguyên nhân do cơ địa của từng người (cả nam và nữ) còn có các yếu tố bên ngoài là nguyên nhân làm xấu đi sức khỏe sinh sản: ô nhiễm môi trường, sử dụng các loại hóa chất độc hại, phung phí sức khỏe khi sử dụng rượu bia, thuốc lá thái quá, căng thẳng trong cuộc sống... Các yếu tố trên làm cho cả hai vợ chồng bị suy giảm chức năng sinh sản. 

Bởi đọc nhiều và tìm hiểu những số phận trong các con hẻm quanh Bệnh viện Từ Dũ, anh hiểu rằng áp lực của phụ nữ hiếm muộn thường phải chịu nhiều hơn so với nam giới, áp lực ấy đến từ nhiều phía: bản thân chị, ở anh những lúc ơ hờ, từ gia đình anh, bạn bè, đồng nghiệp rồi dư luận xã hội. 

Đặc biệt nhất là áp lực mong có con có cháu từ phía nhà chồng. Nếu chồng là con một như anh thì càng ám ảnh đến tâm lý của những người phụ nữ hiếm muộn hơn. Đã có những trường hợp bị gia đình chồng gây áp lực để vợ chồng phải bỏ nhau bằng nhiều lý lẽ, lễ giáo, định kiến... 

Mỗi lần đọc báo thấy những bi kịch chia lìa do không thể sinh con khiến lòng anh sợ hãi. Anh tâm sự, nếu không nhờ tình yêu của hai vợ chồng quá lớn, có lẽ bây giờ đã đường ai nấy đi.

Một phòng trọ khá hơn, tươm tất hơn thì có giá cao hơn, ít người đủ tiền thuê.

Lần đầu thực hiện và được bác sĩ chuyên khoa thông báo là tiến triển tốt, có khả năng thành công rất cao. Anh và chị nán lại thêm tuần nữa, nếu không có gì khác sẽ về quê, chị nghỉ hẳn việc để dưỡng. Anh không giấu được xúc động khi kể, bởi anh là con trai một nên mẹ anh rất lo lắng về đứa cháu đích tôn, chuyện hương hỏa gia đình, bà sốt ruột cũng đúng thôi. 

Anh nhiều lần “huy động lực lượng” cả mấy chị em gái ở nhà thuyết phục mẹ tin anh chị sẽ sinh được cháu, khuyên mẹ đừng khó chịu để vợ anh thêm buồn lo, trầm cảm, ảnh hưởng đến việc mang thai. Mẹ anh rồi cũng hiền hòa nhắn nhủ qua chị gái “sao cũng được, miễn là có cháu cho mẹ...”. 

Trông anh loay hoay với rất nhiều đơn thuốc, chạy ra chạy vào hỏi những dì, cô đi nuôi đẻ xung quanh cách chăm sóc bà bầu, nghe say mê như nuốt từng lời. Anh còn tải cả ứng dụng theo dõi thai kỳ trên điện thoại để tiện ghi chú, chăm sóc vợ, trông vừa đáng yêu, vừa xúc động. Buồn cười nhất là anh đã đi mua tã lót, áo quần sơ sinh cả gói đầy khi em bé vẫn còn... trong phôi.

Nằm trung tâm thành phố nhưng lọt thỏm giữa những hàng cây xanh, những dòng người xe tấp nập, những tòa nhà cao ngút và cũng như nép mình vào bệnh viện sản lớn nhất nhì cả nước, nơi đây là chốn nương náu của những người khát con từng giờ từng phút. 

Có người vượt đường sá xa xôi cùng chồng săn sóc, có người lặng lẽ bên nguồn động viên tinh thần là mẹ già còm cõi, cũng có người bấu víu trong niềm tin là ánh mắt, nụ cười của bác sĩ khi báo một tin tốt lành, khả quan, dù cô quạnh một mình, họ cũng đủ thấy bằng lòng. 

Những người tá túc trong con hẻm hiếm muộn ấy, dường như ai cũng nghèo nhưng nghèo không thể ngăn được khát khao được làm mẹ của họ.

Hành trình đi tìm con của những người nghèo

Ở quê, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo là thợ may. Chị có một tiệm may nhỏ cùng với chồng làm thợ điện, thu nhập của cả hai vợ chồng cũng chỉ đủ qua ngày. Anh chị vẫn dành dụm một khoản tiền để đi làm thụ tinh nhân tạo, trước khi cưới, anh bị tai nạn gây hiếm muộn. 

Ban đầu, đi tới quyết định kết hôn, vợ chồng chị Thảo đã nghĩ đến chuyện xin con nuôi, bởi nghe thụ tinh nhân tạo rất tốn kém. Nhưng rồi thời gian chung sống, anh chị lại thay đổi quyết định, bởi chị tâm sự thật lòng vẫn muốn một đứa con do chính mình sinh ra. 

Tích cóp được hơn 40 triệu, vay thêm ngân hàng 30 triệu, vợ chồng anh chị vào TP Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ tay bế tay bồng. Suốt quá trình vào thuốc và theo dõi, anh chạy đi chạy về vì bận công tác, chị ở lại một mình sinh hoạt cùng những người phụ nữ khát khao làm mẹ khác, các chị yêu thương, san sẻ với nhau từng câu chuyện, từng miếng ăn, từng ly nước uống, từng ước muốn và cùng nguyện cầu cho nhau chạm được vào ước mơ có một mụn con.

Chủ nhà thu tiền ngày, cứ mỗi sáng sẽ đến từng giường thu mỗi người 200 nghìn đồng, ở ngày nào tính ngày đó. Chị ở được 2 tuần rồi, thêm ăn uống và lặt vặt xung quanh, tằn tiện tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Tuy vậy, ai cũng nhắc nhở nhau đảm bảo đủ dinh dưỡng mới dễ đậu thai. Tội nhất là những người đi theo cùng để nuôi. 

Có lần chị chứng kiến cảnh bà mẹ ăn vội nắm xôi đậu bên ngoài phòng trọ rồi mang thức ăn dinh dưỡng vào cho con gái, ấy vậy mà khi cô con gái hỏi mẹ đã ăn gì chưa, bà bảo ăn phở ở đầu hẻm rồi. 

Một hôm khác, chồng chị đi mua cơm thấy ba cụ cứ nài nỉ bán phần cháo 10 ngàn cho bà thôi nhưng bà chủ quán dứt khoác không chịu bán vì mỗi hộp đã có sẵn giá là 20 ngàn. Anh trả giúp tiền phần cháo. Mấy hôm sau bà cứ năn nỉ gửi tiền lại vì hôm ấy nhà chưa gửi tiền vào kịp. Anh chị bảo có gì đâu, một chút xíu tình.

Quê ở Thanh Hóa nhưng bà Vũ Thị Hạnh lại tay xách nách mang đưa con gái vào đây để làm thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng. 

Bà nghe ai đó mách rằng ở đường Mai Thị Lựu (Q1, TP Hồ Chí Minh) có chùa Phước Tự mà người ta vẫn thường gọi với tên kính cẩn là chùa Ngọc Hoàng, nơi đây được nhiều người truyền rằng rất linh ứng cho các cặp đôi cầu xin con cái. 

Những người đến đây cầu con thường mua một đôi rùa, viết tên hai vợ chồng lên rồi thả xuống bể, người ta tin rằng nếu cặp rùa này sinh đẻ thì càng linh thiêng. 

Bà Hạnh lặn lội đón xe buýt đi từ bệnh viện xuống chùa, rồi từ chùa đón xe buýt về lại bệnh viện. Bà không biết chữ, bà nhờ người bán rùa viết giùm tên con gái và tên con rể vào lưng rùa.

Những ngày mới lưu lại đây, hai mẹ con chỉ dám ở căn nhà trọ bình dân đang xuống cấp giá 70 nghìn đồng mỗi ngày, mùi ẩm mốc xộc lên mỗi khi mưa dầm, nền gạch lô nhô những mép nhọn rất nguy hiểm. Ban đầu nghĩ ở vậy để tiết kiệm, bởi gia đình có bao nhiêu tiền đều đổ dồn dành dụm lo việc cho con mang thai. 

Nhưng được mấy hôm, không chịu nỗi đành dọn qua căn nhà chung hiện tại ở với các “chị em hội bầu”. Một phòng 6 giường giá 200 ngàn đồng một người, giường được nằm 2 người. Tốn kém hơn chút nhưng hai mẹ con bà Hạnh đều ráng để có kết quả tốt nhất.

“Cái Phúc là con gái út của nhà tôi, vợ chồng tôi cưng nó lắm. Nó lấy chồng đã hơn 5 năm vẫn chưa sinh đứa con nào, đi khám bác sĩ thì biết được nguyên nhân là do phía chồng nó. Dù thực tế là vậy nhưng nó lại sống trong sự giày vò của mẹ chồng và chị chồng”. Thương con, bà Hạnh quyết định bán mẫu rẫy đang canh tác dở để lấy tiền cho con gái đi thụ tinh nhân tạo. 

“Con rể tôi im lặng khi vợ nó nói đến chuyện này nhưng gia đình chồng nó đều tỏ ra không thích điều đó, họ nhiều lần lớn tiếng sỉ vả, kể ra thì xấu hổ nhưng thương con, cũng mong cho nó trọn vẹn một mái ấm với chồng, tôi đành cố vậy. Con mình, mình thương!”. Bà ngân ngấn, cố kìm dòng nước mắt kể.

Vẻ quê mùa đơn sơ của một phụ nữ nông thôn hiền lành, khắc khổ của bà Hạnh khiến người nghe câu chuyện không ai không cảm thương. Những người phụ nữ quê ấy, họ chưa từng gánh vác điều gì to tát, họ chưa phải trải qua việc gì lớn lao. Họ cũng bình lặng đời thường với ruộng đồng, bếp núc... Nhưng bên trong họ luôn tiềm ẩn một vũ khí phi thường và mạnh mẽ, đó là tình mẫu tử. 

Nếu trên đời này có một người nào đó vì bạn mà trèo non lội suối, vì bạn mà băng núi vượt rừng, vì bạn thậm chí hy sinh tất cả, thì chỉ có thể đó là mẹ. 

Và nếu có ước mơ kỳ vọng nào lớn lao nhất, sâu đậm nhất dành cho con, tôi nghĩ đó là nỗi mong cho con mình được hạnh phúc hoặc đơn giản nhất là mong sao cho đứa con gái của mình được trở thành một người mẹ như mình đã từng. 

Và nếu, những người phụ nữ khắc khổ đang “chờ tới lượt làm mẹ” nơi đây may mắn vuông tròn, có lẽ họ cũng sẽ yêu con mình bằng tình yêu như thế thôi. Bao dung và vĩ đại.

Có một chương trình truyền hình thực tế của Hàn Quốc tên là “Dad! Where Are We Going?” được mua bản quyền tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam với tên gọi “Bố ơi! Mình đi đâu thế?”. 

Ở phiên bản gốc, tôi có xem một tập đặc biệt xúc động, ông bố cùng đứa con yêu của mình được cột vào bụng một bong bóng bơm căng tràn nước. Họ phải đi đứng, sinh hoạt, làm các công việc thường nhật với quả bóng ấy và giữ làm sao cho quả bóng không bể, nước không đổ ra ngoài. Thời lượng 60 phút của thử thách (đương nhiên là có qua cắt dựng) cả 5 ông bố và các bé không ai giữ được quả bóng nước còn nguyên vẹn. 

Khi người dẫn chương trình có hỏi về sự khó khăn ấy, mỗi ông bố trả lời một kiểu, mỗi em bé trả lời một cách nhưng đều vô cùng khó khăn. Khi ấy, người dẫn mới giải thích, sở dĩ có thử thách này là để các bố con hiểu được một bà mẹ phải đeo lủng lẳng bụng bầu suốt gần 10 tháng không phải là chuyện dễ dàng. 

Như quả bong bóng nước vô tri vô giác thì còn đỡ, còn cưu mang một sinh linh là cả quá trình dài đầy khó khăn, có hạnh phúc nhưng không thiếu những nỗi gian truân, đắng cay, vất vả, phải chịu đựng, phải đánh đổi bằng nhiều thứ, có khi là bằng cả tính mạng của người phụ nữ.

Tình người ở hẻm cầu con

Chị Bảo Lan năm nay 42 tuổi (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), chị "đóng đô" ở xóm hiếm muộn này được gần 3 năm, "ngốn" không biết bao nhiêu tiền của của gia đình chị, gia đình nội ngoại hai bên.

3 năm, chồng chị mới xuống thăm vợ được 2 lần, vì ở trên quê ruộng vườn không có ai chăm sóc. Chị Lan bị tắc ống dẫn trứng, cũng dùng đến phương pháp đặt phôi nhưng mãi mà chưa thành công. 19 năm qua kể từ ngày chị về làm dâu, cả dòng họ bên chồng mòn mỏi chờ mong một đứa cháu, bố mẹ chồng nản quá nhiều lần nặng lời với chị.

Áp lực con cái đè nặng trên vai, chị nuốt nước mắt nói với chồng: "Anh ở nhà lo việc đồng áng và chăm sóc cha mẹ, để em một mình đi tìm con, khi nào tìm được em mới quay về". Rồi như vậy chị Lan ra đi, mang theo nỗi đau nặng nhọc, cả tinh thần lẫn thể xác. Bao nhiêu lần hy vọng rồi lại thất vọng khi cầm kết quả trên tay, nỗi đau quá quen thuộc, nỗi đau lặp đi lặp lại theo một cách tương tự nhau khiến nước mắt chị dường như đã cạn khô, khóe mắt đã chai lì. Chị bình thản đón nhận, rồi lại kỳ vọng tiếp vào lần sau.

Dù vậy, chị chưa bao giờ nghĩ sẽ quay trở về tay không, lời hứa với chồng, với gia đình chồng là danh dự và trách nhiệm thiêng liêng của một người vợ, người mẹ. Thời gian chờ tiêm thuốc, chị Lan nhận đi chợ nấu ăn cho các chị đang nằm cữ ở xóm trọ, chị kiếm được vài ba trăm ngàn một tháng phụ vào tiền thuê giường nằm. Với chị, làm việc để cho đỡ buồn và cũng để quên đi lo lắng. 

Chị lại buồn buồn nói thêm: “Ở đây thường xuyên thấy các cô gái trẻ đi một mình hoặc cùng gia đình đến phá thai, tôi không biết có phải trời cố ý trêu mình hay không. Vì tôi khao khát có một đứa con biết mấy, trời lại không cho...”.

Xóm trọ hiếm muộn kì lạ này nghĩ thì buồn nhưng cũng có những niềm vui bé nhỏ sưởi ấm những số phận. Số phận đẩy đưa con người ta đến đây, mỗi người chia sẻ, chắp vá niềm vui cho nhau, san sẻ những điều khó nói, những dở dang với nhau. Ở đây ai cũng nghèo, chắc chắn rồi vì nếu không nghèo thì chỗ ở của họ là phòng dịch vụ, là nhà trọ cao cấp hơn một chút có gắn điều hòa, là những homestay chuyên phục vụ bà bầu chứ không phải mảng trần nhà xoành xoạch cánh quạt và trở mình giường này phải thật khẽ để không đụng giường khác, gây ảnh hưởng sự tĩnh dưỡng của người kia.

Đến đây, mỗi nhà một ít, mỗi người một nhúm thành ra nghĩa tình. Hễ người này hôm nay ở nhà gửi vào món gì ngon sẽ đem cho “nhà” kia một ít. Ở đây còn có những đồ vật “kỷ niệm” là quà tặng lại của những đôi vợ chồng “thành công mỹ mãn”, hoàn thành nhiệm vụ mang thai, mẹ tròn con vuông, họ tặng lại những món đồ của mình cho những cặp vợ chồng còn ở lại với niềm hy vọng các cặp đôi cùng cảnh ngộ ấy sẽ được cái kết viên mãn như mình. 

Ngoại trừ nỗi đau, ngoại trừ sự bất hạnh, ở họ còn có một điểm chung đó là niềm hy vọng. Niềm hy vọng nuôi nấng người này, an ủi người kia, vực dậy tinh thần cho người nọ. Tất cả các chị em đến đây để quên đi nỗi buồn hiếm muộn đều hy vọng về một đứa con, đó là hy vọng duy nhất khiến họ quên đi cảm giác cô đơn, lẻ loi giữa thành phố đông đúc, xô bồ này.

Bùi Kiều Trang
.
.