Mẹ ơi! Con muốn nói lời xin lỗi (Kỳ 2)

Thứ Bảy, 14/02/2015, 17:05
Tôi đã trở thành một con người khác, tự tay cắt bỏ quá khứ huy hoàng của một cậu ấm quý tử khét tiếng ăn chơi. Tôi mặc đồ bảo hộ lao động, đội cụp mũ lưỡi trai để khỏi ai nhận ra, làm việc cần mẫn chăm chỉ ở hiệu sửa xe máy với mong muốn cuối tháng được cầm những đồng lương về phụ giúp vợ nuôi con.
>> Chuyện khó tin số 222

Kính thưa các anh các chị!

Tôi đã trải qua những ngày tháng nhớ đời, cay đắng tủi hận không thể nào quên được. Lần đầu tiên trong đời tôi nếm mùi hèn hạ của một thằng đàn ông vô dụng, xưa nay chỉ biết ăn bám trong cánh tay của bố mẹ giờ bỗng nhiên bị hất ra đường, không còn ai chở che, nuôi nấng. Thằng đàn ông đã 30 tuổi đầu, có vợ, có con thơ mà không kiếm nổi tiền đưa về nuôi vợ nuôi con, xưa ăn bám bố mẹ, giờ lại tiếp tục ăn bám vợ từ những đồng lương ít ỏi của vợ thật là nhục nhã.

Chút lương tri trong tôi trỗi dậy. Nhìn con thơ nheo nhóc, vợ tiếp tục mang bầu lần thứ 2, tôi biết không còn cách nào khác là phải lao ra đường và kiếm tiền bằng mọi giá để nuôi gia đình mình. Sự lười nhác cố hữu của một kẻ chuyên ăn sẵn trong tôi vẫn còn nhiều, cộng với tính sĩ diện hão trai hàng phố nhà giàu vẫn còn giày vò, cản trở tôi trong những ngày đầu bước ra khỏi nhà. Nhưng không còn đường lùi, vì bao thứ cơm áo réo gọi phía sau, nhà thì thuê, con thơ, tiền không có. Tôi chỉ còn nước nhắm mắt làm bất cứ việc gì có thể. Tôi đến cửa hàng sửa chữa xe máy lúc trước học để phụ việc và tiếp tục học nghề.

Hồi đó, Hà Nội chỉ có vài ba cửa hàng sửa chữa xe máy. Nghề sửa chữa xe máy là nghề có tương lai nhất, kiếm tiền tốt nhất. Tôi gần như trốn hết bạn bè, đi cúi mặt, về cúi tai, tránh tiếp xúc hàng xóm, người quen cũ. Bởi lẽ, tôi sợ đến vãi cả linh hồn khi phải chịu đựng ánh mắt tròn xoe ngỡ ngàng của cô dì chú bác hỏi tại sao con lại thế này, tại sao giờ lại như thế kia, nhà cửa đâu, của cải đâu sao phải đi làm thuê cực khổ như thế. Tôi sợ những ánh mắt cảm thông thương xót của những người chân tình, càng sợ hơn những lời mỉa mai, những ánh mắt cười thầm đắc thắng của những kẻ vốn ghen ghét sự khá giả của gia đình tôi trước đây.

Tôi đã trở thành một con người khác, tự tay cắt bỏ quá khứ huy hoàng của một cậu ấm quý tử khét tiếng ăn chơi. Tôi mặc đồ bảo hộ lao động, đội cụp mũ lưỡi trai để khỏi ai nhận ra, làm việc cần mẫn chăm chỉ ở hiệu sửa xe máy với mong muốn cuối tháng được cầm những đồng lương về phụ giúp vợ nuôi con. Ơn trời, sự nhanh nhẹn tháo vát của tôi chắc được hưởng từ gen di truyền của mẹ nên đã giúp tôi học việc nhanh, trở thành thợ phụ rồi thợ cả ở cửa hàng sửa chữa xe máy. Đồng lương của thợ cả hồi đó cũng kha khá nên đủ cho tôi trang trải những bữa cơm có thức ăn cho hai con trai tôi.

Có lao động thực sự mới biết trân trọng quý giá những đồng tiền mình làm ra, mới biết thương mẹ ngày xưa ngậm ngùi bán cả nhà để trả nợ cho con trai cờ bạc. Thương mẹ là có nhưng cũng hận bố mẹ vô cùng vì đã để cho tôi khổ sở chống chọi với cơm áo gạo tiền vào lúc tôi cần sự giúp đỡ của bố mẹ nhất. Nỗi hận đó tôi đào sâu chôn chặt trong lòng. Tôi vẫn làm bổn phận của một người con, một năm về quê hương khói cho bố mẹ một lần. Nhưng sự mặc cảm, cơn giận dữ đê hèn của một đứa con quen thói được chiều chuộng ích kỷ đã che mờ suy nghĩ của tôi. Mặc dù sau này tôi có nhà tử tế để ở rồi, không phải đi thuê nữa nhưng tôi cũng không có ý định đưa bài vị của bố mẹ ra nhà riêng để thờ phụng như đạo hiếu của người Việt với đấng sinh thành. Tôi vẫn còn hận bố mẹ nhiều. Sở dĩ, tôi tích lũy tiền mua được ngôi nhà con con trong ngõ chỉ hai chục mét vuông để cho gia đình vợ con tá túc khỏi phải khổ sở đi thuê nhà là thế này. Vốn thông minh, nhanh nhẹn, lại giỏi nghề nên tôi có nhiều khách quen, ngoài công việc làm ở cửa hàng tôi được khách quen gọi đến nhà sửa xe, xem xe.

Thời đó chưa nhiều người có xe máy, đồng nghĩa với ít thợ sửa giỏi. Chiếc xe máy là cả một tài sản lớn. Tiền tậu một chiếc xe máy có khi bằng tậu một căn hộ, một mảnh đất. Công việc giúp tôi giao du nhiều với giới nhà giàu. Từ chuyên môn về xe máy của tôi mà tự khách hàng tìm đến tôi để nhờ định giá xe, thậm chí môi giới mua bán xe. Tôi trở thành trùm thợ xe, trùm môi giới mua bán xe máy. Ai cần con xe như thế nào, tầm tiền bao nhiêu đều tìm đến nhờ tôi giúp. Ai cần tiền phải bán xe, hay thích nâng cấp đời xe, đổi con xe tốt hơn, mới hơn cũng tìm đến tôi. Tôi vừa được ăn tiền công cả hai bên mua và bán, được hưởng chênh lệch khi biết làm giá với khách. Dần dần tích tiểu thành đại, tôi có tiền làm vốn để buôn xe, mua ngay con xe khách đang cần tiền bán rồi đợi lúc nào gặp khách, có lãi tôi bán lại.

Hà Nội những năm 1980 vừa bước qua thời bao cấp gian khó, dân còn nghèo, chưa có nhiều cửa hàng buôn bán xe máy và cũng có rất ít người thạo lĩnh vực này. Thế nên việc phát đạt ăn nên làm ra của tôi là lẽ đương nhiên. Sau này có vốn liếng, tôi đổi căn nhà to hơn ở trong ngõ cho vợ chồng và con cái ở. Còn lại tôi đi thuê cửa hàng ở Phố Huế để mở cửa hiệu sửa chữa và buôn bán xe máy.

Công việc cứ thế ngày một phát triển, từ hai bàn tay trắng tôi đã gây dựng được cơ đồ. Tôi đã có đủ tiền để mua cửa hàng mặt phố. Giữa Hà Nội mà có được một mảnh đất 100m² để xây lên ba tầng vừa để ở, vừa để bán hàng thật sự phải là hàng đại gia buôn bán có máu mặt. Tôi đề nghị vợ tôi bỏ cửa hàng bạc trên phố về giúp tôi quản lý cửa hàng sửa chữa mua bán xe máy của mình. Vợ tôi một mực không nghe vì cô ấy muốn giữ lấy nghề truyền thống của nhà chồng. Vợ tôi chấp nhận chạy đi chạy lại hai bên cửa hàng và làm quản lý cả hai bên cửa hàng bạc lẫn cửa hàng xe máy của chồng.

Bao nhiêu tiền tích cóp được tôi đầu tư bất động sản và gửi ngân hàng để sinh lời. Vậy là đã 18 năm trôi qua kể từ ngày tôi bị đẩy ra lề đường để kiếm sống, đúng vào lúc cả hai con trai tôi tốt nghiệp phổ thông trung học và chuẩn bị đi du học ở Anh thì người đàn ông đã mua và trở thành chủ cửa hàng bạc của mẹ tôi năm xưa đến tìm tôi. Ông giới thiệu ông là luật sư, là người bạn tâm phúc của bố mẹ tôi, người giúp bố mẹ tôi quản lý tài sản và công việc trong suốt bao nhiêu năm qua. Mái tóc đã bạc trắng, gương mặt thêm nhiều nếp nhăn vì tuổi tác, ông rất xúc động khi trao cho tôi toàn bộ giấy tờ cửa hàng bạc với toàn bộ số tiền vốn liếng đã sinh sôi nảy nở trong suốt 18 năm qua. Ông cũng đưa cho tôi một phong thư dán kín, ngoài bìa thư đã ố vàng đề rõ bố mẹ tôi gửi cho đứa con trai duy nhất. Tôi run run mở bức thư ra đọc.

“Gửi con trai yêu của bố mẹ! Bố mẹ hy vọng con sẽ đọc những dòng chữ này vào một ngày gần nhất. Khi bức thư đã được mở ra, những dòng tâm sự này đến được với con nghĩa là nơi chín suối bố mẹ đã được ngậm cười, thanh thản trút bỏ những mối quan tâm đau đáu và day dứt tới con.

Con trai, chắc con đã hiểu vì sao ngày bố mẹ tạ thế, bố mẹ đã đẩy con ra đường và không di chúc cho con bất cứ tài sản nào dù chỉ là một đồng một cắc. Nếu con biết được bố mẹ đã rớt nước mắt biết bao đêm, ngày khi nhìn thấy con trai chưa được trưởng thành. Bố mẹ nghĩ mãi về chuyện không thể sống cả đời bên cạnh con để nuôi nấng con, quan tâm chăm sóc con. Bố mẹ sẽ khổ nhiều khi con không thành đạt, không tự lo được cho bản thân mình, không lo được cho vợ của con và các con của con sau này. Bố mẹ đã nghĩ mãi và quyết định đẩy con ra đời, để cho con với hai bàn tay trắng tự lăn lộn với cuộc sống, tự kiếm cơm ăn, tự nuôi sống chính con và các con của con.

Phải quyết định một việc khó khăn như vậy, bố mẹ rất đau lòng. Làm cha mẹ có ai không thương đứa con máu mủ mình rứt ruột đẻ ra và nuôi nấng khôn lớn. Nhưng phải lựa chọn một quyết định quan trọng để giúp con trưởng thành là việc bố mẹ cần phải làm. Dù để đưa ra quyết định này bố mẹ đã phải dằn lòng biết bao. Sau này con rồi cũng sẽ làm cha, con sẽ biết được cha mẹ nặng lòng vì con cái, yêu thương và lo lắng cho con cái thế nào. Con rồi cũng sẽ hiểu món quà quý giá nhất cho tuổi già của cha mẹ là sự thành đạt của con cái, cuộc sống hạnh phúc của con cái. Không gì có thể quý giá hơn, quan trọng hơn món quà này.

Con trai, khi con đọc những dòng chữ này bố mẹ ở trên thiên đường đang mỉm cười nhìn con. Bố mẹ cảm ơn cuộc sống đã thay bố mẹ dạy dỗ con nên người. Đến bây giờ thì bố mẹ đã mãn nguyện rồi con ạ. Yêu thương con trai của bố mẹ nhiều. Mẹ cũng để phần cho chị gái con một chút tài sản rồi. Cửa hàng này, toàn bộ vốn liếng còn lại là của con. Sỡ dĩ nó đến với con muộn hơn lẽ thường là do bố mẹ thực sự muốn chứng kiến con trưởng thành, và chỉ thật sự trưởng thành con mới xứng đáng được nhận nó. Con hãy thay bố mẹ tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề cổ truyền của cha ông để lại. Cầu chúc cho con và các cháu nội của ông bà thành đạt trên đường đời”.

Thưa các anh các chị. Tôi đã khóc khi lần đầu tiên được đọc bức thư của bố mẹ viết cho tôi trước khi ông bà xuôi tay nhắm mắt. Tôi hiểu vì sao phải mất 18 năm sau khi bức thư này được viết, giờ đây tôi mới được đọc nó. Và vì sao tới 18 năm sau, khi tôi đã thành đạt, đã giàu có rồi thì tôi mới nhận được di chúc thừa kế của bố mẹ để cho tôi. Tôi hiểu vì sao ông bà làm như vậy.

Kính thưa các anh các chị. Càng nghĩ tôi càng ân hận giày vò. Lúc nhận được tài sản thừa kế của bố mẹ để lại, tôi cũng không quá vui sướng mà chỉ bất ngờ. Cửa hàng bạc trên phố nay buôn bán cũng khó hơn xưa nhiều. Giờ người ta mở nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán vàng ta, vàng tây, nên các trang sức bằng bạc không thịnh hành và đắt khách nữa. Cửa hàng của bố mẹ tôi cũng thưa thớt khách chủ yếu bán cho nhà có trẻ con, người già trong cách dịp lễ tết. Số tài sản mà mẹ tôi để lại cho tôi đáng giá nhất là cửa hàng 10m² ở mặt phố Hàng Bạc và một số sổ tiết kiệm kha khá đủ để tôi có thể tậu thêm một căn hộ chung cư lúc bấy giờ.

So với số tài sản hiện có mà tôi kiếm được thì của nả bố mẹ tôi để lại không quá lớn. Thế nên sau cơn xúc động, tôi lại bị cuốn đi trong công việc. Mãi mấy tháng sau, đến gần Tết Nguyên đán tôi mới mang thư di chúc của mẹ về quê để đặt lên bàn thờ bố mẹ và thắp hương khấn xin bố mẹ tạ lỗi. Cũng tết năm đó tôi mới làm thủ tục xin rước bài vị của bố mẹ tôi trở ra Hà Nội đặt lên bàn thờ trang trọng ở nhà riêng.

Chắc các anh chị sẽ thấy tôi là đứa con trai vô hiếu, bạc nghĩa khi 18 năm sau nhận được di chúc thừa kế của bố mẹ mới nghĩ đến chuyện đưa bố mẹ về thờ phụng tại bàn thờ gia tiên nhà mình. Nhưng chuyện chưa phải đã hết. Tôi còn làm những điều trái với lời dạy của ông bà tổ tiên, trái với lời nhắn nhủ của bố mẹ tôi lúc tạ thế…

(Còn nữa)

Đinh Thụy (Hà Nội)

Lời người biên tập

Bác Đinh Thụy kính mến! Món quà di chúc bất ngờ và bức thư gan ruột của bố mẹ bác đã đến tay bác, người con trai độc nhất mà họ dành biết bao yêu thương kỳ vọng. Dẫu muộn một chút nhưng chắc hẳn vong linh của bố mẹ bác đã mỉm cười trên thiên đường vì những gì mà ông bà cầu mong, tâm nguyện cho con trai đã thành hiện thực.

Thưa bác Đinh Thụy, chúng tôi cũng vô cùng kính phục bố mẹ bác vì đã dày công tìm ra phương pháp dạy dỗ bác nên người. Từ chỗ một thanh niên ăn chơi lêu lổng, sống phụ thuộc và ăn bám bố mẹ, bác đã ra đời và lao động để có được thành quả như  hôm nay. Tất nhiên, chúng tôi cũng phải thừa nhận sự nỗ lực của cá nhân bác. Nếu không có một trí tuệ, một tầm suy nghĩ, sự nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn gian khổ thì dẫu bố mẹ bác có dạy bác bằng phương pháp đặc biệt đến mấy bác cũng không thể thành đạt như ngày hôm nay.

Câu chuyện của bác Đinh Thụy chưa dừng lại ở đây, và còn có nhiều thứ để bác tâm sự chia sẻ. Trân trọng kính mời quý độc giả tiếp tục theo dõi phần cuối của câu chuyện trên An ninh thế giới giữa tháng số Tân xuân tiếp theo.

Năm mới, Ban biên tập chuyên mục Chuyện khó tin nhưng có thật xin trân trọng gửi đến quý độc giả và những người cộng tác cho chuyên mục này lời chúc sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Kính chúc quý độc giả một mùa xuân mới an khang thịnh vượng. Chuyên mục mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của quý độc giả. Bài vở xin gửi về: Nhà văn Như Bình - Báo Công an nhân dân, 92 Nguyễn Du, Hà Nội. Email: nhubinh9@gmail.com.

.
.