Xin anh hãy một lần trở về với các con

Thứ Năm, 02/11/2006, 09:30

Cả nhà tôi cho rằng nếu phúc nhà còn, may mắn câu chuyện được đăng lên ở Báo ANTG cuối tháng, một tờ báo không chỉ phát hành trong nước, mà trên khắp thế giới độc giả đều có thể đọc được, biết đâu ở một góc bể chân trời nào, bố của các cháu vô tình đọc được, anh ấy sẽ nhận ra gia đình của mình, sẽ nhận ra vợ và các con. Dù ở trong hoàn cảnh đặc biệt và hy hữu nào, anh cũng sẽ thông tin về cho cha mẹ và các con, cho quê hương bản quán...

Kính thưa các anh, các chị ở tòa báo!

Đã nhiều lần tôi cầm bút đắn đo trên trang giấy. Cứ giằng xé mãi giữa viết hay không viết ra câu chuyện của riêng mình gửi tới các anh, các chị. Nếu chỉ để giãi bày cùng các anh, các chị cho nhẹ bớt cõi lòng thì tôi không muốn.

Vì đây là câu chuyện riêng tư của gia đình tôi, một câu chuyện buồn thì nhân lên nỗi buồn chi cho thêm nặng lòng. Nhưng các con tôi từ khi theo dõi Báo ANTG cuối tháng, nhất là chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật”, chúng nhất mực khuyên tôi viết ra câu chuyện này. Bố mẹ chồng tôi, tức là ông bà nội của các con tôi, cũng ngày ngày khuyên tôi nghĩ lại và viết ra câu chuyện của gia đình mình gửi lên các anh, các chị ở quý báo.

Tôi đã suy nghĩ rất lâu về điều này. Cho đến khi đứa con gái đầu lòng của tôi là cháu Nguyễn Thị Tâm Tình quyết tâm ra đi lặn lội nơi xứ tuyết để tìm cha thì tôi không đành lòng nhắm mắt làm ngơ được nữa. Vì vậy, tôi đã quyết định viết ra những dòng gan ruột, trong ngày lễ Vu lan, với hy vọng mỏng manh và một niềm tin mãnh liệt mong cho con tôi tìm được cha và mong cho anh ấy nhận ra được nơi chốn anh ấy đã ra đi để còn biết trở về.

Đầu đuôi câu chuyện là thế này. Tôi tên là Đinh Lệ Tâm, quê ở Phú Xuyên. Năm 1975, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm và về dạy học ở Trường cấp 3 Tùng Thiện, Hà Tây. Tại đây tôi quen biết và đem lòng yêu thương anh Nguyễn Đức Tịnh, một sỹ quan quân đội đã có một thời gian dài học tập ở Liên Xô, trình độ sau đại học chuyên ngành Công nghệ xạ hiếm. Chúng tôi trở thành vợ chồng trong niềm hạnh phúc tột cùng.

Trong 10 năm đầu chung sống, chúng tôi lần lượt sinh được ba cháu: Cháu Nguyễn Thị Tâm Tình, Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Đức Thiện. Chúng tôi lấy tên của nhau gắn vào tên của những đứa con với tâm nguyện giữ mãi mối tình đẹp và hạnh phúc của bố mẹ cho các con.

Cuộc sống sẽ vô cùng suôn sẻ và hạnh phúc nếu như lúc bấy giờ kinh tế gia đình những năm chuyển đổi bao cấp không gặp quá nhiều khó khăn vì nuôi 3 đứa con ăn học và phụng dưỡng bố mẹ già.

Một ngày định mệnh không hẹn trước, một người bạn chiến đấu của bố chồng tôi lúc này là đại tá quân đội đã nghỉ hưu đến thăm ông và gia đình. Câu chuyện hàn huyên, ông trông thấy gia cảnh của tôi khó khăn thiếu thốn nên đã nói với bố chồng tôi rằng: "Nếu anh đồng ý, tôi sẽ cho cháu Tịnh đi xuất khẩu lao động, làm đội trưởng, đi theo chế độ phục viên".

Lúc đó bố chồng tôi thở dài, tôi thấy trong giọng nói của ông có gì đó nghèn nghẹn chua xót: "Con là sỹ quan đã học trình độ sau đại học về chuyên ngành Công nghệ xạ hiếm, nhưng ở đất nước mình ngành này chưa phát triển, những gì con học được rồi cũng dần mai một đi vì không có điều kiện thực hành cống hiến cho đất nước. Bây giờ bảo con đi làm một thằng công nhân xuất khẩu lao động, bố đau lòng nhưng đành động viên con đi, mong kiếm được tiền về xây cái nhà, đỡ đần vợ nuôi các con ăn học và nuôi bố mẹ già. Kiếm được tiền là vẻ vang rồi con ạ. Có phải ai muốn cũng được đi xuất khẩu lao động đâu con".

Thế rồi chồng tôi một lần nữa lại khăn gói ra đi vào năm 1988. Lần này anh đi, tất cả mọi người trong gia đình đều yên tâm vì chồng tôi đã từng có một thời gian dài học tập ở Liên Xô.

Chồng tôi đi được một thời gian ngắn thì Liên Xô tan rã. Thời gian đầu, thi thoảng tôi có nhận được tin chồng, lúc thì qua bạn bè, lúc thì thư anh gửi. Thế nhưng, những tin tức cùng với năm tháng cứ thế thưa dần và hơn 10 năm nay bặt vô âm tín.

Suốt gần 20 năm qua, tôi cùng các con lặn lội vào Nam ra Bắc dành không biết bao thời gian lần tìm manh mối và địa chỉ, đến tận nhà những người đi cùng đợt với anh để hỏi thăm tin tức. Lạ lùng thay, đi cùng đợt với anh có người đã về ở hẳn trong nước, có kẻ ở lại lập nghiệp nơi xứ người nhưng tuyệt nhiên không một ai có chút thông tin gì khả dĩ về anh để mang lại cho tôi và các con tôi một chút mảy may hy vọng tìm thấy chồng, thấy cha.

Từ bấy đến nay, tôi, bố mẹ chồng tôi, cùng các con sống bằng niềm tin mãnh liệt, bằng hy vọng khắc khoải rằng anh ấy, cha các cháu vẫn còn sống ở đâu đó và có thể do những rủi ro hy hữu, thậm chí, những rủi ro ấy có thể làm anh gián đoạn trí nhớ, anh chưa thể tìm được đường về với quê hương, với gia đình, với cha mẹ, vợ và các con. Nếu anh vẫn còn sống, chắc chắn một ngày anh sẽ trở về, sẽ nhận các con, nhận cha mẹ, quê hương cho dù thực tế có khắc nghiệt đến mấy đi chăng nữa.

Niềm tin giúp tôi trụ vững để nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Mọi khó khăn về vật chất rồi cũng qua đi, hai cháu lớn đều đã tốt nghiệp đại học, cháu út đang học năm thứ 4 Đại học Thái Nguyên.

Thế nhưng, trong sâu thẳm cuộc sống gia đình, tôi dù cố gắng đến đâu cũng không sao bù lấp được những khoảng trống thiếu hụt ở phía người cha cho các con. Thiếu thốn về vật chất còn có thể bù đắp nhưng thiệt thòi về nhiều mặt khác, biết đến bao giờ mới lấy lại được đây. Gia đình không cha như nhà không nóc, con thiếu cha, vợ thiếu chồng cuộc sống chống chếnh như con thuyền thiếu tay lái vững vàng.

Không biết bao nhiêu đêm dài trắng đêm cùng nước mắt ướt đẫm gối cố kìm tiếng nức nở sợ các con tỉnh giấc, sợ bố mẹ chồng đau lòng. Nỗi đau thiếu chồng rồi cũng dằn được xuống thẳm sâu đời sống. Tôi định bụng đành ở vậy nuôi con chờ chồng, không phải như những người đàn bà trong chiến tranh loạn lạc ly tán chờ chồng nơi chiến trận, mà chờ chồng trong cuộc sống hoà bình, chờ chồng nơi xứ người mà niềm tin thì càng ngày càng trở nên mong manh vô vọng hơn bao giờ hết.

Cuộc sống cũng sẽ chẳng đau đớn thêm nữa nếu không xảy ra những hệ lụy đau đớn khác mà vì các cháu con tôi, bố mẹ chồng khuyên, tôi buộc phải đơn phương ly dị vắng mặt chồng.

Tôi bản thân là một giáo viên giỏi cấp tỉnh, ưu tú và mẫu mực, được học trò tin yêu, đồng nghiệp mến phục và Đảng cũng tín nhiệm nhưng không đủ điều kiện kết nạp vì lý lịch chồng không xác minh được. Thiệt thòi của tôi chỉ là chuyện đã qua và tôi cam lòng nhưng còn tương lai các con tôi. Cháu Nguyễn Đức Thắng tốt nghiệp Học viện Quân sự, đơn vị về xác minh lý lịch để xét kết nạp Đảng cũng đành chịu vì không lần ra được tung tích bố để xác minh.

Bố mẹ chồng tôi năm nay trên 84 tuổi rồi, trước khi bị lẫn lộn, ông có gọi tôi ra và bảo: "Thôi con ạ! Bố chỉ có một mình nó là con trai nhưng đã biền biệt 18 năm trời rồi nó không tin gì về nhà cho bố. Sự đã như thế, con làm đơn ra toà mà xin ly dị nó đi, đừng để vướng đến đường đi nước bước của các cháu sau này. Rồi còn con, con có đi bước nữa, bố mẹ cũng không dám cản".

Chẳng đành, trước nguyện vọng của bố mẹ chồng và các con, tôi buộc phải làm đơn ra toà xin ly dị chồng trong hoàn cảnh éo le như vậy.

Khi toà hỏi nguyện vọng cuối cùng, tôi nuốt nước mắt trả lời: "Vì tương lai của các con, để cho lý lịch được rõ ràng, tôi xin ly dị vắng mặt chồng và xin toà lập hồ sơ bố các cháu bị mất tích. Còn bố mẹ chồng, tôi coi như những người đã sinh ra mình, xin được chăm nom phụng dưỡng và làm tròn nghĩa vụ với các cụ đến trọn đời". Nguyện vọng của tôi đã được toà chấp nhận.

Khi tôi viết những dòng chữ đầu tiên trong bức thư gửi các anh, các chị cũng là bắt đầu mùa lễ Vu lan. Tháng trước, toà đã xử ly hôn xong, con gái đầu lòng của tôi là cháu Nguyễn Thị Tâm Tình cũng đang bắt đầu hành trình lặn lội nơi xứ tuyết tìm cha lần nữa.Trước khi đi, cháu nói với tôi: "Bây giờ mọi chuyện đã xong, con có thể yên tâm về mẹ và các em. Nhưng trách nhiệm người cháu nội, người chị cả, con quyết tâm đi tìm bằng được bố, để ông bà yên lòng khi nhắm mắt, các em con cũng thỏa mãn về bố cho dù sự thật có đau lòng đến mấy đi chăng nữa".

Và cháu ra đi, may mắn có bà con cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang hết lòng đùm bọc, cưu mang và giúp đỡ cháu. Hôm qua, cháu có viết thư cho tôi từ bên kia. Cháu hỏi tôi đã viết thư cho các anh chị ở báo kể chuyện gia đình mình chưa? Cháu nói rằng vì các con, mẹ phải hy sinh thêm lần nữa. Mặc dù phải ly dị bố nhưng chúng con biết mẹ vẫn luôn yêu bố và mong một ngày bố trở về. Nếu bức thư của mẹ được đăng trong chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật”, xin mẹ hãy nói giúp con với bố rằng, bố ơi, dù bố là ai, bố còn sống hay đã thất lạc tha hương thì bố mãi mãi vẫn là bố của chúng con. Chúng con không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ bố và ngóng đợi một lần ngày bố trở về. Giờ này, con đang lang thang khắp nẻo đường của nước Nga xa xôi để tìm bố. Trong tay con là hơn 100 bức ảnh của bố từ ngày bố còn ở Liên Xô và khi bố về nước cưới mẹ. Đến mảnh đất nào, nơi bố đã từng đặt chân đến (con thầm đoán như vậy), con cũng đều mang ảnh bố ra để hỏi thăm cộng đồng người Việt nơi đó. Không một ai đã gặp bố hay nhìn thấy bố. Dù vậy con vẫn không nản chí. Con tin bố vẫn còn sống và bố sẽ trở về với chúng con.

Thưa các anh, các chị! Chuyện của tôi chỉ có vậy, có thể nó không đặc biệt lắm vì là đời thực của tôi, và hoàn cảnh như tôi không phải là trường hợp hy hữu trên trái đất này. Tôi chỉ có một ước nguyện duy nhất, bức thư của tôi được đăng, để hy vọng kiếm tìm bố của các con tôi được nhân lên gấp nhiều lần nữa, để hy vọng ấy không bao giờ tắt trong trái tim của các con tôi. Nếu đâu đó, anh Tịnh có đọc được bức thư này, xin anh hãy một lần trở về với các con anh nhé.n

(Địa chỉ của tôi: Đinh Lệ Tâm, giáo viên Trường THPT Tùng Thiện Hà Tây, thị xã Sơn Tây. Hoặc liên lạc qua Đỗ Hồng Hà. Số ĐT: 034.885430).

Thư của toà soạn ANTG Cuối tháng

Kính thưa chị Đinh Lệ Tâm

Chúng tôi đã đọc một mạch bức thư của chị và quyết định cho đăng ngay. Chúng tôi cũng như chị, khi đưa bức thư này lên báo, nghĩa là gửi đi vô vàn niềm hy vọng. Có thể câu chuyện của chị sẽ làm cho bạn đọc khắc khoải hơn bởi nó chứa đựng quá nhiều sức nặng của hy vọng. Nhưng chúng tôi tin rằng, một cách nào đó, chị đã chuyển được thông điệp của tình yêu thương, lòng vị tha sẽ hoá giải cho tất cả những lầm lỗi của con người. Chúng tôi mong, nếu anh Tịnh còn sống, chắc chắn khi đọc được những dòng chữ này, anh sẽ lên tiếngvà sẽ trở về với gia đình và các con của chị. Cầu mong chị gặp được may mắn

.
.