Câu chuyện thứ 107:

Thư của đứa con bất hạnh gửi mẹ

Thứ Tư, 21/10/2009, 15:35

Mẹ ạ, thế rồi con nhắm mắt đưa chân, đi lấy chồng, kết thúc đời con gái buồn bã. Con lấy chồng phần vì thương hoàn cảnh của người đàn ông thợ xây nay đây mai đó, phần vì thương số phận mình kém may mắn không được lớn lên trong sự chăm bẵm yêu thương của cha mẹ và một gia đình đúng nghĩa. Con hy vọng rằng, chồng con sẽ thương con mà thay đổi số phận của con, bù đắp những thiếu thốn trong tình cảm của con cũng như chia sẻ những buồn khổ mà con đã nếm trải.

Nhưng mẹ ạ! Đến bây giờ thì con thấm thía một điều rằng, ai sinh ra trên đời này cũng đã có một số phận rồi, khó cưỡng lắm. Số phận con đã gắn liền với đau khổ và bất hạnh. Khi con mang bầu sang tháng thứ 7, con viết thư về báo tin cho mẹ, mẹ đã tức tốc lên ngay. Con mừng đến phát khóc cứ ngỡ mẹ sẽ mừng cho con có được một tấm chồng, một gia đình, và điều thiêng liêng quan trọng nhất với người phụ nữ là con sắp được làm mẹ.

Than ôi, con đã mong ước điều không bao giờ có. Một lần nữa con đã nhầm, mẹ lên và ngay lập tức bắt con phải phá bỏ cái thai đã 7 tháng đi. Mẹ không muốn con lấy chồng thợ xây, công ăn việc làm không ổn định nay đây mai đó, trong lúc ở nhà khi con mới lớn, mẹ đã bắt con bỏ học và làm mai mối cho những người theo mẹ là có thể đảm bảo cho con một tương lai hạnh phúc. Vì thế mà mẹ nhất quyết phá bỏ cuộc hôn nhân của con, ngay cả khi con mang thai đến tháng thứ 7. Lúc ấy, con vừa khóc, vừa nói với mẹ rằng: "Thai già tháng rồi, không phá được mẹ ạ. Với lại người ta chỉ phá thai cho những ai nhỡ nhàng thôi, còn con có vợ có chồng đàng hoàng, lại là đứa con đầu lòng nữa, ai người ta phá cho".

Mẹ có nhớ không, lúc đó mẹ đã quắc mắt lên mắng con: "Họ không phá thì mày về nhà tao phá cho". Con đã khóc hết nước mắt, điện cho chồng con về vì lúc ấy con không còn biết phải làm như thế nào nữa. Một bên là mẹ đẻ của mình bắt con phá thai, bỏ đi đứa con đầu lòng. Một bên thì chồng con khóc nỉ non: "Em không ở với anh thì chỉ còn hai tháng nữa là sinh con rồi, em cứ để anh bế con về quê nuôi, còn em cứ theo mẹ về đi, bỏ anh cũng được nhưng đừng có bỏ giọt máu của anh". Cơ quan đoàn thể chỗ con làm, biết chuyện của con, vừa thương tình cho con, vừa mắng con rằng: "Mày ngu thế, mày chửa với chồng mày chứ có phải chửa hoang đâu mà phá bỏ". Mẹ ạ, lòng con lúc đó rối như tơ vò, tinh thần hoảng loạn.

Cuối cùng thì con lại mang tội bất hiếu với mẹ thêm một lần nữa để giữ lại cái thai và sinh hạ cho mẹ một cháu ngoại là con gái đầu lòng của con. Những tưởng sau khi sinh con, mọi chuyện với mẹ sẽ nguôi ngoai, thế nhưng con không hình dung được đây mới là bắt đầu của cuộc hành hạ mà mẹ dành cho con. Con gái được mấy tháng, con nhớ bố mẹ, nhớ gia đình họ hàng, muốn bế con về cho ông bà nhìn thấy mặt cháu nên con đã đưa cháu về nhà. Khi con ra đi thì mẹ nhất quyết bắt con để con gái con ở lại cho ông bà trông để cai sữa cho cháu.

Con nghĩ mẹ đã nghĩ đến tình thương con cháu mà thay đổi tấm lòng, ai ngờ chỉ 2 tháng sau khi con trở về nhà thì con gái của con trong một tình trạng rất thảm hại gầy gò, ốm yếu, tinh thần cháu hoảng loạn. Con ôm con gái vào lòng mà cứ thế nước mắt tuôn lã chã. Mẹ bảo với con: "Con mày bị lên sởi, biến chứng vào trong". Vậy là mồng một Tết con bế con lên viện cấp cứu, mồng năm Tết con bế cháu đi lên với con ngay không dám để cháu lại thêm ngày nào nữa.

Khi con mang thai lần thứ 2, mẹ đã đưa cho con một vỉ thuốc và bảo ông chú gửi lên cho con để uống cho lại sức mà đẻ. Chính mẹ đã đỡ đẻ cho con trong lần sinh thứ 2 này khiến con rất cảm động, nước mắt cứ ứa ra vì thương mẹ. Con đã nghĩ rằng, tình cảm của mẹ với con đã được cải thiện, mẹ đã chấp nhận cuộc sống của con, chấp nhận những gì mà con lựa chọn. Khi mẹ đỡ đẻ cho con mẹ tròn con vuông, hai mẹ con con đã an tọa trên giường thì mẹ đã mang nhau thai của con  xuống nhà và xào nấu lên bắt hai mẹ con con ăn cho bổ, tăng cường sức khỏe.

Mẹ ơi, con vẫn biết rằng nhau thai người là thứ rất bổ và con cũng đã nghe đâu đó nói rằng người ta ngâm rượu nhau thai, hoặc đến bệnh viện xin nhau thai người về ăn là rất tốt, sức khỏe hồi phục. Nhưng làm sao con có thể ăn được nhau thai của chính con. Con sợ quá, lạy xin mẹ đừng bắt con ăn vì con không thể ăn được thì mẹ mắng và gọi con gái con vào cùng ăn với con. Con gái con cháu còn nhỏ dại, chưa biết gì nên cháu vô tư ăn ngon lành, còn con thì mẹ nhớ không, hai hàng nước mắt cứ chảy vòng quanh. Con đã hỏi lòng mình, tại sao mẹ lại có thể xào nấu rau thai của con lên và bắt con ăn. Như thế hóa ra mình ăn thịt chính mình à, và cho cả con gái con ăn thịt mẹ. Con đã ám ảnh khủng khiếp về hành động mà mẹ làm.

Sau lần khủng hoảng tinh thần ấy, con bị mất sữa, sữa không có chất, con trai con phải ăn thêm ngoài. Mỗi lần mẹ cho cháu ăn, con lại trào nước mắt vì không thể kể hết tất cả những gì trái khoáy mà mẹ đã chăm sóc cho cháu ngoại của mẹ. Khi con trai con bị viêm phế quản, mẹ đã tự tiêm thuốc kháng sinh cho cháu. Hết nước cất pha thuốc, mẹ đã lấy nước sôi để tiêm. Con trai con yếu quá, con đã giằng lấy cháu trên tay mẹ và địu cháu trên lưng, hai tay hai bọc quần áo chạy một mạch xuyên rừng xuống viện để cấp cứu cho con. Khi xuống được đến nơi, con đã ngất đi, bác sỹ phải gọi mãi con mới tỉnh lại để tháo địu ra bế con trao cho bác sỹ khám và cấp cứu kịp thời cho cháu. Khi các bác sỹ hỏi con từ đâu đến, con đã nói rằng từ Trường Trung học Nông nghiệp đi bộ xuống, ai cũng lắc đầu thương cảm khi biết rằng, nếu đi tắt là 15km, còn nếu đi đúng đường là 32km. Khi con trai con vào được phòng cấp cứu, con mới dần dần hồi tỉnh. Những ngày đó, một mình vừa trông con ở viện, cứ đêm đến là con lại ôm cháu mà khóc ròng.

Cuộc sống của con rồi cũng ổn định dần, cả hai cháu đều cứng cáp dần và khỏe lên. Sau thời gian đó, thỉnh thoảng mẹ lại lên chơi thăm vợ chồng con và hai cháu. Mỗi lần mẹ về là mẹ lại vơ vét hết những gì trong nhà con mà mẹ thích và ưng ý mẹ đều lấy hết để mang về nhà. Mẹ về rồi, nhà lại phải chạy bữa ăn đong, vay mượn để sắm sửa lại những thứ mẹ đã lấy. Hàng xóm láng giềng của con cứ xót xa cho con, họ chỉ trích con sao lại để cho mẹ đẻ vơ vét hết như thế mỗi lần lên thăm thì sau khi mẹ về, mấy mẹ con chúng mày lấy gì mà ăn. Nhưng con chỉ cười mà xí xóa rằng, con chỉ mong có mẹ, mong được mẹ thương yêu, mẹ lên thăm các cháu là quý rồi, mẹ muốn lấy gì về cũng được hết.--PageBreak--

Khi các con của con đã lớn hơn, đến tuổi đi học, mẹ lên thăm con và mẹ bắt con về quê ở với mẹ để có mẹ có con. Mẹ biết không, thực lòng con không muốn về vì con đã ở đâu quen đấy, nhất là con đã ra đi khỏi nhà của mẹ, trốn chạy cuộc sống ở gia đình mình để lên đây lập nghiệp thì con không muốn quay trở lại nơi con đã bỏ ra đi. Nhưng chồng con đã nói với con rằng: "Em không nghe lời mẹ đẻ em thì em coi mẹ anh ra gì".

Mẹ ơi, chỉ vì câu nói đó của chồng con mà con đã bằng lòng nghe theo sự sắp đặt của mẹ. Thật ra, con chưa bao giờ nói với mẹ rằng chồng con không giúp được gì cho việc nuôi hai đứa con của con. Anh ấy một năm đi công tác chỉ về thăm nhà có hai lần. Mỗi lần về nếu có tiền thì  đưa cho con vài trăm bạc, khi không có tiền thì đưa cho vài chục cân gạo. Có những khi chồng con đi biệt tăm biệt tích không về, con lại phải bế cháu đi tìm anh ấy để đón anh ấy về cho các con có bố. Thậm chí con còn phải gửi cả tiền lương của con lên cho anh ấy về. Cuộc sống của chúng con đã khó khăn vất vả lại càng  khó khăn vất vả hơn. Bây giờ nghĩ đến tương lai của hai cháu đã đến tuổi đi học rồi. Ở nơi rừng rú xa xôi cách trở thế, việc học hành của các cháu không được đảm bảo. Con đã quyết định nghỉ chế độ mất sức, nhận lương nửa thời gian công tác để cùng mẹ đưa hai cháu về quê vừa phục vụ cha mẹ lúc tuổi già, vừa có điều kiện cho các cháu học hành.

Con về được 2 ngày, thì bắt đầu cuộc sống mới. Công ăn việc làm không có, con đành phải đi bán nước sôi trong bệnh viện để kiếm sống. Con thức dậy từ 5g sáng, mượn của mẹ 2 cái phích và đi nấu nước sôi để bán cho bệnh nhân dùng. Đây là khoảng thời gian cuộc sống của con chìm trong khó khăn thiếu thốn đủ bề. Con dậy từ 5h sáng, đến 1h đêm mới lọ mọ trở về nhà, cơm ăn không đủ no, sức khỏe sau lần mổ quá yếu nên con bị suy kiệt. Hai con của con còn nhỏ, chưa giúp được mẹ việc gì, chồng con công ăn việc làm không có, nên cuộc sống rất bấp bênh, bữa no bữa đói.  Lúc này, cả bố và mẹ lại bắt đầu chỉ trích con, chì chiết con. Cả nhà con không thể sống nhờ vào những phích nước sôi vài trăm đồng bạc, con loay hoay bươn chải tìm lối thoát. May sao con đã xin được vào Viện 103 để làm tạp vụ quét dọn.

Mẹ ơi, cho đến lúc này con vẫn không tài nào hiểu được tại sao khi mẹ biết con xin được việc làm ở Viện 103, mẹ đã sang tận nơi con làm việc và chửi bới con, nói lung tung về con với mọi người nơi con vừa mới xin được việc để cho con bẽ mặt, xấu hổ, và cho mọi người đuổi việc con thì mẹ mới hả dạ. Vì cuộc sống khó khăn, chồng con lại đi kiếm việc làm ăn xa.  Rồi một lần nữa, mẹ lại bắt con bỏ chồng con cùng với hai đứa con để lấy người khác có tương lai hơn. Con không đồng ý, mẹ đã tìm chồng con và đơm đặt bao nhiêu chuyện xấu xa về con để cho chồng con hiểu lầm con mà bỏ con. Con uất hận quá, đành ôm hai đứa con ra đi và gửi lại nhà anh họ ở Kim Bôi để đi tìm chồng. Chồng con đã bắt con quay trở về gặp mẹ, nói lời phải trái với mẹ và xin phép mẹ cho hai vợ chồng con về quê nội chồng con sinh sống. (còn nữa).

Lời BBT:

Bạn đọc thân mến! Ngay sau khi phần một của câu chuyện khó tin nhưng có thật: "Thư của đứa con bất hạnh gửi mẹ" đăng lên, chúng tôi đã nhận được điện thoại của bà Vũ Thị Mai Phương số nhà 31 Trần Nhật Duật, Hà Đông, Hà Nội gọi đến trực tiếp cho chúng tôi và nhận rằng, bà chính là nhân vật có thật trong câu chuyện mà chúng tôi đã biên tập lại và đăng tải. Chúng tôi đã xin bà lưu lại số điện thoại nhà riêng của bà để tiện liên hệ nhưng bà không đồng ý.

Sở dĩ bà rất sợ điện thoại của người lạ gọi đến là vì sau này bà có một nỗi bất hạnh khủng khiếp nữa mà chúng tôi chưa thể kể ra được hết trong phần 2 này,  vì câu chuyện đời của bà gửi đến cho chúng tôi quá dài, quá nhiều tình tiết nên chúng tôi buộc phải cắt ra từng phần một và tiếp tục đăng tải phần cuối trong số báo tiếp theo. Tiện đây chúng tôi cũng xin thông báo luôn để quý bạn đọc  tiện theo dõi.

Thật ra, trên đời này, những người mẹ cay nghiệt và tàn nhẫn với con đẻ của mình cũng không phải là điều hiếm gặp. Dẫu chúng ta vẫn cứ nghĩ rằng đó chỉ là những câu chuyện trên báo chí hy hữu xa xôi, thứ mà ta chỉ nghe nhưng ít khi được tận mắt nhìn thấy thì nó lại xảy ra rất gần ngay bên cạnh cuộc sống của chúng ta. Câu chuyện của bà Vũ Thị Mai Phương là một ví dụ. Ngay sau khi báo đăng, chúng tôi cũng đã nhận được điện thoại của một người phụ nữ gọi từ Nghệ An ra. Chị đã khóc rất nhiều khi đọc câu chuyện này, và chị khẳng định rằng, bà Mai Phương có hoàn cảnh không khác gì chị, chỉ khác rằng chị hạnh phúc hơn bà Phương vì có một người chồng yêu thương, các con thành đạt hoàn hảo. Vậy nhưng, vết thương sâu của thời quá khứ tuổi thơ, của những đau đớn mà mẹ chị cư xử với chị dường như không bao giờ liền sẹo, chỉ cần một đụng chạm nhẹ là có thể rỉ máu. Chị đã hứa sẽ kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của đời chị để góp thêm cho chuyên mục của chúng tôi một câu chuyện khó tin nhưng có thật trong đời này.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn quý độc giả. Bài vở xin gửi về: Nhà văn Như Bình - ANTG Cuối tháng, 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

.
.