Câu chuyện thứ 98:

Thiên tình sử cuộc đời

Thứ Hai, 01/06/2009, 08:36
Kính thưa các anh các chị! Việc tôi không thể trả lời được câu hỏi tôi là ai, cũng như tôi không lý giải được vì sao số phận lại mang đến cho tôi một cuộc tình xuyên thế kỷ, một cuộc tình quá đẹp đẽ, thơ mộng nhưng đau đớn và éo le còn hơn cả tiểu thuyết là lý do tôi viết cuốn hồi ký riêng tư này. Tôi đã viết lại trong hồi ký những năm cuối của cuộc đời, trong những đêm dài không ngủ...

Lời BBT: Bạn đọc thân mến! Câu chuyện thứ 98 kỳ này, chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn về một thiên tình sử của một con người từng giữ những trọng trách. Nếu chúng tôi công bố tên, tuổi, chức vụ và địa vị, hẳn sẽ có nhiều người nhận ra chủ nhân đích thực của câu chuyện chúng tôi sắp kể sau đây là ai.

Để hết sức tôn trọng tác giả, nhân vật chính của câu chuyện, cũng như tôn trọng nguyên tắc đề ra của trang 31 là bí mật cho người kể chuyện, chúng tôi buộc phải giấu tên và địa chỉ, thậm chí buộc phải thay đổi hoặc bớt đi một số chi tiết cụ thể, để bạn đọc ít nhận ra người trong câu chuyện ấy là ai. Mong rằng bạn đọc không vì quá tò mò mà có những suy đoán này nọ, có thể không đúng, làm ảnh hưởng đến nhiều người khác.

Sở dĩ chúng tôi có được trong tay toàn bộ câu chuyện cuộc đời của nhân vật giấu tên này là vì, tác giả vì mến mộ chuyên mục "Những câu chuyện khó tin nhưng có thật" nên đã kể riêng cho người giữ chuyên mục câu chuyện này như là một sự sẻ chia.

Phần I: TÔI LÀ AI

Kính thưa các anh các chị! Việc tôi không thể trả lời được câu hỏi tôi là ai, cũng như tôi không lý giải được vì sao số phận lại mang đến cho tôi một cuộc tình xuyên thế kỷ, một cuộc tình quá đẹp đẽ, thơ mộng nhưng đau đớn và éo le còn hơn cả tiểu thuyết là lý do tôi viết cuốn hồi ký riêng tư này. Tôi đã viết lại trong hồi ký những năm cuối của cuộc đời, trong những đêm dài không ngủ. Tôi đã viết nó trong đầm đầm hàng lệ chảy, và nỗi buồn tủi của sự cô đơn, trong những lúc lòng mình đớn đau nhất, yếu mềm nhất. Sinh nhật lần thứ 80, cũng là lúc tôi hoàn thành xong thiên truyện cuộc đời của mình. Các con cháu của tôi, bạn bè tôi cũng đã đọc, và ai cũng khuyên tôi xuất bản để lại cho con cháu sau này biết được cha ông của chúng đã sống, làm việc và yêu thương như thế nào.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Cha tôi là một vị quan đỗ đạt và giữ một chức vụ trọng trách trong Bộ Lễ triều vua Khải Định. Trong dòng họ, cha tôi là con trưởng của một họ tộc lớn. Cha tôi lấy vợ 10 năm trời nhưng không có con. Mẹ cả tôi trong 10 năm ấy ăn chay niệm Phật, lặn lội chùa chiền khắp nơi để cầu tự mà số phận éo le vẫn bắt bà chịu kiếp khổ nạn không sinh nở được. Trước sức ép của họ tộc, mẹ cả tôi về bên ngoại, đưa một người cháu bên họ ngoại lên kinh đô Huế và cưới làm lẽ cho cha tôi.

Dù là người trong họ tộc, lại là do mẹ cả tôi lựa chọn, nhưng tận sâu trong đáy lòng, bà vô cùng nghiệt ngã với mẹ hai. Sau ngày cưới, mẹ cả thiết lập uy quyền làm chủ của mình, mẹ hai phải ăn ở với tôi tớ ở nhà dưới, đêm ngủ nơi ổ rơm chái bếp, mùa hè nóng như lửa đốt, mùa đông lạnh thấu xương. Cha tôi và mẹ cả ăn riêng ở mâm trên, ngủ trong buồng có giường nệm trải gấm vóc. Thỉnh thoảng, để duy trì khát khao nòi giống, cha tôi trốn mẹ cả xuống thăm mẹ hai, quan hệ của hai người thành ra lén lút, vụng trộm, khổ sở. Mẹ cả biết đêm qua cha lén xuống nhà mẹ hai, sáng ra mẹ cả xõa tóc chì chiết đám tôi tớ người ăn kẻ ở trong nhà, mặt mẹ cả sưng lên, ai đụng đến đều lớn tiếng khiến cho mọi người trong nhà ai cũng sợ hãi, còn cha thì xấu hổ với hàng xóm láng giềng.

Mẹ hai là con gái quanh năm dệt lụa nơi khung cửi, chưa từng biết việc đồng áng, hay lam lũ nắng mưa. Về làm dâu, mẹ cả bắt mẹ hai ngày hai buổi ra đồng cày cấy chân lấm tay bùn, công việc vô cùng nặng nhọc đối với thân phận liễu yếu đào tơ như mẹ.

Có một người luôn gần gũi và giúp đỡ mẹ hai trong những ngày tháng cơ cực này chính là chú H, người tá điền giúp việc trong gia đình tôi. Nhiều khi chú H phải thay mẹ hai cày bừa gánh lúa và làm những việc nặng nhọc nhất để mẹ tôi ngồi nghỉ. Mẹ hai không làm được việc nặng, nhưng mẹ cả muốn vắt kiệt hết nhan sắc và sức lực của mẹ hai. Hai năm sau kể từ ngày mẹ hai về làm lẽ cha tôi, tôi cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cả nhà, nhất là cha tôi.

Tôi vừa lọt lòng mẹ chưa thật cứng cáp, mẹ cả đã bế tôi lên nhà trên ở với mẹ cả, lấy cớ là ở chái bếp nóng quá, không tốt cho sức khỏe của tôi, mặc cho mẹ hai ngậm đắng nuốt cay, nuốt nước mắt chảy vào trong. Do khóc nhiều, ức chế vì xa đứa con vừa dứt ruột đẻ ra, tinh thần mẹ suy sụp, uất khí mà sinh ra đau đầu và mất ngủ triền miên.

Cha đứng ra bênh vực mẹ hai, mẹ cả lớn tiếng. Cha tôi phần vì nể mẹ cả, phần vì ngại ngùng trong nhà xầm xì, mẹ cả làm lớn chuyện, ảnh hưởng đến gia đình, hàng xóm chê cười nên đành tuân theo sự sắp xếp của mẹ cả. Mẹ cả càng nghiệt ngã, mẹ hai càng đau đời. Chú H đã lặng lẽ ở bên mẹ hai và chăm sóc cho mẹ hai. Chú H đã lén thu xếp để cho tôi và mẹ hai được gặp nhau, chơi đùa với nhau mỗi ngày. Chú H đã đưa tôi ra đồng, dạy tôi biết bầu bạn với thiên nhiên, dạy tôi biết yêu thương mẹ đẻ, quý trọng nguồn cội.

Tôi nhớ những năm tháng hạnh phúc bên chú H, chú H có dáng người cao lớn, bờ vai rộng và vững chãi, tôi thường nép vào ngực chú mỗi khi hai chú cháu đi thả diều trên con đê làng lộng gió. Nhưng năm tôi lên 7 tuổi, đột nhiên chú H bỏ nhà ra đi làm phu đồn điền cao su ở Guyane. Mẹ hai hỏi tôi Guyane ở đâu, tôi không biết trả lời mẹ sao cả. Chú H đi âm thầm, vội vã, không kịp từ biệt ai trong gia đình, ngay cả mẹ hai và tôi, những người chú yêu quý nhất. Hai năm sau khi chú H đột ngột ra đi, mẹ hai tôi bạo bệnh, ngày đêm vùi mình trong cơn đau, răng nghiến chặt nuốt tiếng rên vào tận ruột gan.

Những ngày này, tôi và cha tôi ở bên mẹ hai không rời nửa bước. Tôi đút từng thìa cháo, lau từng giọt mồ hôi cho mẹ. Cha tôi túc trực bên mẹ hai, bắt mạch và bốc thuốc cho mẹ. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cha chìm ngập trong nỗi đau xót tê tái. Ông đã cố gắng làm tất cả mọi thứ để cứu mẹ hai, nhưng bệnh mẹ nặng quá, đành bất lực để bà ra đi. Trước khi mất, mẹ hai cứ ôm chặt lấy tôi, nước mắt ướt đầm cả má tôi, môi bà mấp máy điều gì đó như muốn nói với tôi mà sức tàn lực kiệt nên không thể. Bí mật theo mẹ hai chôn vùi vĩnh viễn trong lòng đất. Cái chết tức tưởi và cay nghiệt của mẹ hai đã ám ảnh tôi ghê gớm. Đám tang mẹ hai, lần đầu tiên tôi thấy cha tôi khóc, người suy sụp trước quan tài vợ.--PageBreak--

Sau đám tang của mẹ hai, cha tôi thâm trầm và lặng lẽ nhiều hơn, có cảm giác như cuộc sống với ông là cõi vô thường. Ông thường nói với tôi về đạo Phật, về trí tuệ nhân sinh của Khổng Tử, về ngũ thường và kỷ cương của nhân luân… Cha tôi cũng lý giải sự nghiệt ngã của mẹ cả với tấm lòng nhân hậu rằng, gần chục năm nay mẹ cả đi hết chùa này chùa khác với tất cả sự thành tâm, mong từ cõi tâm linh phù hộ có được một người con.

Đối với thân phận một người phụ nữ như mẹ cả mà không sinh được một người con nối dõi tông đường thì dưới áp lực đè nặng của cả dòng họ là một tội lỗi, một nỗi đau đớn không thể nói bằng lời. Điều đó làm cho tính tình mẹ cả thay đổi, thất thường, mọi người phải hiểu, thông cảm và chia sẻ với mẹ cả. Tôi thì nghĩ, mẹ hai mất đi cũng là cách tự giải phóng cho mình khỏi cuộc đời cơ cực buồn thảm. Từ nay bà sẽ siêu thoát, gió mưa, dông bão, mưu toan cuộc đời trần tục trở thành vô nghĩa. Bà mất đi, để lại trong lòng tôi một nỗi xót đau, một sự băn khoăn day dứt gặm nhấm tôi từng ngày là trước khi lâm chung bà muốn trăng trối với tôi điều gì mà không thể được. Có phải đó là điều sống để dạ, chết mang theo không?

Tôi lớn lên nhiều người nói tôi có đôi tai to như tai Phật, đôi mắt sâu và sáng của cha, cái miệng duyên như của mẹ hai và cái trán dô của chú H. Hôm mẹ tôi mất, trong tay nải của bà có mấy bộ quần áo của bà và một cái quần rách nát của chú H. đã được vá víu giặt giũ sạch sẽ và gấp gọn gàng. Sau này, khi đã trưởng thành, tôi không lúc nào nguôi nhớ đến chú H và đau đáu mong mỏi lần tìm cho được tung tích của chú.

Sau này công việc của tôi liên quan đến tình hình kinh tế đối ngoại nên tôi có điều kiện ra nước ngoài thường xuyên để nghiên cứu kinh tế các nước tư bản. Trong những chuyến công tác, tôi đã bằng các mối quan hệ trong và ngoài nước để nhờ lần tìm bằng được tung tích của chú H. Tôi đã nhận được thư của một người bạn phúc đáp việc tôi nhờ:

"N thân mến! Cách đây 3 tháng, cậu có nhờ tôi nhân dịp đi Guyane để viết về cái địa ngục giam giữ các sỹ phu yêu nước Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, nơi những người nông dân Việt Nam được chiêu mộ đi nộp thuế máu trong các đồn điền cao su, giúp cậu tìm hộ tung tích chú H. Để tìm được tung tích chú H, tôi phải đi từ Đông sang Tây, từ Bắc đến Nam hòn đảo nằm chênh vênh giữa Đại Tây Dương này mới tìm được một ông lão, bạn cùng thế hệ với chú, cùng ra khơi trên một chuyến tàu, cùng làm một chỗ, ăn ngủ một lán trại, cùng vui buồn trong gian khó.

Chú là người tốt hiếm có trên đời này, giúp được ai là giúp không tính toán thiệt hơn. Chỉ có điều chú sống khép kín, không có gia đình ruột thịt, không có tài sản gì đáng giá. Đố ai moi được chuyện riêng tư của chú. Cách đây 10 năm, sau một cơn sốt rét vàng, chú mất trí nhớ hoàn toàn. Hiện nay chú sống với một người con nuôi da nâu bản xứ, một hòn máu ông nhặt được ở một đống rác ngoài chợ đem về cưu mang nuôi nấng thành người. Hai mảnh đời bất hạnh một già một trẻ cùng hợp lại thành một mảnh đời cũng bất hạnh không hơn kém, dựa vào nhau mà sống dù lay lắt, đói nghèo.

Ông lão bạn chú H than, sao người tốt thế mà lại khổ. Tôi đã thay mặt cậu đi thăm chú. Một cuộc hội ngộ và đối thoại không lời về một khoảng cách không gian nửa vòng trái đất và thời gian nửa thế kỷ kéo dài. Có bao nhiêu điều muốn nói nhưng trùm lên tất cả là sự im lặng nặng nề, mặc cho ngoài kia gió và sóng biển Đại Tây Dương gào thét trong cơn biển động. Chú ngồi đó, đôi mắt đục mờ, nhìn một khoảng trời mông lung đất khách quê người, bất động như một con người sáp, chả còn nhớ gì về quá khứ và nghĩ gì về tương lai, ngày về với đất nước mà có thể chú đã canh cánh trong lòng suốt bao nhiêu năm nay. Tôi thay cậu bắt bàn tay đầy chai sạn nhưng lạnh lẽo không còn sức sống của chú ra về, truyền vào chú một ít hơi ấm tình quê".

Từ đó, tôi không bao giờ còn trở đi trở lại với câu hỏi lớn thường day dứt trong lòng. Tôi là ai. Bí mật đó đã cùng với người sống và người chết chôn vùi vào lòng đất. Được cha thường xuyên dạy dỗ, tôi học giỏi thông minh hơn người.

Năm 1944, tôi thi đỗ vào ban tú tài trường Lyce' Khải Định, một trường nổi tiếng ở Huế, quy tụ hầu hết các học sinh ưu tú của miền Trung đất nước. Thời kỳ này, tôi đang say mê với con đường học vấn, với những hoạt động cộng đồng, hướng đạo sinh, truyền bá quốc ngữ từ thiện. Nhưng ngày nào cũng vậy, trên đường đi học về, tôi thường bắt gặp một thiếu nữ xinh đẹp, lúc thì mặc áo dài màu thiên thanh, lúc thì tím Huế, màu áo của nữ sinh Trường Đồng Khánh, dáng dấp rất e lệ, quyến rũ. Tôi thường mơ màng nhớ về bóng hồng mình đã gặp.

Thế rồi, định mệnh lạ lùng, trong một buổi trưa tháng 5 nắng như đổ lửa hắt vào những chùm phượng vĩ đỏ chói chang trên cung đường jules Ferry đẹp nhất ở Huế. Từ xa, đang đạp xe đi, tôi thấy một cô gái ngã nắng ngất xỉu trên vỉa hè. Tôi vội vàng đạp xe lại thì nhận ra đó là thiếu nữ mà hằng ngày tôi vẫn mê mải ngắm nhìn mỗi khi đi học về. Tôi thuê xe kéo đưa cô về tận nhà ở Vĩ Dạ, bên nách nhà của nhà thơ Hàn Mặc Tử, một thi sỹ mà những vần thơ của ông khiến bao nhiêu cô gái chàng trai xao xuyến và rung động vì sự tò mò. Tôi cũng không ngờ, số phận và định mệnh đã nắm tay tôi và cô gái kia để buộc chúng tôi lại bằng một sợi dây tơ hồng vấn vít chúng tôi, thử thách hoàn cảnh éo le nghiệt ngã của chúng tôi suốt trong những thăng trầm dằng dặc của một kiếp người.

Kính thư: N.V.N.

TP Chí Minh

Lời BBT: Bạn đọc thân mến! Một câu chuyện tình xuyên thế kỷ, những éo le, trắc trở trên đường đời gập ghềnh và không phải không có lúc nhuốm màu bi ai của chính tác giả, một người xuất thân trong gia đình khá giả, có địa vị trong xã hội thời bấy giờ, nổi tiếng về đường học vấn cũng như đường sự nghiệp công danh. Chúng tôi kính mời bạn đọc sẽ theo dõi tiếp phần II của "Thiên tình sử cuộc đời" trong số báo tiếp theo

.
.