Phép màu của tình thương

Thứ Năm, 14/11/2019, 17:22
Cô gái 22 tuổi chưa thể kể câu chuyện đời mình trong gần 3 năm qua từ khi đột ngột rời xa gia đình ở Bình Phước cho đến ngày được đưa vào cấp cứu trong Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mới đây.

"Trang hiện tại đã tỉnh hơn, đã nhận biết được người nhà, vậy là mừng rồi", bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Bích Mận - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai vui mừng thông tin với chúng tôi khi kể câu chuyện của bệnh nhân Bùi Thị Trang. 

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của cô gái 22 tuổi này tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn rất yếu, em chưa thể kể câu chuyện đời mình trong gần 3 năm qua từ khi đột ngột rời xa gia đình ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho đến ngày được đưa vào cấp cứu trong Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mới đây. Nhưng với Trang, được cứu sống và được trở về trong vòng tay của bố mẹ là một phép màu...

Cô gái miền Đông, chiếc túi xám và 37 ngàn đồng

Bác sĩ Phạm Thị Bích Mận nhớ lại thời điểm ngày 19-10-2019, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nữ bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Cô gái trẻ lúc đó đang trong tình trạng rất nặng, hôn mê sâu, phải thở bằng máy. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân này bị phù phổi cấp và suy thận. 

Một điều lạ là dù bệnh tình rất nặng nhưng cô gái không có người thân đưa đến bệnh viện. Qua tìm hiểu, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai biết được trước đó, khi đang đi xe bus, cô gái trẻ lên cơn khó thở. Cô gái được nhanh chóng đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. 

Đáp lại những câu hỏi gấp gáp, cô chỉ ngắc ngứ được mấy câu: tên là Bùi Thị Trang sinh năm 1997, ở Tân Phú, Đồng Xoài, Bình Phước, rồi rơi vào hôn mê sâu. Trong người không có giấy tờ tùy thân, thứ duy nhất mà cô gái trẻ mang theo là chiếc túi màu xám và số tiền ít ỏi 37 nghìn đồng. Do diễn biến bệnh tình ngày càng nặng nên Trang được chuyển lên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. 

Bùi Thị Trang nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, phù phổi cấp và suy thận.

Dù Trang không có người thân bên cạnh để làm các thủ tục nhập viện, cũng không có kinh phí điều trị, nhưng với các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, tính mạng của Trang là quan trọng nhất. Bởi thế, họ đã nỗ lực bằng mọi cách giành giật sự sống cho cô gái đặc biệt này. 

Không chỉ thế, một cuộc tìm kiếm thông tin về thân nhân của Trang và kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ bệnh nhân được Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện khẩn trương tiến hành. Chỉ với thông tin sơ sài, việc tìm thân nhân của Trang lúc ấy thật khó khăn. Nhưng các bác sĩ hiểu rằng, trong những giây phút nguy kịch, Trang cần có gia đình ở bên, và với bố mẹ của Trang, thông tin về con gái lúc này với họ quý giá biết nhường nào. 

Bằng kinh nghiệm trong việc kết nối với người nhà bệnh nhân, các bác sĩ đã chuẩn bị tin bài về Trang dự kiến sẽ đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc tìm kiếm địa chỉ và kết nối với thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - địa chỉ mà Trang kịp bật ra trước khi hôn mê, được thực hiện ngay. 

Ngày 22-10, các bác sĩ đã vào trang web của thành phố Đồng Xoài để tra danh tính và số điện thoại của cán bộ UBND thành phố. Họ tìm được số điện thoại của bà Bùi Thị Minh Thúy - Phó chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, nhanh chóng kết nối và thông tin về trường hợp của bệnh nhân Bùi Thị Trang. 

Trước tình thế gấp gáp, bà Thúy đề nghị phía bệnh viện gửi thêm thông tin và ảnh chụp bệnh nhân Trang. Bà Thúy và cán bộ UBND thành phố Đồng Xoài đã khẩn trương tìm kiếm dựa vào chi tiết "họ Bùi" của bệnh nhân Trang. 

Qua việc tra cứu thông tin, địa chỉ của những người họ Bùi trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, bà đã tìm được bố của Trang là ông Bùi Văn Kính (66 tuổi) và mẹ là bà Hoàng Thị Hảo. 10 giờ sáng ngày 22-10, chị Nguyễn Thị Hạ - Tổ trưởng tổ Trợ giúp người bệnh - Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai quá bất ngờ, không tin vào tai mình khi nhận được tin vui từ bà Thúy báo đã tìm được gia đình của Trang.

Chiếc xe cấp cứu và hành trình Nam - Bắc 1.500km

Trong câu chuyện chắp nối mà phải khó khăn lắm ông Kính mới nắm bắt được do thính lực yếu, khi được bà Thúy báo tin về con gái thì giọng ông lạc đi. Nhìn thấy ảnh Trang đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai với rất nhiều dậy dợ, ống và máy thở, ông vẫn nhận ra con gái. 

Đã 2 năm kể từ ngày Trang đột ngột biến mất, ông bà đã cất công tìm kiếm ngược xuôi nhưng đứa con gái út tên Trang vẫn biệt vô âm tín. Cuộc sống nghèo khó chôn vùi ý định đi đến những miền đất xa xôi để tìm con của hai con người khắc khổ, đáng thương. 

Biết tìm con nơi đâu khi cha mẹ không có tiền, khi mà mỗi ngày bán vé số, ông bà chỉ thu được vài đồng bạc để duy trì cuộc sống. Nhiều lúc lẩn thẩn, ông hay tưởng tượng về con, liệu có thể đã vượt biên ra nước ngoài, hay là đã bị bán đi đâu đó, sống cuộc sống khổ cực. Càng đau đáu về con, ông càng thương và lo cho con đến thắt ruột. 

Nỗi nhớ thương con, mong ngóng mòn mỏi đã khiến mái đầu người cha bạc trắng. Có nằm mơ ông Kính cũng không nghĩ con mình lại đang ở ngoài thủ đô Hà Nội - nơi ông chưa từng đặt chân tới. Thông tin về con giải tỏa được cho ông bà nỗi đau đáu bao lâu nay, nhưng lại khiến ông bà lo lắng tột độ khi các bác sĩ nói tình hình sức khỏe của con đang trong cơn nguy kịch.

Vợ chồng ông Kính muốn ra ngay Hà Nội để được gặp con. Ông bà gạt nước mắt mà rằng, dù con có thế nào thì cũng có bố mẹ ở bên, nhất định phải ra Hà Nội đón con về. Lòng cha mẹ thì thế, nhưng có phải muốn đi là đi ngay được.  Bởi quãng đường từ Bình Phước ra thủ đô xa xôi, chi phí biết lấy ở đâu. 

Bán tất cả những gì có thể và vay mượn khắp nơi, ông bà Kính có được 5 triệu đồng, nhưng số tiền ấy chẳng thể giúp ông bà ra Hà Nội để đón con về. Chính trong lúc khó khăn, các cán bộ tại thành phố Đồng Xoài đã cất công đi vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, nên ông bà Kính mới có được số tiền 16 triệu đồng thuê một chuyến xe ra Hà Nội đón con gái.

Hành trình từ Bình Phước ra Hà Nội hơn 1.500km với ông bà Kính dài vô tận. Ngồi trên xe, ông bà chỉ biết cầu trời cho con gái qua cơn nguy kịch và trở về với ông bà. Bà Hảo thương con gái út từ khi sinh ra đã yếu ớt, thường xuyên đau ốm. 

Chính vì thể trạng yếu nên Trang đến trường muộn so với các bạn cùng trang lứa, việc tiếp thu bài vở cũng chật vật khó khăn. Học đến lớp 5 thì Trang xin nghỉ học. Cách đây hơn 2 năm, một hôm bà đang đi phụ hồ thì được hàng xóm báo tin có người đến chở Trang đi. Lúc này Trang 19 tuổi. Gần ba năm qua, không lúc nào bà không nhớ về con.

Ông bà Kính không thể ngờ lại tìm thấy con trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Để ra được Hà Nội nhanh nhất, để ông bà Kính sớm được gặp con, các bác tài phải thay nhau chạy xe liên tục suốt 23 tiếng đồng hồ. Đêm 23-10, chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Bình Phước mang biển số 93B.01115 chở theo một cán bộ y tế và bố mẹ họ hàng của Trang từ Bình Phước có mặt tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai. 

Ông Kính bà Hảo gặp con mà nước mắt tuôn rơi. Họ không thể ngờ lại tìm thấy con trong hoàn cảnh ngặt nghèo này. Bên giường bệnh của Trang, bà Hảo nấc lên những tiếng nghẹn ngào: "Con ơi, đúng con rồi... Bố mẹ đến đón con. Bố mẹ không muốn mất con một lần nữa". 

Các bác sĩ, y tá có mặt tại Khoa Cấp cứu đêm đó, khi chứng kiến ông bà Kính tìm lại được con mình, ai cũng xúc động. Có lẽ, đêm hôm đó sẽ trở thành những đêm trực đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề của họ.

Ông bà Kính muốn được đưa con về Bình Phước để chữa trị và chăm sóc. Vì vậy ngay trong đêm, các thủ tục xuất viện cho bệnh nhân Trang được hỗ trợ và thực hiện nhanh chóng. 

Những giọt nước mắt xúc động lăn dài trên gò má người cha già khi số tiền 33,7 triệu đồng chi phí điều trị cho Trang tại Khoa Cấp cứu được Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ toàn bộ. Không những thế, tư trang của con gái và số tiền 37 ngàn đồng cũng được các bác sĩ giữ gìn cẩn thận và trao lại cho ông cùng những lời dặn dò chu đáo. 

Ông Kính xúc động không chỉ bởi sự tận tâm và chu đáo của các y bác sĩ mà cả người nhà bệnh nhân các giường bệnh bên cạnh cũng chia sẻ bỉm, sữa và đồ dùng để gia đình ông đưa con gái quay trở lại quê hương Bình Phước.

Những ngày này, bà Bà Hảo hằng ngày chăm sóc con gái trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Cứ nhìn con là bà lại khóc, vì thương con, vì cảnh nhà nghèo túng nên chẳng biết xoay xở tiền ở đâu để tiếp tục chữa trị cho con khi chi phí điều trị cho Trang mỗi ngày lên đến gần 2 triệu đồng.

Ngày 5-11, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đại Đồng - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú, thành phố Bình Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết hiện tại bệnh nhân Trang đã có thể nghiêng người, một số bộ phận như tay chân, cổ, mắt đã cử động được một cách yếu ớt. Trang đã nhận ra những người thân quen nhưng vẫn phải thở máy, ăn bằng đường ống và chưa nói được. 

Cũng theo ông Đồng, gia đình ông Kính được xếp vào diện hộ nghèo của phường, nay con bị bệnh nặng lại càng thêm khó khăn, vì vậy rất cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm để cô gái trẻ tên Trang được cứu chữa và trở về với bố mẹ sau gần 3 năm xa cách...

Huyền Châm
.
.