O bé!

Thứ Bảy, 19/01/2019, 09:35
Cho đến khi nằm xuống, O Bé chưa một lần hình dung bà đã hiến tặng cho đời một chuyện cổ tích đọng mãi trong nhân gian...

Lời tòa soạn

Độc giả thân quý!

Bước sang năm 2019, ở trang 31 này, chuyên mục "Những câu chuyện khó tin nhưng có thật" sẽ được thay bằng chuyên mục "Cuộc sống nhiệm màu". 

Chúng tôi, những người làm tờ báo này sẽ chia sẻ lên đây những câu chuyện nhỏ, những lát cắt, những khoảnh khắc cuộc sống có số phận đẹp đẽ nhất, giản dị và đời thường nhất, vẫn xảy ra trong đời sống của chúng ta, và nó ám ảnh tâm trí ta, ở lại trong trái tim và ký ức của chúng ta bởi niềm xúc động mãnh liệt. 

Số báo đầu tiên của năm mới, năm 2019, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến độc giả câu chuyện nhỏ về O Bé, một người phụ nữ miền Trung, người đã sống một cuộc đời nhỏ bé nhưng vô cùng vĩ đại của mình ở một làng quê heo hút và xa ngái. Và cho đến khi nằm xuống, bà chưa một lần hình dung bà đã hiến tặng cho đời một chuyện cổ tích đọng mãi trong nhân gian.

Xin được hân hạnh giới thiệu cùng độc giả!

O Bé sinh ra và lớn lên ở ngôi làng hẻo lánh và nghèo khó của một tỉnh miền Trung. Ở miền Trung quê tôi, em gái hay chị gái của cha thì đều được gọi là o, em gái hay chị gái của mẹ thì đều được gọi bằng dì. Em trai hay anh trai của mẹ thì đều được gọi bằng cậu. 

O Bé là chị gái của ông nội tôi. O Bé tôi người nhỏ xíu, bà nội kể khi cụ nội sinh o ra là sinh non, o nặng 1,8kg, nhỏ bằng con mèo non nằm lọt thỏm giữa đống giẻ tã. Cụ nội sợ khó nuôi, mà cũng là vì do o nhỏ quá, nên đặt tên là o Bé. O Bé còi cọc, nuôi mãi không chịu lớn. 

Đến tuổi thanh niên rồi nhưng o chỉ cao có một mét tư, nặng hơn 30kg, nhưng tính tình o rõ là hay. O hay lam hay làm, mồm miệng nhanh nhảu trước sau, gặp ai cũng tươi cười chào hỏi vui như tết. O đi đầu ngõ thì cuối ngõ đã thấy tiếng o lảnh lót với bà con lối xóm. Cả làng Tam Hạ tôi quý và mến o Bé ra mặt. Thấy o đi đầu làng cuối xóm là các cụ già bà trẻ lại bế con, hay đang nách thúng mủng đi làm cũng phải vời o dừng lại cho bằng được để nói chuyện. 

O có duyên ăn nói, thế nên dáng người nhỏ bé, mặt mũi rõ là không hề xinh nhưng ông trời bù lại cho o giọng hát hay ơi là hay. Cũng vì giọng hát của o mà o cưới được chú Bằng đẹp trai và làm nghề dạy học ở huyện bên.

Tình yêu của O Bé với chú Bằng thì cũng như là tiểu thuyết vậy. Làng tôi cách làng Thạch Lâm huyện Thạch Hà bằng con rào Ngàn Mọ. Không hiểu sao rõ ràng nó là con sông nhưng người làng tôi quen gọi nó là rào hơn. Con rào nhỏ vừa đủ uốn quanh ôm ấp bao bọc những thôn xóm làng mạc nghèo khó đạm bạc nhưng trù phú bởi cây cối tốt tươi ven rào. Trong kí ức của tôi, thôn Tam Hạ quê tôi đẹp lắm, thơ mộng lắm. 

Mỗi lần về quê tôi vẫn ngồi  bên này làng trên triền rào lộng gió ngó qua ngôi làng Thạch Lâm bên kia rào. Làng tôi qua làng Thạch Lâm bằng con đò ngang ở ngay chợ Bến. Phía bên kia rào những cái bến um tùm bởi màu hoa phượng đỏ chói hắt xuống lòng sông những khoảng màu hồng rực suốt mùa hè khiến cho cả tuổi thơ bồn chồn mơ mộng của mấy chị em tôi chưa lúc nào bình yên. 

Tôi không hiểu sao suốt cả những năm tháng tuổi thơ của mình, chị em tôi lúc nào cũng thèm thuồng ngó sang bên kia rào, nơi đó có ngôi làng Thạch Lâm với những khao khát tò mò khó tả mà chưa một lần tôi dám vượt rào sang bên đó. 

Làng bên ấy những ngôi nhà nằm sát mép rào chỉ cách một con đường mòn nhỏ. Thế nên địa thế của làng nhìn từ bên này rào qua bên kia rào nó đẹp và gần gụi vô cùng. Mấy chị em tôi những mùa hè về thăm bà nội, chiều nào cũng dắt nhau trốn bà ra bến sông ngồi chơi. Tôi vẫn thường len lén hai chị để ngồi dịch ra xa hơn một mình để thỏa thích ngắm ngôi làng bên kia.

Tôi nhìn rõ mồn một từng người phụ nữ buổi chiều ra bến sông rửa rau, giặt áo. Tôi nhìn thấy lũ trẻ bơi lội tung tăng... Mấy chị em tôi không ai biết bơi vì rời làng theo mẹ đi thoát li sớm cùng tuổi trẻ của mẹ. 

Chúng tôi chỉ được về quê thăm bà nội, thăm cha vào những dịp hè và Tết (ngày đó, những năm tháng chiến tranh, cha mẹ làm việc hai nơi, cha dạy học ở làng, mẹ làm cấp dưỡng ở nơi khác, cha mẹ cứ xa nhau biền biệt. Ngay cả khi cha mẹ đã về hưu, mẹ vẫn bám trụ mảnh đất xứ khác để buôn bán chắt chiu từng đồng bạc để nuôi tròn 5 anh chị em tôi đi học.

Mấy chị em tôi sinh ra và lớn lên ở nơi cơ quan mẹ làm việc, thế nên quê nhà, ngôi làng của ông bà nội trở thành một mảnh đất, một nơi chốn vừa lạ lẫm, vừa thân thương và nó có sức hút đối với chị em tôi khủng khiếp. Suốt cả mùa hè và những cái Tết Nguyên đán, chị em tôi ngụp lặn với làng, với con rào Ngàn Mọ thanh bình ngay cả trong mùa lũ. 

Và được ngồi bên bờ sông, theo dõi những gì đang diễn ra trong nhịp sống thanh bình bên kia sông là những gì tôi khao khát nhất. Cũng thật lạ, tính tôi vốn mơ mộng, thèm thuồng lắm một lần được đặt chân sang ngôi làng Thạch Lâm bên kia sông Ngàn Mọ nhưng không hiểu sao tôi chưa một lần mạo hiểm vượt rào. 

Ngày đó khoảng cách giữa các làng với nhau thật xa xôi, phương tiện chủ yếu là đi bộ, nhà ai khá lắm mới có chiếc xe đạp. Thế nên cách có một quãng rào rộng chừng 15 phút bơi sải mà chị em tôi chưa một lần đặt chân qua, dù chiều nào, đêm trăng sáng rời rợi nào cũng ra bến sông ngồi nghe hát.

Trở lại với câu chuyện của o Bé. O hát hay và hò hay đến nỗi, o cầm chịch luôn cả đám hò bên làng tôi. Vào những mùa trăng vàng rợi, thiếu nữ làng tôi vẫn rủ nhau ra bến hò đối đáp với trai hái bên kia rào làng Thạch Lâm. 

O Bé hò hay đến nỗi, chú Bằng ở Thạch Lâm, sau thời gian hò đối đáp với đám nữ bên này đã cởi áo bơi vượt rào sang để xem mặt o Bé. Bà nội kể, chú Bằng bơi qua sông bị trai làng mình đánh cho một trận vì dám vượt rào sang làng bên này “cua” gái. 

Hồi đó trai làng giữ gái làng ra mặt, không xâm phạm nổi lãnh thổ đã định. Chú Bằng si mê giọng hò của o Bé lắm, mới dám cả gan vượt rào sang xem mặt cho bằng được. Xem mặt o Bé rồi, chú Bằng thất vọng vì rõ là o Bé không xinh. Nhưng bạn o Bé là o Chanh thì xinh đáo để, mê mẩn giọng hò của chú Bằng. 

O Chanh là bạn thân của o Bé. O Chanh và o Bé đều làm công tác đoàn thể ở làng, thân nhau như chị em ruột. Bà nội kể cụ nội thường bảo với o Bé, mi đi với con Chanh nhiều thì mi ế nhông là cái chắc. Con Chanh nó đẹp thế, nó át phần mi, mi kiếm đâu ra nhông mà lấy.

Mặc cho sự chênh lệch nhan sắc thấy rõ, o Bé vẫn thân o Chanh, vẫn gắn với nhau như hình với bóng. Hồi đầu tiên chú Bằng vượt sông sang, o Bé nói với chú: "Tui hò thay con Chanh để tỏ tình cảm với anh đó, chớ tui không có tình cảm chi với anh mô". O Bé vô tư chỉ mong bạn mình kết duyên với chú Bằng.

Chú Bằng thấy o Chanh đẹp quá, lòng nao núng lắm trong lần gặp gỡ giáp mặt ấy.  Lại biết o Chanh mê mình nữa, chú Bằng phân vân đổi hướng. Nhưng khổ nỗi, trở về làng, mỗi lần đi hò, chú lại phải lòng giọng hò của o Bé không dứt được. 

Hồi đầu gặp o, có chút thất vọng về nhan sắc của người trong mộng nhưng những buổi tối hò đối đáp tiếp theo, chú Bằng lại không dứt được ma lực quyến rũ của o Bé. Mê giọng hò và câu hò đối đáp thông minh nhí nhảnh của o Bé mà chú Bằng chịu mấy trận đập của trai làng để hỏi cưới bằng được o Bé về bên kia sông. 

Ngày cưới o Bé, o Chanh làm phù dâu... chỉ mình o Bé hiểu được nỗi khổ trong lòng bạn. Nhưng duyên phận trời định, o Bé đành thuận duyên trời se.

Sau đám cưới o Bé, O Chanh cất hình ảnh chú Bằng thật sâu trong trái tim, mừng cho hạnh phúc của bạn thân và rồi o cũng đi lấy chồng là chú Thuận người trong làng trong nỗi buồn phảng phất. O Chanh quá đẹp, bao trai làng si mê o trừ chú Bằng. Khổ nỗi, o Chanh lại chỉ mê chú Bằng nhưng chú Bằng trái tim lại chỉ dành cho O Bé. 

Nhưng rồi, tình yêu của chú Thuận cũng bù đắp cho o Chanh những khoảng trống ban đầu. Chú Thuận yêu và chiều o Chanh đến nổi tiếng cả làng. Hôn nhân của o Chanh xem ra cũng rất hạnh phúc.  

Nhưng xót xa thay, những năm tháng chiến tranh ác liệt, giặc Mỹ trút bom vào mảnh đất Hà Tĩnh nhằm chặn đứt con đường tiếp viện vào miền Nam. Chú Thuận, o Chanh, O Bé và chú Bằng đều tham gia thanh niên xung phong sửa chữa đường thông đường cho xe đi qua. Không may chú Thuận trúng bom hi sinh khi làm nhiệm vụ. O Chanh chưa kịp sinh đứa con nào cho chú Thuận. 

Đời o Chanh đẹp mà trắc trở bất hạnh. Chú Thuận hi sinh, o Chanh thêm vết thương tình duyên quá sâu nên không muốn mở lòng thêm lần nữa. O thề ở vậy thờ chồng. O Bé nói thế nào o Chanh cũng không chịu đi bước nữa.

Thương o Chanh góa bụa côi cút khi còn quá trẻ, thuyết phục bạn đi bước nữa không được, trong khi o Bé đã có đàn con lít nhít 5 đứa trứng gà trứng vịt thì o Chanh vẫn phòng không đơn chiếc. 

Quãng lúc o Chanh ngoài 30 tuổi, o Chanh bị chứng bệnh kiểu như trầm cảm, chỉ ngồi một xó trong nhà, không chịu gặp ai, tiếp xúc với ai. Mỗi lần vượt rào về thăm bạn, o Bé nhìn bạn tàn tạ dần, xót bạn mà khóc nức nở. O Bé nhờ chú Bằng cho o Chanh đứa con để sau này nương tựa tuổi già. O Bé biết, sâu thẳm trong lòng o Chanh vẫn giữ cảm xúc và hình bóng một người buổi ban sơ...

Không có ai trên đời này như o Bé. Nhờ chồng mình làm một việc là cho bạn gái thân đứa con. Một buổi tối mùa hè... o Bé để lũ con cho chú Bằng bươn bả qua sông trở về làng... O Bé rủ o Chanh ra chợ Bến cất lên tiếng hò năm xưa sau bao năm đứt đoạn. Chú Bằng đang ngồi trông con, nghe giọng hò của vợ quyến rũ níu kéo, chú cũng ra bến sông ngồi hò, nhắc lại một quãng đời tuổi trẻ.

Đêm ấy o Bé soạn câu hò nao lòng cho bạn, thay bạn cất lên những câu hò tha thiết hờn tủi đơn côi kể về số phận...

..."Hò..... ơ! Tui phận buồn như cánh hoa trôi sông.... thương một người nhưng người ta không biết... Phận tui mỏng mai này biết nương tựa vào ai.... Thương một người... thương mãi không thôi... Người có lúc nào thương đến tui, gỡ cho tui dây tơ hồng quấn quýt. Người ta con bồng con bế, tui đây sớm tối một mình. Người ta có thương tình, gỡ không xong thì buộc thêm cho tui chút dây tơ hồng, tui quấn quýt sớm hôm"...  

Cứ thế đến trắng đêm, trong nội dung của câu hò ấy, o Bé khéo léo nhờ chồng mình thương dùm o Chanh, viết tiếp câu chuyện hạnh phúc dang dở của o Chanh, và giúp cho o Chanh đứa con nương tựa tuổi già.

Người làng tôi vẫn truyền tụng nhau câu chuyện của o Be,á o Chanh như một cổ tích thân thương của làng... O Bé tài đến nỗi, sau đêm hò dưới trăng bên bến sông, o Chanh thuận theo sự sắp đặt của o Bé để chú Bằng qua bên kia sông chắp nối tơ duyên đứt gãy cho o Chanh. 

Còn chú Bằng thì đã giúp vợ làm một việc ân nghĩa, cho o Chanh... và giúp cho o Chanh không chỉ một.... mà tới 5 đứa con hai trai ba gái mới là chuyện kỳ tài... 

Ngày o Chanh sinh đứa con thứ nhất, o Bé sang chăm nuôi như chị gái chăm em sinh nở suốt tháng ở cữ. Đến lúc o Chanh lại vác bụng chửa lùm lùm lần thứ hai, người làng trách chú Bằng và o Chanh tham lam lợi dụng lòng tốt và trái tim nhân hậu của o Bé để làm tổn thương o Bé. 

Nhưng từ chỗ tàn tạ, buồn bã ốm yếu, giờ O Chanh càng chửa đẻ càng phổng phểnh xinh đẹp hồng hào với luồng sinh khí mới. O Chanh ngày càng rạng rỡ lộ rõ trên mặt, dù đã gần tuổi 40. Trong khi O Bé thì già sập như bà lão. Mỗi lần o Chanh đẻ, o Bé lại già sọm quắt queo và teo tóp hơn. Thế mà o Bé trong cả 5 lần o Chanh sinh con, o Bé vẫn vượt rào trở về làng và chăm bẵm o Chanh trong tháng ở cữ cho tất thảy 5 lần o Chanh sinh nở.

Người làng tôi vẫn kể, sau này về già, các con của o Chanh trưởng thành, o Chanh về bên làng Thạch Lâm ở hẳn cùng với o Bé. O Bé từ nhỏ vốn đã sức khỏe yếu, nên càng về già càng đau ốm nhiều. Chú Bằng và o Chanh thay nhau chăm sóc cho o Bé từng li từng tí. 

Những ngày cuối đời, o Chanh bế o Bé trên tay, tắm rửa cho o Bé rồi bón cơm cho o Bé như chăm sóc một đứa trẻ. O Bé già lão rồi mất, mãn nguyện và thanh thản. O Chanh cũng đã lên chức bà, các con cháu o Chanh trong đám tang o Bé, đội khăn tang chống gậy trước xe tang, vừa đi vừa quỳ lạy o Bé như các con lạy mẹ của mình trong cuộc tiễn đưa cuối...

Ngàn Mọ tháng Chạp năm Mậu Tuất.

ANTG GT số 132
.
.