Những cảnh đời trái đắng

Thứ Năm, 10/09/2020, 15:05
Con đường làng yên ả dẫn tôi tới thôn 1, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, nơi ở trọ của 12 người thuộc Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long. Đó là các nạn nhân chất độc dioxin Việt Nam. Mỗi người, một cuộc đời, một số phận.


1. Trong nhóm người khiếm thị, anh chàng cao lớn mặc áo trắng thắt cà vạt đỏ là Nguyễn Văn Mạnh, năm nay 33 tuổi. Mạnh sinh ra trong lỡ làng. Khi mang thai Mạnh, cuộc sống cơ cực, bần hàn của một người mẹ khốn khổ, vốn đã có 4 người con thực sự không muốn sinh thêm nữa. Đã không dưới 2 lần, người mẹ ấy lên trạm xá xã định bỏ giọt máu này đi nhưng nghĩ đi nghĩ lại, không nỡ, lại tần ngần ôm bụng ra về. 

Đến ngày khai hoa nở nhụy, sinh ra cậu bé đặt tên là Mạnh. Hai vợ chồng hi vọng cậu bé khỏe mạnh, dù cuộc đời có sóng to, bão lớn bao nhiêu. Nhưng, vui được vài hôm thì chỉ thời gian ngắn sau, hai vợ chồng phát hiện đứa bé bị mù bẩm sinh.

Suốt những năm tháng ấy, hai vợ chồng hằng ngày hễ đi ra ngoài thì thôi, chứ về đến nhà là lại bật đài để có tiếng hát vui cửa vui nhà. Họ thấy lạ, mỗi lần nghe tiếng hát là đứa trẻ nín lặng, tỏ ra rất chăm chú. Có thể nói, cậu bé Mạnh suốt từ thơ bé nghe tiếng hát trên đài và những  tiếng hát ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn cậu.

Ở trong đoàn nghệ thuật, mỗi khi anh Mạnh đi lại đều vịn vào tay vợ.
Sau này, lớn lên, muốn giảm gánh nặng cho gia đình, cậu xin vào Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, vừa thỏa lòng được đi hát và cũng được đặt chân đến vùng đất khác để biết đây biết đó.

Mạnh bảo: “Người khiếm thị không nhìn thấy nên sống bằng cảm nhận”. Ngày vào đoàn, cậu còn bỡ ngỡ nhưng sau thấy thân quen. Những người bạn khiếm thị, khiếm thính của cậu, người chiều cao chưa đầy 1m, người lết bước đi khó nhọc. Những thân thể tật nguyền bẩm sinh, ai cũng vất vả như ai. 

Nhưng, rồi có một ngày định mệnh đến với cậu. Đó là khi đoàn biểu diễn ở Quốc Oai, Hà Tây. Hôm đấy, Mạnh lên hát và tiếng hát trầm ấm, ngọt ngào đó có gì như bối rối. Mạnh cảm thấy như có ai đó đang nhìn mình, hay đúng hơn là ai đó đang ở gần mình.

Sự thực là sau buổi biểu diễn hôm đấy, đoàn của Mạnh thêm được một cô gái. Số là, hôm đó, mẹ bị cảm, cô xách cặp lồng đi mua cháo cho mẹ ngoài ngõ, thấy đông người nghe hát, cô chen người vào xem. Trước mắt cô là đoàn nghệ thuật với những thân phận người mù, người câm, điếc, lùn, bệnh bạch tạng... 

Cô nhìn xuống thân thể mình. Chất độc dioxin mà cô bị nhiễm từ người bố đi chiến trường nên từ khi sinh ra, đến khi 7 tuổi, cô mới đi được. Nhưng, cô không thể đứng thẳng được, mỗi bước đi hai chân tõe ra phía dưới và thân hình trườn lên phía trên, lết người từng bước khó nhọc. Buổi gặp gỡ định mệnh  khiến cô muốn rời khỏi gia đình, đi theo đoàn và chạy theo tiếng sét ái tình mà suốt bao năm qua cô vẫn hằng ao ước.

Tình yêu giữa Mạnh và Hằng đơm hoa kết trái. Chàng trai mù và cô gái tật nguyền vẫn thường dắt nhau trên những triền đê gió mát. Chàng trai hát cho cô gái của mình những bản tình ca sâu lắng, trữ tình. Ít lâu sau khi thành vợ chồng, Hằng mang bầu, hai vợ chồng hạnh phúc lắm nhưng họ cũng có nỗi lo canh cánh: Liệu đứa trẻ ra đời có được lành  lặn hay không!

Thực tế là 7 năm nay con gái họ vẫn nằm một chỗ, trí não không bằng đứa bé 7 tháng. Chất độc dioxin truyền từ người mẹ khiến bé mất cảm giác hoạt động. Những lần nhìn đứa con dại nằm đó là hai vợ chồng lại trào nước mắt. 

Hằng bảo, sau lần đấy em sợ không bao giờ dám sinh con nữa. Gửi con cho ông bà nội nuôi dưỡng chăm sóc, hai vợ chồng tiếp tục tham gia ca hát để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cả năm nay, do đợt giãn cách xã hội vì COVID-19, Đoàn Nghệ thuật nhân đạo không biểu diễn, phải chờ cho qua mùa dịch.

Nước mắt rơm rớm như bao bà mẹ lo cho con, Hằng bảo nếu chẳng may ông bà nội mất đi, chẳng biết đứa bé sẽ như thế nào. Hằng hưởng chế độ dioxin 850 đồng/tháng và con gái được 750 đồng/tháng. Hằng khát khao tìm một nhà hảo tâm nào đó từ thiện cho bỉm, cho sữa đứa bé vì hai vợ chồng cô không thể nào xoay xở nổi.

2. Cặp vợ chồng Phan Viết Ngữ và Phạm Thị Hoa sống cùng trong đội nhìn cảnh vợ chồng Mạnh và Hằng khi sinh con tật nguyền nên cũng không dám có con. Ngữ quê ở Mê Linh, Vĩnh Phúc, năm nay anh 40 tuổi, là con thứ ba trong ra đình có 4 anh chị em. Cha anh xưa đi chiến trường bị nhiễm chất độc dioxin, cả gia đình không ai làm sao cả,  không may anh lại nhận thiệt thòi, bị khiếm thị bẩm sinh. 

Từ nhỏ anh đã không được nhìn thấy ánh mặt trời nên có bao niềm vui hay nỗi buồn đều gửi vào câu hát. Cuộc sống đơn độc của người khiếm thị làm cho anh khó tìm thấy tiếng nói chung với những người xung quanh. Chỉ đến hơn chục năm nay, bước vào ngôi nhà chung của Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, anh mới thấy đây là nơi của mình.

Chị Phạm Thị Hoa nhỏ bé bên người chồng khiếm thị Phan Viết Ngữ.

Họ cũng giống anh là không nhìn thấy ánh sáng. Họ cũng giống anh là thiếu thốn tình thương. Họ cũng giống anh sự khao khát đón nhận tình yêu của đồng loại. Cũng là số phận run rủi để họ gặp nhau thành một cặp trời sinh. Phạm Thị Hoa quê ở Đại Từ, Thái Nguyên, là con út sinh ra trong ra đình 5 anh chị em. 

Hoa kể: Mấy người anh chị em trước Hoa không ai việc gì, đến khi mẹ mang bầu Hoa thì bị cúm nên đã sinh con không lành lặn. Lúc y tá trao đứa bé, người mẹ đã suýt ngất và làm rơi con. May thay, chị y tá kịp đỡ lấy. Hoa lớn lên trong sự tủi hổ và đau đớn. 

Khi bước vào tuổi đi học, bị bạn bè chê cười và sự trêu chọc của những đứa trẻ cộng với những ánh nhìn kì thị đã khiến đứa bé đấy không thể bước đến lớp được nữa. Nỗi buồn càng ngày càng lớn hơn khi mọi cô gái đến tuổi dậy thì đều phổng phao, xinh đẹp, riêng Hoa chỉ cao 80 cm, khuôn mặt cũng khác thường.

Có những buổi chiều đứng ở cửa nhìn ra đường thấy đôi nam nữ dắt díu, đèo bồng nhau đi chơi, Hoa chạnh lòng nghĩ: “Tình yêu là thứ không phải dành cho mình”. Những đêm dài nằm úp mặt vào gối khóc tấm tức một mình và cũng đã đôi lần Hoa nghĩ đến cái chết nhưng rồi duyên trời sắp đặt, cuộc gặp định mệnh đã xe duyên vợ chồng, điều mà trong mơ Hoa cũng không dám nghĩ đến.

Anh chàng khiếm thị Phan Viết Ngữ cùng Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long về Đại Từ, Thái Nguyên biểu diễn. Hoa chạy ra sân đình xem, khi đoàn biểu diễn thu dọn hành lý xong vẫn thấy Hoa cứ tần ngần đứng đấy mãi không về, ánh mắt như cầu khẩn. 

Thầy Đỗ Trắc Lộc hỏi: “Cháu có muốn về với đoàn không?”. Cô gái òa khóc bảo: “Cháu có”. Sau khi làm thủ tục, Hoa về đoàn, từ đấy hai người nảy sinh tình cảm. Không biết Ngữ đến với Hoa trước hay Hoa đến với Ngữ trước, chỉ biết rằng từ ngày đó họ thường nắm tay nhau không rời nửa bước. Anh chàng khiếm thị cao 1,65 m và cô gái lùn khuyết tật ríu rít như đôi chim câu. Bão, gió, nước, lửa không ngăn được tình yêu của hai người.

Họ cứ như thế, vịn vào nhau để sống qua một kiếp người!

Trần Mỹ Hiền
.
.