Kỳ cuối: Mẹ đã sống một cuộc đời lộng lẫy

Thứ Năm, 03/01/2019, 17:08
Tôi đã nghĩ rất nhiều về câu chuyện tôi được sinh ra, và về tình yêu của cha tôi với hai người mẹ, hay nói một cách chính xác hơn, tình yêu vĩ đại của hai người mẹ đã dâng hiến cho cha tôi như thế nào.


Kính thưa các anh các chị!

Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Mẹ tôi sinh ra không được như những người bình thường khác. Mẹ vì bệnh tật mà khiếm khuyết cơ thể, sức khỏe yếu, nhưng mẹ tôi lại được ông trời bù đắp bởi một tình yêu lớn lao và vô giá của cha tôi. 

Tình yêu lớn của cha đủ cho mẹ trở thành một người hạnh phúc nhất thế gian. Mẹ có một cuộc sống phong phú trọn vẹn và hạnh phúc mà bất kỳ người phụ nữ nào trước ngưỡng cửa cuộc đời cũng phải mơ ước. 

Một tình yêu lãng mạn như cổ tích với cha tôi, một công tử đẹp trai và hào hoa, lại có một sự nghiệp công danh ổn định thuộc tầng lớp trên của xã hội. 

Tình yêu cổ tích ấy đã biến những mơ mộng của đời mẹ trở thành hiện thực. Một gia đình nhỏ ấm cúng và tràn đầy yêu thương khi bên cạnh mẹ có bóng dáng vững chãi của người đàn ông cho mẹ nương tựa, có tiếng cười trong vắt của trẻ thơ lấp lánh trong tổ ấm của mẹ. 

Dẫu sau này mẹ có sự lựa chọn nào khác thì cũng là do mẹ cảm thấy đã viên mãn, biết thế là  đủ đầy, là trọn vẹn để dừng lại, để chọn con đường riêng đi tới sự vô cùng của đời mình. Bất kể lựa chọn nào của mẹ tôi đều thấy ở đó có sự hoan hỉ, có hạnh phúc, chứ không phải do mẹ thất vọng mà ra đi.

Ngày mẹ sinh tôi, đứa con đầu lòng kết quả từ mối tình mãnh liệt với cha tôi, cả khu vườn của mẹ nở đầy hoa. Cây Đào cổ xoè nụ hồng nghiêng vào cửa sổ nơi hai mẹ con nằm. Mẹ và tôi trò chuyện với hoa những khi cha đi làm vắng. Bà nội dù sợ ông nội, không dám công khai thừa nhận mẹ tôi là con dâu nhưng bà bí mật nhờ bà cô bên ngoại không chồng con đến ở trong nhà cha mẹ tôi để chăm sóc cho cháu nội và con dâu của bà. 

Nhưng đời sống có những dẫn dắt bí ẩn của riêng nó, và chỉ có ông trời với quyền năng tối thượng mới có thể sắp đặt được. Có một lần khi bà nội đánh đường sang nhà cha mẹ tôi, bà nội đã gặp cô Lụa ở đó. Bà đã vô cùng ngạc nhiên. 

Vì quá ngạc nhiên và đột ngột mà bà nội đã vô tình để cho mẹ biết cô Lụa là ai. Còn cô Lụa thì bàng hoàng vì bị phát giác nên vội vã xin phép bà nội ra về như chạy trốn. 

Tôi đã nghĩ rất nhiều về chuyện của cô Lụa. Tôi ngộ ra rằng, không một ai có thể hiểu và lí giải được tình yêu là gì, nó có quyền năng ra sao mà con người có thể sẵn sàng chết đi vì nó hay hi sinh tất thảy vì nó. 

Có người yêu theo lối phải chiếm đoạt sở hữu bằng được. Có người lại yêu một cách dâng hiến mà không đòi hỏi. Cô Lụa giữ tình yêu với cha theo cách riêng của cô, là âm thầm giúp đỡ cha mẹ, mong cho cha mẹ được hạnh phúc và lặng lẽ lùi về phía sau làm người bí ẩn để dõi theo tình yêu của cha mẹ, chăm sóc cho tình yêu của cha mẹ được đơm hoa kết trái. 

Tình yêu của cô Lụa là một lòng một dạ an nhiên với niềm hạnh phúc khi yên tâm thấy người yêu mình có một đời sống tốt, một gia đình hạnh phúc. Cách cô Lụa yêu cha tôi là quên bản thân mình đi, và hạnh phúc khi thấy người yêu mình được hạnh phúc.

Còn mẹ, tình yêu của mẹ đối với cha cũng thật vĩ đại. Xét một khía cạnh nào đó, cả mẹ và cô Lụa đều là những người phụ nữ vĩ đại trong tình yêu mà tôi từng biết.             

Lần gặp gỡ đầy ngạc nhiên của bà nội tôi với cô Lụa tại ngôi nhà của cha mẹ ở bên kia sông, bà nội đã không giữ được bí mật. Bà nội khi hiểu chuyện, đã bế tôi vào lòng, giàn giụa nước mắt trút bầu tâm sự khi mẹ tôi gạn hỏi bà rằng vì sao bà lại gọi bạn gái tên Đào của mẹ là cô Lụa, và vì sao cô Lụa lại giật mình tái mét mặt khi gặp bà nội…. rồi vội vã ra đi ngay.

Kể từ ngày đó, mẹ đăm chiêu hơn. Mẹ vẫn thường ngồi cạnh tôi bên cái nôi mây bà nội mua ở phố Quang Trung mang sang. Mẹ ngồi đưa nôi cho tôi, nhìn ra khu vườn hoa lớp lớp nở, lớp lớp tàn, lớp lớp rụng cánh… 

Mẹ vẫn ngồi tư lự mỗi ngày bên khung cửa sổ. Cha tôi sau giờ tan sở lại đạp xe về nhà và lúi húi chăm cây cối cho khu vườn ngày một lộng lẫy hơn… Cô Lụa không còn sang thăm mẹ. Mẹ nhớ cô Lụa ấp tấm áo dài cô may cho mẹ hôm Tết ướt nước mắt. Mẹ vẫn ngóng ra ngõ tìm bóng dáng cô Lụa thấp thoáng trên đường.

Tình yêu của cha mẹ dịu dàng như một con sông, nước sông mỗi ngày vẫn chảy thao thiết từ trong khe đá, và cuộn đổ về biển cả. Cha vẫn thường bế tôi lên, đẩy mẹ ra khu vườn mỗi khi nắng sớm đổ vàng xuống… 

Cha đẩy mẹ tôi và tôi đi giữa những luống hoa, đôi khi chỉ để im lặng cho mẹ hít thật sâu bầu không khí của những buổi sáng tinh sương thấm đẫm hương thơm của các loài cây lá đang dậy đón ánh mặt trời.

Và mãi mãi đến sau này, tôi vẫn luôn tự hỏi tại sao yêu cha nhiều đến như thế, thiết tha cái đời sống an nhiên tự tại trong khu vườn của cha nhiều đến như thế mà mẹ vẫn buông bỏ hết để ra đi. Một lần nữa mẹ đón nhận cuộc sống của mẹ theo một cách khác mà mẹ muốn. Từ chối để đón nhận, từ chối để được bình yên hơn, từ chối để được viên mãn hơn với cái đời sống mà mẹ chưa bao giờ hết tình yêu đối với nó.

Năm tôi lên ba tuổi, mẹ sinh thêm một em gái nữa. Lần sinh con thứ hai này quá nguy hiểm đối với một người phụ nữ bại liệt bị hở van tim bẩm sinh như mẹ. Việc mang thai tôi và sinh nở tôi một cách vuông tròn đối với một cơ thể nhiều khuyết tật như mẹ là đã một kỳ tích. 

Lần trước, bác sĩ đã khuyên cha và mẹ không nên mang thai và sinh con thêm một lần nào nữa nếu muốn bảo toàn tính mạng. Mẹ biết điều đó nhưng mẹ ao ước sinh cho cha một cậu con trai giống cha như tạc. Mẹ âm thầm giấu giếm cha, và làm mọi cách để có thai thêm lần nữa... 

Khi cái thai đã hơn ba tháng, xảy ra việc mẹ phải vào viện cấp cứu cha mới biết mẹ mang thai thêm em. 6 tháng mẹ nằm nhà thương, cha đi lại sở làm và vào viện như con thoi. Bà nội xót cháu, mang tôi về nhà xin ông nội cho bà đưa cháu về nhà chăm sóc. 6 tháng mẹ nằm viện với tình trạng của mẹ như nằm ở cửa tử. Cha gầy đi cả chục cân vì chăm mẹ và lo lắng cho mẹ. 

Cuối cùng mẹ cũng sinh thêm được em gái nữa một cách vuông tròn. Đến mức các bác sĩ ở nhà thương phải lắc đầu thừa nhận trường hợp của mẹ là vô cùng may mắn và kỳ diệu. 

Nhưng sức khỏe của mẹ rất yếu, em gái phải nằm lồng ấp... bác sĩ khuyên mẹ cần được tình dưỡng bệnh tật và không nên thực hiện thiên chức thêm một lần nào nữa nếu muốn bảo toàn tính mạng... Nhưng mẹ đã hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ của mẹ. Ngay từ những ngày nằm hồi phục ở viện, mẹ đã có một kế hoạch để lại căn nhà hạnh phúc, rời bỏ những người mình yêu thương để ra đi…

Sau này tôi mới biết chính bà ngoại đã giúp mẹ đưa mẹ vào Huế và xuống tóc nương bóng cửa Phật tại một ngôi chùa. Nhưng ngày đó bà ngoại đã giấu cha tôi chuyện đó. Bà ngoại không muốn cha tìm được mẹ, không muốn chuyện tình của cha mẹ một ngày nào đó kết thúc trong buồn thương. 

Sức khoẻ của mẹ không cho phép mẹ ở bên cha và chúng tôi để vun đắp cái đời sống hiện tại của cha mẹ bền vững hạnh phúc dài lâu được. 

Mẹ biết trước với bệnh tình và sức khoẻ của mẹ, mẹ không thể ở lại bên cha lâu hơn, và cũng không thể mang lại cho cha một hạnh phúc tròn đầy hơn. Những ngày ở bên cha, được làm vợ, được làm mẹ của hai đứa con thế là đủ. 

Mẹ nhờ bà nội chuyển một bức thư cho cô Lụa ngay hôm ở bệnh viện trước khi mẹ chuyển dạ sinh em. Trong thư mẹ viết và xưng hô tuyệt nhiên không có một chữ Đào nào mà thay vào đó là chữ Lụa. Chỉ cần việc mẹ trả lại cái tên thật của cô Lụa trong bức thư thôi cũng đủ để cô Lụa hiểu rằng mẹ đã biết tất cả. 

Bức thư cho đến lúc này mẹ Lụa vẫn giữ (chị em tôi từ nhỏ lớn lên vẫn gọi cô Lụa bằng mẹ, vẫn đinh ninh mẹ Lụa là mẹ đẻ của mình, cho đến một ngày, mẹ Lụa và cha dắt chị em tôi vào Huế tạ mộ mẹ, đến lúc đó tôi mới biết hoá ra người chăm sóc nuôi nấng chị em tôi từ nhỏ không phải là mẹ đẻ, mà mẹ đẻ tôi là một người phụ nữ khác, bà đã có một đời sống mãnh liệt, và bà đã đi rất xa khi chúng tôi kịp lớn lên). 

Bức thư ấy, mẹ tôi đã viết cho cô Lụa mấy dòng ngắn ngủi: "Chị Lụa ơi! Cả đời này em ơn chị. Nhờ có chị mà em được yêu thương, được làm vợ nhà em, được làm mẹ của Hoàng Hoa, Hoàng Yến. 

Nhiều lúc em tự hỏi kiếp trước mình đã ăn ở thế nào mà kiếp này em may mắn và hạnh phúc đến như vậy. Em có đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn như thế không chị khi mà em sinh ra vốn đã không bằng những cô gái khác. Dù thế nào em cũng đã cảm thấy mãn nguyện vì em đã sống trọn vẹn một đời sống theo cái cách mà em mơ ước.

Bây giờ chị xin cho em lạy chị một lạy. Em nhờ chị chăm sóc Hoàng Hoa và Hoàng Yến hộ em. Chị làm mẹ các con em giúp em như chị đã từng giúp em có được một cuộc sống hạnh phúc như thế này.  Sức khoẻ của em không cho phép em làm được gì hơn nữa. Hoàng Hoa, Hoàng Yến cần một người mẹ tháo vát để chăm cho cháu. 

Nhà em cần một người vợ khỏe mạnh đảm đương việc gia đình. Em thật ích kỷ khi lựa chọn cách này. Nhưng xin chị hiểu, những năm tháng cuối, em muốn nương bóng từ bi… Xin chị nhận lấy từ em một lạy và giúp em việc cuối này như chị đã từng giúp đỡ em trong suốt thời gian qua chị nhé.

Một ngày nào đó, em sẽ nhắn địa chỉ cho chị, để chị dắt bé Hoàng Hoa, Hoàng Yến vào thăm em. Hoàng Hoa, Hoàng Yến đã có người mẹ đích thực là chị. Em tin và gửi gắm".

Chị em tôi lớn lên trong vòng tay của mẹ Lụa và cha. Năm đó mẹ Lụa của chúng tôi mới chừng 25 tuổi. Cha đã trao chị em tôi cho mẹ Lụa giúp và hai năm trời cha bỏ việc lang thang đi tìm mẹ. Ông bà ngoại khuyên cha nên lập gia đình mới với mẹ Lụa và hãy tôn trọng ý nguyện của mẹ, để cho mẹ được an tĩnh theo cách mà mẹ đã chọn. 

Hai năm ấy, mẹ Lụa bỏ cửa hàng bán lụa ở phố Hàng Đào về khu vườn của cha ở chăm chị em tôi, và chăm sóc những mùa hoa để chờ cha đi tìm mẹ trở về.

Nhưng mẹ đã có một chốn an trú quá bình yên… Cha không thể nào tìm được mẹ vì thời đó đường sá đi lại, thông tin khó khăn chứ không như bây giờ. 

Sau hai năm, cha để lại ngôi nhà có vườn nhờ mõ già chăm sóc và nói rằng một ngày nào đó sẽ đón mẹ về lại khu vườn này… Cha đưa chị em tôi về phố Hàng Đào. Mẹ Lụa khăn gói theo cha về phố… Cha và mẹ Lụa từ đấy sống bên nhau và có thêm 7 người con. 

Chúng tôi, những đứa con lớn lên bên cha mẹ, chưa từng một lần nào nhìn thấy cha mẹ cãi nhau hay nói nặng lời với nhau. Cha mẹ đã yêu nhau và sống hạnh phúc bên nhau cho tận những giây phút cuối cùng.

Xin được kể thêm rằng, mấy năm sau đó, bà ngoại đến thông tin cho cha và mẹ Lụa nơi ở của mẹ. Cha và mẹ Lụa bế chị em tôi ngược vô Huế đến ngôi chùa nơi mẹ nương bóng. Bệnh tim nặng của mẹ đã giữ mẹ ở lại thêm được 6 năm kể từ ngày mẹ ra đi, nhưng rồi cũng không giữ được mẹ trên cõi nhân gian này. 

Cha và mẹ Lụa vào không kịp, mà thực ra mẹ không muốn ràng rịt níu kéo một khi bà đã quyết định buông bỏ. Mẹ cũng không muốn gặp lại cố nhân, hay gợi nhớ lại chuyện đời trần một khi bà đã theo con đường tu đạo. Mẹ đã sống trọn vẹn những quãng đời ngắn ngủi theo cách của bà. Với đoạn đời nào mẹ cũng mãnh liệt, đắm say. 

Thăm nơi mẹ an nghỉ xong, ba năm sau cha và mẹ Lụa vào đưa mẹ về với khu vườn bên kia sông của mẹ… Nơi đấy sau này cha và mẹ Lụa quy hoạch thành khu thờ phụng của gia đình. Rồi nữa, khi cha và mẹ Lụa mất, theo di nguyện của cha mẹ, chúng tôi đưa cha và mẹ Lụa về bên mẹ của tôi… cả ba người an nghỉ bên triền sông Hồng, quanh năm cuộn đỏ phù sa thao thiết chảy.

Tôi đã nghĩ rất nhiều về câu chuyện tôi được sinh ra, và về tình yêu của cha tôi với hai người mẹ, hay nói một cách chính xác hơn, tình yêu vĩ đại của hai người mẹ đã dâng hiến cho cha tôi như thế nào.

Hoàng Hoa (Hà Nội)

Lời Ban biên tập

Chị Hoàng Hoa kính mến! Cảm ơn chị đã dành tặng cho chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật" của báo chúng tôi một câu chuyện quá đẹp và thánh thiện về tình yêu. 

Nó gần như là một câu chuyện cổ tích với những phép màu nhiệm đã ban phước lành cho cuộc đời của chị, của mẹ chị và của tất cả chúng ta, những ai đã được đọc và chia sẻ câu chuyện này. Đúng là mẹ chị đã sống trọn vẹn một đời sống thật lộng lẫy. Bà đã có những năm tháng đẹp nhất của đời người. Bà đã có được tất cả những gì mà bà mơ ước và khao khát. 

Một tình yêu đủ lớn và mãnh liệt (với cha của chị), một ân tình đủ để nợ nhau và tri ân nhau cả đời (với cô Lụa), và một phép màu kỳ diệu nhất (chính là chị em chị). Câu chuyện đẹp đẽ chị gửi cho chúng tôi  cũng đã khép lại chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật" này ở đây.

ANTG CT số 208
.
.