Cuộc đời kỳ lạ của bà nội (tiếp theo)

Thứ Tư, 30/11/2016, 11:01
Nhà có việc đại sự, cả hai ông nội đứng ra cùng nhau lo ma chay cho các cụ nội ngoại hai bên, lo dựng vợ gả chồng cho 8 người con còn lại. Các bác đi lấy chồng lấy vợ đều quỳ lạy hai người cha của mình... Cuộc đời bà nội kỳ lạ như vậy đó.

Ông nội thứ nhất, người chồng chính thức của bà nội tôi trở về nhà sau 15 năm lưu lạc. Có lẽ, dường như đã linh cảm trước được số phận sẽ không bình yên của mình, bởi sau 15 năm không liên lạc được với gia đình, với vợ con, không biết có bao nhiêu chuyện bất ngờ có thể chờ đợi ông nội ở nhà. 

Thế nên khi khoác ba lô về đến đầu làng, ông nội của tôi rất lặng lẽ. Ông lặng lẽ trước bao ánh mắt đổ dồn tò mò lẫn kinh ngạc, sửng sốt. Ông trầm tĩnh, điềm đạm trước những lời hỏi thăm, những câu hỏi dồn dập sao cả làng tưởng ông nội đã chết rồi, có giấy báo tử hẳn hoi rồi mà ông nội bỗng dưng trở về vẫn vẹn nguyên lành lặn. 

Có lẽ, linh cảm chẳng lành về gia đình, về vợ con của mình đã chẹn đứng những cảm xúc của ông nội đang dồn nén chất chứa chỉ chực vỡ òa khi gặp lại bà con thân thuộc. 

Ông nội biết, mọi chuyện chưa vội gì, và dân làng cũng hiểu, rồi tất cả sẽ rõ ràng thôi, ông nội sẽ phải đối mặt với hiện thực, với hoàn cảnh của mình.

Ông nội thứ nhất trở về, đúng vào bữa chiều chạng vạng, cả nhà bà nội đang quây quần bên bữa cơm ở giữa sân. Ông nội khoác ba lô đứng chết lặng nhìn đàn con đông đúc cả lớn cả bé lít nhít mỗi đứa một cái bát đang và cơm, ngạc nhiên mắt nhìn khách lạ. 

6 đứa con (người con thứ hai là bác Quýnh, con của ông nội thứ nhất vừa mới nhập ngũ), bên người vợ lam lũ, đuôi mắt đã hằn chân chim, và thằng bạn thân thời còn đánh trận giả, cũng là bộ đội, thương binh phục viên trở về từ chiến trường. Ông nội chỉ biết đứng như trời trồng, chôn chân xuống đất trân trối nhìn. Khó nhọc lắm, ông mới lê bước được vào nhà.

Cha mẹ của ông nội thứ nhất ở nhà dưới kế bên chạy ào sang. Cụ nội bà ôm ông nội khóc nức nở. Cụ nội ông chống gậy run run bước vào nhà. Bà nội thấy người chồng trước của mình đã chết, nay bất ngờ trở về thì cứ thế ôm mặt khóc rống lên. Ông nội thứ hai, ông Quyền cũng đứng như trời trồng không biết làm gì. Đúng lúc đó, ông Bí thư Đảng ủy xã, và ông Chủ tịch xã, cùng mấy người phụ trách đoàn thể của xã vừa đi tới.

Ông Bí thư vui vẻ gọi to. "Thôi cả nhà vào nhà đi, việc đại sự thế này, sao lại đứng hết cả ngoài sân. Liệt sĩ còn sống trở về nhà là hy hữu lắm, ông bà tổ tiên nhà ta ăn ở hiền lành phúc đức thế này mới được như hôm nay. Việc vui thế cả nhà cứ phải mổ lợn ăn mừng đã nhé".

Nghe tiếng ông Bí thư nói cười rổn rảng, mọi người đang sững sờ lặng phắc trong cơn khó xử bỗng như sực tỉnh. Ông nội thứ 2 - ông Quyền lao vội vào nhà lập cập kéo bàn, kéo ghế cho khách khứa. 

Bà nội tôi thôi khóc, lủi thủi xuống bếp rang lạc và đun ấm nước chè xanh. Đám trẻ con bị bỏ lại chỏng chơ bên mâm cơm. Chúng và vội bát cơm cho xong, không có đứa nào còn bụng dạ để ăn cho hết bữa nữa. Tất cả chúng dọn dẹp mâm cơm và rón rén nấp sau cửa nhà ngoài nhòm vào chăm chú hóng người lớn nói chuyện. 

Chưa đầy 30 phút sau, người làng kéo đến vòng trong vòng ngoài. Ông nội thứ 2 phải đi mượn vội mấy cái chõng tre hàng xóm bắc ra giữa sân. Hội phụ nữ cùng bà nội đun thêm nước chè, rang thêm lạc để mời bà con chòm xóm ăn liên hoan ông nội thứ nhất trở về.

Cuộc họp đoàn thể với gia đình đã diễn ra không câu nệ hình thức mà rất đầm ấm, với tư cách chính quyền xã đến thăm gia đình và mừng cho ông nội thứ nhất tưởng đã hy sinh ở ngoài chiến trường nay còn sống trở về. 

Tiện thể trong câu chuyện sum vầy, ông Bí thư xã và bà Hội trưởng hội phụ nữ xã có phát biểu mấy lời về chuyện bà nội - vợ chính thức của ông nội đã tái giá sau 3 năm đoạn tang chồng, tưởng chồng đã hy sinh. 

Việc bà nội tái giá đều được cha mẹ bên chồng cũ ủng hộ nhiệt tình. Bà nội cũng không tái giá đâu xa mà chọn ngay một cựu chiến binh trong làng, là bạn của ông nội thứ nhất để lấy. Việc này nằm ngoài ý muốn, thế nên gia đình ba bên phải dàn xếp thật nhân văn, thật có tình có lí để giữ được hạnh phúc gia đình, cùng nhau nuôi dạy 7 đứa trẻ khôn lớn.

Tôi được nghe bác tôi kể lại, hôm đó, dân làng có mặt đến khuya, tận canh hai canh ba mới tản hết. Bà nội tôi không nói được gì chỉ có khóc. Ông nội thứ nhất của chúng tôi xuống nhà dưới ở với cha mẹ đẻ của mình. Ngày xưa khi ông nội đi ra chiến trường, ở nhà bà nội được cha mẹ chồng cho ba gian nhà cạnh nhà của cha mẹ chồng.

Khi bà nội tái giá, ông Quyền đến ở nhà của bà nội cho tiện, ông cơi ra thêm hai gian nhà tranh nữa rộng rãi để ở. Hai cụ nội của tôi coi ông Quyền như con trai đã hi sinh của họ Mà ông Quyền cũng coi cha mẹ của người bạn thân - từng là chồng cũ của vợ mình như ruột rà. Họ sống với nhau tuy là hai ngôi nhà. Hai cụ nội tôi mừng như được chết đi sống lại nhiều lần. Nỗi mừng con còn sống, lớn quá, át đi cả nỗi đau con trở về giờ đã mất đi gia đình riêng.

Sau đó ông nội thứ nhất của tôi xuống nhà dưới ở cùng cha mẹ đẻ. Tính là ở hai nhà nhưng nhà trên nhà dưới chung nhau một vuông sân. Đêm ấy, cả hai nhà không một ai chợp mắt. Ông nội thứ hai bắc chõng ra sân ngồi cùng ông nội thứ nhất uống rượu. 

Cả đêm, hai người cứ ngồi uống, lặng lẽ với nhau ôn lại chuyện cũ thời còn trẻ trâu hay tham gia đánh trận giả, rồi đến những năm tháng bôn ba trên chiến trường bị thương ra sao, mất trí nhớ ra sao. Ông nội thứ nhất bị mảnh đạn găm vào sọ não, lấy mất của ông trí nhớ 15 năm qua.

Sau này bình phục, ông nội phục vụ trong trạm quân y dã chiến.... mãi đến 15 năm sau mới phục hồi được trí nhớ, mới tìm được đường trở về quê hương bản quán. Chiến tranh mà, người ra trận đau đã đành, người ở nhà cũng đau đớn mất mát không cùng. Như hoàn cảnh hiện tại của ông nội và bà nội đó.

Nghe bác tôi kể, đêm ấy, cả hai ông nội kể chuyện cho nhau nghe, ôn lại chuyện cũ, kể chuyện mới rồi ôm nhau cùng cười cùng khóc cho đến sáng.

Sáng ra, cả đại gia đình tôi gồm hai cụ nội (là cha mẹ của ông nội thứ nhất), hai cụ ngoại (là cha mẹ của bà nội), thêm cả hai cụ nội thứ 2 (là cha mẹ của  ông nội thứ 2 - ông Quyền) cùng với bà nội tôi được mời ra Ủy ban xã họp và ăn liên hoan mừng sự kiện ông nội thứ nhất trở về.

Không biết đêm ấy, hai ông nội đã nói gì với nhau... Và không biết, sáng ấy lên họp ở ủy ban xã, mọi người đã dàn xếp như thế nào mà hôm sau, hôm sau nữa, hai ông nội bắc chõng ra sân ngủ với nhau, bà nội lủi thủi cơm nước và ngủ với đàn con của mình. Ông nội thứ nhất không chịu lập gia đình thêm lần nữa, ở chung với hai cụ thân sinh. Ông nội thứ 2 cũng không chuyển nhà đi chỗ khác.

Cứ thế riêng mà chung, chung mà riêng, bà nội vẫn chạy lên chạy xuống chăm sóc bữa cơm cho cả hai nhà. Những lúc hai cụ ốm, hay trái gió trở trời; ông nội thứ nhất đau, bà nội lại xuống nhà dưới chăm sóc, thành ra đỏ một bếp lửa, nấu chung một mâm cơm cho cả hai đại gia đình quây quần.

Kể từ đó gia đình ông bà nội tôi có ba thế hệ sống chung hòa thuận dưới một mái nhà. Ông nội thứ nhất vẫn ở nhà dưới với hai cụ nội để tiện chăm sóc. Ông nội thứ hai vẫn ở với bà nội nhà trên chăm sóc các con. Bác Quýnh đi bộ đội năm 17 tuổi. Từ khi ông nội thứ nhất về bà nội sinh thêm hai đứa con nữa là thành 9 người con. Cha tôi là con út, khi bà nội trở dạ sinh non cũng là lúc bà hay tin bác Quýnh hi sinh ở chiến trường. 

Bà nội mất ngay trên bàn đẻ khi chưa kịp nhìn mặt đứa con trai út. Cha tôi là đứa con út, đứa con thứ 9 của bà nội, khi sinh ra được gọi tên ở nhà là Ít vì trước đó có bác Út ra đời khi ông nội thứ nhất trở về ông bà đã đặt tên bác là Út rồi. Thành ra, hai anh em cha tôi sinh sau đẻ muộn nhất nên bà nội đặt tên là Út - Ít. Như một dấu chấm tạm dừng cho cuộc hôn nhân nhiều trắc trở, nhiều tâm sự, và tất nhiên cả nhiều đau khổ và hy sinh của ông bà nội.

Không một ai tiện hỏi cha tôi và bác Út là con của ông nội thứ nhất hay ông nội thứ hai. Chỉ biết rằng mọi người kể lại ông nội thứ nhất coi cả 8 đứa con (trừ Bác Quýnh đã hy sinh ở chiến trường) đều như núm ruột của mình. Cả hai ông cùng nhau làm lụng nuôi nấng các con khôn lớn trưởng thành. 

Khi nhà có việc đại sự, cả hai ông nội đứng ra cùng nhau lo ma chay cho các cụ nội ngoại hai bên, lo dựng vợ gả chồng cho 8 đứa con còn lại. Các bác đi lấy chồng lấy vợ đều quỳ lạy hai người cha của mình.

Sau này về già, ông nội thứ nhất do vết thương nặng hay tái phát khiến ông thường xuyên bị đau ốm liệt giường, một tay ông nội thứ hai chăm sóc rồi lo ma chay cho ông nội thứ nhất. Hai ông nội vẫn thay nhau làm lễ giổ cho bà nội. Trên bàn thờ hai ông nội được thờ song song bên cạnh bà nội. Ngày hai ông nội lần lượt quy tiên, con đàn cháu đống, dắt díu chắt, chút, chít, về đông đủ đưa tiễn đưa hai người ông.

Cuộc đời bà nội kỳ lạ như vậy đó.

Thùy Liên

Lời Ban biên tập

Bác Thùy Liên kính mến!

Một câu chuyện đời đầy sóng gió, nhiều kịch tính mà cũng quá kỳ lạ. Một thiên tình sử vĩ đại của bà nội. Đọc câu chuyện của bà nội bác, chúng tôi lại nhớ đến một câu chuyện mà cách đây khoảng chục năm, chúng tôi đã nhận được, đã đọc và chia sẻ lên đây về một người phụ nữ cũng do li tán của chiến tranh, hiểu lầm chồng mình đã hy sinh ở chiến trường nên đã đi bước nữa với bạn của chồng mình cũng từ chiến trường trở về.

Một câu chuyện gây nên sự ám ảnh vô cùng lớn đối với chúng tôi, những người đầu tiên được đọc và biên tập bản thảo, và ám ảnh cả với người đọc. Ám ảnh bởi lẽ, sau khi người chồng đầu còn sống quay trở về, thì người chồng sau lại ra đi. Ông ấy rời nhà ra đi để vợ mình khỏi khó xử, để vợ mình có thể tái hợp lại với người chồng đầu tiên hợp pháp mà không phải dày vò suy nghĩ.

Nhưng cứ tưởng người đàn ông này ra đi để người đàn ông kia được hạnh phúc, hóa ra mọi chuyện không đơn giản như vậy. Khi người chồng hiện tại của vợ mình đã ra đi để nhường vợ mình cho người chồng hợp pháp đầu tiên, người đàn ông đã lỡ một lần cơ hội hạnh phúc đã không trách vợ mình, trái lại càng thương vợ cũ mà chạy đi tìm người đàn ông kia trở về với vợ mình cho trọn vẹn cuộc sống gia đình.

Nếu có ai đó phải hi sinh thì ông tự nguyện chọn là ông, chứ không phải bất kỳ ai khác. Chính vì thế, khi bạn bỏ đi, ông đã không thể bình tâm mà ở với vợ cũ hạnh phúc, trong khi không biết chồng mới của vợ mình phiêu dạt ở đâu. Thế là một lần nữa người chồng đầu lại ra đi. Lần này không phải đi vào chiến trường mà đi tìm người kia trở về...

Trong vòng tròn của số phận đau khổ và trắc trở này, họ vĩnh viễn chẳng bao giờ gặp nhau. Hai người đàn ông ấy đã ra đi không trở về. Để mặc người đàn bà với những đứa trẻ tàn lụi trong cô đơn và đau khổ. Không có một ai có được hạnh phúc trọn vẹn. Chiến tranh mà, nỗi đau thời hậu chiến còn nặng nề, dai dẳng và kinh khủng hơn so với nỗi đau ngoài chiến trường.

Trở lại với câu chuyện đời kỳ lạ của bà nội bác Thùy Liên, chúng tôi thực sự cảm kích và xúc động. Đành rằng, cái hạnh phúc gia đình kỳ lạ của bà nội bác cũng phải đánh đổi bao hy sinh, bao dày vò đau khổ mà xây dựng nên. Có người đàn bà nào mong muốn có hai chồng, và những mối quan hệ đối nhân xử thế ràng buộc mệt mỏi...

Có người đàn ông nào muốn chung vợ đâu. Do hoàn cảnh mà nên. Bà nội bác cũng đã phải lặng thầm hi sinh, lặng thầm chịu đựng nỗi đau, mới chu toàn được cùng lúc hai người chồng và chèo lái cả đại gia đình như thế. Nhưng trên tất cả điều chúng tôi muốn nói đến chính là tấm lòng cao thượng, nhân văn biết hy sinh của hai ông nội bác. Chính hai ông nội của bác đã viết nên một thiên tình sử vĩ đại của bà nội bác. Một thiên tình sử có một không hai.

Kính thư!

ANTG CT 183
.
.