Chị tôi đã tự tước bỏ hạnh phúc của mình

Thứ Sáu, 09/10/2015, 17:35
... Anh rể tôi ngồi lặng lẽ trước hiên nhà. Nhìn vào ánh mắt vô hồn của ông khi ghé qua căn buồng nơi vợ ông chính là chị gái của tôi đang nằm bệnh tật ở đấy, tôi biết đến giờ này giữa anh và chị mình thực sự không còn gì nữa mặc dù họ chưa một lần đưa nhau ra tòa.

Kính thưa qúy tòa soạn,

Đây là câu chuyện buồn. Tôi đã giấu kín ngay cả với vợ con mình những ký ức đau buồn này suốt hơn bốn mươi năm chung sống. Nhưng vào những ngày cuối đời của chị tôi - một bà cụ già đã ngoài tuổi tám mươi, khi cận kề cái chết vẫn phải sống cô đơn mà sự cô đơn ấy lại chính do bà tạo ra. Kể về cuộc đời của chị mình tôi hy vọng được thay bà nói những lời sám hối với vong linh những người đã khuất của gia đình tôi và cả bên thông gia của cha mẹ tôi ở miền gió Lào nắng lửa. Tôi không biết trên đời này có hoàn cảnh nào ngang trái hơn gia cảnh của nhà mình mà nguyên nhân chính là do người chị ruột của mình tạo nghiệp?...

... Anh rể tôi ngồi lặng lẽ trước hiên nhà. Nhìn vào ánh mắt vô hồn của ông khi ghé qua căn buồng nơi vợ ông chính là chị gái của tôi đang nằm bệnh tật ở đấy, tôi biết đến giờ này giữa anh và chị mình thực sự không còn gì nữa mặc dù họ chưa một lần đưa nhau ra tòa.

Chưa ra tòa không có nghĩa họ vẫn là chồng vợ bởi anh rể tôi không thể tha thứ cho thói nhẫn tâm của chị. Về phía chị dù đã bao lần anh em tôi thuyết phục, bao lần rơi nước mắt vì bất lực bởi không cách gì lay chuyển được trái tim sắt đá của bà để bà ngộ ra rằng, trong cuộc đời mình, bà đã từng có những cư xử quá khắc nghiệt và sai trái với chồng, con, mẹ đẻ, với những người thân.

Đã hơn ba mươi năm trôi qua vậy mà giờ đây đối diện với anh chị mình ở ngưỡng tuổi “Bát thập”, chứng kiến cảnh hai người như mặt trăng mặt trời mà lòng tôi quặn thắt… Hôm nay anh rể tôi trở về mái nhà nhỏ bé này chỉ là vì con cháu, cả vì sợ miệng tiếng người đời. Ông ấy nhìn vào giường người ốm một cách chiếu lệ rồi nhanh chóng quay ra, không một chút quan tâm đến cảm xúc của người từng đầu gối tay ấp với mình.

Một trong những bất hạnh lớn nhất của đời người là khi phải đối mặt với thử thách trước quy luật nghiệt ngã của tạo hóa, đã có sinh thì phải có lão, bệnh, tử. Nhưng có lẽ đối với chị tôi, nỗi buồn “Bệnh lão” chưa thấm tháp gì khi phải cô đơn ngay chính giữa những người thân yêu gắn bó nhất của mình. Vì quá cay nghiệt, cay nghiệt với cả người từng mang nặng đẻ đau, cay nghiệt với người bạn đời, cay nghiệt với cả sáu đứa con trai khi còn nhỏ đẹp như những thiên thần để rồi cả cuộc đời bà dường như luôn phải sống trong cô đơn và thù hận.

Chuyện liên quan đến mẹ tôi. Đó là sau ngày cha tôi bị bạo bệnh ra đi để lại trên đời này sáu đứa con tuổi đang còn búp nõn, khi ấy chị tôi chuẩn bị bước vào tuổi trăng tròn. Đang trong hoàn cảnh kinh tế khá giả bởi cha tôi từng có một chức quan nho nhỏ, mẹ tôi ngày ấy hái ra tiền trong những chuyến đi buôn gạo. Việc buôn chuyến với số lượng lớn như mẹ tôi đủ chu cấp cho một gia đình đông con có người giúp việc và chúng tôi được ăn học tử tế.

Năm 1954 chị tôi học xong chương trình văn hóa tương đương cấp ba hiện giờ. Chị tôi đọc thông viết thạo tiếng Pháp và khi ấy chị là thiếu nữ quyền quý thông minh học giỏi tương lai tươi sáng. Đùng một cái, cha tôi qua đời, để lại cho mẹ tôi và các con trong đó có anh chị em tôi một nỗi hụt hẫng vô bờ bến. Mất người đàn ông trụ cột gia đình, mẹ tôi phải bươn chải hơn để kiếm sống, chị tôi đành phải nghỉ học ở nhà trông nom nhà cửa để mẹ tiếp tục với công việc buôn bán thường xuyên vắng nhà.

Từ cô gái thông minh nhanh nhẹn hoạt bát chị tôi nhanh chóng trở thành người cay độc nghiệt ngã. Không biết có phải vì cú sốc tinh thần mồ côi cha cộng với việc phải nghỉ học dở chừng mà chị đâm ra đổi tính đổi nết. Mẹ tôi vắng nhà thường xuyên do làm ăn buôn bán, rồi mẹ có tình cảm mới. Chuyện mẹ tôi đi bước nữa với chị tôi là nỗi nhục. Khi mẹ tôi bụng mang dạ chửa trở về căn nhà của mình thì chị “nổi cơn tam bành” quăng hết tư trang hành lý của mẹ ra đường trong một ngày mưa tầm tã.

Tôi không sao quên được ngày ấy và vô cùng thương xót cho số phận hẩm hiu của mẹ. Sự phản kháng quyết liệt của chị đã khiến mẹ tôi ngay trong mưa gió đã phải rời khỏi nơi từng là tổ ấm của mình… Hết chuyện của mẹ lại lần lượt đến anh em tôi: Nhiều, rất nhiều lần cho đến một ngày không chịu được những cú ra đòn rất bất ngờ và vô lý của chị ngay trong bữa ăn, anh tôi đã sớm thoát ly. Anh trưởng tôi tình nguyện vào thiếu sinh quân, còn ba anh em tôi cũng lần lượt trốn nhà để tìm về với mẹ đẻ mình khi mẹ đã lập gia đình mới. Trong tình thương của mẹ và chú dượng chúng tôi đều được tiếp tục học hành cho đến khi đủ tuổi nhập ngũ, đi làm. Tôi còn nhớ ngày quyết định ra đi tìm mẹ, mới mười một tuổi đầu, không thể chịu được đòn roi của chị, bản tính hiền lành đôi lúc tôi còn không hiểu vì sao mình phải chịu đòn và hình ảnh chị tôi cầm cả nắm đũa quất lên đầu người anh vốn thông minh học giỏi của tôi ngay trong bữa ăn là nỗi ám ảnh kinh hoàng nên chỉ sau một thời gian anh tôi thoát ly thì tôi - thằng bé nhỏ dại mới mười một tuổi cũng trốn nhà quyết tâm đi tìm mẹ.

Giờ đã quá lâu khiến tôi không còn nhớ cụ thể chuyến đi mạo hiểm ấy, chỉ biết rằng tôi đã rất liều lĩnh thực hiện quyết định của mình, mò mẫm đi theo lời chỉ dẫn của một người bạn buôn của mẹ, vượt qua cả một hành trình bằng thuyền phà suốt một đêm qua hai con sông rồi tôi cũng tìm gặp được mẹ mình. Mẹ có gia đình mới nhưng vẫn cưu mang tôi ăn học hết cấp 2. Việc chị tôi nhẫn tâm xua đuổi khi mẹ tôi cận kề ngày sinh khiến cả hai người dường như không nhìn mặt nhau nữa.

Nỗi đau ấy ám ảnh tôi suốt tuổi thơ, thậm chí cả trong tuổi già của mình, đôi lúc chợt nhớ về người mẹ đã khuất tôi không khỏi xót xa cho mẹ và tôi cũng không lý giải được vì sao là con gái của mẹ mà chị tôi lại đối xử nhẫn tâm với mẹ mình đến thế để rồi dẫn đến một kết cục đau buồn, giữa chị và mẹ đã bị chia xa bởi một khoảng cách vô hình quá lớn để khi ở tuổi tám mươi tư trước khi sắp trở về với cõi vĩnh hằng, trước giờ hấp hối mẹ tôi vẫn nhất quyết chối từ sự có mặt của người con gái duy nhất của bà. Chúng tôi có xúm vào khuyên chị thì chị lấy thế lấy thần cho rằng chị đã hy sinh cả đời nuôi chúng tôi ăn học để bây giờ chúng tôi coi chị chẳng ra gì.

Trở lại câu chuyện của gia đình chị: Tuổi thơ các cháu tôi, con của chị là chuỗi ngày khổ cực bởi đòn roi mỗi lần chị tôi nổi cơn thịnh nộ khi không hài lòng với chồng. Bà không hài lòng vì anh rể tôi chỉ là công nhân trong nhà máy điện lương không đủ ăn lại xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó ở miền quê chỉ có gió Lào nắng lửa. Với bà, con gái một viên quan cửu phẩm được học hành đến nơi đến chốn, thông thạo tiếng Pháp thì việc nhận lời làm vợ một công nhân như anh rể tôi, chẳng khác nào như “Bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”.

Cứ mỗi lần gằn hắt chồng khi ông vừa vượt qua bốn mươi cây số về thăm nhà thì bà lại kèm theo câu ví von độc địa ấy. Gằn hắt chê bai chồng nhưng tôi không hiểu sao chị tôi đẻ sòn sòn 6 đứa con và rất nghiệt ngã với chúng. Có những lần về thăm chị, dù vượt qua quãng đường gần ba trăm kilômét nhưng sáng sớm tinh mơ, đồng hồ mới chỉ bốn giờ ba mươi phút đã thấy chị tôi “dựng” cả nhà dậy. Chẳng kể gì đến sự có mặt của vợ chồng tôi, bà la hét từ chồng đến thằng bé mới bảy tuổi đầu. Anh rể tôi khi ấy mới nghỉ hưu chẳng biết làm gì đành ra vườn cuốc đất tưới cây còn sáu đứa con của bà, từ thằng lớn đến thằng bé đều được phân công mỗi đứa mỗi việc, thằng bé mới bảy tuổi cũng phải ngồi giã cọng chè xanh để bà đun nước bán hàng…

Có dịp công tác ghé thăm, chứng kiến cảnh các cháu mình mỗi đứa đi học ngoài cặp sách còn phải đem theo một chiếc bao tải, chiếc bao ấy là “nghĩa vụ” phải đi mót khoai, mót lạc để đóng góp cho mẹ mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi không thể giải thích được vì sao anh chị tôi sống không tình yêu thương trân trọng mà lại đẻ ra tới sáu thằng con tội nghiệp này để rồi bị bà tiếp tục đánh cắp tuổi thơ của chúng ? Và điều khó hiểu là quán của chị tôi rất đông khách, chị có tiền dành dụm mua cả mẫu đất trên mặt đường quốc lộ vậy mà bà không từ bỏ được thói quen o ép các con trộm vặt bởi lấy đâu ra đỗ lạc rơi vãi mà mót! Muốn đầy bao thì phải tìm mọi cách lấy trộm. Khi chúng biết xấu hổ thì tự chúng tìm mọi cách thoát ly bằng con đường duy nhất của thanh niên là tình nguyện đi bộ đội. Rất may các cháu tôi đều trưởng thành.

Nhưng dấu ấn tuổi thơ với những kỷ niệm buồn khiến chúng tìm mọi cách để không phải về sống bên mẹ nó nữa. Chỉ có một cháu lấy vợ miền ngược không có điều kiện thì vẫn ở cùng chị tôi nhưng từ bao năm qua anh em chúng tôi cùng đám con cháu bà nhiều lần xin bà cho thằng cháu này xây nhà thì bà nhất quyết không cho. Vậy là cả vợ chồng nó cùng với chị tôi vẫn sống trong căn nhà lợp tôn mùa hè như lò bánh mì còn mùa đông thì lạnh lẽo tăm tối!

Buồn nhất là khi thằng con cả của bà mua đất xây nhà cần một lối đi thì bà giao giá như với người dưng. Không biết có phải vì thế mà khi cháu xây xong nhà ngỏ ý đón bà sang ở với chúng thì bà cự tuyệt. Bà bảo nhà của bà thì bà ở, bà chẳng phải đi ở nhờ ở đậu ai, nhỡ ra có ngày nó đuổi mình! Chị tôi vì thói tham lam ích kỷ nên đã tự tước đi quyền hưởng hạnh phúc tuổi già trong tình yêu thương của con cháu và cũng vì hiếu thắng, nhỏ nhen ích kỷ đã tự biến mình thành người đàn bà cô quả.

Về anh rể tôi. Việc phải sống trong sự thiếu tôn trọng của vợ đã là nỗi bất hạnh khôn cùng của người đàn ông. Anh tôi vì các con mà chấp nhận sống cuộc sống tù ngục ấy cho đến một ngày sau nghỉ hưu anh quyết định về nuôi cha mẹ già ở quê đau yếu. Chị tôi không về thăm cha mẹ chồng đã là quá đáng nhưng bà còn ngăn cản việc chăm nom bậc sinh thành của anh rể tôi. Không ngăn cản được thì bà ghen tuông lồng lộn.

Khi các cụ qua đời, ngày trở về đầu tiên của anh cũng là ngày anh bị chị tôi đuổi ra khỏi nhà. Điều tệ hại và đáng buồn nhất là từ khi làm vợ, chị tôi chưa một lần biết đến quê hương chồng. Đã vậy khi bố mẹ anh đau ốm rồi lần lượt ra đi chị tôi cũng không một lần về thăm viếng, chịu tang. Khi bị vợ đuổi ra khỏi nhà anh rể tôi tìm đến với mấy đứa con và rất may từ nhiều năm qua ông sống cùng vợ chồng thằng con trai út. Tuổi già cô quạnh của chị tôi kéo dài suốt ba mươi năm qua. Có những đận chị tôi đau ốm phải đến nhà các em. Chúng tôi lo từ việc khám chữa đến thuốc thang, thi thoảng chúng tôi biếu tiền động viên tuổi già chị mình nhưng tôi nghĩ dù anh em tôi có quan tâm thì cũng không thể bù đắp được nỗi cô đơn vì thiếu tình yêu thương chồng vợ, máu mủ ruột rà của bà...

Qua câu chuyện tôi mong được sự sẻ chia từ qúy tòa soạn và hy vọng câu chuyện như một thông điệp gửi tới những người bà, người mẹ, người chị và cả những em gái trên mọi vùng miền của Tổ quốc, hãy sống nhân hậu, độ lượng, vị tha để được hưởng trọn vẹn hạnh phúc bên chồng con và những người thân yêu ruột thịt của mình. 

Phùng Bình Dương (Hà Nội).

Lời người biên tập      

Bác Phùng Bình Dương kính mến!

Đọc câu chuyện của bác, chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi buông tiếng thở dài. Buồn và tiếc cho cuộc đời của chị gái bác, lẽ ra một người con gái học hành giỏi giang, thông thạo tiếng Pháp, con nhà quyền quý mới 15 tuổi đầu bị cơn bão số phận giáng xuống và phải gánh một gánh nặng trần ai khi thay cả bố cả mẹ chăm nuôi đàn em, để rồi khi mẹ đi lấy chồng đã ảnh hưởng tâm lý mà sa lầy vào vòng luẩn quẩn của thói cay nghiệt đến nỗi hủy hoại cả chính cuộc sống của mình.

Thưa bác Phùng Bình Dương. Chúng tôi nghĩ, có lẽ gia đình bác nên tha thứ cho chị gái bác và nên có một cái nhìn độ lượng sâu sắc với cuộc đời của chị bác. Hãy lần ngược lại quá khứ để có một cái nhìn bình tâm và công bằng hơn. Chúng tôi nghĩ bắt nguồn từ những cú sốc tinh thần cộng với gánh nặng tâm lý mẹ bỏ đàn em cho mình để đi lấy chồng nên chị gái bác đã không đủ từng trải, đủ lớn khôn để mà tiếp nhận những biến cố cuộc đời quá lớn ấy nên tâm sinh lý của chị bác rõ ràng là có những tổn thương sâu sắc trong quá trình phát triển sau này. Sự khiếm khuyết tâm lý ấy cộng với gánh nặng nuôi các em đã làm cho chị bác ngày một nghiệt ngã… Cái  nghiệt ngã đó đã ăn sâu vào máu thịt, vào suy nghĩ, vào lối sống và hệ quả cuối cùng chúng ta đã quá rõ, chị bác trả giá bằng nỗi cô đơn, cô quả  ngay trong gia đình của mình.

Bác hãy làm chiếc cầu nối nhân hậu ngay khi chưa quá muộn để một lần nữa cắt nghĩa thật công bằng về chị gái bác mà tha thứ mọi chuyện. Hãy khuyên các con của chị gái bác trở về bên mẹ, chăm sóc mẹ  những năm tháng cuối đời này. Xét cho cùng chị gái bác cũng chịu quá nhiều thiệt thòi trong cuộc đời này rồi. Đừng nên tạo thêm nghiệp nữa.

.
.