Câu chuyện thứ 147:

Cháu đã từng rất hận mẹ mình

Thứ Sáu, 23/09/2011, 15:05

Kính thưa các anh các chị!
Tôi không phải là chủ nhân của câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây cùng quý báo. Tôi chỉ là người chấp bút viết hộ người trong cuộc câu chuyện đau lòng này mà thôi. Một câu chuyện quá đau lòng và ám ảnh tôi suốt nhiều năm nay rồi và tôi e rằng cả đời đi dạy học của tôi sẽ không bao giờ tôi có thể quên nổi.

Thưa các anh các chị! Tôi là giáo viên chuyên ngữ của một trường THCS ở Hà Nội. Cách đây khá nhiều năm, khi tôi đang là giáo viên chủ nhiệm học sinh lớp 6, trong một chương trình ngoại khoá chủ đề Lễ Giáng sinh, tôi đã có một bài tập trắc nghiệm cho các học sinh của tôi: “Con hãy viết thư cho ông già Noel và kể cho ông già Noel nghe một tâm sự, một mong ước, hoặc một nỗi niềm mà con muốn chia sẻ giãi bày của riêng mình về gia đình hoặc nhà trường”.

Bức thư này sẽ không bao giờ được mở ra, mà đúng vào dịp Lễ Giáng sinh, cô sẽ có cách để gửi cho ông già Noel và chỉ duy nhất ông già Noel được đọc. Thật ra, đây là một bài tập nhưng cũng là một phương pháp giáo dục mở mà tôi đã áp dụng sau khi được sự đồng ý của gia đình cũng như nhà trường để quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em học sinh, để từ đó phối hợp với cha mẹ học sinh kịp thời dạy dỗ các em, uốn nắn và giải quyết mọi tâm tư vướng mắc của học sinh. Suốt bao nhiêu năm dạy học, tôi đã áp dụng khá thành công phương pháp này.

Hôm đó, sau khi thu toàn bộ bài tập của các em viết gửi cho ông già Noel được gập cẩn thận trong những chiếc bì thư xinh xinh, tôi đã hứa với các em những bức thư này được đảm bảo bí mật và sẽ gửi được đến tay ông già Noel mà bố mẹ hay gia đình không một ai được đọc.

Lớp học sinh chuyên ngữ do tôi chủ nhiệm chỉ có 30 em. Ba mươi bức thư với nét chữ nắn nót thân thương tuổi học trò. Những bức thư các em viết về ước ao giản dị đáng yêu vô cùng, như được nhận một món quà ao ước bấy lâu trong Lễ Giáng sinh này. Hay một tâm sự với ông già Noel về nỗi buồn nho nhỏ gì đó.

Nhưng trong số 30 bức thư ngây thơ và hồn nhiên đó có đến 5 bức thư làm cho tôi đọc xong không khỏi không giật mình. Một bức thư thì học trò viết cho ông già Noel thú nhận ý muốn bỏ học vì bố hay say rượu về đánh mẹ.

Bức thư thì kể về nỗi buồn chán vì bố mẹ hay cãi nhau, giận nhau khiến không khí gia đình lúc nào cũng u ám, buồn rầu. Một bức thư thì có ý định tự tử bởi lúc nào cũng bị bố mẹ quát mắng vì bị điểm kém, vì mải xem phim trong giờ ăn cơm, vì quên làm bài tập, và buồn nhất là bố mẹ không bao giờ yêu thương em.

Tất cả những bức thư có vấn đề, tôi đã ngay lập tức liên lạc với gia đình, mời đến gặp giáo viên chủ nhiệm sau giờ dạy, đưa các bức thư này cho cha mẹ các em đọc để rút kinh nghiệm kịp thời trước những tâm trạng, hay suy nghĩ buồn chán bồng bột của con trẻ. Tất nhiên các phụ huynh luôn kết hợp với tôi một cách tế nhị nhất để các học trò của tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi đã đọc thư của các con, đã mách với bố mẹ bởi như thế là sự phản bội của cô giáo đối với lời hứa trước học trò.

Nhưng trong số 5 bức thư có vấn đề ấy, có 1 bức thư khi tôi đọc xong đã thực sự choáng váng bởi nội dung của nó. Bức thư ấy bắt đầu bằng nhan đề: “Cháu chỉ muốn giết mẹ cháu”. Thời gian dù đã trôi qua lâu rồi, các em học trò của tôi đã bước qua thời học sinh, đã chững chạc và trưởng thành. Rất có thể, các em không bao giờ còn nhớ tới những bức thư của tuổi thơ ngây ngô và bé dại nữa.

Thậm chí, ngay sau khi viết xong bức thư của tuổi thơ gửi cho ông già Noel, các em đã quên béng đi câu chuyện của mình kể từ giờ phút ấy. Thế nhưng, là cô giáo chủ nhiệm, tôi đã không thể và không bao giờ quên được những dòng chữ ấy. Nó hiện lên trong tôi như một cơn ác mộng buồn bã. Bức thư ấy cô học trò bé bỏng của tôi đã viết:

“Ông già Noel ơi! Cháu hận mẹ cháu lắm, cháu rất muốn được giết chết mẹ cháu. Xin ông hãy tha cho cháu vì cái ước muốn kinh khủng này. Nhưng ông ơi, nếu ông ở vào hoàn cảnh cháu, ông có còn muốn làm con của mẹ và còn muốn có mẹ là một  người mẹ như vậy nữa không.

Cháu đã nghĩ rất nhiều cách để giết mẹ. Cháu càng nghĩ càng không biết cách nào giết mẹ cháu, càng kinh hoàng bởi ý định của cháu. Ông chắc chắn sẽ không bao giờ có quà cho một đứa trẻ như cháu, đúng không ông, vì cháu có ý nghĩ vi phạm pháp luật. Nhưng cháu xin thú tội thì ông mới tha thứ được.

Gia đình cháu hiện nay rất chán, ông ạ. Bố cháu đã dọn ra ngoài ở rồi. Cháu nghe bà nội cháu bảo rằng, bố chúng mày ghê tởm mẹ chúng mày rồi. Chúng mày là con của mẹ chúng mày thì lo mà theo mẹ nhé. Ông già Noel ơi, bố cháu đã bỏ mẹ cháu chỉ vì bố cháu phát hiện ra hai chị em cháu không phải là con của bố cháu mà là con của một người xa lạ.

Ở nhà, bố mẹ cháu gọi cháu là Khủng Long ăn thịt người, vì cháu to lớn, và hơi béo, chẳng giống bố hay giống mẹ tẹo nào. Còn em trai cháu, Thằng béo cá heo mập cũng y hệt như cháu. Bố cháu cũng bảo với chúng cháu hôm bố đi ra ngoài ở rằng các con không phải là con của bố và hãy ở lại với mẹ.

Mẹ cháu không nói gì về chuyện này cả. Nhưng bà nội và các cô bác thì nói rất nhiều về chuyện chúng cháu không phải là con của bố, và mẹ cháu đáng chết đi. Cháu không hiểu chuyện gì xảy ra cả nhưng kể từ hôm đó, bố không về nhà nữa và cũng không bao giờ qua thăm bọn cháu.

Bố đã bỏ rơi hai chị em cháu thật rồi. Hai chị em cháu nhớ bố cháu nhiều lắm, đêm nào học bài xong, hai chị em cũng lên giường nằm ôm nhau thút thít khóc chỉ mong bố trở về nhà với hai chị em cháu. Từ hôm bố cháu bỏ đi, bà nội cũng không đến thăm chúng cháu nữa, mọi người xa lánh chị em cháu. Cháu rất buồn. Bà nội bảo tại con mẹ mày hết, đi mà hỏi con mẹ chúng mày ấy. Ông ơi, cháu buồn lắm, chỉ biết khóc.

Bà nội rất yêu chúng cháu sao bây giờ bà lại hắt hủi chị em cháu. Chắc đúng là lỗi của mẹ cháu rồi, và chúng cháu không phải là con của bố cháu thật rồi ông ạ. Từ hôm đó, cháu chỉ muốn giết mẹ cháu thôi. Cháu đã tâm sự với em trai cháu và nó cũng đồng ý.

Nhưng cháu không biết cách nào để có thể giết được mẹ cháu vì cháu hỏi em cháu có còn yêu mẹ nữa không, em cháu mếu khóc và trả lời có. Ông ơi, làm sao để không phải làm con của mẹ nữa. Làm sao để bố cháu trở về hả ông. Cháu chỉ muốn giết mẹ cháu thôi vì cháu căm ghét mẹ cháu lắm. Ông hãy tha thứ cho cháu và báo mộng cho cháu biết, cháu phải làm gì ông nhé”.

Tôi đã choáng váng hết sức khi đọc bức thư của học trò mình. Tôi quyết định liên lạc với bố là phụ huynh của cháu để đưa cho anh ta đọc bức thư này. Tôi còn nhớ như in, đó là một buổi chiều muộn, sân trường vắng hoe, ngoài sân mưa phùn gió bấc thổi rất lạnh.

Người đàn ông xấp xỉ 40 tuổi gục đầu khóc sau khi đọc xong bức thư của con gái mình gửi cho ông già Noel ngay trên bàn học nơi chỗ của con gái anh hằng ngày đến lớp vẫn ngồi. Lần đầu tiên phải chứng kiến cảnh một người đàn ông xa lạ bật khóc trước mình, tôi rất bối rối. Người đàn ông ấy đã tâm sự nốt phần còn lại của bi kịch đời anh cho tôi nghe trong một nỗi tuyệt vọng khôn cùng.

Đúng như những gì trong bức thư con gái anh đã viết kể cho ông già Noel. Người đàn ông ấy kể cho tôi nghe rằng, anh ta kết hôn với vợ năm 27 tuổi và sinh liền tù tỳ 2 đứa con một gái, một trai. Vợ anh ta làm cho một công ty nước ngoài nên công việc rất bận. Khi sinh đứa con thứ hai, tôi thấy tình cảm vợ chồng có phần phai nhạt từ phía vợ.

Vợ đi từ sáng đến tối và không mấy quan tâm đến chồng con. Tôi gần gũi các con nhiều hơn, chúng tôi sống cùng bố mẹ tôi nên các con tôi được ông bà chăm sóc chu đáo. Vợ tôi luôn như là khách ở trong nhà. Khi đứa con trai vào lớp 1, bố mẹ tôi càng để ý càng thấy con trai tôi không giống tôi cả về ngoại hình lẫn tính cách.

Việc này thật ra tôi cũng không để tâm nhưng bố mẹ tôi rất tinh ý, chăm hai đứa cháu từ nhỏ nên ông bà đã nói ra băn khoăn này và giục tôi đi xét nghiệm AND cho con trai tôi để giải tỏa tâm lý. Cũng một phần nữa, bạn tôi vừa khai trương trung tâm xét nghiệm AND nên tôi đã ủng hộ bạn tôi bằng việc gửi xét nghiệm của con trai tôi.

Thật ra lúc đó, tôi không bao giờ có ý nghi ngờ gì con trai bé bỏng mà tôi rất mực yêu thương. Song để chiều ông bà nội, và cũng là ủng hộ ngày khai trương của bạn, tôi đã gửi xét nghiệm với tinh thần là cứ làm cho ông bà thoải mái.

Nhưng sự thật đúng là một đòn trí mạng đối với tôi. Bạn tôi quá sốc đắn đo mãi tới mấy tháng sau mới dám đưa kết quả xét nghiệm AND cho tôi với một sự thật kinh hoàng là con trai của vợ chồng tôi không phải là con đẻ của tôi. Tôi suy sụp tinh thần và gần như không thể gượng dậy nổi sau cú sốc đau đớn này. Tôi không nói gì với bố mẹ tôi vội nhưng chúng tôi quyết định ly thân.

Lúc đấy tôi quá sốc, với lại là người nặng về tình cảm gia đình, tôi chưa muốn gia đình tan vỡ cho dù đã biết sự thật. Tôi nói dối bố mẹ tôi đi tăng cường phía Nam 1 năm là để vợ chồng ly thân và tôi ra khỏi nhà để xem lại tình cảm của vợ chồng tôi như thế nào. Chúng tôi ly thân đúng 1 năm, bố mẹ tôi khá buồn nên đã chuyển về quê sinh sống. Tôi nghĩ khó có thể cứu vãn được cuộc hôn nhân nên đã tiến tới quyết định ly hôn.

Tôi dự tính ly hôn xong sẽ nuôi cháu gái vì đó là đứa con đầu lòng của vợ chồng tôi. Nhưng linh cảm luôn bất an khi nhìn thấy con gái giống em trai như đúc mà không thấy giống tôi chút nào. Trước khi quyết định ly hôn, tôi tiếp tục gửi mẫu xét nghiệm AND con gái tôi để biết chắc cháu là con ruột của mình, để tôi yên tâm nuôi cháu sau ly dị.

Nhưng thật trớ trêu, con gái đầu lòng của vợ chồng tôi cũng không phải là con đẻ của tôi. Đúng như linh cảm của tôi, mẫu AND của con gái trùng khớp với con trai và kết quả cho thấy 2 đứa con mà tôi nuôi nấng hơn chục năm nay không phải là con ruột của tôi mà là con của một người đàn ông nào đó.

Cô giáo ạ! Tôi cay đắng vô cùng, gần 40 tuổi, tôi bỗng dưng trở về tay trắng, không vợ, không con, không gia đình. Chuyện nhà tôi là như thế, vợ chồng tôi chia tay nhau và từ đó tôi hầu như không gặp lại các con của mình nữa. Hai cháu chuyển ra khỏi nhà tôi và đi theo mẹ sống ở đâu tôi cũng không rõ nữa.

Chiều hôm ấy, tôi đã câm lặng trước câu chuyện của phụ huynh. Tôi không biết nói gì hơn vào tình cảnh ấy. Sau đó tôi đành phải quyết định nhờ anh ta chuyển bức thư ấy cho người mẹ của học trò tôi với một cam kết, không được phép để cho học sinh của tôi biết bức thư của cháu đã đến tay mẹ của mình.

Kính thư Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Lời BBT

Chúng tôi đã gặp cô giáo Nguyệt sau khi nhận được bức thư này. Cô giáo Nguyệt giờ đã về hưu, và theo trí nhớ của cô thì cô học trò nhỏ của cô Nguyệt giờ cũng đã trưởng thành và đã vào đại học.

Kể từ sau khi đọc bức thư ấy, cô Nguyệt đã làm được một điều quá sức mong đợi của một cô giáo là đã kéo được người bố dù không phải là bố ruột trở về với hai đứa trẻ tội nghiệp đáng thương. Dù cuộc sống gia đình của họ đã tan vỡ, nhưng người bố đã không đoạn tuyệt với hai đứa con hờ của mình mà anh ta đã có công nuôi dưỡng.

Kể từ ngày đó, người bố này thỉnh thoảng lại gặp các con, đón các con đi chơi trong ngày lễ tết và quan tâm đến cả hai cháu dù vết thương lòng mà người vợ của anh ta gieo vào cuộc đời của anh ta thì không dễ gì nguôi quên được.

Qua câu chuyện trên, chúng tôi muốn gửi gắm tới độc giả và những bậc phụ huynh hãy quan tâm yêu thương và lắng nghe con trẻ nhiều hơn nữa khi chưa quá muộn. Xin hãy dành thời gian cho các con thật nhiều và trao thật nhiều yêu thương cho các con. Trao cho các con tình yêu thương là thứ không bao giờ đủ, không bao giờ thừa và không bao giờ muộn trong cuộc sống này

.
.