Câu chuyện cuộc đời

Thứ Bảy, 05/07/2008, 10:30
Tôi đã bắt đầu đi tìm lại người chiến sỹ ấy ngay sau khi tôi xuất ngũ và ổn định cuộc sống gia đình trong vòng 5 năm. Khoảng thời gian 20 năm đủ dài và làm nên những biến động vật đổi sao dời. Tôi không thể nào hình dung nổi liệu tôi có gặp lại người chiến sỹ bị thương nặng mê man bất tỉnh trong đêm tối đầy mưa bom bão đạn ấy nữa không...

Kính thưa các anh, các chị trong BBT!

Mà thật ra tôi cũng không dám hình dung, bởi hễ cứ nhắm mắt, tôi lại thấy hình ảnh người chiến sỹ ấy, nhớ bộ quần áo tôi đổi của anh, và nhớ đến quá khứ buồn bã của tôi, những nỗi sợ đã đeo đẳng tôi khôn cùng trong suốt chặng đường đi đánh giặc. Tôi sợ, rất có thể, oái oăm thay, từ việc thay đổi bộ quần áo mà số phận chúng tôi mỗi người đi theo những ngã rẽ riêng, và biết đâu không chừng, tôi lại là người đã gây ra bi kịch của người chiến sỹ tôi không nhìn rõ mặt ấy…

Trời ơi! tôi đã cầu trời khấn Phật cho không có chuyện gì xấu xảy ra, rằng người chiến sỹ kia hoặc đã hy sinh, hoặc trở về, và dù thế nào thì người chiến sỹ ấy cũng vẹn nguyên công thành, doanh toại, thứ duy nhất mà người chiến sỹ ấy mất chỉ là bộ quần áo bộ đội đẫm máu và rách toạc vì vết đạn. Thế thôi.

Nhưng than ôi! Cuộc đời thường vẫn xảy ra muôn nỗi trớ trêu để cho con người trong vòng xoáy của con tạo xoay vần ấy phải lâm trận bao nỗi bi ai. Cho dù tôi đã trả giá tất cả, mạng sống, lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình trong 15 năm cầm súng phiêu bạt ở chiến trường Đông Tây, Nam Bắc để tìm cho mình một thân phận mới, một cuộc đời mới thì tôi vẫn không thể quên được hành động của tôi. Đi tìm sự thật cho chính cuộc đời mình là một hành động nhọc nhằn và vô cùng ám ảnh.

Hơn nửa đời trận mạc, vào sinh ra tử, tôi trong phút giây này lại là một kẻ bơ vơ, đi tìm lại phần nối của cuộc đời mình trong cái đêm định mệnh bên bờ sông Bến Hải ấy.

Suốt 20 năm qua, không bao giờ tôi quên được tên tuổi, đơn vị và địa chỉ của người chiến sỹ ấy. Anh tên là L.V.T., đơn vị X, quê ở làng N.Đ., huyện T.C., tỉnh Nghệ An. Lần đầu tiên, sau 5 năm công tác ở nhà máy dệt, tôi xin nghỉ phép đúng 12 ngày và khoác ba lô lên đường về quê của anh L.V.T.

Đi xe tàu mất 3 ngày, 3 đêm, đổi xe xuống không biết bao nhiêu chặng, tôi mới đến được vùng quê heo hút nghèo khó của một huyện miền núi ở Nghệ An. Khi tìm đến được ngôi làng trước đây gia đình anh sinh sống, tôi đã chết lặng người khi chứng kiến phần đầu tiên của bi kịch cuộc đời anh, cũng chính là cuộc đời của tôi.

Gia đình anh L.V.T. không còn ai ở làng nữa. Chỉ còn lại một bà cô nghèo, không lấy chồng ở vậy một mình trông nom hương khói cho nội tộc. Chính bà cô họ ấy đã rưng rưng nước mắt kể cho tôi nghe ngọn ngành.

Năm đó, chỉ cách độ 1 tháng, gia đình của T. vừa nhận được thư của con trai báo về cho cha mẹ và vợ con rằng T. đang chuẩn bị lên đường hành quân vào chiến trường B sau đợt huấn luyện dài 4 tháng. T. ở trong một đơn vị huấn luyện đặc công, bức thư kể tỉ mỉ về nỗi háo hức của T. sắp được ra chiến trường trực tiếp chiến đấu với quân thù. T. là con cả trong một gia đình đông anh em, 3 gái, 2 trai.

Trước khi nhập ngũ, cha mẹ bắt anh cưới vợ để nhỡ ra có chuyện gì xấu xảy ra với T. thì nhà còn có chút đích tôn mà báo hiếu với tổ tông. Khi T. nhập ngũ thì vợ đã có thai được 5 tháng. Khi T. lên đường hành quân đi B thì cũng vừa hay tin, vợ T. sinh được thằng con trai kháu khỉnh. Vì thế, tinh thần của T. càng thêm phấn khởi, chỉ mong mau mau vào chiến trường, lập công giết được nhiều giặc Mỹ để ăn mừng sự kiện anh có con trai.

Thế nhưng không hiểu sao, chỉ 1 tháng sau, địa phương và gia đình nhận được một cái giấy báo từ phía đơn vị rằng T. đã đào ngũ, hiện giờ không có mặt tại đơn vị nữa. UBND xã đã tổ chức một cuộc họp mời gia đình T. đến dự và thông báo cho toàn thể bà con nhân dân trong làng về việc T. bỏ đơn vị đi đâu mất tích ngay trong cuộc hành quân. Xã kiểm điểm sâu sắc thái độ của T. và qua đó cũng đã kiểm điểm gia đình T., bố mẹ và vợ của T. đã không giáo dục T. bản lĩnh chính trị vững vàng, để xảy ra chuyện đáng tiếc. Đồng thời giao cho dân quân xã theo dõi động tĩnh ở phía gia đình T., nếu thấy T. trở về thì phải trình báo với xã ngay để động viên T. quay lại đơn vị.

Sau cuộc họp nặng nề ấy, không chịu nổi lời xì xầm bàn tán nhỏ to và ánh mắt ghẻ lạnh của những gia đình có con đi bộ đội. Cả việc hầu như tháng nào ở xã cũng nhận được giấy báo tử của trai làng đi bộ đội, và tổ chức những buổi lễ truy điệu lặng lẽ trong nỗi đau thương tột cùng của mọi người trong làng, bố T. phẫn uất nhục nhã mà thắt cổ tự vẫn.

Cha chết, chồng mang tiếng là đào ngũ không trở về, vợ T. sau một thời gian dài cầm cự ở làng, rồi không chịu nổi điều tiếng, không chịu nổi không khí trong làng một bên là những người lính thực sự đi chiến đấu và hy sinh ở chiến trường, một bên là chồng mình bặt vô âm tín, lại còn mang tội đào ngũ, vợ T. đã ôm con bỏ đi biệt xứ, chẳng ai biết là đi đâu. Còn lại một mình mẹ T. là vẫn cầm cự, vẫn một mực khẳng định, con trai bà là một chàng trai dũng cảm, nó không thể đào ngũ, nếu nó còn sống nhất định nó sẽ trở về.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, khi cả ba cô con gái đã lấy chồng, thằng con trai thứ hai nhập ngũ rồi hy sinh ở chiến trường B, nỗi nhục trong một gia đình có con đào ngũ cũng đã vơi bớt. Sau giải phóng năm 1975, mẹ T. quyết định chống gậy đi tìm con trai. Bà báo cáo với xã, nói với các con, với bà con chòm xóm rằng, nếu bà không tìm được thằng T. trở về, bà chết không nhắm mắt.

Sau này, một số người biết chuyện đã kể lại rằng bà T. đã không đủ sức đến những nơi bà muốn đến, đó là các trại thương binh hay bất cứ chỗ nào có bộ đội, có những người lính thuộc đơn vị cũ của con trai bà, để hỏi cho ra lẽ. Hành trình dài với người mẹ đã trên 70 tuổi không chở nổi ước vọng mãnh liệt của bà là tìm bằng được đứa con yêu dấu của mình lưu lạc nơi nào, nếu có chết cũng phải có một nghĩa trang nào đó lưu danh tên tuổi của con bà. Bà đã không thể đi đến cùng trời cuối đất, bà T. đã gục chết trên một chuyến xe tốc hành.

Những người đồng hành trên chuyến xe của bà chỉ biết bà là một người mẹ đi tìm con, họ không biết bà ở đâu nên đã an táng cho bà ở ngay bên một cái nghĩa trang ở Quy Nhơn. Bà cô già kể trong nước mắt, rằng gia đình các con làm ăn lưu lạc, chưa ai có điều kiện để vào Quy Nhơn bốc mộ mẹ về an táng nơi quê nhà. Còn chuyện của T., sau khi bà mẹ chết, từ đó không còn một ai hay biết tin tức về T. nữa. Câu chuyện về T. đã bị quên lãng cho đến một ngày tôi trở về làng và hỏi thăm T.

Thưa các anh, các chị. Thật sự tôi đã chết điếng người khi biết được những bi kịch đau lòng của người chiến sỹ mà tôi đã lấy bộ quân phục của anh. Và cái bi kịch đau đớn ấy không phải ai khác mà nguyên nhân là do tôi.

Trời ơi, ngay lúc đó, nghe chuyện của bà cô già kể, tôi đã phải chạy ra sau vườn để khóc. Những ám ảnh quá khứ, cho dù tôi đã dốc lòng cầu nguyện thì giờ đây bất chấp tất cả đã trở thành sự thật, giáng xuống cuộc đời tôi trong cuộc truy đuổi của số phận không biết đâu là điểm dừng. Tôi thấy đất dưới chân mình sụm xuống, bao nhiêu dự cảm, hy vọng và sợ hãi đã bất ngờ ập đến, đốn ngã tôi trong phút chốc. Tôi cảm nhận đến tận cùng nỗi cay đắng của cuộc đời mình. Tôi không thể nói gì hơn, tôi còn biết làm gì nữa.

Tôi hỏi thăm địa chỉ của vợ T. để đến thăm hai mẹ con cô ấy nhưng cô ấy đã ôm con bỏ làng ra đi từ bấy đến nay không biết đi đâu. Tôi có lên UBND xã và hỏi về việc T. bị kết tội đào ngũ. Tôi đã không biết nói gì hơn khi giấy trắng mực đen của đơn vị T. báo về địa phương là T. đào ngũ. Không tìm được T. lúc này, tôi biết nói gì đây, ai có thể tin tôi, một người xa lạ không có lấy một bằng chứng trong tay.

Mười hai ngày phép của tôi đã hết. Tôi trở lại cơ quan làm việc, trong lòng vô cùng buồn bã. Thú thực lúc này, tôi không đoán định được T. còn sống hay đã chết. Nếu T. hy sinh ngay trong đêm ấy ven bờ sông Gianh thì phải có giấy báo tử về địa phương và cơ quan. Cho dù đào ngũ hay không đào ngũ thì cũng phải có giấy báo về việc chết. Đằng này chỉ báo là đào ngũ chứ không phải là mất tích. Vậy chắc chắn, T. còn sống, T. bị thương nặng nên đã được đưa vào một trạm phẫu nào đó ở chiến trường, và do nhìn thấy bộ quần áo thường dân T. mặc trên người, cùng với thẻ quân nhân nên ở đó người ta mới phán đoán là T. đào ngũ nhưng bị trúng đạn, người ta sẽ báo về cho đơn vị, và đơn vị báo về cho địa phương.

Vậy thì chắc chắn, những trạm phẫu dã chiến ở khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị, Quảng Bình chắc chắn người ta đã tiếp nhận trường hợp của T. Hy vọng dẫu le lói nhưng cũng đủ thắp lên niềm tin mãnh liệt trong tôi. Tôi quyết tâm bằng mọi giá, phải tìm được T., người chiến sỹ đã cùng tôi bị thương trong đêm hỗn chiến đó, người đã bị tôi tước đoạt bộ quần áo bộ đội và bỏ anh ta lại trong vòng xoáy của cuộc đời.

Những năm tháng trở về sau chiến tranh, do làm việc tích cực, uy tín của tôi rất cao ở trong nhà máy dệt. Từ công việc của một Trưởng phòng Tổ chức, tôi được đề bạt lên làm Phó Giám đốc và rồi là Giám đốc nhà máy dệt, Bí thư Đảng ủy cơ quan. Nói chung tôi rất có uy tín trong cơ quan. Hễ ai là con gia đình thương binh, liệt sỹ không có công ăn việc làm, đến cơ quan tôi, nếu tìm gặp được trực tiếp tôi, họ sẽ có ngay một cơ hội làm việc.

Tiếng lành đồn xa, uy tín của tôi lên đến cấp thành phố, UBND TP còn có ý điều động tôi rời khỏi nhà máy dệt lên làm việc trên Ủy ban nhưng tôi một mực chối từ. Tôi chỉ muốn xây dựng nhà máy dệt ngày một mạnh, tạo được thật nhiều công ăn việc làm cho nhiều người nghèo, gia đình chính sách. Tôi không có ham ước và nguyện vọng gì hơn.

Thật ra, ổn định công việc rồi, tôi cũng muốn dành thời gian để đi tìm lại người chiến sỹ mà tôi đã nợ ông cả cuộc đời. Ngay năm sau đó, đợt phép thứ hai, tôi dành cả trọn vẹn 2 tuần về lại Quảng Trị và đến tất cả những nơi mà trạm cứu thương đã từng đóng ở đó để lần tìm T. Song việc đầu tiên của tôi là quyết tâm đến Quy Nhơn, ngay nghĩa địa bên cạnh QL1A, hỏi thăm bà con địa phương, những người đã an táng và coi sóc phần mộ của bà cụ. Tôi đã lặng lẽ xin phép bà cô tự tay bốc mộ của bà cụ về quy tập lại trong nghĩa trang của xã, an táng bà cụ ngay cạnh ông cụ.

Lần đó, tôi đã quyết tâm thu xếp nhờ bà cô già và chính quyền địa phương xây mộ cho hai ông bà. Tôi nói tôi là bạn của T., và tôi biết chắc, T. không đào ngũ, tôi sẽ đi tìm bằng được T. trở về để chứng minh anh ấy không phải là người lính hèn khi ra trận. Làm xong phần việc phải làm ấy, tôi mới trở ra Quảng Trị để lần tìm T.

Lời BBT:

Như chúng tôi đã thông tin với bạn đọc. Lần đầu tiên chúng tôi đăng tải một câu chuyện khó tin nhưng có thật trải dài trong 3 kỳ liên tiếp bởi số phận éo le của mỗi nhân vật trong đó và những bài học nhân văn sâu sắc. Liệu rồi nhân vật tôi trong câu chuyện ấy có tìm lại được người lính tên T. năm xưa mà anh ta đã đánh tráo bộ quân phục trong lúc T. bị thương mê man bất tỉnh không? Số phận của T. trong 20 năm qua ra sao, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trang 31- số ANTG Giữa tháng tiếp theo.

Mọi liên hệ, xin hãy gửi về theo địa chỉ: Nhà văn Như Bình, Báo Công an nhân dân - Chuyên đề ANTG Cuối tháng, 66 Thợ Nhuộm, Hà Nội. Địa chỉ email:nhubinh9@gmail.com

.
.