Tôi có một nỗi khổ tâm giấu kín trong lòng

Thứ Năm, 23/08/2018, 10:11
Tôi đã trằn trọc cả tháng nay sau khi đọc câu chuyện nhầm con của chị Hương và hai gia đình ấy. Bởi lẽ, ngoài trái tim đồng cảm cảnh ngộ của một người mẹ, tôi còn có một nỗi khổ tâm day dứt mà tôi luôn muốn chôn nó thật sâu. 

Kính thưa các anh các chị trong tòa soạn Báo An ninh thế giới tháng!

Suốt hơn một tháng nay, hễ lên báo, đọc câu chuyện nhầm con của hai người mẹ, hai gia đình, hai đứa trẻ ở Ba Vì, Hà Nội, không lúc nào tôi ngăn được nước mắt rơi... Tôi đã khóc rất nhiều lần như một người trong cuộc. Tôi đã đau như thể tôi là một trong hai người mẹ ấy. Trái tim tôi nát tan theo câu chuyện của họ. 

Tôi tin chắc rằng, không chỉ có mỗi tôi mà biết bao độc giả, bao người bố, người mẹ khi theo dõi câu chuyện này cũng có cảm xúc như tôi, xót xa đến không thể cầm lòng được. 

Nỗi đau của người khác, dẫu không quen không thân, dẫu xa lạ thì khi đọc lên, khi chứng kiến và chia sẻ, từng chữ từng dòng, từng tình tiết nhỏ vẫn dội vào tất cả chúng ta những âm vọng nhức nhối. Trên đời này sao có thứ hạnh phúc nhen lên từ nỗi đau khổ mà những người trong cuộc đang phải trải qua...

Tôi đã mất ăn mất ngủ trằn trọc cả tháng nay sau khi đọc câu chuyện nhầm con của chị Hương và hai gia đình ấy. Bởi lẽ, ngoài trái tim đồng cảm cảnh ngộ của một người mẹ, tôi còn có một nỗi khổ tâm day dứt mà tôi luôn muốn chôn nó thật sâu. 

Để cả đời này tôi có thể xóa đi được ký ức đó, để trí nhớ tôi không còn chút dấu ấn gì về chi tiết năm xưa nữa. Nhưng trời ơi, tôi đã bất lực. Bởi mỗi năm lên báo tôi lại đọc được một câu chuyện nhầm con. 

Những câu chuyện thật đến trụi trần, đến hoảng sợ, đến xa xót. Nó nói lên một sự thực sừng sững rõ rành rành ra rằng chuyện nhầm con rất có thể xảy ra với bất kỳ ai, với bất kỳ sản phụ nào khi họ nằm trên bàn đẻ, trong nhà hộ sinh. Dù muốn dù không thì đó vẫn là một sự thực. 

Mỗi lần đọc những bài báo như thế tôi lại giật thót mình, trái tim nhoi nhói một linh cảm mơ hồ. Tôi nhận ra rằng chưa một phút giây nào trí nhớ của tôi quên lãng. Thế nên chắc là cả đời này tôi có một nỗi khổ tâm không bao giờ nguôi ngoai.

Tôi muốn kể ra đây mong nhận được những lời khuyên của độc giả, của những người trong cuộc, của những ai từng rơi vào cảnh ngộ nhầm con có thể cho tôi một lời khuyên tôi phải làm gì cho bớt dằn vặt day dứt trong trường hợp cụ thể của riêng tôi. 

Đã nhiều lần tôi muốn đi gặp chị Hương trong câu chuyện trên báo, nhưng rồi tôi lại chần chừ không đi. Tôi sợ hãi khi phải đối diện với một sự thật, một nỗi đau quá lớn có thể làm xáo trộn và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi và của biết bao nhiêu người.

Cách đây 21 năm, tôi sinh con đầu lòng. Từ những năm 1996, 1997 ở quê tôi, chỉ bệnh viện tỉnh mới bắt đầu được trang bị thiết bị y tế hiện đại là có máy siêu âm đen trắng. 

Máy siêu âm ngoài chẩn đoán hình ảnh để xác định bệnh tật cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh, còn được dùng trong việc khám thai, chẩn đoán hình ảnh thai nhi trong bụng mẹ để phục vụ công tác khám thai và sàng lọc trước sinh với những thai nhi bị dị tật. 

Và điều đặc biệt hơn nữa là khi siêu âm có thể biết được giới tính của thai nhi là trai hay gái. Chính vì thế, những năm đó phong trào đi siêu âm để biết giới tính thai nhi bắt đầu nổi lên rầm rộ.

Tôi mang bầu đứa con đầu lòng, nhưng lúc đó ở bệnh viện huyện nơi tôi sinh sống chưa có máy siêu âm để chẩn đoán hình ảnh. Việc khám thai chỉ đơn giản sơ sài là đến trạm xá hoặc qua nhà hộ sinh khám ngoài bằng ống nghe tim thai, thước dây đo bụng để xem thai nhi phát triển bình thường không. 

Vì mang thai đứa con đầu lòng, lại đang có phong trào đi siêu âm để biết giới tính của con nên sau khi thai đủ 3 tháng, hai vợ chồng tôi bắt xe ô tô khách lặn lội mấy chục cây số lên bệnh viện tỉnh để siêu âm xem mình đang mang thai con trai hay con gái.

Suốt cả 9 tháng mang thai, hai vợ chồng đèo nhau lên tỉnh 3 lần để khám thai bằng máy siêu âm. Cả ba lần kết quả siêu âm đều cho ra giới tính tôi đang mang thai bé trai. 

Chắc chắn là đã có con trai, hai vợ chồng vô cùng phấn khởi và về loan báo tin vui cho hai bên gia đình bố mẹ họ hàng sắp sửa được đón cháu trai đầu lòng. Khỏi phải nói hết về niềm vui của hai vợ chồng tôi rộn rã dâng trào như thế nào. 

Hồi đó ở thị trấn nơi tôi ở, kinh tế mở cửa đã bắt đầu phổ biến nơi đây. Trẻ em đã có đồ sơ sinh bán chứ không phải đồ do mẹ tự cắt may chuẩn bị cho con chào đời như trước đây nữa. Tôi đi chợ sắm đồ sơ sinh cho con chỉ chọn đồ cho bé trai màu xanh. Chiếc làn đựng đồ sơ sinh cũng màu xanh, chồng tôi còn cẩn thận viết vào tấm bìa "con trai" và dán vào nắp làn chuẩn bị cho vợ đi đẻ để khỏi lạc.

Ngày tôi chuyển dạ sinh con chồng tôi lại đi công tác xuống xã chưa kịp về. Do sinh con so (con đầu lòng) nên tôi chuyển dạ sớm. Vỡ ối trong buổi sáng lúc vừa đến làm việc ở cơ quan, tôi không kịp báo tin cho bố mẹ hai bên, chỉ kịp nhờ bạn đồng nghiệp ở cơ quan sau giờ làm việc về quê báo tin giúp. 

Ngày ấy chưa có điện thoại di động nên việc liên lạc khó khăn. Tôi báo cơ quan xong, tự đạp xe đạp về nhà lấy chiếc làn đã chuẩn bị sẵn để khi nào chuyển dạ thì đi đẻ và cứ thế đèo chiếc làn đựng đồ sơ sinh của con vào viện một mình vì tình hình lúc đó gấp quá rồi.

Tôi mang thai con so, chuyển dạ nhanh. Ngày hôm đó ở khoa sản bệnh viện huyện có khoảng 10 ca chuyển dạ sinh nở. Chúng tôi mỗi sản phụ một chiếc giường kê sát nhau trong phòng đẻ rộng mênh mông ngăn ra hai phòng to. Phòng bên này sản phụ và em bé sau khi sinh nằm nghỉ, còn phòng kia là bàn đỡ đẻ. 

Sau khi nữ hộ sinh khám sản phụ nào cổ tử cung mở to từ 7cm trở đi là chúng tôi được dẫn qua bàn đẻ chuẩn bị sinh. Tôi leo lên bàn đẻ một mình, bên cạnh không có ai, vì lúc đó chưa ai đến kịp mà tôi có dấu hiệu sinh sớm. 

Đau đớn, vật vã, cuối cùng tôi cũng đã sinh con. Khi tiếng em bé khóc toáng lên cũng là lúc tôi lịm đi trong mệt mỏi và kiệt sức. Tôi nghe tiếng bác sĩ và nữ hộ sinh nói với nhau. "Ca này sinh con gái". Tôi định nhỏm lên và hỏi lại cho rõ vì tôi siêu âm là con trai sao lại sinh là con gái. 

Nhưng lúc đó mệt quá tôi cứ lịm dần đi, lại có tiếng bác sĩ bên cạnh vang lên: "Ca này sinh bé trai nhé"... Tiếng nữ hộ sinh chạy sang phòng bên cạnh: "Ai là người nhà sản phụ M. thì vào đón em bé nhé". 

Rồi có tiếng loáng thoáng: "Sao không có ai là người nhà sản phụ M. thế này". Rồi có tiếng gọi: "Ai là người nhà của sản phụ L. thì vào đón em bé nhé".... Tiếng nữ hộ sinh lao xao. Rồi chợt có người lại lay tôi hỏi: "Quần áo của em bé đâu". 

Tôi thều thào chỉ ra ngoài và bảo với người đó: "Cái làn màu xanh có chữ "con trai" ở trên nắp làn ạ" rồi thiếp đi... Hồi ấy, khi vào phòng đẻ, lên bàn đẻ, mỗi sản phụ chúng tôi đều phải mang cái làn có quần áo sơ sinh chăn màn của em bé vào cùng và để ở góc phòng để sinh con xong hộ sinh sẽ mặc cho bé. 

Ngày đó chồng hoặc mẹ đẻ, mẹ chồng đưa sản phụ đi đẻ đều được đứng bên cạnh bàn đẻ để động viên sản phụ và chứng kiến giây phút em bé ra đời, chứ không như các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương bây giờ không cho người nhà sản phụ vào khu vực nhà đẻ chứ đừng nói đến việc đứng cạnh sản phụ lúc sinh nở như ngày xưa.

Khi tôi tỉnh dậy thì thấy mình đã được chuyển về phòng các sản phụ nằm sau sinh. Tôi sinh con đầu lòng, biểu hiện ra máu hậu sản nhiều choáng ngất nên được các bác sĩ chuyển lên khoa cấp cứu mất một buổi chiều. 

Tận chiều tối chồng tôi mới về đến nơi, bà nội bà ngoại cũng mới từ quê vào. Tôi về giường, và nữ hộ sinh giao con cho chồng tôi. Chồng tôi bế đứa bé đến bên tôi và bảo với tôi. “Em ngắm con đi này, con trai em giống em quá". 

Tôi dù đang rất mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng để nhướn người lên và hỏi chồng tôi: "Sao lại là con trai? Lúc sinh xong, em nghe nữ hộ sinh và bác sĩ nói với nhau là con gái cơ mà. Có chuyện nhầm lẫn gì không anh?". 

Chồng tôi ớ người ra và bảo: "Sao lại là con gái. Siêu âm cả mấy lần đều bảo là con trai, sao có thể sinh ra là gái. Làm gì có chuyện nhầm lẫn như thế được". 

Tôi mệt nhọc nhưng vẫn cố gắng nói với chồng: "Anh bế con đến hỏi bác sĩ và nữ hộ sinh đỡ ca đẻ của em cho chắc. Anh nói tên sản phụ, đẻ lúc 2h chiều nay xem có sự nhầm lẫn gì không. Lúc con lọt lòng, em nghe thấy bác sĩ và nữ hộ sinh nói với nhau là "Ca này sinh con gái nhé". Em cũng rất sốc sao lần nào siêu âm cũng là con trai giờ sinh ra là con gái. Không biết có nhầm lẫn gì không".

Chồng tôi thảng thốt bế con đi tìm bác sĩ và nữ hộ sinh ca trực của tôi. Nhưng lúc đó tối muộn bác sĩ và nữ hộ sinh đỡ đẻ cho tôi đã về rồi, ca trực mới lên thay nên không ai trả lời tôi chính xác được.

Chồng tôi bế con về phòng đẻ. Trong phòng lúc này đã có khoảng 5 em bé vừa sinh và còn 5 ca nữa đang trên bàn đẻ chưa chuyển về phòng. Khi được hỏi giới tính các bé, thì chồng tôi biết được trong phòng lúc này có tới 3 bé trai và hai bé gái. Một sinh con đầu lòng như tôi cũng đi siêu âm và biết giới tính bé gái trước và một của người phụ nữ trạc 40 tuổi nằm ở giường bên trong tên L. Chồng tôi đã bế em bé lại giường sản phụ ấy và hỏi hai vợ chồng khi siêu âm là trai hay gái. 

Chồng chị vợ tên L. đã trả lời tôi: "Vợ chồng tôi làm ruộng không có điều kiện lên bệnh viện tỉnh để siêu âm. Vợ tôi đẻ 3 đứa con trai rồi, đến đứa này chỉ mong được mụn con gái. May ông trời cho toại nguyện. Thật ra vợ tôi chuyển dạ từ hai hôm trước nhưng do lớn tuổi, ngược thai nên trạm xá xã chuyển vợ tôi lên bệnh viện tuyến huyện. Cả ba đứa con trai đều sinh ở trạm xá xã. May tổ tiên ông bà phù hộ độ trì, cuối cùng tưởng con trai lại được đứa con gái. Mừng kể chi xiết".

Nói rồi người đàn ông bế đứa bé lên nựng nịu trong tay, gương mặt giãn ra mãn nguyện. Cạnh đấy bà vợ cũng âu yếm nhìn chồng con, chồng tôi lại không nỡ lòng nào hỏi thêm điều gì. Bế con trai về giường, chồng tôi và mẹ chồng tôi cứ mắng tôi thần hồn nát thần tính, nghe nhầm rồi nghĩ linh tinh. Đã siêu âm con trai thì khi sinh ra phải là con trai chứ, sao có thể nhầm được.

Nhưng những lo lắng bất an cứ bám lấy tôi, hình như dự cảm của người mẹ bao giờ cũng nhạy hơn hết thảy. Ngày hôm sau, tôi dứt khoát bắt chồng tôi phải tìm cho được bác sĩ và nữ hộ sinh của ca trực hôm qua đỡ đẻ cho tôi để hỏi bằng được tại sao khi con ra đời bác sĩ và nữ hộ sinh bảo là con gái nhưng bây giờ lại là bé trai. 

Ngày xưa chúng tôi sinh con ở bệnh viện huyện chưa có vòng đeo tay ghi tên mẹ tên con như bây giờ, cũng không có cái gì đánh dấu mẹ con. Các ca sinh chủ yếu sinh thường, người nhà đón tay đứa trẻ từ phòng hộ sinh ra luôn nên không xảy ra chuyện nhầm lẫn, mà nếu có nhầm lẫn thì cũng khó mà phát hiện ra vì mọi thứ lộn xộn không theo một quy trình khoa học như bây giờ. 

Khi tìm được bác sĩ và nữ hộ sinh đỡ đẻ cho tôi, chồng tôi kể lại là bác sĩ bảo hôm qua đỡ nhiều ca nên không nhớ rõ vì một ngày có bao nhiêu sản phụ đến đẻ. Còn nữ hộ sinh thì bảo chồng tôi, về xem quần áo mặc trên người con có bị nhầm lẫn không. Nếu đúng là quần áo của con mình thì làm sao mà nhầm được.

Tôi và chồng tôi kiểm tra quần áo trên người con mình thì đúng là con mặc đúng quần áo mà vợ chồng tôi chuẩn bị. Nhưng tôi vẫn cứ thấy bất an lo lắng vì lúc sinh xong dù rất mệt, dù lúc đó tâm trạng lơ mơ do đuối sức vì xuất huyết nhiều song rõ ràng tiếng nói vang lên của người nữ hộ sinh đỡ đẻ cho tôi là "ca này sinh con gái nhé". 

Ngày thứ hai khi đã dậy đi lại được, tôi bế con sang giường của sản phụ đẻ con đầu lòng là gái và sản phụ tên L. cũng đẻ bé gái và nói ra nỗi băn khoăn day dứt sợ nhầm con. Người phụ nữ tên L. ấy đã mắng tôi té tát là hoang đường, là ngớ ngẩn. Sau đó chị ta tỏ thái độ dè chừng tôi, ý như là tôi định đánh tráo con của chị ấy và có dụng tâm bắt con của chị ấy. 

Sáng ngày thứ 3 sau khi sinh, hai vợ chồng chị ấy và cả cặp vợ chồng trẻ sinh bé gái đầu lòng cùng rủ nhau bế con ra viện sớm vì canh chừng thái độ của tôi. Lúc đó tôi chưa kịp hỏi địa chỉ nhà của vợ chồng chị L. và cặp vợ chồng trẻ kia ở đâu. Chiều hôm đó tôi cũng ra viện về nhà mang theo những băn khoăn day dứt…

NTM

(Còn nữa)

Lời Ban biên tập

Kính thưa độc giả! Trên đây là một phần trong câu chuyện dài của chị NTM về nỗi băn khoăn day dứt mà suốt 21 năm qua chị luôn bị ám ảnh. 

Vấn đề ở chỗ, suốt 21 năm ấy chị M. có đi tìm đến tận cùng của sự thật để biết được chắc chắn có đúng chính xác chị M. bị nhầm con hay không. Nếu biết đích xác nhầm con, chị M. sẽ đi tìm lại con như thế nào, hành trình đau đớn ấy ra sao... 

Có lẽ chúng tôi xin bỏ ngỏ tất cả mọi thông tin ở đây để bạn đọc theo dõi nốt phần cuối của câu chuyện và những vướng mắc sẽ được tháo gỡ như thế nào trên số báo tiếp theo. Trân trọng!

ANTG GT số 127
.
.