Tôi nợ chồng tôi một kiếp

Thứ Hai, 16/04/2018, 18:04
Thực sự tôi đã nợ chồng tôi một kiếp, mà có lẽ sau này dưới suối vàng, nếu có gặp lại tôi vẫn muốn được theo chồng tôi để trả nốt món nợ ân tình...

Kính thưa các anh chị trong quý tòa soạn Báo An ninh thế giới Cuối tháng!

Tôi năm nay đã tròn 90 tuổi. Đầu óc minh mẫn, cơ thể khỏe mạnh, tinh thần rất tốt. Tôi xin được kể lại câu chuyện của đời mình chia sẻ với quý báo.

Có lẽ ở tuổi này, kể lại những bí mật đã chôn vùi gần một thế kỷ qua, e rằng có người sẽ cười tôi, thậm chí nếu nó được đăng lên báo, ai đó đọc được sẽ có những ý nghĩ và lời lẽ nhận xét không hay về câu chuyện của tôi và nhân vật trong câu chuyện ấy là tôi. 

Nhưng ở tuổi này, tôi chẳng còn gì để mất nữa, cũng chẳng có thị phi nào làm ảnh hưởng đến tôi. Tôi đã sống 90 năm, với 72 năm làm vợ làm mẹ, cho đến lúc này tôi có thể nói với các cháu chắt của mình rằng, cụ là một cụ già hạnh phúc và may mắn nhất thế gian vì có vị thần hộ mệnh của mình chính là cụ ông. 

Thực sự tôi đã nợ chồng tôi một kiếp, mà có lẽ sau này dưới suối vàng, nếu có gặp lại cụ ông tôi vẫn muốn được theo cụ ông để trả nốt món nợ ân tình mà tôi đã mang trong một kiếp nhân sinh, và nhiều nhiều kiếp khác nữa vẫn chưa chắc trả hết.

Thưa các anh các chị!

Câu chuyện của tôi xảy ra từ 72 năm trước. Cụ ông nhà tôi cũng đã vĩnh biệt tôi để về với cõi thiên thu được tròn 1 thập kỷ rồi. Kể từ sau khi cụ ông mất, tôi lên chùa làng xin với sư cụ cho tôi được ở đây, để hằng ngày gõ mõ tụng kinh, ăn chay niệm Phật sám hối và hồi hướng cho cụ ông. 

Tôi đã có đến gần chục đứa chắt, gần ba chục đứa cháu cả nội cả ngoại. Các cháu chắt đều đã lớn, đều đã thành đạt có cuộc sống đề huề cả. Tôi vẫn luôn ngẫm ngợi về luật nhân quả, tôi chắc rằng kiếp trước cha mẹ tôi ăn ở phúc đức nên tôi được hưởng phúc lành. 

Cũng có thể kiếp trước, tôi là người ở hiền nên gặp may mắn. Cũng có thể, tôi luôn có ông bà chở che, thần hộ mệnh theo cạnh để phù hộ nên tôi đã không sa chân vào tội ác. Cái tội ác tày trời mà tôi đã có lúc đứng giữa lằn ranh mong manh thiện ác. 

Chỉ một khoảnh khắc nhỏ thôi, một biên giới mỏng thôi, tôi đã có thể sa chân vào bên bờ vực thẳm của cái ác rồi. Thật may mắn.... chồng tôi là một vị Bồ Tát sống. Ông trời đã sai vị Bồ Tát này đến bên tôi, để thử thách lòng kiên nhẫn của tôi, để dạy tôi như thế nào là thiện ác, dạy tôi biết sống từ bi, từ bỏ cái ác, cái xấu để hoàn thiện mình.

Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, tôi đều cảm thấy nợ cuộc đời này quá nhiều, nhất là nợ chồng tôi, tôi nợ ông ấy một kiếp nhân sinh này các anh các chị ạ.

Chuyện là thế này. Năm 17 tuổi, tôi yêu say đắm một người ở thành phố Hà Nội. Nhà tôi ở bên kia Sông Đuống, nơi có làn điệu quan họ Bắc Ninh say đắm lòng người. 17 tuổi, tôi là liền chị với tiếng hát nức lòng. 

Tôi ở trong đội văn nghệ của xã, rồi của huyện, đi biểu diễn khắp các hội làng Quan họ. Tôi yêu một người đàn ông trên phố, anh ta làm thư kí ở một tiệm ảnh trên phố Hàng Trống. Người yêu tôi mê nghe hát Quan họ, nên đánh đường sang Bắc Ninh dự hội mỗi khi làng mở hội hát. Chúng tôi yêu nhau từ những dịp hội làng... 

Sau mỗi lần lên sân khấu biểu diễn, anh tìm đến liền chị xinh đẹp trẻ trung và hát hay nhất hội để tặng hoa... tặng những bức ảnh đen trắng anh chụp lén tôi mỗi khi tôi hát. 

Yêu nhau say đắm, thề non hẹn biển, dự định sau này cưới nhau, tôi về Hà Nội cùng anh. Chưa kịp đưa người yêu ra mắt bố mẹ tôi thì bố mẹ đã tuyên bố chắc như đinh đóng cột sẽ gả tôi cho anh thợ mộc, con một người bạn thân của gia đình bố mẹ tôi.

Theo lí lẽ của bố mẹ tôi thì cuộc hôn nhân theo bố mẹ hai bên sắp đặt là môn đăng hộ đối. Tôi yêu văn nghệ, sống lãng mạn ca hát thì phải có ông chồng thực tế, có nghề giỏi “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” để mà kìm hãm bớt tính văn nghệ của tôi và cũng là chỗ dựa về kinh tế vững chắc cho tôi và con cái sau này. 

Thời của tôi, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nhất là với bố mẹ tô, tư tưởng Nho giáo Phong kiến đã ăn sâu vào máu thịt ngàn đời.

Dù tôi có khóc lóc dọa bỏ ăn, tuyệt thực hàng tuần, người xanh xao ốm o gầy mòn vì thất tình thì bố mẹ tôi vẫn không lay chuyển. Ngày đó, tôi trốn bố mẹ đi gặp người yêu khóc lóc van xin anh có cách gì cứu giúp mối tình của chúng tôi.

Người yêu tôi cũng đã làm mọi cách, đến tận nhà bố mẹ tôi để trình bày và xin phép được yêu con gái của ông bà. Nhưng bố mẹ tôi đã từ chối thẳng thừng với lí do, nhà có vài mụn con gái (bố mẹ tôi có 7 người con nhưng 5 anh em trai, có mỗi tôi và một đứa em sau là gái) nên không gả chồng xa, qua đò qua sông cách trở. Bố mẹ tôi còn cấm cửa không cho người yêu tôi lảng vảng qua lại và cấm tiệt tôi đi gặp người yêu.

Vật vã đau khổ mãi mất một năm, sau đó người yêu tôi ở Hà Nội cũng nản chí nên không qua lại tìm tôi nữa. Thất tình và buồn đời, tôi đành lên xe hoa theo sắp đặt của bố mẹ, với một trái tim bầm dập tổn thương của mối tình đầu. Đi lấy chồng mà trong trái tim tôi không có lấy một milimét nhỏ nào dành cho chồng của mình.

Chồng tôi là thợ mộc. Anh theo nghề bố cha truyền con nối. Gia đình chồng tôi có một xưởng gỗ nhỏ trong làng. Hồi đó chưa có cửa hàng, ai đặt đồ gỗ thì qua xưởng của bố mẹ chồng tôi đặt đóng bàn ghế giường tủ. Nhà chồng tôi vào dạng khá giả nhất làng. Chồng tôi vừa làm thợ cả ở xưởng, vừa học giúp bố cai quản xưởng gỗ.

Có lẽ từ nhỏ tiếp xúc với gỗ lạt, với đục đẽo, với bàn ghế giường tủ nên tính tình chồng tôi cũng hiền lành đơn sơ, cứng cỏi như những thớ gỗ kia. 

Anh ít nói, mà có muốn nói cũng chẳng biết nói gì vì tính tình cục mịch thô sơ như khúc gỗ chưa được đẽo gọt. Bao nhiêu tài hoa ông trời ban cho hết vào đôi bàn tay. Đôi bàn tay tài hoa chăm chỉ làm lụng ra bao nhiêu món đồ gỗ xinh xắn, tinh tế. 

Bao nhiêu cái tinh tế nằm vào đôi bàn tay rồi nên chồng tôi không hoạt ngôn, không biết tán dẻo, mồm miệng cứ như ai cắn mất lưỡi, ít nói ít phô, gặp chuyện gì cũng cười hiền. 

Nhìn dáng người cao lớn, vạm vỡ tôi lại càng chán, càng khinh khỉnh vì cái đồ vai u thịt bắp suốt ngày chỉ có bào gỗ, đục đục, đẽo đẽo có khi cả đời cũng chẳng biết làn điệu quan họ là gì. Ngược lại với người yêu tôi, dáng người thư sinh mảnh dẻ, anh ấy thông hiểu về âm nhạc, về ca trù, về quan họ, về cải lương... 

Tâm hồn của anh ấy lãng mạn, phong phú, đọc nhiều sách tiểu thuyết Thứ Bảy nên hay kể cho tôi nghe, thậm chí còn mang sách cho tôi đọc.... Anh nói rất hay, tán rất dẻo. Phụ nữ yêu bằng tai mà, thế nên tôi chết mê chết mệt anh ở cái tài ăn nói dẻo quẹo và cách chiều chuộng phụ nữ ga lăng của anh. 

Thế nên lên xe hoa về nhà chồng, nhìn thấy người chồng cao lớn vạm vỡ vai u thịt bắp cuồn cuộn bên cạnh, tôi lại đau lòng nhớ đến dáng vẻ thư sinh của người yêu cũ, nên cứ thế tôi khóc sướt mướt như mưa như gió suốt cả chặng đường đưa dâu về nhà chồng. 

Tôi không biết chồng tôi, gia đình chồng tôi lúc đó nghĩ gì vì loáng thoáng dù ở hai làng khác nhau, nhưng làng trên xóm dưới chắc họ cũng có biết lờ mờ chuyện tôi đã có người yêu và ưng một đám khác trên thành phố nhưng bố mẹ không đồng ý nên hai bên đã sắp đặt cuộc hôn nhân này theo sự bàn tính của người lớn. Chồng tôi hẳn cũng nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ nên lóng nga lóng ngóng, đứng đực ra như khúc gỗ trước màn nước mắt sụt sùi của vợ. 

Đứng bên cạnh vợ cũng chẳng dám nhìn thẳng vào mắt vợ, thi thoảng chỉ liếc trộm vợ một cái rồi lí nhí chào bố mẹ tôi. Tôi không biết chồng tôi đã từng yêu ai chưa, cái ngữ thô tháp, đực như khúc gỗ kia, cả ngày sấp mặt với gỗ thì biết gì yêu đương, chưa chắc đã hiểu và hình dung được nỗi khổ tình trong lòng vợ lúc này.

Đêm tân hôn, tôi quay mặt vào vách nhà khóc thầm. Chồng tôi nằm cạnh cứng đơ như khúc gỗ không dám động đậy. Tôi khóc chán thì quay ra ngủ. Còn chồng tôi trằn trọc một lúc sau thấy vợ lăn ra ngủ anh cũng ngủ luôn.... 

Cứ thế hàng tháng sau đêm tân hôn, vợ chồng tôi không đụng chạm vào nhau. Thấy thái độ lạnh lẽo của tôi, chồng tôi cũng không dám đụng đến vợ. Tối nào lên giường cũng nằm nghe vợ quay mặt vào tường khóc. Thỉnh thoảng lấy hết can đảm, chồng tôi rụt rè hỏi tôi: “Mình có nhớ nhà không thì ngày mai tôi đưa mình về thăm nhà”.

Có hôm chắc là không chịu đựng nổi sự ghẻ lạnh của vợ, chồng tôi lại lên tiếng. “Mình đừng có đêm nào cũng khóc sụt sùi như thế tôi không chịu nổi. Mình muốn gì để tôi nói với bố mẹ giúp mình”. 

Tôi im lặng không nói gì... cứ thế hàng đêm nước mắt rơi dầm dề vì đau khổ... Tôi chỉ có một ước mong làm sao cầu trời khấn phật run rủi làm sao cho cuộc hôn nhân của chúng tôi mau chóng tan vỡ để tôi có thể đến được với người tôi yêu.

Tôi vẫn đi hát Quan họ, vẫn biểu diễn vào những mùa lễ hội. Tôi gầy hơn, xanh xao hơn, gương mặt buồn u uẫn hơn nhưng tiếng hát càng rền hơn, hay hơn, thiết tha hơn. Tôi mang cả nỗi đau tình của tôi thổ lộ trong tiếng hát. Tôi vẫn đi biểu diễn nhiều nơi, vẫn hát quan họ, vẫn thầm mong khán giả phía dưới sẽ có người yêu cũ của tôi. Anh ấy vẫn chờ đợi tôi trong đâu đó khán giả kia... 

Trong khi đó chồng tôi không quan tâm đến Quan họ. Tôi lên sân khấu biểu diễn, còn anh vẫn vục mặt vào những thớ gỗ ngổn ngang trong xưởng gỗ ở nhà... Chúng tôi là một cặp vợ chồng lệch pha nguy hiểm...                                   

(Còn nữa)

Hồng Hà

Lời Ban biên tập

Kính thưa quý độc giả! Trên đây mới chỉ là phần mở đầu câu chuyện đời khá li kỳ của cụ bà Hồng Hà. Thật ra, trên đời này chuyện yêu một người nhưng lấy một người khác không yêu làm vợ làm chồng không phải là hiếm. Nhất là với các cụ thời xưa, cách đây cả gần một thế kỷ như cụ Hồng Hà thì đó là chuyện dễ hiểu trong thời đại phong kiến chuyện trăm năm thường tuân thủ theo quy định cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Nhưng chuyện cha mẹ định hướng vợ chồng cho con cái mình của các cụ ngày xưa, xét trong thời đại hôm nay thì cũng chưa hẳn là các cụ đã làm việc hoàn toàn sai, và mang lại những hệ lụy xấu. 

Rõ ràng, các cụ chọn vợ chọn chồng cho con bằng cả một đời trải nghiệm, bằng việc “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” nên với sự kinh nghiệm, với sự am tưởng hiểu đời hiểu người của tuổi tác năm tháng, với những gì các cụ đã đúc rút thì những gì các cụ lựa chọn cho con cái mình phần lớn đều là lựa chọn tinh tường và mang lại sự tốt đẹp, không mấy khi sai. 

Có biết bao nhiêu cuộc hôn nhân lấy nhau rồi mới yêu nhau và sống với nhau vô cùng hạnh phúc đến đầu bạc răng long, con đàn cháu đống.  Chỉ có điều, nếu cứ lấy chồng lấy vợ theo sự sắp đặt của bố mẹ mà không phải bằng tình yêu thì trái với quy luật tình cảm của cuộc sống hiện đại hôm nay. 

Ở thời đại hôm nay, chuyện tình cảm riêng tư trai gái được tôn trọng tối đa. Hôn nhân được hình thành trên kết quả tình yêu, và chủ yếu do bản thân trai gái tự lựa chọn và quyết định. Bố mẹ chỉ có thể tham khảo cho ý kiến thêm. Tất nhiên cái gì cũng có mặt ưu điểm và mặt trái của nó. 

Thế nên thời đại hôm nay, trai gái tự do tìm hiểu đi đến hôn nhân, và sai lầm từ hôn nhân, ly hôn cũng rất nhiều, chứ không đa phần bền chặt như phần nhiều những cuộc hôn nhân do cha mẹ định hướng sắp đặt của các cụ ngày xưa.

Trở lại với cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt của cụ Hồng Hà. Chúng tôi xin mời quý độc giả tiếp tục theo dõi phần hai khá sốc và ly kỳ trong ứng  xử của cụ Hồng Hà với người chồng của mình trong câu chuyện tiếp theo ở số báo tới. Trân trọng!

ANTG GT số 123
.
.