Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô nhìn từ nghệ thuật biểu diễn:

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời

Thứ Năm, 18/08/2022, 08:38

Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến năm 2025, ngành CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội. Trong đó, nghệ thuật biểu diễn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, với người làm nghệ thuật lâu năm, đây là bài toán khó.

cnvhhn1.jpg -0
Nhà hát Lớn Hà Nội là thánh đường của nghệ sĩ biểu diễn hiện nay tại Thủ đô.

Theo NSND Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, CNVH chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn Thủ đô, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nghệ thuật biểu diễn cần phải được kết hợp cùng công nghệ - khoa học để trở nên đa dạng hơn, phong phú, hấp dẫn hơn, giống như "một loại hàng hoá" mang tính đặc thù cao và phát triển CNVH phải có sự đồng bộ và chuyên nghiệp hoá từ cơ sở hạ tầng đến nhân lực.

Bởi lẽ, để có những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, cần có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cùng hệ thống trang thiết bị đầy đủ, tiên tiến. Một ý tưởng sáng tạo nghệ thuật cần có sự "chắp cánh" của các yếu tố công nghệ hiện đại. Một không gian thưởng thức nghệ thuật sạch sẽ, khang trang và lịch sự sẽ khiến khán giả có những trải nghiệm tuyệt vời, thú vị, đáng nhớ hơn mỗi lần đến Nhà hát, kéo khán giả đến với sân khấu, đến với nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư về nhân lực tương xứng với hệ thống cơ sở hạ tầng.

Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cần có cơ chế phù hợp, lộ trình được chia thành nhiều giai đoạn hợp lý để phát triển lâu dài. Cơ chế cho những nghệ sĩ trẻ tài năng, đội ngũ ekip sáng tạo như họa sĩ, nhạc sĩ, âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu … cần đủ để họ yên tâm cống hiến. Nhân sự từ các phòng, ban bao gồm cả đội ngũ truyền thông, đội kỹ thuật … cũng cần được đầu tư để đưa các tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn, nhanh hơn tới khán giả.

Nghệ thuật biểu diễn cũng cần xác định đúng đối tượng khán giả hướng đến, tạo nguồn cho tương lai, tìm hiểu rõ thị hiếu và những yêu cầu của việc hội nhập quốc tế. Không chỉ thế hệ khán giả đã trưởng thành cần có thói quen thưởng thức nghệ thuật, đến với nhà hát mà từ những thế hệ nhỏ tuổi như mầm non, tiểu học cũng cần được quan tâm…

Đặc biệt soi chiếu phát triển CNVH Thủ đô dưới góc độ xây dựng thương hiệu văn hóa xứng tầm, nhạc sĩ Quốc Trung, người tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc lớn, trong đó có Lễ hội âm nhạc "Gió mùa" cho rằng, muốn phát triển CNVH thì phải tôn vinh văn hoá, xây dựng thương hiệu văn hoá - biểu tượng độc đáo và đặc trưng về văn hoá về phong cách sống của người dân. Ở đó, người dân là những nhân tố quan trọng để đóng góp vào việc hình thành nên thương hiệu và họ cũng chính là những người thụ hưởng những thành quả trực tiếp hay gián tiếp từ dự án. Những sự kiện lễ hội có tầm luôn mang lại và lan tỏa được không khí, năng lượng tích cực tới cộng đồng, được người dân luôn đón chờ và tự hào khi nhắc tới.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, lễ hội âm nhạc còn khá xa lạ và những người tổ chức gặp nhiều khó khăn trong việc mô tả, trình bày và giải thích về hiệu quả và tác động của nó với các cơ quan quản lý, nhãn hàng, nhà tài trợ và với chính khán giả. Hà Nội có nhiều thuận lợi trong xây dựng thương hiệu văn hóa khi tập trung nhiều cơ sở đào tạo lớn và uy tín, nhiều đoàn nghệ thuật của trung ương và địa phương, đội ngũ sáng tạo với nhiều nghệ sĩ uy tín, tài năng, nhiều thiết chế văn hóa.

Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân ngày càng cao, thói quen cởi mở với các loại hình mới, đón nhận các gương mặt mới, trào lưu mới, vở diễn và thể nghiệm mới. Các buổi biểu diễn nghệ thuật bán vé có tỷ lệ cao hơn so với các show diễn của nhãn hàng hay truyền hình, tạo thói quen trả tiền mua vé của khán giả nhiều hơn. Sự đa dạng trong các loại hình biểu diễn và có nhiều sự kiện giao lưu với âm nhạc quốc tế, giao thông thuận tiện, an ninh an toàn, phố đi bộ quanh Hồ Gươm có thể tổ chức biểu diễn ca nhạc với quy mô lên tới chục nghìn người… là những điều kiện thuận lợi của Hà Nội cho nghệ thuật biểu diễn phát triển.

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Quốc Trung, Hà Nội vẫn còn nhiều rào cản. Đó là Hà Nội còn quá ít sự kết nối với bên ngoài, chưa tạo được thị trường hay các điều kiện để nghệ sĩ được cọ xát với bên ngoài dẫn đến việc hạn chế trong sáng tạo và tầm nhìn. Đội ngũ sáng tạo lạc hậu dẫn đến khả năng thưởng thức của khán giả cũng hạn chế. Các mô hình, nội dung của các chương trình thường vẫn khá cũ, an toàn cho việc doanh thu, ít thể nghiệm, tìm tòi, sáng tạo và đưa ra cái mới, tạo nên thói quen ít chịu đón nhận cái mới của khán giả.

Không khó để nhận thấy các show ca nhạc tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt - Xô hay Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là những mô hình xưa cũ có tuổi đời 30, với các ngôi sao và bài hát có tuổi đời còn gấp 2 lần, tạo nên rào cản cho sự phát triển của các nghệ sĩ trẻ, những khao khát sáng tạo tìm tòi mới lạ, những cá tính riêng biệt. Các nhà hát đầu tư chưa hiệu quả, với các trang thiết bị thiếu đồng bộ, vừa lãng phí vừa gây tốn kém cho các chương trình và nhà tổ chức, không mang lại trải nghiệm khó quên hay nâng cao chất lượng biểu diễn.

Cơ chế của các địa điểm biểu diễn còn nhiều vướng mắc khiến doanh thu hạn chế, giá thành cao, khai thác thiếu hiệu quả. Các quảng trường, vườn hoa có thiết kế lắt nhắt, không phù hợp cho việc biểu diễn nghệ thuật. Chúng ta cũng không tham gia vào thị trường, vào các hệ thống booking nghệ sĩ, kết nối với các tour biểu diễn của các ngôi sao nên thiếu thông tin, kinh nghiệm và thường rơi vào hoàn cảnh bất lợi, ít có sự lựa chọn, thậm chí là thiếu bình đẳng trên thương trường.

N.Nguyễn
.
.