Hai nguyên Thứ trưởng phối hợp dựng kịch về Bác Hồ

Thứ Tư, 06/04/2022, 18:20

Ngày 6/4, NSND Lệ Ngọc – “bà bầu” mát tay của Sân khấu Lệ Ngọc gây bất ngờ khi công bố khởi dựng 2 vở diễn đặc biệt, quy tụ nhiều người làm nghề “lão làng” giới sân khấu. Trong đó vở “Lá đơn thứ 72” thể hiện hình tượng Bác Hồ, được 2 NSND đều từng là Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp thực hiện: NSND Lê Tiến Thọ và NSND Vương Duy Biên.

Vở “Lá đơn thứ 72” được dàn dựng theo kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du. NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, người từng thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, làm đạo diễn. NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đảm nhận thiết kế sân khấu.

Tác giả Hoàng Thanh Du cho biết, kịch bản “Lá đơn thứ 72” khai thác câu chuyện có thật về một vụ án oan sai, được Bác Hồ yêu cầu điều tra lại. Chuyện kịch kể về câu chuyện một đảng viên, nguyên là cán bộ địa phương bị lĩnh án 8 năm tù vì tội giết người. Ông liên tục viết thư gửi Bác Hồ kêu oan. Sau 72 lá thư liên tiếp, lời cầu cứu của ông mới đến được với Bác. Có một điều đặc biệt ở người viết các lá thư này khiến Bác rất chú ý, đó là ông luôn chấp hành rất tốt các quy định của trại giam và năm nào cũng thiết tha dành số tiền ít ỏi mà bản thân có được để đóng Đảng phí, dù lãnh đạo trại giam không tiếp nhận. Bác cho rằng một đảng viên còn niềm tin mãnh liệt vào Đảng như thế, rất có thể anh ta bị oan thật, nên đã yêu cầu điều tra lại…

Hai NSND, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp dựng kịch về Bác Hồ -0
Khởi công vở "Lá đơn thứ 72" và "Truyền tích chùa Một Cột" tại Hà Nội.

Trao đổi về vở diễn, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, đây là một trong những  kịch bản hay của sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo NSND Lê Tiến Thọ, thời gian qua, tác phong, đạo đức, phong cách của Bác, chúng ta đã đọc, tìm hiểu, học rất nhiều. Tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục được tác giả Hoàng Thanh Du gửi gắm trong “Lá đơn thứ 72”. Làm sao chuyển tải được tinh thần ấy lên sân khấu để khán giả cảm nhận rõ nét nhất và thể hiện ấn tượng nhất hình tượng Bác là trăn trở, thách thức lớn với ê kíp sáng tạo.

 “Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức sân khấu, phối hợp âm thanh, ánh sáng, diễn xuất của diễn viên, ngôn ngữ của hoạ sĩ để tác phẩm này có ngôn ngữ của thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Hy vọng, vở diễn cũng sẽ là tác phẩm sân khấu đặc biệt chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay”, NSND Lê Tiến Thọ cho hay.

Về vở diễn này, NSND Vương Duy Biên cũng chia sẻ, khi đọc kịch bản, ông hình dung không gian sân khấu không phức tạp, thể hiện về Hà Nội mấy chục năm trước, rất thanh bình. Ở đó có không gian nhà sàn trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – ngôi nhà sàn đơn sơ gắn với hình tượng Bác Hồ. Trên sân khấu còn có các cảnh về những chuyến đi vi hành của Bác. Bản thân NSND Vương Duy Biên đã tìm hiểu khá nhiều tư liệu về các chuyến đi nắm bắt tình hình, quan sát đời sống của người dân của Người và rất xúc động. Vì vậy, ông sẽ cố gắng thể hiện vào trong trang trí sân khấu để làm sao toát lên được hình ảnh Bác – Người lãnh tụ vĩ đại nhưng thật gần gũi, bình dị.

Song song với dàn dựng vở kịch “Lá đơn thứ 72”, sân khấu Lệ Ngọc công bố khởi dựng vở “Truyền tích Chùa Một Cột”. Khai thác về di sản văn hoá, kiến trúc độc đáo của Việt Nam có từ thời Lý, vở diễn được NSƯT Nguyên Đạt đạo diễn, kịch bản của Lê Thế Song – một trong những tác giả có nhiều tác phẩm được chọn dàn dựng biểu diễn nhiều trong vài năm trở lại đây. “Truyền tích chùa Một Cột” là vở diễn dã sử, mang tính huyền tích nhưng thông qua tác phẩm, ê kíp sáng tạo mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn, trân trọng, yêu quý hơn di sản độc đáo này, kể cả việc ngôi chùa Một Cột được xây dựng vào thời kỳ nào, có kiến trúc độc đáo ra sao. Vở diễn cũng đồng thời chuyển tải thông điệp về tinh thần đại đoàn kết, hướng đến xây dựng đất nước hòa bình…

Hoa Nguyễn
.
.