Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập đoàn kịch nói, đoàn ca múa nhạc CAND

Nghệ sỹ CAND với sứ mệnh tuyên truyền trên sân khấu

Thứ Tư, 26/04/2017, 09:41
Ngày 27-4 tới đây là một ngày ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, trưởng thành của Đoàn Kịch nói CAND và Đoàn Ca múa nhạc CAND, kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập.

Những năm qua, trải qua bao khó khăn, gian khổ, trăn trở sáng tác từng kịch bản, chương trình nghệ thuật, đổ mồ hôi trên sàn tập, trên sân khấu, nhận lệnh là lên đường, các thế hệ nghệ sỹ, diễn viên hai Đoàn khoác trên mình sắc phục CAND đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Họ đã tuyên truyền trực tiếp, sống động bằng lời ca, tiếng hát, bằng những vở kịch với hình tượng, mảnh đời thật trên sân khấu, khắc họa hình ảnh đẹp về người chiến sỹ CAND vì nhân dân phục vụ và tuyên truyền đậm nét về đề tài an ninh, trật tự qua các chuyến lưu diễn trong và ngoài nước.

Lãnh đạo Cục Công tác chính trị chụp ảnh lưu niệm với nghệ sỹ, diễn viên Đoàn Kịch nói, Đoàn Ca múa nhạc CAND.

Thiếu tướng Đào Gia Bảo, Cục trưởng Cục Công tác Chính trị; Đại tá, NSƯT Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị đã cùng Đoàn công tác và nhóm PV lênh đênh trên biển để đến với bà con huyện Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Những cơn sóng trái mùa tháng 3 ập tới liên tục cũng đủ làm các nghệ sỹ, chiến sỹ trẻ nôn nao, chóng mặt. Trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi dường như quên đi cái khắc nghiệt của thời tiết khi nghe giọng ca trong trẻo của các diễn viên trẻ, họ hát hết bài này đến bài khác, say sưa như thể đang đứng trên một sân khấu lớn với rất nhiều khán giả ở dưới... chỉ để chống say sóng. 

Các nghệ sỹ, diễn viên Đoàn Kịch nói, Đoàn Ca múa nhạc CAND vận chuyển đồ xuống tàu trong một lần biểu diễn tại Đảo Lý Sơn.

Say sóng, say xe, đó là một câu chuyện rất đời thường của nghệ sỹ, diễn viên khi phải lưu diễn tại hải đảo hay vùng sâu, vùng xa. Ít ai biết rằng, trước khi ra đảo, họ đã phải di chuyển hàng trăm kilomet trên chiếc xe của Đoàn, vừa chở quân, vừa chở đầy ắp đạo cụ.

Tâm sự chuyện nghề đầy vinh quang nhưng nhiều nhọc nhằn của người nghệ sỹ, diễn viên với chúng tôi, Đại tá, NSƯT Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Kịch nói CAND cho biết, để buổi biểu diễn ở đảo thành công thì khâu chuẩn bị rất quan trọng.

NSƯT Nguyễn Văn Hải được lãnh đạo Cục giao đi cùng ôtô với các anh em nghệ sỹ, diễn viên suốt chặng đường dài từ Hà Nội vào Quảng Ngãi.

Những tưởng nghỉ trọn vẹn một đêm để sớm hôm sau ra đảo, nhưng ngay tối đó, Thiếu tá, NSƯT Trần Thị Út Lan, Phó trưởng Đoàn Ca múa nhạc CAND lại họp đoàn để phân vai cho buổi biểu diễn ngày mai và mọi người lại đổ mồ hôi, tập ngay trong phòng nghỉ.

Trước khi xuống tàu, những nghệ sỹ, diễn viên của hai Đoàn phải xoay vần, tự tay vận chuyển đồ từ xe ô tô xuống tàu, lỉnh kỉnh nào pa nô, áp phích, những đạo cụ phục vụ âm thanh, ánh sáng, trang phục biểu diễn và khi tàu vừa cập bến lại chuyển đồ đạc về trung tâm đảo.

Vừa kịp ăn trưa, nghỉ ngơi dăm chục phút, cả Đoàn lại ra địa điểm tối biểu diễn Chương trình nghệ thuật đặc sắc hướng tới  kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Cục Công tác chính trị CAND (8-5-1967 -8-5-2017), để chuẩn bị dựng sân khấu.

Một tiết mục nghệ sỹ, diễn viên Đoàn kịch CAND biểu diễn lưu động phục vụ bà con tỉnh Quảng Ngãi.

Đêm diễn bất ngờ gặp sự cố mất điện, ca sỹ của Đoàn Ca múa nhạc CAND Trần Thu Hường đã không để "không khí chết", chị đã rời sân khấu xuống "hát chay" giữa khoảng sân tối, giao lưu cùng khán giả.

Sự nhiệt tình của ca sỹ trẻ đã thổi bùng ngọn lửa đam mê của những CBCS lực lượng vũ trang và người dân trên đảo, mọi người cùng vỗ tay, hát hết bài này đến bài khác trong ánh sáng mờ ảo của đêm trăng miền biển, ấm áp tình quân dân.

Suốt 35 năm qua, các chương trình nghệ thuật của Đoàn Kịch nói CAND, Đoàn Ca múa nhạc CAND - đơn vị trực thuộc Cục Công tác chính trị, Tổng cục Chính trị CAND đã được các nghệ sỹ, diễn viên chuyển tải đến khán giả qua nhiều đợt lưu diễn trong và ngoài nước.

Không như ở thành phố, mỗi chương trình kịch hoặc ca múa nhạc biểu diễn riêng rẽ và được diễn trên sân khấu lớn, với đầy đủ điều kiện âm thanh, ánh sáng tốt, còn ở những lần lưu diễn xa, hai Đoàn đều ghép chương trình chung.

Có những đợt lưu diễn xuyên Việt kéo dài tới 2 tháng đòi hỏi các cán bộ, diễn viên phải tự thu xếp gia đình, công việc chăm sóc và học tập của con cái.

Nhiều người phải vượt qua những lần say xe, say sóng khi đi lại trên các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, hay tại các đảo Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo và ngoài việc biểu diễn họ còn phải kiêm nhiệm công việc bốc vác.

Khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao, tập thể cán bộ, diễn viên của hai Đoàn luôn nỗ lực vượt qua, mỗi năm hai Đoàn thực hiện hơn 80 buổi diễn.

Đoàn Kịch nói CAND đã chủ động tìm chọn kịch bản và dàn dựng thành công, với lối diễn dung dị, truyền cảm, đi vào lòng người.

Nhiều vở kịch về đề tài an ninh, trật tự và đề tài xã hội đã xây dựng, tuyên truyền có hiệu quả về hình ảnh, bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ CAND trên sân khấu; ca ngợi những gương người tốt, việc tốt; phê phán những thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội. 

Các vở diễn gây được tiếng vang trong lòng khán giả như: “Nữ ký giả”, “Vòng xoáy”, “Quyết định sinh tử”, “Hoa thép”, “Bản danh sách điệp viên”, “Không phải là vụ án”, “Người tù trao áo”...

Đặc biệt, vở diễn “Người là đồng chí” đã thể hiện khá thành công về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được nhận giải đặc biệt của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Đoàn Kịch nói CAND đã dàn dựng vở kịch “Đông du” biểu diễn tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản); chương trình “Kịch ngắn, hài kịch chọn lọc” biểu diễn tại Cộng hòa Séc, Ba Lan phục vụ kiều bào ta ở nước ngoài và cán bộ đại Sứ quán tại các nước châu Âu. Xây dựng thành công vở kịch “Bão” của Đại thi hào William Shakespeare tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm tại Hà Nội.

Đoàn Ca múa nhạc CAND gắn với tên tuổi Đại tá, NSND Trần Đức Lợi, Trưởng Đoàn và các chương trình nghệ thuật lớn mà anh cùng với các thế hệ nghệ sỹ, diễn viên đã công phu, tâm huyết dàn dựng và biểu diễn.

Ngoài nhiệm vụ chính trị, Đoàn Ca múa nhạc CAND đã xây dựng chương trình biểu diễn các hoạt động đối ngoại của lực lượng CAND.

Các chương trình giao lưu nghệ thuật “Mùa thu hữu nghị”, phục vụ Công an các nước có chung đường biên giới (Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia) và tham gia Liên hoan Chương trình nghệ thuật “CAND vì biên cương hữu nghị” có 4 nước (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar) đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế.

Đoàn còn tham gia vở kịch múa “Lêkima đỏ” tại Liên hoan Múa Quốc tế lần thứ I và xây dựng nhiều chương trình đặc sắc biểu diễn giao lưu tại Hàn Quốc, Liên bang Nga, Trung Quốc, Ấn Độ...

Trải qua bao thăng trầm, hai Đoàn đã tiếp tục kiện toàn tổ chức, làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng lực lượng, xây dựng thương hiệu Đoàn Kịch nói, Đoàn ca múa nhạc CAND, tuyên truyền văn hóa, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao đời sống văn hóa tinh thần của CBCS và nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới.

Những kết quả, thành tích của 2 Đoàn nghệ thuật CAND đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an và các cấp ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Nhất; được Thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen.

Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc của 2 Đoàn đã giành được nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc qua các kỳ tham dự Liên hoan, Hội diễn... Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập, hai Đoàn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Huân chương Lao động hạng Ba.

Qua các kỳ tham dự Liên hoan, Hội diễn đã có 21 nghệ sỹ giành được giải thưởng cao và vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý gồm: Danh hiệu NSND cho các đồng chí Trần Đức Lợi và Trần Nhượng. Danh hiệu NSƯT cho nghệ sỹ, diễn viên Đoàn Kịch nói CAND gồm các đồng chí: Nguyễn Công Bẩy, Hoàng Thành Lợi, Nguyễn Văn Hải, Khương Đức Thuận, Hoàng Thế Bình, Nguyễn Thị Thúy Hiền, Nguyễn Thị Hương Dung, Lê Thúy Nga, Vũ Thị Hoàng Lan, Vũ Hồng Tuấn, Vũ Hồng Quân. Các NSƯT của Đoàn Ca múa nhạc CAND gồm các đồng chí: Văn Đức Lương, Phan Kim Thành, Đặng Văn Hà, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trần Thị Út Lan, Đỗ Thị Kim Oanh, Đặng Minh Lương, Lương Thu Hoài...
Anh Hiếu
.
.