Không còn “treo người chết giữa nhà”, lễ ma chay của người Mông đen nay đã khác xưa

Chủ Nhật, 20/01/2019, 09:19
Tiếng khèn trống nhộn nhịp, tiếng khóc hòa lẫn tiếng cười, tiếng cụng ly chia buồn, một vài người đã say ngồi bệt xuống đất, thật khó có thể hình dung đây lại là đám ma của một gia đình người Mông ở Sapa.

Cách xa trung tâm thị trấn khoảng 7km, đường vào bản quanh co, gồ ghề, trời mưa lạnh, đất trơn và lầy lội, hầu như ai cũng đem theo ủng. Được sự hướng dẫn của anh Giàng Vảng (dân tộc Mông, ở Lao Chải) chúng tôi có cơ hội đến dự đám ma của một người phụ nữ đã nhiều tuổi, là bác họ hàng xa của anh.

Được vận động, dân tộc Mông đã phá bỏ tục “treo người chết giữa nhà” trong đám tang

Đi trước chúng tôi là vợ chồng một gia đình người Mông sống gần đó. Họ đến viếng, người chồng xách theo một chai rượu,mang theo chút tiền cúng còn người vợ Sùng Thị Vang (29 tuổi, ở Lao Chải) thì gùi trên vai hơn 10kg thóc vừa đi vừa kể: “trước đây gia đình nào có người mất, con cháu trong nhà sẽ mang súng kíp ra ngoài bắn chỉ thiên để báo hiệu với bà con trong bản. Mấy năm gần đây được Đảng và cán bộ vận động không dùng súng nữa, nhà nào có người mất thì loan tin, bà con làng xóm sẽ đến chia buồn và giúp đỡ”.

Trời mưa nặng hạt, anh Giàng Vảng dặn chúng tôi đi cẩn thận bởi đường vào nhà phải đi qua một đoạn dốc trơn, đầy bùn đất, vừa đi vừa kể, khi con người ta chết đi để đoàn tụ với tổ tiên, người Mông gọi là “tùa” hay “ninh tùa” (người chết) là thuận theo quy luật của tự nhiên.

 Dựa trên đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau, chẳng hạn đám ma của người già sẽ khác với người trẻ hay đám ma người chết ở nhà hay chết do tai nạn, bệnh tật cũng sẽ có sự khác biệt rõ rệt.

Tại đây, trai bản thay nhau thổi khèn, đánh trống những điệu nhạc truyền thống .

Chúng tôi đã nghe thấy tiếng trống, tiếng khèn Mông dập dìu từ đằng xa. Cái âm thanh ấy ngày một rõ hơn, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng cụng ly của một nhóm người ngồi trước hiên nhà, một thanh niên say ngồi bệt xuống đất, đám tang nhưng không khí không hề u buồn, mà tấp nập như một đám hội. 

Thấy sự xuất hiện của người lạ, một người đàn ông lớn tuổi mời chúng tôi ngồi, “đám ma của người Mông nó là như thế ấy, người thân, hàng xóm xung quanh chúng mang rượu đến, tụ tập nói chuyện và uống rượu cả ngày”, người đó giải thích khi bắt gặp vẻ mặt bất ngờ của chúng tôi.

Người mất là một bà cụ đã gần 70 tuổi, chết do tuổi già và bệnh tật. Gian nhà chật hẹp, tiếng trống, tiếng khèn Mông dập dìu, người mất được con cháu thay váy áo và giày mới rồi bỏ xác vào quan tài trước khi chôn. Sau đó người con trai trưởng nhanh chóng mời một ông cúng để về làm lễ “khai kế” đưa đường chỉ lối cho linh hồn người chết về với tổ tiên.

Người mất được con cháu thay váy áo và giày mới rồi bỏ xác vào quan tài trước khi chôn .

Hỏi chuyện một người trong gia đình, Lồ A Ty (Dân tộc Mông, Lao Chải) cho biết: “ Phong tục tập quán ma chay của dân tộc Mông ngày xưa kéo dài lâu hơn nhưng hiện nay có Đảng và Nhà nước tuyên truyền cho bà con mình thì đám tang kéo dài lâu nhất là ba ngày. Ngày xưa các cụ không để quan tài nhiều, toàn là treo người chết giữa nhà thôi. Nghi lễ đó còn gọi là lễ Ngựa tức là đưa xác người chết lên treo giữa nhà để cúng.

Vài năm gần đây được cán bộ vận động bà con mình để người chết vào trong quan tài, đám ma cũng không kéo dài cả tuần mà người chết trẻ để 1,2 ngày còn người già thì cũng chỉ kéo dài đến 3 ngày rồi mang đi chôn. Cái lí của dân tộc mình thì dòng họ nào thì theo cái lễ của dòng họ ấy, truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, duy trì để không bị mất đi”.

Bàn thờ cúng truyền thống của dân tộc Mông gồm có bát cơm quả trứng, nén nhang và chai rượu.

Bàn thờ cúng đặt ngay cạnh quan tài. Trên đó người nhà để một bát cơm quả trứng, một cây tiền để làm lễ phúng viếng cho người chết mang đi, bên cạnh la liệt những chai rỗng, người đến viếng rót rượu từ trong bình của mình vào chai đó, rót lấy một chén mời người chết, đặt sát vào môi, rồi xoay chén rượu 3 vòng trên mặt quan tài. Rồi họ tung hai tấm thẻ tre nhỏ cho tới khi hai mặt tấm thẻ cùng sấp hay cùng ngửa có nghĩa là đã đồng ý nhận lễ, rồi đặt tiền phúng trên bàn và đổ rượu vào chiếc thùng gỗ.

Một cụ bà người dân tộc xúc động khi đến viếng người hàng xóm.
Người phụ nữ dân tộc Mông đang khóc thương cho người chị của mình.

Đám thanh niên trong bản thay nhau thổi khèn, gõ trống. Những bài khèn, trống trong đám tang của các cụ ngày xưa truyền lại cho con cháu, đến nay vẫn giữ nguyên truyền thống đó, không để mất đi.

Một người phụ nữ đang đi mời rượu, người này mời người kia họ uống đến khi say thì thôi.

Anh Vảng người dẫn đường, chia sẻ: “dân tộc mình còn có cái lễ mổ trâu, mổ lợn cái này không bắt buộc, tùy thuộc vào điều kiện gia đình mà lễ lớn hay nhỏ. 

Sau khi được cúng xong, một phần thịt chế biến đãi cỗ, một phần thịt để chia cho khách.

Đám trai bản nói chuyện vui vẻ trước hiên nhà, “ họ đang nói chuyện về ngày giờ chôn cất, thường thì dân tộc mình một là chôn người chết vào lúc sáng sớm hoặc là vào buổi chiều muộn.

Một số người lớn tuổi trong nhà đang bàn bạc về ngày giờ chôn cất người mất.

Giờ chôn cất được gia đình và thầy cúng ấn định. Đồ đạc của người chết sẽ được thầy cúng làm lễ và giao cho họ trước khi khiêng quan tài ra chỗ chôn cất cuối cùng”, anh Vảng phiên dịch cho chúng tôi.

Người nhà và bạn bè làng xóm quây quần nói chuyện vui vẻ, không khí như một đám hội.

Trong một gian nhà ngay cạnh, người thân và hàng xóm tụ lại cùng nhau chế biến thực phẩm để chuẩn bị nấu cỗ. Ở đây cứ khi nào nhà có đám, họ dùng một chiếc nồi gang to rộng khoảng hơn một mét rồi nấu cơm, nấu thức ăn tất cả trên đó. Thắng cố là món ăn truyền thống không thể thiếu trong đám ma của người Mông đen. Trời mưa ngày một nặng hạt, nhiệt độ chỉ khoảng 10 độ C, họ tụ tập uống rượu bên bếp lửa để giữ ấm cơ thể.

Đã quá nửa đêm, tiếng khèn xập xình, đâu đó văng vẳng tiếng khóc, những người khác vẫn liên tục mời nhau uống rượu theo vòng, người già mời người trẻ, người nhà mời bạn bè hàng xóm, cứ người này mời người kia cho tới say họ ngủ luôn tại đây để chuẩn bị cho ngày mai, ngày cuối tiễn đưa người chết về với tổ tiên.

Hồng Ngọc
.
.