Họa sĩ Vũ Thái Bình vẫn miệt mài “thổi hồn vào Dó”

Chủ Nhật, 10/01/2021, 15:46
Sau 2 triển lãm thành công, ngay những ngày đầu năm 2021, họa sĩ Vũ Thái Bình đánh dấu sự trở lại ngoạn mục với triển lãm “Sắc Dó 3” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

Họa sĩ Vũ Thái Bình sinh năm 1976 tại Hưng Yên. Xuất thân là một họa sĩ sân khấu, nhưng lại chọn hội họa và phần lớn niềm đam mê hội họa anh dành cho giấy Dó. 

Đến với Dó như một cơ duyên, họa sĩ Vũ Thái Bình cũng là một trong số ít họa sĩ theo đuổi, đam mê loại giấy từng là niềm tự hào của Việt nhưng đến nay đã dần mai một. Họa sĩ cũng đã thành công trong khám phá chất liệu này ở “Sắc Dó 2016” với những bức chân dung, cuộc sống nơi thôn quê. Đến “Sắc Dó 2018”, Vũ Thái Bình càng thể hiện sự chín muồi hơn qua từng nội dung, mảng màu, nét vẽ.

"Tháng Giêng" - tranh màu nước trên giấy Dó của Vũ Thái Bình

Với 25 tác phẩm được tuyển chọn kỹ lưỡng, giới thiệu đến công chúng ngay trong những ngày đầu năm mới, triển lãm “Sắc Dó 3” đánh dấu bước chuyển biến mới trong hành trình đam mê sáng tạo “thổi hồn vào Dó” của Vũ Thái Bình. Những câu chuyện anh kể không còn là riêng lẻ, mà còn như chứa đựng cả thanh âm tạo thành một bản nhạc.

 Những mảng màu trầm ấm, mượt mà được họa sĩ thể hiện sinh động trên nền giấy dó, dẫn người xem dần đến những khoảnh khắc chân thực, bình dị. Câu chuyện về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, êm đềm của núi rừng Tây Bắc qua những mùa của năm như: Mùa cây thay lá, Xuân về, Thong dong… 

Tác phẩm "Bóng cha"

Mùa xuân được miêu tả chân thực với sắc đào, mận nở rực rỡ trên nền mái ngói cũ… Nó là sự kết hợp giữa những cổ kính rêu phong và những sự sống bắt đầu. Câu chuyện về cuộc sống đời thường được họa sĩ “kể” qua nhiều tác phẩm như: Ngõ cũ, Chợ chiều, Ngày mới… 

Người xem bắt gặp một con ngõ nhỏ cổ kính, những ngư dân miền biển mưu sinh, những gì còn lại trong một xã hội công nghiệp thay đổi rất nhanh, nếu không ghi lại thì tất cả sẽ thành dĩ vãng. Mỗi tác phẩm của Vũ Thái Bình chỉ thể hiện một góc nhỏ nhưng thu hút mạnh mẽ và đưa người xem đến những cung bậc xúc cảm đến nao lòng. 

Trao đổi về họa sĩ Vũ Thái Bình và “Sắc Dó 3”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Vài thập kỷ qua, Dó Việt – món quà quê của Người Việt vẫn là một thách thức mở khi chỉ cất giọng dịu dàng gọi duyên trong vòng xoay hữu hạn đang tìm cửa vào lối ra của mỹ thuật Việt đương đại. 

Dó không khó cho duyên. Đã có không ít người đến, vui thấp thoáng, đánh trống ghi tên rồi cũng vô tăm tích. Kẻ kiên tâm ẩn phận, lẳng lặng đeo bám mệnh nghiệp, vẽ không xong thì vò giấy bỏ sọt, chẳng bận lòng theo sức nặng vô hình của Dó với ngày tháng cứ trôi qua. Người an nhiên ấy, gan góc ấy là họa sĩ thế hệ 7x Vũ Thái Bình.

“Rung động với nét đẹp thường ngày của con người và muôn vật chốn quê xa bái ngái Thượng ngàn. Mặt Dó mượt mềm chiều lòng kẻ nặng tình, cho Vũ Thái Bình cuống lên khi hồn gọi hình, hình đợi hồn trong những khoảng trống siêu nhiên của Dó Việt. Nước cứ vô bờ trong cảm xúc vô thức. Màu đa sắc thả mờ nhòe đến không màu, vây bủa như lạt mềm buộc hờ để bạn và tôi khó thoát giữa những sợi tơ trời mong manh nơi bức họa. Mặc người vẽ cứ liêu phiêu câm nín trong cuộc chơi với Dó khi thả vào không gian mỏng một câu chuyện khác, một cách nhìn khác đầu thế kỷ”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Hiện tại, Dó vẫn đang là một thách thức mở cho các họa sĩ đi tìm lối ra. Vũ Thái Bình cứ miệt mài vẽ màu nước trên giấy Dó như một lẽ tự nhiên, không mệt mỏi. Trải qua bao lần không thành công, những gì anh chắt chiu, miệt mài cũng đủ tạo một dấu ấn đẹp mang tên "Sắc Dó".

Về phía họa sĩ Vũ Thái Bình, anh cũng cho biết, với anh, Dó là đứa con tinh thần. Để hiểu được Dó, anh đã trải nghiệm qua nhiều thất bại. Nhưng khi đã tìm được sự đồng điệu, anh lại nhận thấy dó vừa nhẹ nhàng, mềm mại, dẻo dai chứ không mỏng manh, dễ rách... Dó là một chất liệu tuyệt vời, tinh tế, một cái gì đó truyền thống trong xã hội ngày càng phát triển, cần được gìn giữ và trân trọng. 

Tuy nhiên, muốn vẽ được trên dó, phải tìm cho ra được cấu trúc riêng, ngôn ngữ riêng bởi dó không quá đồ sộ, không quá mạnh mẽ, không quá đáo để… Dó cần sự nhẹ nhàng, mong manh. Vẽ trên Dó, tâm hồn người nghệ sỹ buộc phải tìm cách nương theo mặt dó để thực hiện thành công tác phẩm của mình.


Hữu - Hoa
.
.