Giáo sư, tiến sĩ Vũ Minh Giang: Trong cuộc đời, nếu chúng ta cũng bị dẫn 0-3?

Thứ Sáu, 25/06/2021, 08:27


Đội tuyển Bóng đá Việt Nam đã vào tới vòng loại cuối cùng tranh vé tham dự World Cup 2022 khu vực châu Á. Một cột mốc lịch sử đúng nghĩa của nền bóng đá, làm lan tỏa nhiều cảm hứng tích cực trong đời sống bóng đá nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Xưa nay, khi quan sát những cột mốc lịch sử của những lĩnh vực khác nhau trong xã hội, tôi thường tìm đến những nhà sử học, để lắng nghe góc nhìn của họ. Bởi theo quan niệm của tôi, vì đã quá quen với những độ lùi lịch sử trong dâu bể biến thiên của trùng trùng điệp điệp các sự kiện trong quá khứ nên góc nhìn của người làm sử bao giờ cũng có một độ tĩnh tại, sâu lắng nhất định. Lần này, người tôi tìm đến là giáo sư, tiến sĩ Vũ Minh Giang, vì ông vừa là một nhà làm sử, vừa là một người yêu bóng đá và lại có những giao tình với lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hiện thời.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa giáo sư, tôi có nghe kể rằng thời trẻ, trong đội bóng của Trường Đại học Tổng hợp, ông là tiền đạo, còn nhà sử học Dương Trung Quốc là thủ môn. Có đúng thế không ạ?

- GS.TS Vũ Minh Giang: Đúng thế! Thời ấy chúng tôi yêu và say mê bóng đá vô cùng.

- Hồi còn là một nhà báo thể thao, tôi hay nghe Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi ấy Trần Duy Ly phàn nàn về việc chưa thể viết một bộ sử chính thống cho bóng đá nước nhà. Ông Trần Duy Ly rất mong mỏi điều này và chúng ta cùng hy vọng nó được thực hiện trong tương lai không xa. Bây giờ thì tôi muốn nói đến cột mốc lịch sử mà Đội tuyển Việt Nam vừa xác lập. Ở góc độ sử học mà suy xét, từ xưa đến nay liệu có cột mốc lịch sử nào vô tình xuất hiện hoặc bất chợt xuất hiện theo đúng kiểu “từ trên trời rơi xuống” hay không, thưa giáo sư?

- Người xưa đã nói “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày), tức là kết quả nào cũng có quá trình của nó. Cho nên, có thể nói ngay chẳng có gì từ trên trời rơi xuống cả. Nhân ngồi với anh nói về điểm giao giữa lịch sử và bóng đá, tôi xin kể một chuyện không nhiều người biết, đó là có những thời điểm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Khánh Hải đã rất băn khoăn về những lo âu, phàn nàn của dư luận xã hội. Đó là tại sao chúng ta không gia hạn hợp đồng ngay với ông Park Hang-seo, khi hai bên chuẩn bị kết thúc hợp đồng?

Người ta có lý do để lo sợ rằng một nền bóng đá nào đó sẽ tung ra một bản hợp đồng đặc biệt để có được chữ ký của ông Park, mà nói theo ngôn ngữ đời thường là họ sẽ “nẫng tay trên của chúng ta”. Lúc đó, tôi có chia sẻ với anh Lê Khánh Hải rằng, bằng cảm nhận của mình, tôi cho rằng ông Park sẽ không đi đâu cả. Vì Tôi nghĩ trong bối cảnh này ông Park gần như chỉ có thể thành công với bóng đá Việt Nam.

Anh Lê Khánh Hải hỏi “tại sao?”. Tôi bảo rằng, khi sang Việt Nam nhận chức HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia, ông Park đã xem rất kỹ các cầu thủ Việt Nam và biết rằng mình đang có trong tay một lứa cầu thủ chất lượng, hơn hẳn những lứa trước đây. Tại sao lại có sự hơn hẳn đó? Tại vì quá trình đào tạo trẻ bài bản mà các lò đào tạo như Hoàng Anh Gia Lai JMG, Hà Nội, PVF... thực hiện trong suốt nhiều năm đã cho ra thành quả. Tức là ông ấy đến đúng vào thời điểm chúng ta đang có nhiều “quả ngọt”.

Tôi có nghe các anh ở Liên đoàn Bóng đá kể lại rằng, thời gian đầu làm việc ở Việt Nam, ông Park rất chú ý tới trận U.19 Việt Nam gặp U.19 Australia ở vòng loại giải U.19 châu Á năm 2013. Đấy là thời điểm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta vừa nằm xuống và các em U.19 khi ra sân đã đeo băng tang tưởng nhớ Đại tướng. Hôm ấy các em đá thăng hoa, khiến cầu thủ Australia phải khó nhọc chạy theo mình và cuối cùng giành chiến thắng 5-1. HLV Park Hang-seo đặt câu hỏi, điều gì tạo nên sức mạnh ấy?

Câu trả lời là: Ý chí, tinh thần Việt Nam. Tất nhiên, ý chí, tinh thần ấy phải dựa trên cái nền chuyên môn mình đã có. Nghiên cứu những điều này, ông Park đã vạch ra một chiến lược, tạo nên một đội bóng khác hẳn. Rõ ràng, ông đã nhìn thấy một nguồn tài nguyên của cầu thủ Việt Nam nói riêng, con người Việt Nam nói chung và đã biết cách tận dụng nguồn tài nguyên đó.

- Ở góc độ này ông Park Hang-seo cũng rất gần với cựu HLV Calisto. Năm 2008, ông Calisto dẫn dắt một thế hệ cầu thủ phức tạp hơn thế hệ cầu thủ hiện nay rất nhiều, thế mà cuối cùng Đội tuyển vẫn vô địch Đông Nam Á. Trong rất nhiều cuộc chia sẻ với tôi khi đó, ông Calisto nói rằng mấu chốt nằm ở việc phải đốt cháy tinh thần, ý chí trong lòng các cầu thủ. Tôi rất nhớ ông từng nói với cầu thủ: Khi Napoleon tấn công Ai Cập, ông ấy bảo với quân lính là chúng ta đang đứng trước hàng nghìn năm văn minh, còn ra khi sân thi đấu, các bạn phải nhớ sau lưng mình là hàng chục triệu người hâm mộ. Có trận ông Calisto xạc tơi bời một trung vệ trong phòng thay đồ và bảo: Tại sao anh đá như thế? Tại sao anh không dám đá như thể có thể chết ngay ở trên sân? Nhờ những sự kích lửa đó mà sang hiệp 2 trung vệ này đá khác hẳn và Việt Nam chuyển từ thế bại sang thế thắng. Tôi rất đồng tình với ông rằng ý chí, khát vọng của mỗi con người Việt Nam nói chung và mỗi cầu thủ Việt Nam nói riêng là một dạng tài nguyên nhưng những người khai thác được nguồn tài nguyên đó để tạo nên những thành tích đột biến như ông Calisto, Park Hang-seo thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

- (Gật đầu)

- Chúng ta sẽ không nhắc lại một cách cụ thể nhưng tất cả chúng đều thấy, vẫn với những cầu thủ chất lượng như ông Park đang có, HLV khác đã thất bại. Cho nên, theo tôi sự thành công của bóng đá Việt Nam trong suốt 3 năm qua là sự kết hợp rất đủ duyên giữa một thế hệ cầu thủ mới mẻ, sạch sẽ, có đẳng cấp với một ông HLV biết cách khai thác, sử dụng thế hệ ấy một cách tối ưu.

- Chúng ta thấy, có những nhà quản lý có thể thành công dựa trên một nền tảng dữ liệu đã có. Lại có những người chỉ thành công một cách có mức độ. Thậm chí, lại có người thất bại. Do vậy, để thành công, một nhà quản lý phải có rất nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng quan trọng nhất là hiểu đặc tính văn hóa của những người, những nơi mình làm việc. Tôi thấy bên cạnh chuyện khai thác rất tốt điểm mạnh tinh thần của cầu thủ Việt Nam, ông Park còn làm được điều này nữa: xây dựng không khí gia đình trong lòng đội bóng. Một số HLV nước ngoài tới đây thường sử dụng kỷ luật thép, cấm đoán rất ghê và có lúc còn thu cả điện thoại di động của các cầu thủ.

Nhưng, phải nói thật, một trong những tồn đọng của văn hóa Việt Nam cho đến lúc này, đó là “cấm thì cứ”. Cấm 1 điện thoại, thu 1 điện thoại thì bằng cách nào đó người ta sẽ lại có cái điện thoại thứ 2, thứ 3. Các anh bên Liên đoàn Bóng đá nói với tôi ông Park không quá cấm đoán như thế, ông quản trị theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”, coi các cầu thủ như con mình và ngược lại, các cầu thủ coi ông như một người cha. Tổ chức đội bóng theo cách ấy cũng là rất hiểu văn hóa Việt Nam.

- Và, đấy lại là điểm giao nữa giữa ông Park với ông Calisto. Dưới thời Calisto, không khí một đội bóng - một gia đình là rất rõ. Ngược lại, dưới thời các HLV Alfred Riedl, Falko Goezt, Toshiya Miura... không có được điều này. Nhưng, chúng ta sẽ không nói thêm về điều này nữa, tôi muốn trao đổi với ông những bài học mà tôi nghĩ rằng chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện bóng đá. Ông có nhớ trận đầu tiên của Đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 2 vừa rồi không? Rõ ràng là trận ấy đối thủ Indonesia đá rát chân và đá rất xấu. Nhưng, điều đáng nói là chúng ta đã ứng xử với cái xấu rất tuyệt vời. Chúng ta không trả đũa, không hằm hè trở lại. Chúng ta tìm cách tránh đòn và cứ thế đá thứ bóng đá của mình, để rồi cuối cùng thắng đậm 4-0. Với tôi, đây không chỉ là một câu chuyện bóng đá. Đây là một ứng xử văn hóa mà chúng ta có thể đúc rút ra từ bóng đá.

- Khi xem trận đấu đó, thấy cầu thủ Indonesia đá xấu, còn cầu thủ Việt Nam mãi không ghi bàn thì có lẽ nhiều người Việt Nam sốt ruột lắm. Tuy nhiên, khi nhìn cái cách cầu thủ Việt Nam ứng xử với cái xấu của Indonesia thì tôi rất chia sẻ ý kiến của nhà báo và trong tôi khi ấy lại trỗi lên một cảm giác tự hào. Họ đá xấu một mình cũng trả đũa một thì còn gì để nói nữa. Thực tế họ đá xấu, mình bị tổn thất chứ, cầu thủ mình nằm sân, có người phải nghỉ luôn 2 trận sau đó. Nhưng, mình không đá xấu lại. Mình vẫn chơi theo cách của mình. Đẳng cấp! Tôi nghĩ đó là một cách ứng xử đẳng cấp. Phải có đẳng cấp mới làm như thế được.

- Trong xã hội này nếu phần lớn chúng ta làm được như vậy thì lý tưởng biết bao! 

- Xã hội văn minh là xã hội mà những sự trả đũa, chơi xấu theo kiểu “hòn bấc ném đi, hòn chì quăng lại” bị hạn chế đến mức tối thiểu. Mà để tiến tới xã hội văn minh thì phải có những lớp người ứng xử có đẳng cấp. Ngay cả với những người chơi xấu mình, người ta cũng sẽ không chơi xấu lại một cách bản năng, bầy đàn. Người ta sẽ nhờ tới sự vào cuộc của luật pháp. Người ta ứng xử bởi năng lực văn hóa, khiến cho những người chơi xấu hoặc sẽ bị luật pháp xử lý, hoặc đến một lúc nào đó có thể nghĩ lại mà tự xấu hổ. Từ bài học bóng đá, do vậy chúng ta có thể đúc rút  những bài học xã hội và những bài học với chính bản thân mình. Tôi cho bài học này là rất cần.

- Và tôi nghĩ, trong xã hội, chúng ta nên nhìn chuyện “chơi xấu” này trên diện rộng. Ví dụ như cách đây hơn 1 năm, một khách du lịch Nhật đến thành phố Hồ Chí Minh, lên xích lô đi một đoạn đường rất ngắn, thế mà người lái xích lô vẫn đòi cả triệu đồng. Vụ này ồn ào trên báo chí và sau đó đã được xử lý. Tôi nghĩ rằng xấu như thế phải gọi là đại xấu. Nó khiến không chỉ cá nhân mình, mà đất nước mình cũng bị ảnh hưởng theo. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện nổi tiếng, khi Phan Bội Châu - Tăng Bạt Hổ sang Nhật hồi đầu thế kỷ 20. Sau gần 1 ngày được phu xe Nhật đưa đi tìm một người bạn Trung Quốc, Phan Bội Châu rút 1 đồng bạc ra thưởng nhưng người phu xe đã kiên quyết từ chối. Ông ta nhất định chỉ lấy “2 hào 5 xu” theo đúng quy định mà thôi. Và ông ta bảo: Các người là ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật mà đến đây. Vậy ta nên hoan nghênh các vị, chứ không phải hoan nghênh tiền bạc. Bây giờ, các người cho tôi tiền xe vượt quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật đó!

- Và sau đó thì Phan Bội Châu thốt lên: Đến một anh phu xe còn như vậy, nước người ta làm sao không cường thịnh và văn minh. Câu ấy anh nghe có thấy hay không? Có thấy sướng tai không? Đấy, chỉ một người phu xe mà còn biết “chơi đẹp” để giữ thể diện cho quốc gia mình như thế.

- Cho nên từ chuyện “chơi xấu” của Indonesia và cách ứng xử rất đẹp của Đội tuyển Việt Nam, chúng ta chợt ngẫm nghĩ ra nhiều điều, thấm thía nhiều bài học ngoài bóng đá. Đến trận gặp Malaysia và đặc biệt là UAE thì tôi thấy có một bài học quan trọng nữa: Đó là bài học không bao giờ từ khước mục tiêu. Chúng ta bị UAE dẫn tới 3 bàn, rất dễ nản, Nhưng, chúng ta không nản nên đã có 2 bàn danh dự. Với tôi, 2 bàn ấy là một bài học lớn. Ông nghĩ sao?

- Trận gặp UAE, khi thấy Đội tuyển bị dẫn tới 3 bàn thì có nhiều người nói với tôi rằng họ đã thấp thoáng ý định tắt ti vi. Vì họ sợ phải chứng kiến cảnh Đội tuyển thua thêm. Nếu tắt ti vi thì chắc chắn họ đã không thể chứng kiến ý chí thi đấu quyết tâm và tinh thần không bao giờ từ bỏ mà các cầu thủ thể hiện. Xưa nay người ta thường nhìn thấy ý chí này ở Đội tuyển Đức vào những năm 80-90 của thế kỷ trước. Chắc nhà báo còn nhớ hồi ấy chuyện Đội tuyển Đức ghi vài bàn ở những phút cuối cùng để lật ngược ván cờ không phải là chuyện hiếm. Bây giờ thì chúng ta đã nhìn thấy cách thi đấu ấy ở Đội tuyển Việt Nam.

Tất nhiên, phải rất cẩn thận để không AQ với nhau, từ đó đưa ra những nhận xét theo kiểu “chúng ta chỉ thua sát nút 1 bàn” hay “nếu còn thêm thời gian thì không biết sẽ thế nào...”. Điều chúng ta đang bàn ở đây chỉ là: chúng ta đã ghi bàn thắng ở những thời điểm nào mà thôi. Chúng ta ghi bàn thắng ở những lúc tưởng chừng mình không có cơ hội ghi bàn. Chúng ta ghi bàn thắng ở những phút thi đấu cuối cùng và tận dụng từng giây phút bù giờ cuối cùng. Nó cho thấy rất rõ một ý chí quyết tâm, một tinh thần không bao giờ từ bỏ. Để làm được điều này thì phải trui rèn ghê gớm lắm và phải có bản lĩnh. Tôi nghĩ rằng đây là độ trưởng thành cao của bản lĩnh. Tức là chúng ta thua và so với những đối thủ như UAE, chúng ta vẫn dưới đẳng cấp họ nhưng bản lĩnh của chúng ta đã tiến bộ hơn hẳn so với trước.

- Khi nhìn Đội tuyển thua 0-3, tôi nghĩ rằng trong cuộc đời cũng sẽ có những lúc chúng ta thua 0-3, thậm chí là 0-4, 0-5. Nhưng, chúng ta liệu có làm được như các cầu thủ, là ghi được 1-2 bàn thắng và chiến đấu đến phút cuối cùng không? Hay là chúng ta buông bỏ hết? Liệu ông có thể chia sẻ những khoảnh khắc như thế trong cuộc đời mình không?

- Thời xưa, tôi vào đại học và lẽ ra thuộc diện được đi nước ngoài. Nhưng, vì tình hình đất nước lúc đó nên chúng tôi vẫn ở lại trong nước. Điều đó cũng không nghiêm trọng gì cả, vấn đề là vì vào muộn nên tôi phải học ngành lịch sử. Thật sự là phải học ngành sử tôi thấy chán quá. Chán đời. Tôi tìm cách làm đơn xin chuyển khoa và muốn buông bỏ. Nhưng, chính vì không buông bỏ mà sau đó tôi lại gặp được những giáo sư lịch sử hàng đầu như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng. Chính những người thầy như thế đã giúp tôi bừng tỉnh nhận ra, hóa ra lịch sử nó không phải là môn khô khan, học thuộc lòng như trước đây mình vẫn nghĩ. Trái lại, nó là một ngành hết sức hấp dẫn, sáng tạo. Chính vì thế tôi đã tìm hiểu và vượt qua cơn chán nản như vừa kể, để gắn bó với lịch sử đến tận bây giờ.

Một ví dụ thứ 2 nữa, là khi thế hệ chúng tôi gác bút nghiên lên đường ra trận vào năm 1972. Thật ra lúc gác bút nghiên, chúng tôi cứ nghĩ đường ra trận lãng mạn lắm. Chúng tôi hát với nhau: “Ngắt một đóa hoa rừng, cài lên mũ ta đi”. Nhưng, sự thực là ra đến nơi thấy mọi chuyện khác hẳn. Mấy bữa không có lương thực, không có rau ăn là vàng mắt ra. Lúc ấy mới biết chiến trường nó khủng khiếp, ác liệt như thế nào. Cái chết có thể diễn ra ngay tức khắc sau mỗi phút, mỗi giây. Vấn đề không phải là sợ chết, mà là từ ghế nhà trường ra đó, thấy một hiện thực khác hẳn so với những gì mình đã tưởng tượng thì hoang mang không biết rồi cuộc sống ở đó sẽ ra sao. Đây không chỉ là tâm trạng của riêng tôi, mà là của phần lớn sinh viên chúng tôi. Nhưng, rồi cũng phải tìm cách đối diện, vượt qua chứ. Không thể nào mà buông bỏ được.

Đấy là tôi kể những câu chuyện của tôi, còn nhìn rộng ra với mỗi đời người, tôi hiểu là ai rồi cũng phải đối diện với những tình cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ trong đời sống của mình. Có thể cũng sẽ có người vì khó khăn, chán nản quá mà buông. Nhưng, tôi luôn nghĩ rằng trong mọi hoàn cảnh đều phải nuôi dưỡng được niềm tin, mà cái tin quan trọng nhất là tin vào chính mình. Tin để vượt qua khó khăn. Tin để sẵn sàng đối diện với khó khăn. Đến một mức nào đó người ta sẽ đạt được một trạng thái mà tôi gọi là trạng thái “tự tin”. Quay lại chuyện bóng đá, những thế hệ cầu thủ Việt Nam trước đây khi đá giải châu lục nhiều lúc cũng thiếu sự tự tin chứ. Nhưng, đến thế hệ này, sau nhiều cuộc gặp gỡ với các đội bóng lớn ở châu Á, chứ không riêng gì trận gặp UAE ở vòng loại World Cup vừa qua, chúng ta thấy là họ đã có được sự tự tin.

- Và tất cả chúng ta đều tò mò là với sự tự tin đó, chúng ta sẽ đá vòng loại thứ 3 như thế nào, khi mà các đối thủ đều từ cỡ UAE trở lên. Sau khi chúng ta đúc rút những bài học đã qua từ 3 trận đấu, đúc rút cả một quá trình ông Park sang đây, gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông nghĩ gì về chặng đường phía trước?

- (Cười...). Cái này trong lịch sử gọi là “cứ vãn dĩ suy” đây! Tức là căn cứ vào cái đã qua để suy đoán về cái trước mắt. Tôi thấy nhiều người nói vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á không phải là sân chơi của mình. Xét về nhiều khía cạnh, mình đều không thể so sánh được với những Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia..., thậm chí mình hoàn toàn có thể trở thành kẻ lót đường. Nhưng, có một cách nghĩ tích cực hơn, đó là thôi thì vào được đá 10 trận với những đội bóng hàng đầu châu Á đã là đáng quý lắm rồi.

Trước đây chúng ta phải trả tiền để mời họ đến thi đấu giao hữu cọ xát, mà khi đến chưa chắc họ đã đủ binh hùng tướng mạnh, có đầy đủ binh hùng tướng mạnh thì cũng chưa chắc họ đá hết mình. Nhưng, bây giờ là cuộc chiến thực sự. Mình phải chiến và họ cũng phải chiến. Theo tôi phải coi vòng loại thứ 3 này như một cơ hội quý hơn vàng nhưng không phải là tính đến chuyện lọt vào Vòng chung kết World Cup mà là dịp được rèn tập trong môi trường đỉnh cao thật 100%. Trong môi trường này chúng ta sẽ biết chính xác mình là ai, đang đứng ở đâu và còn thiếu những gì để tiếp tục trui rèn, phát triển. Xác định mục tiêu như thế, chúng ta sẽ gặt hái được lợi ích tối đa.

Với tư cách của một người làm sử, tôi cũng xin đóng góp thêm một góc nhìn nữa, có thể là hơi táo bạo, đó là khi vào những hoàn cảnh hết sức đặc biệt thì con người Việt Nam cũng luôn được kích hoạt một cách rất đặc biệt. Trong lịch sử, từ phong kiến đến hiện đại đã có quá nhiều dữ kiện chứng minh điều này. Đã có quá nhiều những người dân bình thường biến những câu chuyện bình thường trở thành huyền thoại. Với Đội tuyển Bóng đá Việt Nam, việc có giành được 4,5 chiếc vé dự World Cup 2022 khu vực châu Á hay không là câu chuyện khác nhưng kỳ vọng Đội tuyển thể hiện được hình ảnh đột biến nhất, đặc biệt nhất, tốt đẹp nhất thì tại sao không?

- Và nếu chúng ta thể hiện được những hình ảnh đặc biệt như thế, xin nhấn mạnh là mới chỉ nói đến chuyện phong thái, hình ảnh thôi, chứ chưa dám nói tới những kết quả thắng - thua, tôi nghĩ là chỉ cần điều đó thôi, chúng ta coi như đã tận dụng được một cơ hội lớn để tạo những ấn tượng lớn trong mắt bạn bè quốc tế. Bóng đá cũng như cuộc đời, không phải lúc nào con người ta cũng được đứng trước một cơ hội lớn. Xin cảm ơn ông về cuộc đối thoại này.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.