Nền tảng công nghệ hỗ trợ kêu gọi từ thiện hay đầu cơ trục lợi?

Nhiều dấu hiệu không minh bạch, vụ lợi (bài 2)

Thứ Ba, 21/02/2023, 07:53

Như Báo CAND đã thông tin, có nhiều trường hợp kêu gọi ủng hộ từ thiện khá bất thường của website - nền tảng công nghệ kêu gọi từ thiện Deeda.care. Nhiều vấn đề, câu hỏi cần giải đáp đã được đặt ra xung quanh câu chuyện này.

Vốn điều lệ gần 230 triệu đồng nhưng đã kêu gọi được hơn 30 tỷ đồng sau 6 tháng

Thông tin được công bố trên website Deeda.care cho biết, mới thành lập và hoạt động chính thức tại Việt Nam từ tháng 8/2022, nhưng Công ty Deeda Việt Nam đã gây quỹ được hơn 30 tỷ đồng, 1.500 trường hợp được giúp đỡ (cá biệt có những trường hợp chi phí điều trị lên đến 300 - 400 triệu đồng đã được gây quỹ thành công), cùng với sự ủng hộ từ hơn 100.000 Mạnh thường quân…

Mọi thông tin có vẻ như rất minh bạch. Tuy nhiên, theo mã số thuế mà công ty đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, thì lĩnh vực hoạt động đăng ký kinh doanh của công ty là tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính, không thấy đề cập tới chức năng tổ chức kêu gọi từ thiện.  Địa chỉ đăng ký kinh doanh và đại diện doanh nghiệp cũng không đồng nhất ở Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và trong giấy phép kinh doanh. Thông tin tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty này có tên Công ty TNHH Deeda (Việt Nam) có trụ sở chính ở tòa nhà Lim Tower 3, 29A Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh, có 2 người đứng tên đại diện pháp luật…

Nhiều dấu hiệu không minh bạch, vụ lợi (bài 2) -0
Những thông tin giới thiệu về Deeda Việt Nam.

Trong khi đó, thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp, thì trụ sở chính của Deeda (Việt Nam) lại ở số 491 đường Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Bình Thạnh và người đại diện pháp luật của công ty chỉ là một người có quốc tịch Singapore. Deeda (Việt Nam) có vốn điều lệ chỉ gần 230 triệu đồng và công ty chủ sở hữu ở Singapore. Trong vai người có nguồn tiền từ nước ngoài muốn ủng hộ một số trường hợp bệnh nhân khó khăn, chúng tôi đã trực tiếp tìm tới địa chỉ Công ty Deeda Việt Nam ở tòa nhà Lim Tower 3, 29A Nguyễn Đình Chiểu, quận 1. Tại đây, chúng tôi được bà Blaze Phan có chức danh Giám đốc Truyền thông và tiếp thị Công ty Deeda Việt Nam tiếp chuyện.

Theo bà Blaze Phan thì mô hình kêu gọi quyên góp tiền của Deeda rất phổ biến ở Singapore, nhưng tại Việt Nam thì chưa. Vì thế, Deeda Việt Nam đang nhận được đầu tư rất nhiều từ công ty mẹ ở Singapore để đưa mô hình này trở nên phổ biến tại Việt Nam. Công ty có một đội ngũ tư vấn viên đến các bệnh viện tiếp cận và giới thiệu cho nhiều người biết đến mô hình của Deeda và tìm hiểu về tình hình bệnh nhân, hoàn cảnh gia đình với các giấy tờ, hình ảnh kèm theo.Với các bệnh nhân nhỏ tuổi thì cần có thêm giấy khai sinh… Sau đó, Deeda cho viết thông tin về hoàn cảnh khó khăn và bệnh tình của bệnh nhân và người thân rồi đưa lên trang Deeda.care và fanpage của Deeda để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Truy cập vào trang Deeda.care, người xem có thể dễ dàng thấy thông tin người ủng hộ cùng với số tiền đóng góp được liên tục xuất hiện trên màn hình - một hình thức quen thuộc của những trang chuyên bán hàng online…

Đáng chú ý, bà Blaze Phan cho biết việc kêu gọi từ thiện không phải là việc chính của Công ty Deeda Việt Nam. Mảng kinh doanh chính của Deeda theo công ty mẹ ở Singapore là bán bảo hiểm(?). Deeda muốn phát triển các hoạt động cộng đồng nhằm gây sự chú ý và có sự nhận biết lớn của nhiều người ở Việt Nam để một, hai năm sau khi hoạt động mảng kinh doanh chính, khách hàng sẽ dễ tiếp nhận Deeda hơn.

Cũng theo bà Blaze Phan thì với mỗi trường hợp kêu gọi ủng hộ cho bệnh nhân, một công ty đối tác của Deeda sẽ lo việc thu và chi qua một tài khoản ngân hàng. Deeda sẽ kiểm soát việc chi trả theo từng đợt chữa trị và nhu cầu rút tiền của phía bệnh nhân. Deeda cũng như công ty đối tác lo việc thu chi đều có trích lại khoảng 10% trong tổng số tiền kêu gọi được cho bệnh nhân, gọi là phí giao dịch và duy trì các hoạt động vận hành…

Tuy nhiên, như đã nói trong số báo trước, nhiều người nhà bệnh nhân cho biết mỗi lần họ rút tiền thì đều bị trừ “phí rút tiền” tương đương khoảng 49% trên tổng số tiền rút…

Để “PR”, đánh bóng tên tuổi, Deeda Việt Nam đã cho đăng tải nhiều bài quảng cáo về hoạt động kêu gọi từ thiện của mình trên báo chí. Deeda cho rằng sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho hoạt động của nền tảng gây quỹ Deeda Care với mục tiêu giúp đỡ cho 10.000 trường hợp khó khăn và xây dựng cộng đồng các nhà hảo tâm rộng khắp cả nước…

Có dấu hiệu trục lợi từ hoạt động từ thiện

Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh nhận định, việc Công ty Deeda Việt Nam sử dụng trang web để tự vận động các nguồn lực đóng góp, ủng hộ tiền để chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh tổn thương là không đúng quy định pháp luật. Chức năng này chỉ thuộc về Hội Chữ thập đỏ, Hội Bệnh nhân nghèo, hay là các hội về trẻ em nghèo, khuyết tật nói chung…

Những hội kể trên muốn thực hiện nội dung này thì cũng phải có một quy trình chặt chẽ; phải căn cứ vào nhu cầu, phải xây dựng kế hoạch, phải có chương trình vận động rồi được nhà tài trợ và cấp có thẩm quyền đồng ý thì mới có thể triển khai thực hiện. Sau đó phải có sơ kết, tổng kết báo cáo rõ những hoạt động và số tiền, hiện vật vận động được cùng với các giấy tờ tài liệu chứng minh…

Do đó, ông Trần Trường Sơn nhấn mạnh, Deeda vừa sai về chức năng (một công ty về giải pháp phần mềm…), vừa sai về cách thức tự vận động từ thiện xã hội rồi lại cùng công ty đối tác lo việc nhận tiền và chi cho người được ủng hộ, giúp đỡ. Những việc này có dấu hiệu không minh bạch, vi phạm những điều khoản của Nghị định 93 của Chính phủ về việc huy động, vận động tiền cứu trợ giúp đỡ cho người nghèo.

Theo Nghị định này, tất cả những hoạt động huy động nguồn tiền ủng hộ cho những địa phương khó khăn hay là những người khó khăn là hoàn toàn không được bớt xén, mà phải trao trọn 100% số tiền được các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp. Về số tiền quyên góp được cũng như lượt người ủng hộ, số trường hợp được ủng hộ… được Deeda Việt Nam công bố trên trang web của mình, ông Trần Trường Sơn cho rằng đây là việc làm nhằm đánh bóng tên tuổi của công ty, chưa chắc là những con số đó là đúng sự thật, không ai chứng nhận…

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết, Nghị định 93 quy định rất rõ các điều kiện về thành lập quỹ từ thiện. Khi thành lập phải đảm bảo những điều kiện nhất định như mục đích của hoạt động từ thiện, thông qua các văn bản thành lập, phải có người đứng đầu quỹ và mọi hoạt động thu chi đều phải rõ ràng, minh bạch để tránh trường hợp trục lợi hoặc có những hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm. Điều quan trọng nhất các quỹ này phải đảm bảo mục đích chỉ là vì từ thiện, không vì mục đích lợi nhuận. Do đó, LS Trần Minh Hùng cho rằng việc doanh nghiệp tự thỏa thuận với các bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân về việc chia phần trăm số tiền được ủng hộ là không đảm bảo đúng pháp luật, có dấu hiệu trục lợi từ hoạt động từ thiện.

“Công ty Deeda Việt Nam cho rằng đã quyên góp được hơn 30 tỷ đồng thì chúng ta phải làm rõ, đó là tài khoản nào và quyên góp từ những Mạnh thường quân nào, từ các số tài khoản nào. Và trong số hơn 30 tỷ đó thì Deeda Việt Nam và đối tác đã chi cho những hoạt động nào, cho những người nào, cho những hoàn cảnh nào… Tất cả phải rõ ràng và phải có sự xác nhận của những người nhận đó thì mới đủ cơ sở cho rằng việc đó là minh bạch. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, điều tra để làm rõ”, Luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh.

Liệu Công ty Deeda Việt Nam có vi phạm pháp luật về hoạt động từ thiện hay không,  mức độ vi phạm như thế nào, câu trả lời này sẽ được cơ quan có thẩm quyền xác minh và xử lý.

Phú Lữ
.
.