Dựng rào chắn trên quốc lộ bị xử lý như thế nào

Thứ Ba, 24/03/2015, 08:33
Hỏi: Thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng một số người dân do có những thắc mắc khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng đã dựng rào chắn trên các tuyến quốc lộ, thậm chí là đường cao tốc. Vậy hành vi này có vi phạm pháp luật không và sẽ bị xử lý như thế nào? (Hoàng Lan Nhung – Sóc Sơn – Hà Nội)

Trả lời: Việc người dân có thắc mắc, cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại trong vấn đề giải phóng mặt bằng hay các vấn đề khác thì người dân có quyền khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục về tố tụng hành chính do pháp luật quy định. Việc người dân tùy tiện dựng rào chắn trên các tuyến quốc lộ, thậm chí là đường cao tốc là hành vi đã vi phạm pháp luật, có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông.

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đơn cử như “đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường;…” (khoản 2). Người có hành vi vi phạm tùy theo mục đích, tính chất và mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự:

1. Xử phạt hành chính: Theo Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, đơn cử như sau: hành vi “dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ” bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức (điểm b, khoản 3); hành vi “ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ, chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông” bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân (điểm a, khoản 5).

2. Xử lý hình sự: Nếu hành vi của những đối tượng này là nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 203 BLHS). Phạm tội thuộc khoản 1 bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc khoản 2 là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a. Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm; b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội thuộc khoản 3 là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc khoản 4 là “phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời” thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/08/2013 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao và TAND Tối cao (có hiệu lực từ 06/11/2013) đã nêu chi tiết nhiều nội dung quan trọng, trong đó Điều 2 đã quy định rõ trường hợp nào thuộc khoản 1, trường hợp nào là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” theo khoản 2 và trường hợp nào là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 202 BLHS.

Công ty luật TNHH Đào Ngọc Lý
.
.