Vụ ‘Chính quyền giữ rừng thay lực lượng bảo vệ rừng?’:

Phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc giao khoán đất rừng

Thứ Hai, 25/05/2015, 08:39
Sai phạm của đơn vị chủ rừng trong việc giao khoán đất rừng cho người dân quản lý và trồng rừng… chính là nguyên nhân dẫn đến rừng bị tàn phá nghiêm trọng.
>> Chính quyền giữ rừng thay lực lượng bảo vệ rừng?

Theo bản hợp đồng ngày 2/1/2014, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa (đơn vị chủ quản rừng) đã giao khoán cho gia đình bà Phạm Thị Tiến (trú tại thôn 3, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong) 3ha đất rừng tại tiểu khu 1691 (thuộc lâm phận của công ty và nằm trên địa bàn xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa) trong thời hạn 29 năm, với mục đích trồng rừng.

Tại khoản 2, Điều 2 Nghị định 135 lại quy định, các đơn vị lâm nghiệp chỉ được phép giao khoán đất rừng cho những hộ gia đình đang cư trú trên địa bàn thuộc nơi có đất. Như vậy, việc Công ty giao khoán 3ha đất rừng cho một người dân ở huyện Đắk Glong (cách xã Quảng Thành hàng chục cây số) quản lý, sử dụng là trái với quy định.

Toàn bộ 3ha đất này đều có nguồn gốc phá rừng, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý, đưa vào diện đất trống. Nói cách khác, toàn bộ 3ha đất này chưa đủ điều kiện để được giao khoán cho người dân.

Tương tự, cũng vào đầu năm 2014, Công ty tiếp tục giao khoán cho hộ ông Lê Văn Dương (trú tại phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa) 9ha đất rừng tại tiểu khu 1705 (cũng nằm trên địa bàn xã Quảng Thành) để trồng rừng. Diện tích đất này cũng có nguồn gốc phá rừng và cũng chưa đủ điều kiện để được giao khoán cho người dân…

Một cánh rừng bị tàn phá để trồng sắn.

Ngoài 2 trường hợp cụ thể nêu trên thì theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2013-2014, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa đã thực hiện giao khoán tổng cộng gần 100ha đất rừng cho 30 hộ dân quản lý và trồng rừng theo Nghị định 135. Tất cả diện tích đất rừng giao khoán cho người dân đều có nguồn gốc từ phá rừng và chưa đủ điều kiện để được giao khoán.

Có nhiều hộ dân được giao khoán đất rừng không đăng ký hộ khẩu hoặc cư trú trên địa bàn xã Quảng Thành. Thậm chí, một số địa chỉ của hộ nhận giao khoán đất rừng là giả mạo (người có tên theo địa chỉ không hề nhận khoán đất rừng).

Trong số 30 hộ dân được giao khoán đất rừng thì có tới 9 trường hợp, Công ty chưa cung cấp được hồ sơ giao khoán hợp pháp.

Mặt khác, cho dù thực hiện giao khoán đất cho rất nhiều người dân, nhưng công ty không hề có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không có dự án đầu tư hoặc phương án tổ chức sản xuất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo như quy định. Việc giao đất cũng không được công ty xem xét và căn cứ vào khả năng vốn, trình độ quản lý và lao động của bên nhận khoán…

Tính đến tời điểm hiện tại, các hộ nhận khoán đất rừng mới chỉ trồng được tổng cộng 19,4ha rừng (cây muồng đen) trên tổng số 100ha đất. Nhiều hộ gia đình sau khi nhận khoán đất đã tiến hành trồng các loại cây nông nghiệp như cà phê, hồ tiêu, khoai lang, sắn… chứ không thực hiện việc trồng rừng theo quy định. Thậm chí một số hộ dân còn có hành vi phá những diện tích rừng liền kề với khu đất nhận khoán để tăng thêm diện tích đất sản xuất.

Điển hình như 2ha rừng tại khu vực liền kề với diện tích đất giao khoán cho ông Lê Văn Dương và ông Đinh Văn Thành đều đã bị chặt phá hoàn toàn (cơ quan chức năng đang xác minh đối tượng chặt phá). Còn trường hợp bà Hồ Thị Thanh (trú tại xã Đắk Rmoan, thị xã Gia Nghĩa), sau khi nhận khoán đất rừng đã tự ý xây dựng nhà kiên cố để sinh sống và sử dụng một phần đất để sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra, xác minh một số trường hợp sau khi nhận khoán đất rừng đã tự ý sang nhượng cho người khác thay vì quản lý và trồng rừng…

Ông Y An Niê, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa cho biết, chính những người nhận khoán đất rừng rồi sử dụng để sản xuất nông nghiệp đã tác động, dẫn đến việc nhiều người dân khác cũng tham gia phá rừng và chiếm dụng đất.

Mới đây, qua kiểm tra tại 2 địa điểm mà Công ty giao khoán đất rừng cho người dân là tiểu khu 1691 và 1705, Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa đã phát hiện tổng cộng 51 vụ phá rừng, làm thiệt hại gần 102ha rừng đầu nguồn.

Việc Công ty tùy tiện, dễ dàng giao khoán đất cho nhiều người cũng đã khiến cho dư luận có nhiều băn khoăn, phải chăng đất đai của Nhà nước đã bị một số cá nhân nào đó lợi dụng để chia chác và trục lợi? Câu hỏi này chỉ có đơn vị chủ quản rừng cũng như chính quyền địa phương mới có câu trả lời thỏa đáng!

V.Thành - Ng. Sâu
.
.