Lo ngại đất rừng "teo tóp" khi áp dụng cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa, Nghệ An

Thứ Sáu, 22/10/2021, 10:37

Tờ trình đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô trên 50 héc ta; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô trên 500 héc ta ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Sáng 22/10, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết: Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng.

Cụ thể, về ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, hằng năm bổ sung cho TP Hải Phòng không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Cơ chế đặc thù nào cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế phát triển? -0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An, hằng năm bổ sung không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu, để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Đối với tỉnh Thanh Hóa: Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.

Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Phú Cường nhất trí việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nêu trên để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Đa số ý kiến nhất trí với tờ trình; song cũng có ý kiến đề nghị cần cân nhắc tính hợp lý của việc đề xuất ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương này vì có thể dẫn đến việc lập dự toán thấp, không sát với thực tế để được hưởng số tăng thu.

Về quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng, đối với tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tờ trình đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô trên 50 héc ta; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô trên 500 héc ta.

Cơ chế đặc thù nào cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế phát triển? -0
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

HĐND hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 héc ta; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 héc ta phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, HĐND hai tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 héc ta bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, cơ chế này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các địa phương trong trường hợp cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, đề nghị lưu ý việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân. Việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp và được phân cấp để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

"Có ý kiến chưa tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vì việc không bảo vệ được rừng đã gây hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững và quy định trên có thể sẽ tạo tiền lệ không tốt, đặc biệt trong bối cảnh báo động về môi trường như hiện nay", Chủ nhiệm Ủy ban TCNS nêu.

Về thu từ xử lý nhà, đất, tờ trình đề nghị ngân sách tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.

Cơ chế đặc thù nào cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế phát triển? -0
Toàn cảnh hội trường.

Đa số ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất với chính sách hiện nay TP Hồ Chí Minh đang được hưởng. Tuy nhiên, theo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 thì TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có khoản thu nào từ cơ chế này. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về cơ sở pháp lý để thực hiện thuận lợi. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chỉ để lại 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới.

Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, tờ trình đề nghị TP Hải Phòng thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách TP bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND TP Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do TP quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP do HĐND TP quy định.

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí vì quy định này phù hợp với Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, đồng thời, phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

An Quỳnh
.
.