Thu hồi gần 4.000 tỷ đồng trong các vụ án phòng, chống tham nhũng

Chủ Nhật, 24/10/2021, 10:50

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp chiều 22/10.

Trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cơ quan chức năng đã thu hồi gần 4.000 tỷ đồng trong gần 3.000 vụ việc. Tuy vậy, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên thời gian qua, việc thu hồi tài sản ở nhiều vụ việc với lượng tiền lớn gặp không ít khó khăn.

Lần đầu tiên thu hồi được 2,6 triệu USD từ nước ngoài

Ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, lần đầu tiên ở Việt Nam đã có việc thu hồi được số tiền rất lớn, lên tới 2,6 triệu USD. Trong vụ án Phan Sào Nam, tổng số tiền mà Phan Sào Nam phải thi hành án 1.475 tỷ đồng. Đến tháng 9/2021, Phan Sào Nam đã thi hành được 1.383 tỷ đồng và chỉ còn phải thi hành 11 tỷ đồng và 3,5 triệu USD.

Thu hồi gần 4.000 tỷ đồng trong các vụ án phòng, chống tham nhũng -0
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin tại buổi họp báo.

“Vào ngày 10/9 vừa qua, lần đầu tiên ở Việt Nam có việc thu hồi tiền thi hành án từ nước ngoài lớn như thế, lên tới 2,6 triệu USD. Điều đặc biệt là đương sự Phan Sào Nam là người tự nguyện thi hành”, ông Lợi nói.

Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, không ai ngay từ đầu tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên với trách nhiệm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án và được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan liên quan như Công an, Viện Kiểm sát và cả sự ủng hộ từ các góc độ khác nhau của báo chí mà kết quả thi hành án mới khả quan như vậy.

Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết trong năm 2021 đã thi hành xong gần 3.000 việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng và thu hồi gần 4.000 tỷ đồng trong các vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng, khó khăn rất lớn đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đại dịch ảnh hưởng trên toàn quốc, nhiều địa phương có khối lượng việc và tiền lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Long An, Đồng Nai.

Mặc dù số vụ việc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số vụ việc phải thi hành án về nhưng số tiền lại chiếm rất lớn, tới 24,5% so với tổng số tiền phải thi hành. Có rất nhiều “đại án” có điều kiện thi hành rất thấp.

Ví dụ như vụ án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như chỉ có tài sản không quá 500 tỷ đồng; 16 tài sản trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) có giá trị hơn 17.000 tỷ đồng nhưng các đương sự đang khởi kiện ra toà để phân chia. Một số tài sản kê biên, vốn góp, tài sản hình thành trong tương lai trong các vụ án hiện nay cũng chưa có quy định, gây khó khăn trong thực hiện…

Thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước    

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, kết quả thi hành án dân sự tính đến hết ngày 30/9/2021 đã thi hành xong hơn 480.000 vụ việc với trên 34 nghìn tỷ. Trong khi đó, công tác theo dõi thi hành án hành chính: Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong 455 bản án. Các cơ quan thi hành án hành chính đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm chức năng theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án. “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là tổ chức tốt việc triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2022.

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành án; chú trọng giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; chủ động, tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước”, ông Hoàn cho biết.

Liên quan đến việc dịch COVID-19 bùng phát, có nhiều văn bản bị phản ánh có sự mâu thuẫn, không đúng quy định pháp luật, bà Nguyễn Thị Hoè, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, từ tháng 2/2020 tới nay, Chính phủ ban hành công bố tình hình dịch bệnh trên toàn quốc, Cục đã kiểm tra 165 văn bản của các địa phương ban hành có liên quan đến nội dung về phòng, chống COVID-19, báo chí phản ánh hoặc Cục chủ động kiểm tra.

“Chúng tôi phát hiện nhiều nội dung báo chí phản ánh được ban hành theo đúng thẩm quyền. Theo Luật Phòng, chống truyền nhiễm khi có dịch bệnh, một trong những hiệu quả là kiểm soát tốt dịch bệnh. Quy định ngăn sông cấm chợ, để vào được địa phương này địa phương kia ngoài quy định thì phải có văn bản của chính địa phương đó xác nhận không có bệnh truyền nhiễm. Về mặt thẩm quyền thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch bệnh. Có văn bản vừa ban hành hôm trước hôm sau đã thu hồi ngay, hậu quả pháp lý chưa xảy ra. Chúng tôi có phát hiện ra nhưng văn bản đã được thu hồi, đã được thay thế nên không phải thực hiện quy trình kiểm tra, xử lý”, bà Hòe cho hay.

Với nội dung này, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tiếp tục tham gia ý kiến pháp lý có chất lượng, với tinh thần trách nhiệm cao đối với việc xây dựng các văn bản để phòng, chống dịch COVID-19.

Nhóm PV KTPL
.
.