U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường

Thứ Năm, 19/05/2022, 10:11

Trên bước đường mở cõi về phương Nam, lưu dân người Việt thuở ấy còn gian nan, khổ cực hơn cả tội nhân “lưu viễn” chịu tội “lưu hình”… Ý nghĩa sâu sắc nhất của cụm từ “thị quá sơn trường” chính là vậy.

Một khi đã tìm về ca dao, tục ngữ, lời ăn tiếng nói của người miền Nam, thể nào ta cũng bắt gặp hình ảnh con cá sấu, con cọp, chẳng hạn:

U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường

Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua

Ở câu bát, còn có ít nhất 2 đị bản như:

Ðường đi Rạch Giá thị quá sơn trường

Gió rung bông sậy, dạ buồn nhớ ai

Ðường đi Rạch Giá thị quá sơn trường

Hai bên đế rợp, mà điệu cang thường phải đi

Đọc “Hồi ký Sơn Nam” (Nhà xuất bản Trẻ - 2015), ta biết tác giả là người quê gốc nhiều đời ở U Minh - Rạch Giá và ông cho biết: “Câu hát nói trên, tôi từng nghe hồi nhỏ. Phía Hậu Giang (Rạch Giá) hồi nhỏ tôi ở với cha mẹ, sau khi con kênh Hà Tiên - Rạch Giá đào xong, mùa nước lụt, sấu ở sông Hậu từ Campuchia tràn xuống. Nhiều đám cưới bị sấu chặn đón. Phen đó, sấu tràn về, dân làng còn thưa thớt tiếp sức nhau gây tiếng động để xua đuổi, nào đập vào bộ ván ngựa, đánh trống.

Trong làng chỉ có cây súng nhỏ để xua đuổi trộm cướp tới lui trong vùng rừng tràm. Sấu trồi đầu lên, lặn xuống, lát sau lại trồi đầu. Súng nổ ba bốn lần, sấu chìm xuống kênh đào rồi trồi lên, quơ quào lúc hấp hối. Dân làng bơi xuồng đến, bắt con sấu bị thương ấy đưa lên bờ. Mổ bụng nó ra, thấy nào là tóc người, nào chiếc vòng, đôi nhẫn vàng. Quả là từ lâu sấu đã ăn thịt người, đoán chừng vàng, nhẫn của đám cưới nào đó đã đi qua mùa nước lụt, năm nào. Đám cưới đã trở thành đám tang” (tr. 488).

Không những thế, thời xa xưa đó, lưu dân miền Nam còn nghĩ ra cách câu cá sấu. Chi tiết này, có thể tìm thấy trong bộ sử liệu Gia Định thành thông chí (Nhà xuất bản Giáo Dục - 1999, bản dịch của Viện Sử học) của Trịnh Hoài Đức. Đoạn mô tả sinh động này, nếu thực hiện bằng nghệ thuật thứ bảy ắt ta được xem nhưng thước phim cực kỳ hồi hộp, hấp dẫn, lôi cuốn: “Lại có nhiều cá sấu, cọp dữ nhưng dân ở đây đã quen, không sợ hãi, dù trẻ con đàn bà có thể cầm cái liềm cắt cỏ, cái hái cắt lúa mà bắt con cọp được. Năm trước sông Tiên Thủy có con cá sấu to 5 ôm dài 6 trượng, thường đón thuyền đi qua, quật ngã người cầm chèo, hoặc làm ụp thuyền để bắt người mà ăn gọi là “ông rồng”.  Người ta dùng trăm cách khu trừ mà không thể được.

Có người làm nghề câu, lấy lưỡi câu sắt lớn, móc con vịt sống, lấy dây song to xỏ vào dưới lưỡi câu mà buột chặt lại, tay cầm con vịt, xuống sông bơi lội để nhử cá sấu khiến nó đuổi theo. Cá sấu vốn không có mang, ở dưới nước không dám há mồm mà đuôi để quật cũng không dùng được, người làm nghề đã biết lắm rồi, nhân vờn nhau với cá sấu, đợi khi nào mình cá sấu lên gần mặt nước, lúc há mồm ra để ăn thì thừa cơ nhét con vịt vào trong mồm cá. Cá sấu nuốt xuống thì người ấy mới lặn vào bờ sông đem rút dây lại, xúm vào đâm giết chết, thế là mới tuyệt được mối hại ấy. Các việc tài giỏi của người làm nghề ấy, người các nước nghe cũng phải ghê” (tr. 151).     

Không phải ngẫu nhiên, cọp và sấu xuất hiện trong câu ca dao vừa nêu. Vì rằng, đây là một trong những chi tiết cần thiết nếu ta muốn tìm hiểu từ “thị quá sơn trường”. Này, cô Hai ơi, giải thích thế nào nhỉ? Ừ, trước khi giải thích, xin nhắc lại rằng, khi viết “Văn minh miệt vườn” (Nhà xuất bản Văn hóa - 1992), nhà văn Sơn Nam cho biết câu này chính là “mô phỏng theo:

Xứ đâu thị tứ bằng xứ Sài Gòn

Dưới sông tàu chạy, trên bờ ngựa đua.

Còn có thể kể thêm:

Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng

Tràm xanh củi lục anh hùng thiếu chi.

Có văn bản ghi “củi lụt”, thật ra phải là “củi lục”: “Cây giũ vỏ, trày trày không khi mục”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích, tức loại gỗ tốt, có thế mới xứng với “tràm xanh”, chứ không phải loại trôi dạt, trôi nổi ất ơ sau khi lụt.  So sánh hai câu “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường/ Xứ đâu thị tứ bằng xứ Sài Gòn”, ta thấy cùng xuất hiện từ thị: thị quá/ thị tứ, vậy, liệu chúng có dây mơ rễ má, có liên hệ gì với nhau không?

Trước hết, ta hãy xét thị tứ là gì? “Hán - Việt tân tự điển” của Nguyễn Quốc Hùng cho biết thị có nhiều nghĩa và giải thích: “Thị tứ: Quán hoặc cửa tiệm bán hàng ở chợ. Chợ và tiệm bán hàng, chỉ nơi buôn bán đông đúc”. Vậy, thị trong cụm từ “thị quá” là sao? Là “Thiệt, phải, ấy”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết. Từ đó, ta suy luận ra “thị quá” nghĩa là gì?

Theo “Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam Bộ” (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ - 2017) của tiến sĩ Huỳnh Công Tín thì từ “thị quá”: “Trong trường hợp này, phải là “thật quá”, cách nói Nam Bộ là “thiệt quá”, với nghĩa chung: đích thị, quả đúng như thế; tương đương: “thật là, như là, quả là…”. Tất nhiên trong câu ca dao có sự biến âm “thật” thành “thiệt”, rồi “thiệt” thành “thị”... Tóm lại câu ca dao trên có nghĩa: “U Minh, Rạch Giá quả là (thiệt quá = thị quá) một chốn núi rừng” (tr. 317).

Hiểu như thế này có đúng?

Hạ hồi phân giải. Nay, ta hãy xét từ “quá” trong “thị quá”. Ở ngữ cảnh này, quá không chỉ là từ nhấn mạnh nhằm khẳng định thêm một lần nữa như cách giải thích “thật là, như là, quả là” - mà còn phải hiểu theo nghĩa dù đã như thế nhưng sự vật/ sự việc đó vẫn chưa dừng lại đó, còn hơn cả thế nữa. Nói cách khác, thiệt/ thật quá còn chỉ mức độ cao hơn thiệt/ thật. Cách nói này, rất quen thuộc và phổ biến nhiều vùng miền, thí dụ Quảng Nam có câu “Lý sự quá Phan Khôi” là hiểu từ “quá” theo nghĩa này. Ông Phan Khôi lý sự đã ghê gớm nhưng có người còn cao hơn nữa, chứ không ngang cơ, ngang tầm, ngang cỡ với Phan Khôi; còn nếu muốn so sánh phải là “Lý sự như Phan Khôi”. Tương tự, ta hãy xét câu nói: “Ối dào, X ta ăn quá hổ đói” là chỉ mức độ ăn của X đã vượt hẳn “Ăn như hổ đói” mà tục ngữ đã ghi nhận v.v…

Với vị trí của từ “quá/ thị quá” độc đáo trong câu ca dao này, ta thấy rằng không thể hiểu: “U Minh, Rạch Giá quả là (thiệt quá = thị quá) một chốn núi rừng”. Mà trong ngữ cảnh này, người xưa khẳng định U Minh, Rạch Giá quả là/ thiệt là còn hơn cả thế nữa. Hơn cái gì? Muốn biết, ta phải tìm hiểu nghĩa của từ “sơn trường”, chứ giải thích “quả là chốn núi rừng” là không đúng, là không phản ánh hết ý nghĩa sâu sắc của câu ca dao này.

U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường -0
Thành phố Rạch Giá - Kiên Giang Ảnh: S.t

Đọc lại “Lịch triều hiến chương loại chí” (Nhà xuất bản Khoa học - Xã hội - 1992)  của Phan Huy Chú, phần “Hình luật chí”, ta có thể biết được các hình phạt từ đời vua Lê Thánh Tôn. Đại khái trong các tội, có tội lưu hình (đày phát vãng): “Năm 1474, tháng 4, có sắc chỉ rằng tù xử tội lưu, đi cận châu thì sung vệ quân ở Thăng Hoa, đi ngoại châu thì sung vệ quân ở Tư Nghĩa, đi viễn châu thì sung vệ quân ở Hoài Nghĩa” (tr. 292). Theo phân vùng địa lý hiện nay, ta có hiểu nôm na họ bị đày đi Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quy Nhơn. Tùy tội nặng nhẹ, các tội nhân đó đều bị đánh từ 90 đến 100 trượng, thích (xăm) từ 6 đến 10 chữ vào mặt, đeo xiềng từ một đến ba vòng, bị giam giữ và phục dịch (tr. 306). Những tội nhân này khi đến nơi chó ăn đá gà ăn sỏi, đèo heo hút gió, sơn lam chướng khí, họ lập ra các sơn trường. Nói cách khác “sơn trường” chính là đồn điền tại vùng rừng núi xa xôi do tội nhân “lưu hình” khai khẩn đất hoang làm nên.

Vậy, “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường” là câu nói của lưu dân thời khẩn hoang cho biết nơi này thiệt/ quả thiệt cực khổ còn cả hơn cả sơn trường nữa, bằng chứng: “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Về sấu và cọp, nhìn chung đã có nhiều tài liệu đã nghiên cứu, không bàn nữa. Nay, chỉ bổ sung thêm vài chi tiết khác để làm rõ hơn cái nghĩa “thị quá sơn trường”.

Rằng, thí dụ ngay cả lúc lìa đất xa trời những tưởng là xong, là mồ yên mả đẹp, không đâu, còn phải nhiêu khê chán. Hồi ký của nhà văn Sơn Nam có kể vài cảnh đau lòng trong mùa lụt: “Vài đứa bé vô ý rơi xuống, nước đang ngập vào nhà, lập tức bị cuốn trôi giữa khu vực trước kia là đồng ruộng nhưng lũ đã phủ lên đôi ba mét, chảy cuồn cuộn. Chọn cái khạp đựng gạo hoặc cái lu (chum, vại to) liệm vào với quần áo, chiếu. Nạn nhân dĩ nhiên gần như ngồi trong khạp, co chân lại, hai tay khó thẳng. Rồi đậy nắp lại, trét xi măng. Đặt cái khạp ấy không xa nhà cho lắm để dễ bề canh chừng, sợ nó trôi mất, và cha mẹ cũng chẳng muốn rời đứa con đã mất nhưng còn đó.

Tìm bốn năm cây tràm nhỏ cắm chung quanh để rào cái khạp với mớ dây kẽm, nhờ vậy cái quan tài tròn, ngộ nghĩnh nổi lên rồi hạ thấp xuống tùy theo mưa nhiều ít từ thượng nguồn, không bao giờ chao đảo, lắc lư, hy vọng rằng đứa bé được yên thân, không trăn trở, "nghiêng mình" tức là không giữ được "tư cách" vì người chết vẫn là người sống. "Lòng đây tưởng đó mất như còn" (Đồ Chiểu), mặc dầu lúc sống chưa làm được điều gì đáng kể… Khi nước giựt xuống, cha mẹ sẽ đem chôn kín dưới đất. Rồi mùa nắng, mùa lụt năm sau, bông điên điển hoang dã sẽ trổ vàng ngời soi bóng nước từ đầu nguồn tuôn về.

Nạn nhân của lũ lụt nếu lớn tuổi hơn thì chôn trong cái quan tài, gọi là như vậy cho khỏi tủi thân, chỉ là mấy tấm ván mỏng, ghép lại. Người chết mặc nhiên được lau chùi sạch sẽ, khô ráo, mặc quần áo tươm tất, nằm với tư thế đứng đắn nhất là xuôi tay, xuôi chân, mặt nhìn ngửa lên trời, phải phun rượu để uốn nắn lại trong trường hợp tay chân co quắp. Ngày nay có những loại bao ny-lông to và dài theo ni tấc của người lớn, bỏ vào bao, gìn giữ được mùi hôi rữa, đặt vào quan tài, thêm nhiều mảnh nilon rồi đưa ra khỏi nhà, không quá xa để canh chừng.

Giữa trời nước bao la, sóng trào nước xoáy, cứ xốc bốn cây chỏi như hình chữ X, treo lên cao; bên dưới, làm thêm một cái sàn để quan tài dựa vào, đề phòng khi giông gió khiến quan tài rơi xuống đáy nước. Trên nóc quan tài, làm kiểu mái nhà, bằng vải nhựa dẻo. Chưa hết. Ngày nay lắm nơi bố trí hai cái ống tre, hoặc ống nhựa cắm bên quan tài, đựng gạo và muối, tượng trưng cho lương thực, thực phẩm cần yếu cho người quá cố; vì còn bối rối, thân nhân không thể nào cúng dường dịp một tuần đầu, hai tuần đầu và cúng 100 ngày. Như việc tống táng với lương thực của người dân tộc trên Cao nguyên” (tr.16-18).

Nhà văn Sơn Nam sinh năm 1926 còn chứng kiến, chứ huống gì thuở xa xưa lúc lưu dân Việt lần đầu đến nơi này. Không những đương đầu với thú dữ, thiên tai dịch họa mà còn phải nhọc nhằn đổ mồ hôi sôi nước mắt khẩn hoang, trồng trọt, dựng nhà, lập vườn… bằng mọi cách phải tồn tại cho bằng được. Phải tồn tại. Không thể nào khác.

Lịch sử đã chứng minh sinh động về tài trí dữ dội, mưu sinh khốc liệt và tồn tại oanh liệt của người Việt thuở ấy. Theo khảo sát của tôi, từ “thị quá” chỉ xuất hiện đôi lần trong ca dao. Điều này, cho phép ta đặt vấn đề, nếu đã là lời ăn tiếng nói chung thì nó phải phổ biến rộng rãi chứ? Sở dĩ trái lại có lẽ vì lý do mà theo Sơn Nam: “Thị quá là danh từ trong văn chương hát bội” (tr. 174). Nếu đúng vậy, thêm một lần nữa, ta thấy loại hình nghệ thuật này là thú giải trí của bà con miền Nam thời khẩn hoang, trước khi cải lương ra đời.

Tóm lại, khi đọc câu ca dao du dương vần điệu này nhưng nếu hiểu rõ thêm ngữ nghĩa của nó, ta sẽ thấy ẩn trong đó biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu mà lớp người đi trước đã gửi gắm cho thế hệ sau. Rằng, trên bước đường mở cõi về phương Nam, lưu dân người Việt thuở ấy còn gian nan, khổ cực hơn cả tội nhân “lưu viễn” chịu tội “lưu hình”… Ý nghĩa sâu sắc nhất của cụm từ “thị quá sơn trường” chính là vậy.

Lê Minh Quốc
.
.