Chuyện ghi ở nơi huấn luyện tân binh

Thứ Sáu, 31/03/2023, 11:46

Có những mùa huấn luyện, tân binh "mới nghe tiếng còi điều lệnh đã muốn xỉu"; nhiều tân binh ở miền Tây Nam Bộ nhưng xuống nước học bơi mà mắt rưng rưng; có em ăn chay trường, đến bữa cơm, thức ăn vẫn nguyên trong đĩa... là những mảng màu phong phú trong bức tranh huấn luyện chiến sĩ nghĩa vụ tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Tây Nam Bộ, Bộ Tư lệnh CSCĐ.

Tuy nhiên, sau 3 tháng huấn luyện, các tân binh đi vào nề nếp, thích nghi với kỷ luật, môi trường quân ngũ.

"Cơ bản, thiết thực, vững chắc và chuyên sâu"

Đến Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) những ngày này có thể cảm nhận được không khí luyện tập nghiêm túc, khẩn trương khi đại đội này thực hành các động tác điều lệnh CAND, đại đội kia luyện tập bắn súng, và góc khác tân binh thực hiện các động tác võ thuật, kỹ chiến thuật... Tiếng hô "một - hai, một - hai, đi đều bước"..., tiếng bước chân rầm rập, hay âm thanh khẩu lệnh của các cán bộ huấn luyện vang xa một góc sân Tiểu đoàn.

Chuyen_huan_luyen_tan_binh_3-1680160807852.JPG
Đại tá Nguyễn Tấn Phúc, Trung đoàn trưởng chỉnh sửa đường ngắm cơ bản cho chiến sĩ nghĩa vụ.

Đại tá Nguyễn Tấn Phúc, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ cho biết, năm 2023 Trung đoàn được giao nhiệm vụ huấn luyện 1.585 chiến sĩ, thuộc Công an 6 tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau; biên chế thành hai Tiểu đoàn huấn luyện. Trong đó, Tiểu đoàn huấn luyện 1 tại Tiểu đoàn 1 là số chiến sĩ nghĩa vụ của hai tỉnh Cần Thơ và Kiên Giang; Tiểu đoàn huấn luyện 2 tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP Cần Thơ là quân số của 4 tỉnh còn lại. Đây là điểm mới của năm nay khi bố trí chiến sĩ nghĩa vụ tại hai nơi theo vùng miền để thuận tiện trong công tác quản lý, huấn luyện và gia đình thăm, gặp vào dịp cuối tuần, đồng thời đảm bảo công tác thi đua, khen thưởng đồng đều tỷ lệ.

"Trung đoàn yêu cầu cán bộ làm công tác huấn luyện, giảng dạy luôn đổi mới phương pháp dạy và học, kết hợp lý thuyết với thực hành, huấn luyện theo phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc và chuyên sâu" để rèn luyện cho chiến sĩ mới có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có kiến thức cần thiết về chính trị, pháp luật, quân sự, võ thuật và nghiệp vụ Công an, có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm điều lệnh CAND, có sức khỏe tốt để thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, chiến đấu trong CAND", Đại tá Nguyễn Tấn Phúc cho hay.

Trong 3 tháng ăn ở tập trung tại Trung đoàn, các tân binh sẽ được huấn luyện 11 nội dung: chính trị; pháp luật, nghiệp vụ cơ sở; điều lệnh CAND; bắn súng quân dụng; võ thuật CAND; kỹ thuật bơi cơ bản; kỹ, chiến thuật chiến đấu của CSCĐ; nghiệp vụ bảo vệ mục tiêu; nghiệp vụ thi hành án và hỗ trợ tư pháp; nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức bổ trợ. Cùng với đó là các nội dung ngoại khóa: Rèn luyện thể lực; tập luyện các bài quyền 25,38,44 động tác; tổ chức và phương pháp cứu đuối; tập luyện nội dung phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tập luyện các nội dung báo cáo kết quả huấn luyện; báo động chiến đấu, báo động di chuyển; hành quân rèn cự ly 5-10km, trọng lượng mang vác từ 10-15kg; hoạt động tuần tra, canh gác bảo vệ doanh trại.

Theo Đại úy Nguyễn Anh Khoa, Phó Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Huấn luyện 1, huấn luyện điều lệnh đối với chiến sĩ mới có khó khăn là các em mới làm quen nên các động tác về tay, chân tiếp thu hơi chậm. "Nhưng thuận lợi là một khi các em đã biết rồi thì khó quên lắm", anh vui vẻ nói. Do đó, mỗi cán bộ huấn luyện như anh thường nghiên cứu trước đối tượng huấn luyện, chuẩn bị mô hình học cụ, truyền đạt từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp, cơ bản đến nâng cao, chuẩn kỹ thuật để các em dễ hiểu, dễ nhớ.

Qua thực hiện "4 cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng học tập, cùng huấn luyện với các tân binh, Đại úy Nguyễn Anh Khoa cũng nhận thấy mặt bằng chiến sĩ năm nay khá cao, 40% đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nên "đã quen cảnh xa nhà", an tâm tư tưởng chấp hành nội quy và công tác huấn luyện, đồng thời động viên, giúp đỡ các bạn khác hoàn thành chương trình huấn luyện. "17 năm trước mình cũng là tân binh ở Trung đoàn, hiểu xa nhà, nhớ nhà là như thế nào. Từ việc nắm bắt tâm tư của chiến sĩ, mình sẵn sàng trải lòng chia sẻ kinh nghiệm, cố gắng truyền đạt làm sao để các em dễ hiểu, nhớ lâu, đạt hiệu quả", Phó Đại đội trưởng nói.

Những người thầy thầm lặng trên thao trường

"Đặc thù chiến sĩ nghĩa vụ "mới toanh", có những người mới rời ghế nhà trường trung học phổ thông, chưa tiếp xúc các nội dung huấn luyện quân sự võ thuật nên rất bỡ ngỡ, đòi hỏi cán bộ thường xuyên đổi mới phương pháp, uốn nắn tỉ mỉ, kiên trì, duy trì tập từ chậm đến nhanh dần cho thuần thục", Trung tá Nguyễn Huy Trọng, Trưởng ban Huấn luyện Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ lý giải. Tận tình chỉnh sửa những thế võ chưa chuẩn, những động tác chưa "vào khuôn" của các tân binh, anh cho biết, Trung đoàn cũng chỉ đạo cán bộ huấn luyện rà soát, nắm bắt những trường hợp chiến sĩ thể lực chưa tốt, có bệnh nền hay từng bị tai nạn liên quan đến chân, tay để có chương trình huấn luyện phù hợp, làm quen từ từ với nhịp độ huấn luyện...

ABC -0
Các tân binh tại Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ tập động tác ke chân, ke tay trong điều lệnh CAND.

Đối với bắn súng, Đại úy Nguyễn Thanh Trạng, cán bộ quản lý huấn luyện cho rằng, đây là môn học quan trọng, đòi hỏi tâm lý vững vàng, trong khi nhiều tân binh lần đầu tiếp xúc với súng đạn nên run tay, lên đạn bắn không nổi. "Phải gần gũi hết sức, chia sẻ tận tình. Đây cũng là bộ môn độ nguy hiểm cao, chúng tôi chỉ biết dạy bằng tất cả kinh nghiệm mình có, thậm chí ngoài giáo án", anh tâm sự.

Miền Tây sông nước, cứ nghĩ là ai cũng biết bơi, nhưng đó là câu chuyện của "ngày xưa". Giờ đây công nghiệp hóa, sông hồ ô nhiễm nhiều nên không nhiều người dân thành phố biết bơi, do đó đây là mảng mà các cán bộ huấn luyện khá vất vả. "Có những chiến sĩ là con một, sợ xuống nước. Ban đầu chúng tôi cho các em ngâm mình dưới nước để làm quen dần", Đại úy Trạng kể. Qua những câu chuyện của Đại úy Huỳnh Hoàng Anh, Phó đại đội trưởng Đại đội 2; Thượng úy Trịnh Thanh Đủ, cán bộ quản lý huấn luyện Tiểu đoàn Huấn luyện 1 về quá trình quản lý huấn luyện tân binh, những câu chuyện xoay quanh huấn luyện bộ môn võ thuật..., tôi càng hiểu thêm về công việc thầm lặng của những người thầy trên thao trường, đồng thời là người anh, người bạn theo suốt quản lý, huấn luyện các tân binh từ sáng sớm cho tới tối mịt.

Đánh giá võ thuật là môn khó và từng bị phạt tương đối nhiều khi thực hiện bài võ 25 động tác, tân binh Nguyễn Huỳnh Hồng Phúc cho biết, em tốt nghiệp ngành Việt Nam học của Đại học Cần Thơ và làm hướng dẫn viên du lịch tự do, sau đó quyết định đăng ký tham gia nghĩa vụ CAND để "thử sức trong môi trường mới". "Bình thường em chủ yếu làm việc ban đêm, sáng ngủ bù nên vào đây giờ giấc bị trái ngược, học chính trị cứ buồn ngủ, ngáp liên tục. Thế nhưng đến nay sau một tháng thấy thoải mái hơn vì ăn ngủ điều độ, không bị áp lực công việc", Phúc trải lòng.

Với 11 chế độ trong ngày, liên tục từ 5h sáng đến 21h đêm, các em ban đầu gặp đôi chút áp lực, vừa nhớ nhà, vừa rèn kỷ luật, vừa phải từ bỏ một số thói quen thường ngày như sử dụng điện thoại... Tuy nhiên, sau một tháng trở thành tân binh, Phúc cho rằng điều đó giúp em "sống chậm lại" và nhận ra mình cần làm nhiều việc hữu ích trong một ngày hơn là chỉ "ôm khư khư điện thoại lướt web từ sáng tới tối".

Còn tân binh Trần Huỳnh Hoài Phú (đã tốt nghiệp Đại học Luật ở Kiên Giang) chia sẻ lý do đi nghĩa vụ là vì mong muốn vào Công an, nối nghiệp ba làm Cảnh sát hình sự. "Các thầy ở Trung đoàn luôn ân cần chỉ bảo, lúc học cũng nghiêm khắc nhưng những lúc giải lao, ngoài giờ rất vui vẻ, hòa đồng, thân thiện, gần gũi", nam tân binh đánh giá. Kỷ niệm ấn tượng với Phú là tối 10/3 đơn vị tổ chức sinh nhật cho các chiến sĩ sinh tháng 2, tháng 3. Đại đội mua 9 bánh kem, trái cây, hoa quả và hát hò, thổi nến chúc mừng sinh nhật các bạn, sau đó chia cho mỗi tiểu đội một chiếc bánh để liên hoan. Chưa bao giờ em dự một sinh nhật đặc biệt, đông vui đến thế...

Quỳnh Vinh
.
.