Trong tay HLV Park Hang-seo còn bao nhiêu bài tẩy?

Thứ Sáu, 06/08/2021, 08:43

Chỉ 3 trong số 31 cầu thủ được tập trung lên ĐT Việt Nam lần này là những gương mặt mới. Nhưng những Tiến Anh, Tuấn Hải, Văn Thiết cũng không đem lại tiềm năng thật sự lớn để người hâm mộ tin vào một sự đổi mới cho ĐT Việt Nam.

Phải chẳng, HLV Park Hang-seo bảo thủ hay chính ông cũng không còn ý tưởng nào đột phá hơn, trong bối cảnh lực lượng đội tuyển Việt Nam đã đạt đến ngưỡng.

Không có nhiều đột phá ở ĐT Việt Nam

Hai tháng sau khi vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khép lại, đội tuyển Việt Nam lại tiếp tục tập trung để chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 World Cup. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam có thể đi sâu đến thế ở vòng loại World Cup. Nhưng trong một thời cơ lớn chưa từng có như vậy, đội tuyển Việt Nam lại không có sự đột phá như mong đợi của giới mộ điệu. 

So với lực lượng thi đấu tập trung tại UAE, đội tuyển Việt Nam không có nhiều đổi mới đáng chú ý. Chỉ duy nhất 3 tân binh, trong tổng số 31 cầu thủ được triệu tập lần này là những gương mặt mới. Đó là Phạm Tuấn Hải (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), Lê Tiến Anh (Bình Định) và Trương Văn Thiết (Viettel). 28 cầu thủ còn lại là những cái tên đã quá quen mặt với người hâm mộ Việt Nam, khi họ đã hiện diện một cách thường xuyên trong 3-4 năm qua dưới thời nhà cầm quân Hàn Quốc.

dp.jpg -0
ĐT Việt Nam tập trung với đa số là những gương mặt cũ. 

Nhưng những gương mặt mới của ông Park cũng không thuyết phục được người hâm mộ tin tưởng vào sự đột biến. Tuấn Hải gặp hạn chế nhiều ở bộ kỹ năng chuyền bóng. Kinh nghiệm của anh cũng chỉ dừng lại ở cấp độ CLB, khi việc lên cấp độ ĐTQG của cầu thủ này gần như bằng 0. Tương tự, Lê Tiến Anh cũng là cầu thủ lần đầu “ăn cơm tuyển”. Tiền vệ ở vị trí phòng ngự này thực tế có cách đá tương đồng như Xuân Trường hay Tuấn Anh.

Có nghĩa rằng, ĐT Việt Nam thay vì có thêm một tiền vệ trụ mạnh về tranh chấp nhằm tăng chất phòng ngự từ xa thì thầy Park lại trưng dụng một bản sao của Tuấn Anh hay Xuân Trường.

Trong khi đó, Văn Thiết có thể là một phương án dự phòng, khi Văn Hậu đang gặp chấn thương. Nhưng anh cũng chỉ dừng lại ở mức độ dự bị. Bởi ngay cả ở Viettel, hậu vệ sinh năm 1995 này cũng không tìm được chỗ đứng trong suốt 2 mùa giải vừa rồi.  Nói như thế để thấy rằng, HLV Park Hang-seo vẫn phải tin tưởng tối đa vào những gương mặt đã gắn bó với mình suốt nhiều năm. Ngay cả khi ông Park không muốn như vậy thì bối cảnh hiện tại cũng chẳng thể cho nhà cầm quân Hàn Quốc một sự lựa chọn khác.

Khó cho ông Park

Thật sự, yếu tố ngoại cảnh liên quan đến dịch COVID-19 tác động trực tiếp lên ĐTQG Việt Nam. Dựa trên những gì đang diễn ra với các đội tuyển cùng bảng với Việt Nam thì thầy trò Park đúng là bất lợi hơn cả. Giải Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc, Oman và Nhật Bản đã và đang diễn ra. Nhờ vậy, các HLV trưởng ở các đội tuyển này đều có thể tìm ra những cầu thủ phong độ cao cho lực lượng của mình.

Nhưng tình hình của ĐT Việt Nam thì ngược lại. V.League 2021 vẫn đóng băng. Toàn bộ cầu thủ chuyên nghiệp dành cả tháng 7 vừa rồi cho tập chay, cách ly. Cảm giác bóng, thể lực của các cầu thủ bị ảnh hưởng là một nhẽ.

Ở một góc độ khác, chuyện V.League không thể diễn ra dẫn đến ông Park không có cơ sở nào để tuyển những tân binh chất lượng cũng là vấn đề đáng phải đưa ra bàn bạc. Bởi câu chuyện V.League tạm hoãn không chỉ diễn ra trong tháng 9 hay tháng 10. Theo kế hoạch, V.League 2021 sẽ chỉ có thể trở lại trong tháng 2. Điều đó cũng có nghĩa rằng, HLV Park Hang-seo sẽ chẳng có cơ hội nào để tìm ra những phát hiện đột phá cho đội tuyển Việt Nam.

Khi bài toán lực lượng không thể tìm ra phương án nào tốt hơn thì việc ông Park cần sự đột phá ngay trong lối chơi của mình cũng là điều phải tính đến. Trao đổi trên báo Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo khẳng định điều cấp thiết với ĐT Việt Nam hiện tại chính là tìm ra một đội hình phù hợp trước khi bước vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022. 

Thực tế ở vòng loại thứ 2 với 3 trận đấu tập trung, ĐT Việt Nam chơi không thật sự tốt ở tuyến giữa. Vắng bóng Hùng Dũng ngay từ đầu, lại mất thêm Tuấn Anh từ quá sớm trong trận đấu với Indonesia, tuyến giữa từng tạo nên sự ổn định của ĐT Việt Nam bắt đầu xáo trộn. Thêm vào đó, những phương án tiếp cận cầu môn đối thủ của ĐT Việt Nam cần phải có sự củng cố trong thời gian tới, nhất là khi cơ hội để các chân sút Việt Nam có dịp “chạm vào” vòng 16m50 của những Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia hay Oman, Trung Quốc là rất hiếm hoi.

“Gương mặt cũ kỹ” của ông Park đủ dùng cho 2-3 năm nữa

Thực tế, những trụ cột của ĐT Việt Nam hiện tại thuộc lứa 1995 - 1999 mới chỉ 22 đến 26 tuổi. Điều đó cũng có nghĩa rằng, họ đủ khả năng chơi bóng đỉnh cao thêm 2-3 năm nữa. Đây cũng là lý do lớn để thầy Park không quá vội vàng trong việc làm mới toàn diện đội tuyển Việt Nam. Trong vòng 5 năm trở lại đây, hai lứa cầu thủ 1995 – 1997 và 1997 – 1999 cũng sớm tạo ra những thành công có giá trị cho bóng đá Việt Nam. Sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo càng phát huy tối đa tiềm năng của Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Đức Huy hay Duy Mạnh, Đình Trọng, Tiến Linh… cũng như mang đến nhiều thành công cho họ.

Tuy nhiên, theo lộ trình hướng đến VCK World Cup 2026, thời điểm mà số đại diện của châu Á tăng từ 4,5 suất lên 8,5 suất, lứa cầu thủ sinh năm 1999 - 2001 mới đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam tiến đến giấc mơ thế giới. Hẳn nhiên, thế hệ cầu thủ này cần được trui rèn nhiều hơn cũng như tạo nhiều cơ hội, niềm tin lớn hơn. Bằng không, họ sẽ vẫn là cái bóng không thoát ra được của các thế hệ đàn anh đi trước. 

An Khánh
.
.