Nghiệp dư trong chuyển nhượng của giải chuyên nghiệp Việt Nam

Chủ Nhật, 24/10/2021, 10:24

V.League, giải chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam đã bước sang tuổi 21. Thế nhưng giải đấu này vẫn chứng kiến chuyện bi hài trong những thương vụ chuyển nhượng.

 

Màn lật kèo của Quế Ngọc Hải cho đến việc TP Hồ Chí Minh đòi bồi thường 5 tỷ đồng từ Hải Huy vì bẻ cua giao ước khiến cho bóng đá Việt Nam vẫn cứ lận đận trong lằn ranh nghiệp dư và chuyên nghiệp.

Cách tuyển chọn ngoại binh chưa từng có

10 năm trước, tức là khi V.League đã tròn 1 thập kỷ làm bóng đá chuyên nghiệp, Jernel Kamensek đưa những ngoại binh đầu tiên về Việt Nam thử việc. Ngay lập tức, tay cò môi giới người Slovenia sớm bị sốc trước văn hoá chuyển nhượng khác người tại V.League. Cầu thủ phải tự bỏ tiền túi để đến Việt Nam. Họ bị gom vào một trận đấu với nhiều ngoại binh khác mà thời gian chứng minh chỉ vỏn vẹn khoảng chục phút. Nếu may mắn vượt qua vòng sơ loại, các ngoại binh phải tiến hành thử việc, tập luyện cùng đội bóng trong vòng 2 tuần lễ, trước khi được chọn hoặc không được chọn.

tt_1-1635045925021.jpg
Hải Huy đối diện với số tiền bồi thường lên đến 5 tỷ đồng từ TP Hồ Chí Minh.

Pape Omar, một trong những ngoại binh hay nhất thập kỷ qua của V.League rơi vào tình cảnh đó trong lần thử việc ở SLNA. Nên nhớ khi ấy, Omar đã thi đấu tại UEFA Champions League. Nhưng anh vẫn bị đội bóng xứ Nghệ gạch tên vì… không đạt đủ yêu cầu chuyên môn. Phần còn lại sau đó, Omar trở thành tượng đài ở Thanh Hoá và ghi dấu ấn lớn trong chức vô địch V.League 2019, Cúp Quốc gia 2019 của Hà Nội FC.

Đó chưa phải là cú sốc duy nhất mà Kamensek trải qua, trong những năm tháng chứng kiến nhiều cái gai ở V.League. Tháng 4-2019, trả lời tờ Goal, Kama gây sốc khi tiết lộ: "Không một cầu thủ chuyên nghiệp nào lại chi tiền cho HLV để được ký hợp đồng. Điều này thật điên rồ và chống lại hoàn toàn các tiêu chuẩn của FIFA".

Kamensek cho rằng tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng ở V-League. Nó khiến các CLB tốn những khoản tiền lớn hằng năm, nhưng không mang lại hiệu quả và trở thành miếng mồi béo bở để nhiều người trục lợi. Ông đưa ra dẫn chứng từ tiền đạo F. mà mình từng giới thiệu cho một CLB năm 2016. Chơi tốt ở các vòng đầu tiên, nhưng càng về sau F. càng gặp rắc rối với HLV trưởng do không... biết điều. "Tôi đã nói với F. về văn hóa "quà cáp" tại VN. Nhưng anh ta đã từ chối làm theo. Và cuối cùng "người ta" bảo F. không... đạt yêu cầu khi lượt đi V.League 2016 kết thúc", Kama kể. Buồn cười ở chỗ dù bị đánh giá không đạt yêu cầu ở V.League nhưng khi trở lại quê nhà thi đấu, F. đã cùng CLB đoạt vé dự Europa League và được một CLB của Pháp chiêu mộ năm 2017.

Thích thì đến, không thích thì… “quay xe”

Sự nghiệp dư trong chuyển nhượng của V.League suốt 21 năm qua không chỉ đến từ những nhức nhối, hạch sách dành cho các ngoại binh. Giải đấu này còn chứng kiến nhiều bi hài trong cách không tôn trọng giao kèo giữa cầu thủ và CLB. Trường hợp gần đây khi TP Hồ Chí Minh yêu cầu Hải Huy bồi thường 5 tỷ hợp đồng vì trước đó đã nhận đặt cọc 700 triệu đồng để về sân Thống Nhất nhưng lại đổi ý muốn đá cho Hải Phòng là ví dụ tiêu biểu.

Nghiệp dư trong chuyển nhượng của giải chuyên nghiệp Việt Nam -0
Quế Ngọc Hải “quay xe” thành công khi thuyết phục TP Hồ Chí Minh huỷ giao ước để có thể trở lại SLNA trong thời gian tới.

Nếu như TP Hồ Chí Minh không làm rắn vụ này thì chẳng ai biết các cầu thủ còn biểu hiện thái độ nghiệp dư đến mức độ nào nữa. Thực ra trước Hải Huy, TP Hồ Chí Minh cũng “giận tím mặt” vì một vụ “quay xe” khác, cũng ở ngay kỳ chuyển nhượng này. Đó là Quế Ngọc Hải.

Theo thông tin có được, Quế Ngọc Hải được cho là cũng nhận 200.000 USD, tương đương với gần 4,5 tỷ đồng tiền cọc để đầu quân cho TP.HCM kể từ mùa giải 2022. Tuy nhiên, vào giờ chót, Ngọc Hải cũng quyết định đổi ý và nghe nói khả năng anh sẽ về đầu quân lại cho đội bóng quê nhà SLNA. Hợp đồng giữa đôi bên đã đổ bể. Lãnh đạo CLB TP Hồ Chí Minh cố gắng ngậm bồ hòn làm ngọt với một lời lý giải rất thiếu thuyết phục: “Sở dĩ chúng tôi không làm khó Quế Ngọc Hải, một phần vì anh ấy là tuyển thủ quốc gia, thêm vào đó anh ấy về thi đấu cho SLNA là đội bóng quê hương nên cũng hợp lý thôi”.

Rõ ràng, nếu đã là tuyển thủ quốc gia, lại còn là đội trưởng, Ngọc Hải càng cần phải thể hiện sự chuyên nghiệp và uy tín của mình, thay vì ở thế đứng núi này, trông núi nọ như giai đoạn vừa qua. Thêm vào đó, con số 4,5 tỷ mà Ngọc Hải cầm cọc đương nhiên lớn hơn nhiều so với 700 triệu mà Hải Huy nhận từ TP Hồ Chí Minh. Cách đối xử bên trọng, bên khinh từ chính TP Hồ Chí Minh với 2 trường hợp cùng 1 bản chất khiến người ta cũng đặt nhiều dấu hỏi.

Trong quá khứ, người ta từng chứng kiến không ít lần CLB “giận tím mặt” khi cầu thủ “quay xe” với mình. Đơn cử lớn nhất là trường hợp của cựu tiền đạo Lê Công Vinh. Năm 2011, hợp đồng của Công Vinh với Hà Nội T&T đáo hạn. Một cuộc nói chuyện giữa Công Vinh và bầu Hiển diễn ra ngay sau đó. Công Vinh đưa ra thông điệp tới bầu Hiển rằng anh muốn là cầu thủ nhận mức lương và lót tay cao nhất Việt Nam. Bầu Hiển đồng ý. Mức lương và lót tay của Công Vinh khi đó được đồn thổi là 80 triệu đồng/tháng cùng mức lót tay 14 tỷ đồng trong 3 năm. Thậm chí, cả Hà Nội T&T và Công Vinh cùng bắn tin sẽ ký hợp đồng mới vào ngày 23/9 trước giới truyền thông. Nhưng khi mà giấy mời của đội bóng bầu Hiển đã được gửi đến khách VIP thì chính Công Vinh lại lật kèo.

Sự ức chế của Hà Nội FC trong vụ việc này thể hiện rõ qua câu nói của ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch đội bóng khi đó. Ông thốt lên đầy giận dữ: “Công Vinh hành xử quá trẻ con trong chuyện này”. Bầu Hiển nói nhẹ nhàng hơn, nhưng chắc hẳn ông không thể hài lòng lúc chứng kiến cầu thủ con cưng của mình đầu quân cho đội bóng đối địch: “Chắc Công Vinh ra đi vì tiền”.

V.League đã bước sang tuổi 21. Nhưng thay vì một hình ảnh chuyên nghiệp thì những bi hài vẫn cứ tiếp diễn từ mùa này qua mùa khác. Đó cũng là lý do mà tại sao, giải đấu vẫn giậm chân ở lằn ranh nghiệp dư và chuyên nghiệp.

Mạc Hồng Quân và cú lừa ở Thanh Hóa

Bản thân các đội bóng ở V.League từng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều cầu thủ, đặc biệt với cầu thủ Việt kiều và ngoại binh vốn đã quen với sự chuyên nghiệp ở những nền bóng đá tiên tiến hơn. Đơn cử có trường hợp của cầu thủ Việt kiều - Mạc Hồng Quân. Trong một cuộc chia sẻ với báo giới, cầu thủ Việt kiều từng tiết lộ rằng: “Hồi còn đá cho Thanh Hoá, hợp đồng của tôi và Thanh Hóa có một chi tiết rất "50-50" và vì nó mới dẫn tới sự việc tôi phải đền bù tiền hợp đồng. Cụ thể hợp đồng ghi thế này: "CLB Thanh Hóa có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải đền bù nếu cầu thủ không có phong độ tốt". Vấn đề nằm ở chỗ đó: Thế nào là phong độ không tốt? Ai là người đánh giá phong độ cầu thủ? Cái tốt và không tốt ở đây dựa trên thống kê, số liệu hay cảm xúc yêu ghét đơn thuần của một con người?”.

Hồng Quân kể tiếp quãng thời gian mà anh không hạnh phúc ở Thanh Hoá với báo giới: “Có một buổi tập, đội trẻ được gọi lên tập cùng đội một và chia đôi ra đá. Nhưng tôi bị xếp làm... trọng tài biên, với một cầu thủ chuyên nghiệp đó là sự xúc phạm. Tôi không được tập chứ đừng nói là đá, vậy cái cơ sở đánh giá ở đây là gì thì mọi người đều hiểu. Sau hôm ấy, tôi không còn được tập cùng cả đội, ngày nào cũng tập một mình trong phòng gym. Tôi cũng có hỏi lãnh đạo, thì chỉ nhận câu trả lời là "Nếu không chịu thanh lý và trả tiền hợp đồng thì từ giờ tới hết hợp đồng cứ tập gym một mình đi nhé". Tôi đành chịu chứ biết làm sao”.

Đơn Ca
.
.