Chiến thắng của những con người luôn khát khao cống hiến

Chủ Nhật, 04/07/2021, 11:14
La Furia Roja không còn trút mưa bàn thắng lên đối thủ như ở những trận đấu trước đó. Lần này họ thi đấu một cách cẩn trọng hơn, từ tốn hơn, nhưng phương châm vẫn không hề thay đổi.

Sai chỗ nào, sửa chỗ đó; ngã ở đâu, đứng lên ở đó. Tây Ban Nha không chơi như một cỗ máy được lập trình sẵn, nhưng rất khó đánh bại họ.

Một đối thủ, hai kết cục

Người Pháp hẳn sẽ cảm thấy hổ thẹn khi chứng kiến cách người Tây Ban Nha đưa trận đấu đến chấm phạt đền và giành chiến thắng. Cũng ghi bàn dẫn trước rồi bị gỡ hòa, nhưng suốt 120 phút trận tứ kết giữa Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, hệ thống của họ luôn vận hành trơn tru chứ không hề gãy đổ như Pháp. Khi một vài mắt xích xuất hiện sơ hở, Tây Ban Nha sẽ lập tức vá lại và bọc lót kỹ lưỡng.

Với đội tuyển Pháp, việc không mắc sai lầm đến lần thứ 2 dường như là điều xa xỉ với họ. 2/3 bàn thua họ phải nhận ở trận gặp Thụy Sĩ đến theo cùng một kịch bản, chỉ có tội đồ khác nhau. Lần đầu tiên, Lenglet là người để Seferovic thoát xuống ghi bàn mở tỷ số. Đến hiệp 2, cựu binh dày dạn Varane phạm lỗi giống hệt. Pogba thì để mất bóng khiến đội nhà thủng lưới, y hệt sai lầm anh hay mắc phải ở Manchester United suốt 5 năm qua.

"Đội chiến thắng không phải đội cầm bóng nhiều hơn, mà là đội mắc ít sai lầm hơn. Sai lầm sẽ phải trả giá bằng bàn thua". Triết lý có lúc tưởng như vô cùng phản bóng đá, phản khoa học của Mourinho đến lúc này lại quá đúng với trường hợp của ĐT Pháp. Họ vẫn mạnh, rất mạnh với những cầu thủ xuất chúng trải đều 3 tuyến. Nhưng khi các danh thủ liên tục lặp lại sai lầm, việc họ bị loại là không thể tránh khỏi.

Unai Simon là người hùng của tuyển Tây Ban Nha giúp đội thắng Thụy Sỹ ở tứ kết EURO 2020. Ảnh: AFP.

Thụy Sĩ đã vượt qua ĐT Pháp nhờ tận dụng những sai lầm, những điểm yếu của đối phương. Nhưng đến trận gặp Tây Ban Nha, điều đó không thể tái lập nữa. Sở hữu một đội hình trẻ trung, Luis Enrique yêu cầu các cầu thủ phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh chiến thuật ông đưa ra. Với những con người không thể sánh ngang Xavi hay Iniesta, lạ lẫm thay, La Furia Roja khiến đối phương cảm thấy gần như không thể đánh bại họ.

Đối đầu với Tây Ban Nha, Thụy Sĩ không cho thấy dù chỉ một khoảnh khắc về khả năng đánh bại các học trò của Luis Enrique. Cựu HLV trưởng Barcelona từng làm việc với Mourinho khi còn là cầu thủ, và có lẽ điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến ông. Tây Ban Nha có thể không ghi bàn, không thể giành chiến thắng; nhưng trái lại, họ cũng không cho đối phương dù chỉ một cơ hội vượt qua họ.

Khắc phục ngay những sai lầm

Luis Enrique phải chịu không ít điều tiếng ngay từ lúc công bố nhân sự ở đội tuyển. Ông không gọi cầu thủ nào thuộc biên chế Real tham dự EURO, kể cả lão tướng Sergio Ramos. Thay vào đó là 26 cầu thủ đến từ 17 CLB khác nhau, chưa kể đến việc đội hình Tây Ban Nha còn sứt mẻ nghiêm trọng ngay trước thềm EURO vì COVID-19. Cách Enrique bố trí nhân sự cũng bị đặt dấu hỏi khi De Gea phải ngồi dự bị, nhường chỗ cho Unai Simon.

"Khủng hoảng thế hệ kế cận" là cụm từ được dùng để miêu tả ĐT Tây Ban Nha ở 2 lượt trận đầu tiên vòng bảng. Họ hòa không bàn thắng với Thụy Điển, dẫn trước Ba Lan nhưng lại để Lewandowski giành lại 1 điểm. Họ bước vào trận đấu cuối cùng gặp Slovakia với tâm thế phải thắng. Nhưng giữa muôn trùng khó khăn, Enrique vẫn nhìn ra những điểm tích cực.

Tây Ban Nha ở giai đoạn 2008-2012 là một cỗ máy đá bóng hoàn hảo. Họ là tập thể sở hữu những cầu thủ xuất sắc nhất, luôn áp đặt lối chơi lên đối phương với ma trận của hàng trăm đường chuyền. Nhưng Tây Ban Nha của EURO 2021 lại hoàn toàn trái ngược những người đàn anh. Họ thi đấu không hoa mỹ, đầy sơ hở. Dù vậy cái gene bất bại vẫn còn đó. Thật khó tìm một đối thủ có thể đánh bại Tây Ban Nha lúc này.

Unai Simon được trao cơ hội chữa lỗi và anh đã làm được.

La Furia Roja không thắng, nhưng chí ít họ cũng không thua. 3 trận hòa, 3 điểm, hiệu số bàn thắng bại bằng không cũng đủ giành quyền đi tiếp. Bồ Đào Nha ở EURO 2016 chính là bài học nhãn tiền, vì thế Enrique luôn bình thản. Morata phung phí cơ hội, thậm chí đá hỏng phạt đền khiến Tây Ban Nha khốn đốn, Enrique cho anh cơ hội sửa sai. Quả ngọt đến như một lẽ ngẫu nhiên, khi Morata tỏa sáng đúng thời điểm quan trọng nhất.

Unai Simon cũng tương tự. Ai chẳng có lúc đỡ bóng hụt khiến đội nhà thủng lưới. Khác biệt là cách họ đứng lên sau mỗi sai lầm. Dubravka đấm bóng về lưới nhà và khiến hàng thủ Slovakia sụp đổ, nhưng Simon không cho phép điều tương tự xảy ra. Anh vẫn đứng sừng sững trong khung gỗ, ngoan lỳ chống trả mọi pha dứt điểm nhắm vào mình. Trước Thụy Sĩ, Simon cản phá 2 quả phạt đền liên tiếp để trực tiếp đưa Tây Ban Nha vào bán kết.

Cách dùng người của Enrique tóm gọn lại trong vài ý sau: Sử dụng những cầu thủ khát khao thi đấu cho ĐTQG; Trân trọng thái độ của cầu thủ với công việc; Trao cho họ cơ hội làm lại mỗi khi mắc sai lầm. Enrique không cần đọc hết Đắc Nhân Tâm để thực hiện điều đó, ông chỉ làm theo linh tính mách bảo.

Sự kiên định đến lạ thường Enrique dành cho một ĐT Tây Ban Nha chắp vá đang gặt hái thành công ngoài mong đợi. La Furia Roja chỉ còn cách ngôi vô địch đúng 2 trận đấu nữa, dù chẳng ai kỳ vọng những điều lớn lao vào họ trước thềm giải đấu. Chỉ có Enrique vẫn luôn tin tưởng vào thành công, theo một cách rất phi logic của cá nhân ông.

Đá phạt đền không phải đánh bạc

Ở trận tứ kết với ĐT Thụy Sĩ, Tây Ban Nha cho thấy họ không ngại giải quyết thắng thua trên chấm penalty. Kể từ lúc bị gỡ hòa, La Furia Roja dồn ép đối phương nhằm tái lập cách biệt 1 bàn, nhưng không bao giờ họ dâng lên quá cao. Enrique muốn tránh việc bị gỡ hòa dù dẫn trước 2 bàn như ở trận gặp Croatia, nên ông đã chỉ đạo các học trò ưu tiên chơi chắc chắn thay vì mạo hiểm tấn công liên tục.

Thay vì cố dứt điểm đối phương trong 90 phút hoặc 120 phút như ĐT Pháp đã làm, Tây Ban Nha từ tốn tìm cách giành chiến thắng ở bất kỳ phương án nào. Đến lúc phải bước vào giải quyết trận đấu trên chấm phạt đền, họ vẫn từ tốn ngay cả khi Busquets đá hỏng quả đầu tiên. Simon, người được Enrique yêu cầu nghiên cứu thói quen đá penalty của cầu thủ Thụy Sĩ, đã cản phá thành công 2 quả liên tiếp.

"Mọi người cứ nói đá phạt đền phụ thuộc vào may rủi giống như chơi xổ số, nhưng sự thực không phải như vậy", Enrique hùng hồn phát biểu sau trận tứ kết.

Chuyển động Euro

* Sau trận thua Italia, tiền vệ Kevin de Bruyne của ĐT Bỉ tiết lộ anh đã phải ra sân thi đấu dù bị rách dây chằng mắt cá. Đây là chấn thương De Bruyne gặp phải ở vòng 1/8 gặp Bồ Đào Nha nhưng anh vẫn nén đau để cố ra sân thi đấu cho ĐTQG.

* Chiến thắng của Italia trước Bỉ đã phải trả giá đắt khi hậu vệ Leonardo Spinazzola dính chấn thương gót chân. Dự kiến cầu thủ 28 tuổi thuộc biên chế AS Roma sẽ phải mất vài tháng ngồi ngoài, qua đó khiến HLV Mancini mất đi hậu vệ trái hay nhất ở phần còn lại EURO.

* Thủ môn Unai Simon của ĐT Tây Ban Nha đã nhận giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu nhờ cản phá thành công 2 quả phạt đền. Tuy nhiên anh cho biết bản thân cảm thấy vẫn chưa xứng đáng và muốn nhường danh hiệu này cho Yann Sommer của ĐT Thụy Sĩ.

* Trả lời họp báo sau trận đấu, HLV Vladimir Petkovic nói ĐT Thụy Sĩ xứng đáng lọt vào bán kết gặp Italia. Họ chỉ hơi thiếu may mắn khi để thua Tây Ban Nha, và đó là lý do giúp Thụy Sĩ có thể ngẩng cao đầu rời giải ở vòng tứ kết.

* Tiền đạo Ciro Immobile là người bị chế giễu nhiều nhất bên phía ĐT Italia sau trận tứ kết. Anh không chỉ mất hút trên hàng công, mà còn để lại ấn tượng xấu với màn ăn vạ trước khi Barella ghi bàn mở tỷ số. Immobile lúc ấy đang nằm ôm chân kêu đau nhưng lập tức đứng dậy và ra ăn mừng cùng đồng đội.

An Khánh
.
.