Bóng đá Việt Nam nhìn từ thất bại của Viettel ở AFC Champions League

Thứ Sáu, 09/07/2021, 07:20
Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia Việt Nam cần nâng cao chất lượng nếu như các câu lạc bộ muốn cải thiện thành tích ở sân chơi châu Á.

Câu lạc bộ Viettel sớm bị loại khỏi AFC Champions League 2021 sau khi thua liên tiếp đại diện của Thái Lan là BG Pathum United 2 trận với lần lượt tỉ số 0-2 và 1-3. Trước đó, Viettel thua Ulsan Hyundai ở trận ra quân với tỉ số 0-1. Nhìn những trận đấu của Viettel trước các đối thủ mạnh, đại diện V.League không hề thua kém quá nhiều đối phương về thực lực.

Thậm chí, trong trận đấu lượt đi với Pathum, Viettel vượt trội đối phương về các thông số. Viettel kiểm soát bóng vượt trội BG Pathum United ở khả năng kiểm soát bóng với 63%. Viettel cũng có được 552 đường chuyền với tỉ lệ chính xác là 86%, trong khi đó, BG Pathum United có 339 đường chuyền với tỉ lệ chính xác là 76%.

Tuy nhiên, điều mà  Viettel thua các đối thủ là kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Nhìn những bàn thua của Viettel chủ yếu đến từ các tình huống sai lầm của hậu vệ, thậm chí là phản lưới nhà đã cho thấy những vấn đề ở việc các cầu thủ chưa quen với nhịp độ thi đấu. 

Bên cạnh đó, việc các cầu thủ bị dính thẻ và “treo giò” khiến Viettel luôn bị sứt mẻ lực lượng. Sau 3 trận đấu đầu tiên, Trọng Đại là cầu thủ dính 2 thẻ vàng. Sau 4 trận đấu, đến lượt Quế Ngọc Hải bị “treo giò” vì nhận 2 thẻ. Trận lượt đi với Pathum United, có đến 4 cầu thủ Viettel nhận thẻ vàng.

Trong đội hình của Viettel có đến 5 tuyển thủ quốc gia, thế nhưng như thế vẫn chưa đủ để tạo nên một tập thể mạnh. Việc Ban huấn luyện Viettel phải sử dụng đến 4 ngoại binh trong đội hình xuất phát trong trận lượt về gặp Pathum United cho thấy đội bóng của Việt Nam cần đến những cầu thủ có sức tì đè và tranh chấp tốt. 

Việc sử dụng bộ 3 Pedro Paulo, Bruno Matos và Caique trên hàng công đã mang đến hiệu quả. Nhưng tất cả những gì các cầu thủ này làm được chỉ là 1 bàn thắng trong thất bại  toàn diện trước Pathum United ở lượt về.

Viettel thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Ảnh: AFC

Huấn luyện viên Gede đã thừa nhận sau trận đấu: “Đây là kết quả thất vọng vì trước trận đấu chúng tôi rất sẵn sàng để chứng tỏ bản thân ở lần gặp lại này nhưng đây là kết quả, và quan trọng là chúng tôi phải nhìn nhận để xem phải làm gì tiếp theo. Một điểm nữa là chúng tôi lần đầu tham gia sân chơi châu lục, chúng tôi thấy được sự thay đổi mang lại chất lượng, và chất lượng sẽ là thứ đội bóng hướng đến”.

Từ thất bại này có thể thấy, chất lượng của các đội bóng V.League, cụ thể là giải chuyên nghiệp quốc gia đang rất đáng báo động. Việc không được thường xuyên tham gia các sân chơi quốc tế sẽ kìm hãm sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam cấp độ câu lạc bộ. 

Trước đó, Việt Nam thậm chí không có suất dự vòng bảng AFC Champions League, mà chỉ dự từ vòng play-off. Phải chờ đến mùa giải 2021, khi đố đội tăng từ 32 lên 40, Viettel mới có cơ hội vào thẳng vòng bảng.

Trong khi đó, Thái Lan có 2 suất vào thẳng vòng bảng AFC Champions League cùng 2 suất đá play-off. Để có được cơ cấu này là do giải vô địch quốc gia của Thái Lan được AFC đánh giá cao về chất lượng và tính chuyên nghiệp. 

Thực tế, điều này đã được chứng minh rõ rệt nhất qua giá trị bản quyền truyền hình. Hồi tháng 10-2020, ZENSE và ELEVEN công bố việc sở hữu bản quyền truyền thông của bóng đá Thái Lan với tổng giá trị lên tới 12 tỉ baht, kéo dài từ năm 2021 đến 2028.

Đó là chưa kể, nhiều cầu thủ trưởng thành từ Thai League ra nước ngoài thi đấu cũng là một điểm cộng lớn. Ở thời điểm năm 2020, có 4 cầu thủ Thái Lan thi đấu ở Nhật Bản gồm: Teerasil Dangda (tiền đạo 31 tuổi, Shimizu S-Pulse), Kawin Thammasajanan (thủ môn 30 tuổi, Consadole Sapporo), Chanathip Songkrasin (tiền vệ 26 tuổi, Consadole Sapporo), Teerathorn Bunmathan (hậu vệ 30 tuổi, Yokohama FC Marinos). Hiện nay, chỉ còn Chanathip và Bunmathan đang thi đấu và là những trụ cột của các đội bóng Nhật Bản. Đó là chưa kể, hàng loạt các cầu thủ khác thi đấu ở Đức, Anh, Malaysia…

Đó là những điều mà bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam còn phải chạy dài. Thực tế, chúng ta đang có giải chuyên nghiệp nhưng bản thân các đội bóng khi tham dự sân chơi số 1 quốc gia vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Chính điều này đã triệt tiêu sự phát triển của V.League. 

Ngay cả Viettel khi tham dự AFC Champions League cũng vậy, mang tâm thế cọ xát, học hỏi ngay từ đầu. Đó là chưa kể trong quá khứ, nhiều đội bóng Việt Nam ngại đi đá quốc tế vì lý do tốn kém kinh phí. Ở V.League, mỗi mùa giải đều có 3-4 đội phải được đặc cách mới đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Đó chính là bước lùi lớn mà chưa có lời giải.

Thất bại của Viettel ở AFC Champions League 2021 có thể chỉ là  ở một giải đấu, nhưng nó chỉ ra một lỗ hổng lớn của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đây cũng là vấn đề cần có một chiến lược rõ ràng đến từ các cơ quan quản lý. 

Huấn luyện viên Park Hang-seo từng nói rằng, muốn có đội tuyển quốc gia mạnh cần có hệ thống giải chuyên nghiệp phát triển bền vững. Nhưng rõ ràng, Việt Nam đang thiếu đi chân đế vững chắc để đưa bóng đá tiệm cận với đẳng cấp châu lục.

U23 Việt Nam là hạt giống số 1 tại giải U23 châu Á 2022

 Theo thông báo của AFC, lễ bốc thăm chia bảng vòng loại U23 Châu Á 2022 sẽ được tổ chức vào 14h00 (giờ Việt Nam) ngày 9-7 tới tại Kuala Lumpur – Malaysia.

Tham dự vòng loại U23 châu Á 2022 có tổng cộng 43 đội tuyển, trong đó 23 đội tuyển thuộc khu vực phía Tây (bao gồm Tây Á, Nam Á, Trung Á) và 20 đội tuyển thuộc khu vực phía Đông (bao gồm Đông Á và Đông Nam Á).

23 đội tuyển khu vực phía Tây sẽ được được vào 6 bảng (5 bảng 4 đội và 1 bảng 3 đội). Trong khi đó, 20 đội tuyển khu vực phía Đông được chia vào 5 bảng, mỗi bảng 4 đội.

AFC cũng đã tiến hành phân nhóm hạt giống căn cứ thành tích thi đấu của các đội tuyển tại giải U23 châu Á 2020. Theo đó, đội tuyển U23 Việt Nam thuộc nhóm hạt giống số 1 tại khu vực phía Đông cùng với Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và CHDCND Triều Tiên.

Các nhóm hạt giống còn lại của khu vực phía Đông cụ thể như sau: Nhóm 2: Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Myanmar, Singapore. Nhóm 3: Hong Kong, Indonesia, Lào, Campuchia, Timor Leste. Nhóm 4: Đài Loan, Mông Cổ, Philippines, Macau, Brunei.

Do Đài Loan, Indonesia, Mông Cổ, Singapore và Thái Lan là chủ nhà của 5 bảng đấu thuộc vòng loại khu vực phía Đông, nên AFC tách các đội tuyển này vào một nhóm để bốc thăm mỗi đội vào 1 bảng đấu cụ thể. Các vị trí còn lại tại các bảng được bốc thăm ngẫu nhiên, lần lượt từ nhóm 4 cho đến nhóm 1.

Theo kế hoạch, vòng loại U23 châu Á 2022 sẽ diễn ra từ ngày 23.10 đến 31-10-2021. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên vòng loại U23 châu Á 2022 sẽ diễn ra theo thể thức vòng tròn 1 lượt tính điểm xếp hạng tại mỗi bảng. 11 đội xếp thứ nhất và 4 đội xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền vào vòng chung kết, tổ chức tại Uzbekistan từ 1-6 đến 19-6-2022.

H.H

Hưng Hà
.
.