Ai điều khiển ai?

Thứ Sáu, 07/10/2022, 12:11

Thuở 1996 thì mạng internet là một khái niệm xa vời. Trong  một khóa tập huấn báo chí ngắn hạn do Việt Nam tổ chức phối hợp với châu Âu, một chuyên gia báo chí nói một câu mà đến nay nhớ lại vẫn giật mình.

Ông ấy nói quy trình làm báo của chúng ta sẽ đảo ngược trong tương lai gần. Hiện nay là in ấn trước phát hành sau, tương lai gần sẽ là phát hành trước in ấn sau. Ý rằng khi có internet thì báo điện tử lên ngôi bài viết sẽ phát hành toàn cầu trước. Người đọc nhận báo từ máy tính của mình, thích bài nào in bài ấy trên máy in cá nhân. Không thích thì khỏi in. Lời ấy nghe vui tai nhưng khi đó thấy xa vời lắm. Bây giờ thì đúng thật. Thật không thể tin nổi.

Năm 1997, internet chính thức kết nối Việt Nam với toàn cầu cùng sự đảo lộn công nghệ hàng ngày. Một người gõ text bằng cả xưởng mấy chục công nhân sắp chữ bằng chì. Một kỹ thuật viên đồ họa thay cho cả chục người bình trang (thao tác sắp đặt chữ và ảnh để chế bản in). Báo điện tử của chúng ta đã thay gần hết cả một hệ thống phát hành báo truyền thống. Hãy tưởng tượng ngần ấy nhân lực phải chuyển đổi công việc. Khi ấy mới thông cảm cho công nhân thời cách mạng công nghiệp tại châu Âu đã tức giận đập phá máy móc. Họ tin rằng máy móc đã cướp hết công việc. Thời 4.0, người ta cho rằng những nghề như dịch thuật, viết lách cũng không chốn nương thân. Những phần mềm thông ngôn trên điện thoại có thể dịch hàng trăm thứ tiếng, lượng ngoại ngữ chưa có phiên dịch viên nào đủ tài sở hữu. Những phần mềm này luôn tự học, cập nhật để bản dịch ngày càng hay hơn. Dạng trí tuệ nhân tạo này gọi là AI.

Chúng ta an ủi nhau rằng chắc chỉ còn những lĩnh vực thủ công sáng tạo cá nhân  là máy móc không sờ tới được. Thế cũng đáng rung đùi làm chén trà sung sướng. 

Tới nhà hát xem 10 show thì 9 show không thấy bóng dáng nhạc công đâu, chỉ thấy ca sĩ ra chờ nhạc rồi hát. Té ra phần nhạc do một nhạc sĩ phối khí, thu âm sẵn bằng máy tính. Người phối khí chỉ cần làm một mình trong studio thay cho cả dàn nhạc hàng trăm nhạc công. Máy tính có vô số nhạc cụ ảo cho đủ phong cách pop, rock, Jazz như các loại trống guitar, piano, violin, trumpet và vô số nhạc cụ dân tộc Âu, Á, Phi, Mỹ… Nếu cần có thể huy động cả dàn nhạc giao hưởng ảo với đủ dàn vĩ cầm, kèn sáo đồng, kèn, sáo gỗ, bộ gõ hàng trăm cây cùng trình diễn trên một phần mềm chủ gọi là DAW. Gần đây, máy tính còn lấn sân cả con người khi xuất hiện những phần mềm phối khí tự động kiểu AI. Người dùng có thể đưa ra ý muốn của mình rồi AI tự chơi và tự sáng tác. Hỏi rằng nhạc sĩ sắp "tay bị tay gậy" chưa và có thể kiếm nổi một chân lao công hay không? 

Chuyện kinh hoàng khác. Tại triển lãm nghệ thuật bang Colorado, bức tranh "Nhà hát thính phòng trong không gian" do phần mềm trí tuệ nhân tạo MidJourney vẽ đã giành giải nhất khiến làng cầm cọ nổi giận vì "cay".

Người dùng máy vẽ là Jason Allen nói thẳng, "Việc này sẽ không sớm dừng lại đâu. Nghệ thuật đã chết rồi bạn ơi. Thế là hết. AI đã thắng. Con người đã thua".

Một số bạn Việt Nam đã dùng thử MidJourney để vẽ hàng ngày và ngày nào cũng ngã ngửa người kinh ngạc về các kiệt tác của AI. Việc của người dùng dễ hơn ăn kẹo, chỉ việc đăng ký vào trang MidJourney rồi ra các từ gợi ý trong yêu cầu thí dụ như mây, cánh đồng, cô gái, trường phái… Chỉ cần vài chục giây thực hiện, MidJourney trưng ra một số phương án vẽ với bút pháp điêu luyện khó tin. Mọi trường phái hội họa trong nhiều thế kỷ nay như ấn tượng, biểu hiện, lập thể, siêu thực, hiện thực, viễn tưởng đều được AI vẽ hoàn mỹ như họa sĩ nhà nghề và nhanh gấp vạn lần bất kỳ họa sĩ thật nào. Những công đoạn vốn cần nhiều mồ hôi, sáng tạo thì đến nay Ai làm nhanh và gần như miễn phí mới chua chát làm sao. Những gì gọi là tài năng trở nên khả nghi. Họa sĩ chắc sắp đi khất thực. Lịch sử hội họa thế giới tóm lại sẽ chia làm 2 giai đoạn, trước và sau khi có AI. Đoạn trước thì biết rồi. Đoạn sau e rằng không còn vì tinh tú nào tương tự như Leonardo da Vinci, Vincent van Gogh, Isaac Levitan Pablo Picasso, Salvador Dali nữa. 

Muôn vàn lĩnh vực, trí tuệ nhân tạo đều ngày càng chiếm  thế thượng phong. Lạy trời! AI đừng bao giờ trở thành chủ nhân nắm trong tay bảng điều khiển.

Đôi khi lại lẩn thẩn với câu hỏi, ta đang điều khiển robot hay robot điều khiển ta? Robot là "oshin" hay con người là "oshin"? Ta là con người thực hay cũng là một dạng robot?  Phải thừa nhận là robot ngày càng người hơn và con người thì ngày càng robot hơn. Cuộc sống này có phải là một bộ phim giả tưởng không? Hãy đếm thử trong ngày có bao nhiêu lần bạn ngẩng lên rời khỏi cái điện thoại. Hãy điểm xem mình đã có những hành vi gì khi bị internet xui khiến. Hãy đếm xem trong ngày có bao nhiêu lần tương tác với người thân?

Phần làm việc thì AI chiếm hết rồi. Vậy con người chỉ còn phần vui chơi cùng thiên nhiên. Cầu cho AI chừa chỗ này ra.

Tả Từ
.
.