Hướng tới sự công bằng trong đào tạo trình độ tiến sỹ trong nước

Chủ Nhật, 18/07/2021, 08:59
Ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 18 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2021 và thay thế Thông tư số 08, ngày 4/4/2017.


Về cơ bản, Thông tư 18 tiếp tục kế thừa những nội dung quy định phù hợp của Thông tư 08, đồng thời chỉnh sửa, bổ sung một số điểm mới trên cơ sở đảm bảo tính khách quan, công bằng trong đào tạo trình độ tiến sỹ ở tất cả hệ thống cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, tính thực chất của hoạt động nghiên cứu và tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm tự chủ của các cơ sở đào tạo. 

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân và Đại tá Nguyễn Đăng Sáu, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an trao bằng cho các tân tiến sỹ. (Ảnh chụp tháng 6/2020).

Về nét mới nổi bật của Thông tư 18, có thể kể đến tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu vào: Quy chế mới có sự điều chỉnh nâng tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu vào đối với một số ngôn ngữ như tiếng Anh: yêu cầu Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 lên 46, Chứng chỉ IELTS từ 5 - 6.5 lên mức từ 5.5 trở lên; đối với tiếng Nhật: nâng từ trình độ N2 lên N3; đồng thời bổ sung chấp nhận các chứng chỉ quốc gia (tương đương trình độ bậc 4/6). 

Ngoài ra, quy chế mới cũng điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn trong cùng một thời gian, quy định tổng thời gian đào tạo không vượt quá 6 năm (72 tháng) và cho phép nghiên cứu sinh được bảo lưu kết quả học tập trong thời gian nhất định để tiếp tục theo học và nghiên cứu nếu có nhu cầu...

Về tiêu chuẩn bài báo, quy chế cũ quy định nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện; hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. 

Quy chế mới, ngoài việc tiếp tục yêu cầu các bài báo trong danh mục Wos/Scopus là minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh thì bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên). Các công bố phải đạt từ 4.0 điểm trở lên đối với người hướng dẫn nghiên cứu sinh và 2.0 điểm trở lên đối với đầu ra nghiên cứu sinh. Đây là một điểm rất mới trong quan điểm của Bộ GD&ĐT trước thực tiễn triển khai Thông tư 08 từ năm 2017 đến nay. 

Thực tế, nền giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, quan điểm chỉ đạo và định hướng chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT hướng tới mục tiêu đề ra là nền giáo dục của Việt Nam phải tham gia vào bảng xếp hạng giáo dục của thế giới. Với định hướng và chủ trương này, trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng ghi nhận. 

Theo số liệu thống kê được công bố năm 2019, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, có 11 cơ sở giáo dục đại học nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á. Trong 10 năm qua, số lượng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam tăng gấp 7 lần, từ 1.764 bài năm 2009 lên 12.431 bài vào năm 2019.

Việc áp dụng điều kiện về bài báo quốc tế đối với cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh theo Thông tư 08 là một trong những tiêu chí hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ của Việt Nam, theo hướng quốc tế hóa để đáp ứng với chuẩn khu vực, quốc tế. Tuy nhiên, có một thực tế diễn ra là số lượng đăng tải các bài báo quốc tế có sự chênh lệch khá lớn giữa ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. 

Đặc biệt, đối với các ngành đặc thù của lực lượng vũ trang như Quân đội, Công an, các nghiên cứu khoa học dựa trên cơ sở, cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mang tính bảo mật cao, nhiều nội dung, kết quả nghiên cứu liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật an ninh-quốc phòng, thì việc yêu cầu bắt buộc có những bài báo công bố quốc tế là rất khó khả thi và chỉ hạn chế ở một số ngành, lĩnh vực cụ thể. 

Do đó, việc Bộ GD&ĐT quy định cho phép bên cạnh các công bố quốc tế, nghiên cứu sinh và người hướng dẫn có thể có những công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước có uy tín thực sự là một điểm tiến bộ, đảm bảo tính hài hòa trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chúng ta đã có những quy định rõ ràng về tạp chí, ấn phẩm được tính điểm công trình. Việc cho phép công nhận những bài đăng trong nước sẽ tạo cơ hội, động lực để chúng ta phát triển và nâng cao hơn nữa năng lực các tạp chí khoa học Việt Nam. Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, quy định này còn góp phần hạn chế những hiện tượng tiêu cực trong khoa học như thuê viết bài báo khoa học, trả tiền để được đăng bài quốc tế… Thay vào đó, khuyến khích nghiên cứu sinh và người hướng dẫn có những công bố thực chất và chiều sâu. 

Về vấn đề này, GS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ISI/Scopus chỉ là cách phân loại, không tuyệt đối chúng với tất cả lĩnh vực khoa học. Nếu tuyệt đối hóa, xem đây là chuẩn mực quốc tế duy nhất để đánh giá chất lượng công trình sẽ dẫn đến tình trạng có nghiên cứu sinh tìm mọi cách “lách” để có bài đăng trên tạp chí quốc tế một cách không thực chất.

Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 22 Thông tư 18 cũng đã khẳng định: “Căn cứ quy chế này và những quy định hiện hành khác có liên quan, cơ sở đào tạo có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế của cơ sở đào tạo; cụ thể hóa với yêu cầu ngang bằng hoặc cao hơn nhưng không trái với những quy định của quy chế này”. 

Điều đó có nghĩa là, các cơ sở giáo dục, tùy theo mục tiêu, tiềm lực của mình có thể đưa ra những quy định, yêu cầu khác nhau với nghiên cứu sinh, miễn là không thấp hơn với các quy định của quy chế. Đây chính là ý nghĩa tích cực và nhân văn của quy chế mới trong nâng cao vai trò tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo đối với chất lượng giáo dục của mình.

Bảo Quân
.
.