Giải “bài toán” lao động cho sản xuất cuối năm

Thứ Năm, 21/10/2021, 09:05

Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ đầu tháng 10 các doanh nghiệp (DN) đã khẩn trương bắt tay vào tái hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề DN lo lắng nhất hiện nay là số lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc chưa nhiều, chưa đáp ứng được năng suất công việc.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, dự báo từ tháng 11 trở đi, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao so với hiện nay, do DN mở rộng hoạt động phục vụ cho thị trường cuối năm.

Dệt may, da giày, thủy sản, gỗ… là những ngành sử dụng số lượng lớn lao động để gia công, sản xuất sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và XK. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều DN buộc phải thu hẹp sản xuất, tình hình dịch diễn biến phức tạp trong khi người lao động chưa được tiêm vaccine, nên phần lớn người lao động ngoại tỉnh đã chọn phương án trở về quê… tránh dịch.

Để phục hồi, phát triển kinh tế, ngay từ đầu tháng 10, TP Hồ Chí Minh đã cho triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Các DN sau một thời gian bị dồn nén, đã bật dậy bắt tay ngay vào việc sản xuất để thực hiện các đơn hàng đã ký với các đối tác và triển khai tiếp việc sản xuất để cung ứng cho thị trường những tháng cuối năm.

Giải “bài toán” lao động cho sản xuất cuối năm -0
Ngành da giày hiện đang thiếu nghiêm trọng nguồn lao động.

Tuy nhiên, trái ngược với niềm vui được mở cửa hoạt động trở lại, nhiều DN rất lo lắng vì số lao động quay trở lại làm việc không đạt như kỳ vọng. “Tôi đã gọi điện cho những công nhân quay trở lại công ty làm việc, nhưng nhiều người trả lời sau Tết mới tính. Như vậy, hiện nay công ty chỉ còn 50% lao động làm việc, kể cả tăng ca cũng khó thực hiện được các đơn hàng đã ký. Hiện, chúng tôi vừa sản xuất vừa tuyển thêm lao động để thực hiện đúng tiến độ giao hàng cho khách hàng. Nếu không sẽ bị phạt vì vi phạm hợp đồng hoặc khách hàng chuyển đơn hàng cho đối tác khác”, anh Nguyễn Trần Nguyên, Giám đốc một DN may mặc tại TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện DN dệt may đã có đủ đơn hàng đến hết năm 2021 và đầu năm 2022, nhưng các DN dệt may đang thấp thỏm lo âu, sợ không kịp tiến độ giao hàng cho đối tác vì có đến 60% lao động đã về quê.  Ông Nguyễn Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, thiếu lao động đang là “bài toán” khó của các DN dệt may và hiện nhiều DN trong ngành chỉ mới hoạt động được 50-60% công suất. Vì vậy, để tổ chức sản xuất an toàn, DN cần áp dụng phương án mở cửa hoạt động từng phần, không ồ ạt. Giải pháp này vừa khắc phục tình trạng thiếu lao động, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại nhà xưởng.

“Khi xảy ra dịch bệnh, nhiều DN có chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống công nhân rất tốt để níu chân người lao động. Do đó, người lao động gắn bó bền chặt với DN. Thiết nghĩ, DN không chỉ chăm lo cho người lao động ở thời điểm thiên tai, dịch bệnh, mà công tác này cần phải thực hiện xuyên suốt giúp DN và công nhân gắn kết bền chặt”, ông Hồng nói.

Ngành chế biến gỗ cũng rơi vào tình cảnh tương tự, đây là mặt hàng từ trước giờ luôn nằm trong “top” một số ít các mặt hàng đạt kim ngạch XK tỷ USD. Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát trong thời gian qua, nhưng đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài đối với mặt hàng đồ gỗ vẫn không giảm. Bộ Công Thương dự báo, XK đồ nội thất văn phòng của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát và nhu cầu trên thị trường thế giới tăng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, do thiếu trầm trọng nguồn lao động, các nhà máy sản xuất của DN ngành đồ gỗ, nội thất đa phần chỉ mới hoạt động được 30-40% công suất.

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, để người lao động yên tâm  quay trở lại làm việc an toàn trong điều kiện mới, TP Hồ Chí Minh cần hợp tác với các tỉnh để tiêm vaccine. Thậm chí, có thể vận chuyển vaccine đến các tỉnh để tiêm cho người lao động sắp trở lại thành phố làm việc.

Ngoài vấn đề vaccine,  một trong những nguyên nhân cũng khiến người lao động gặp trở ngại khi quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc trong những ngày gần đây là do trở ngại vấn đề về lưu thông, nhất là tại các tỉnh giáp ranh. Về vấn đề này, Ban Quản lý các KCX – KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza) đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh để trao đổi với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, để hỗ trợ cho công nhân quay lại làm việc.

Mặt khác, trong thời gian siết giãn cách có nhiều nhà máy trong các KCN thực hiện “3 tại chỗ” nên giữ chân được số lượng lớn người lao động. Nếu so với các DN ở ngoài, thì các DN trong KCX, KCN ít bị ảnh hưởng hơn bởi lực lượng lao động trở về quê. Nhưng tính đến ngày 19/10, các KCN thuộc Hepza mở cửa 1.307 nhà máy (đạt hơn 92%), nhưng số lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ khoảng 70%.

Để giải quyết “bài toán” thiếu hụt lao động, TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) giải thích: Vốn dĩ bình thường DN đã phải chăm lo đến đời sống của công nhân như thu nhập, trợ cấp,… Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, muốn công nhân quay trở lại làm việc như bình thường, đòi hỏi DN phải công khai, công bố những chế độ ưu đãi và cam kết thực hiện đúng. Các chế độ chính sách này phải cao hơn bình thường. Ví dụ, tiền tăng ca cao hơn, tăng thêm tiền hỗ trợ… Nghĩa là ngoài đảm bảo an toàn lao động nói chung, phòng chống COVID-19 nói riêng, phải có những chính sách thu hút, hấp dẫn người lao động quay trở lại làm việc. Về lâu dài, tiền lương, thu nhập phải cao hơn hiện nay vì ngoài trang trải cuộc sống, người lao động cũng cần có tích lũy. Cần có nhà ở cho công nhân, quan tâm đến việc học hành cho con cái của họ. Nói chung, cần nhiều giải pháp và các giải pháp phải đồng bộ với nhau.

Liên quan vấn đề nhà ở cho người lao động, hiện TP Hồ Chí Minh cũng đã giao các sở, ngành tham mưu, báo cáo về kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người lao động nhập cư để giữ chân họ ở lại làm việc lâu dài. Trong đó, về nhà lưu trú cho công nhân, UBND TP Thủ Đức cũng đã rà soát và dự kiến quy hoạch xây dựng tại 3 vị trí trong Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, với quy mô diện tích hơn 100 ha, đáp ứng nhu cầu lưu trú hơn 81.000 người.

T.Hà – H.Giang
.
.