Dấu hiệu bộ tứ

Thứ Hai, 18/10/2021, 08:36

Đối thoại an ninh 4 bên Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ, vốn được biết đến dưới tên gọi “Bộ tứ” (Quad), không phải mới xuất hiện. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từng đưa ra khái niệm cũng như khung hợp tác này từ năm 2007 nhưng vì nhiều lý do, trong đó có e ngại sự phản đối của Trung Quốc, cơ chế đối thoại an ninh 4 bên này đã không đi vào thực tế...

Bộ tứ tăng tốc

Đây không phải là thiên truyện “Dấu hiệu Bộ tứ” của tác giả trinh thám kinh điển Arthur Conan Doyle; đây là câu chuyện về Bộ tứ đóng vai trò ngày càng quan trọng trên bản đồ địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 4 nhân vật của Bộ tứ này có tên là Mỹ-Nhật-Ấn-Australia.

Sự xuất hiện đột ngột của thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia với trọng tâm là Mỹ chuyển giao công nghệ xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia khiến người ta ngay lập tức liên hệ với Bộ tứ.

Đối thoại an ninh 4 bên Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ, vốn được biết đến dưới tên gọi “Bộ tứ” (Quad), không phải mới xuất hiện. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từng đưa ra khái niệm cũng như khung hợp tác này từ năm 2007 nhưng vì nhiều lý do, trong đó có e ngại sự phản đối của Trung Quốc, cơ chế đối thoại an ninh 4 bên này đã không đi vào thực tế.

Phải đến năm 2017, khi chính quyền Tổng thống D.Trump thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó mục tiêu cốt lõi là xây dựng một trục hợp tác an ninh Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực, thì ý tưởng về Bộ tứ mới có nội dung đầy đủ, tiến tới hình thành cơ chế.

Dấu hiệu bộ tứ -0
Tăng cường hợp tác trong nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Ảnh: S.t

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã khởi động lại đối thoại trong năm 2017, tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước trong các năm 2019 và 2020. Năm 2020, lần đầu tiên sau 13 năm gián đoạn, cả 4 thành viên Bộ tứ đã tham gia cuộc tập trận chung trên biển Malabar (các cuộc tập trận trước đó Australia không tham gia), đánh dấu bước đi thực chất trong lĩnh vực hợp tác quân sự giữa 4 nước.

Sau khi vào Nhà Trắng tháng 1-2021, Tổng thống J.Biden đã đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm, thế nhưng cơ chế nhóm Bộ tứ không những không bị làm suy yếu đi mà trái lại, còn được chính quyền ông Biden thúc đẩy mạnh mẽ. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi nhậm chức, ông đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ đầu tiên theo hình thức trực tuyến vào ngày 12-3-2021. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của 4 nước cũng duy trì tương tác chặt chẽ với nhau.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 càn quét trên khắp các lục địa đã cản trở việc thực hiện một số cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ trực tuyến này. Ngay cả sau một thời gian dài, khi đại dịch có dấu hiệu lắng dịu thì các nước cũng tập trung vào việc hồi phục kinh tế hơn là chọn phe, cùng Mỹ đối đầu với Trung Quốc. Hàng loạt sự kiện diễn ra: Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, để lại khoảng trống ở quốc gia này; EU ngày càng có dấu hiệu muốn tự chủ, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ; Pháp, quốc gia đầu tàu trong EU, đang tổn thương nặng vì AUKUS, sục sôi phẫn nộ với cả Mỹ lẫn Australia...

Tất cả những biến động đó phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Bộ tứ diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Nhà Trắng ngày 24-9, chỉ 9 ngày sau khi Mỹ chính thức công bố khai sinh AUKUS.

Khoảng cách chỉ 6 tháng giữa hai hội nghị thượng đỉnh cho thấy Bộ tứ đang tăng tốc hành động, phản ứng linh hoạt và nhanh chóng hơn với những biến động của môi trường quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cạnh tranh quyết liệt

Khác với AUKUS đặt trọng tâm vào hợp tác quốc phòng, cụ thể là hai đàn anh Anh-Mỹ hỗ trợ năng lực hạt nhân của hạm đội tàu ngầm Australia, Bộ tứ là diễn đàn đối thoại chiến lược, một cơ chế hợp tác không chính thức giữa 4 nước thành viên liên quan đến nhiều lĩnh vực. Không hề nhắc đến Trung Quốc nhưng toàn bộ những gì mà Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ thống nhất triển khai đều cách này hay cách khác liên quan đến các lĩnh vực mà Washington đang cạnh tranh quyết liệt với đối thủ thách thức Mỹ trên mọi mặt trận.

Cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Trắng tập trung vào 5 lĩnh vực hợp tác là ứng phó với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, công nghệ mới và kết nối cơ sở hạ tầng; xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu; hợp tác phục hồi kinh tế.

Để ứng phó với đại dịch COVID-19, Bộ tứ cam kết từ nay cho đến hết năm 2022, tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất, viện trợ 1,2 tỷ liều vaccine, đồng thời cung cấp gói hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực y tế cho châu Á. Khi Ấn Độ đã tạm thời vượt qua giai đoạn khủng hoảng bởi đại dịch và phục hồi năng lực sản xuất vaccine đứng đầu thế giới thì hẳn nhiên sẽ là một đối thủ đáng gờm tranh giành ảnh hưởng với chiến lược “ngoại giao vaccine” của  Bắc Kinh thời gian qua.

Liệu có phải là trùng hợp hay không khi trong lĩnh vực công nghệ, “mặt trận” chính giữa Mỹ với Trung Quốc, thượng đỉnh Bộ tứ khẳng định tiếp tục thúc đẩy triển khai các mạng di động 5G an toàn, minh bạch, tạo điều kiện hợp tác công tư bảo đảm an ninh mạng, xây dựng chuỗi công nghệ quan trọng và vật liệu thiết yếu, trong đó có chất bán dẫn (nguyên liệu nền sản xuất chip điện tử), khai thác sử dụng không gian mạng an toàn, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao...

Đối mặt với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một chiến lược tranh giành ảnh hưởng khổng lồ của Trung Quốc mà đôi khi bị một số nước đánh giá là cái “bẫy nợ”, Bộ tứ đề xuất các dự án kết nối chung với G20, G7, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, hỗ trợ cho vay tài chính rộng rãi.

Lĩnh vực duy nhất mà Bộ tứ kêu gọi hợp tác với Trung Quốc là triển khai kế hoạch giám sát, phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này cũng là dễ hiểu khi Trung Quốc là quốc gia chiếm vị trí hàng đầu về phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Nếu chấp nhận hợp tác trong lĩnh vực này, Trung Quốc sẽ tự chặt vào chân nền kinh tế của mình; nếu từ chối hợp tác, sẽ mang danh là quốc gia lớn nhất gây nên hiệu ứng nhà kính mà không chịu khắc phục.

Nhìn lại, với những nội dung trọng tâm bàn thảo và thống nhất ở thượng đỉnh tại Nhà Trắng, có thể nhận thấy “dấu hiệu Bộ tứ” là các hợp tác hành động để cạnh tranh với Trung Quốc.

Con đường gập ghềnh

Nếu để ý đến một điều là 2 thành viên trong Bộ tứ (Mỹ, Australia), đồng thời là 2 thành viên trong “tam đầu chế” AUKUS thì có thể thấy Trung Quốc sẽ phải đối phó với một cơ chế “chồng lấn” rất phức tạp.

Các lĩnh vực hợp tác chủ chốt của Bộ tứ đều liên quan đến cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc (công nghệ, chiến tranh mạng, BRI...); trong khi đó AUKUS hướng trọng tâm hợp tác 3 bên vào lĩnh vực quốc phòng với vai trò đặc biệt của Australia (cùng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ hình thành trong tương lai). Sự bổ sung chức năng của hai thiết chế này là một thách thức to lớn đối với tham vọng của Trung Quốc nhằm phát triển hạm đội của mình (đứng đầu thế giới về số lượng) để hỗ trợ cho các hành vi “bắt nạt” hay đòi hỏi chủ quyền trên biển vô lối, vi phạm luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đã phản ứng thế nào trước nguy cơ “tứ diện mai phục”?

Dễ thấy nhất là chỉ một ngày sau khi AUKUS chính thức hình thành, Trung Quốc đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định mà Mỹ, mặc dù mất rất nhiều thời gian đàm phán, đã nhanh chóng rời di dưới thời Tổng thống Trump, để lại một khoảng trống mà Trung Quốc sẵn sàng lấp vào.

Nếu việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc thành công sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu 4,69%, tăng trưởng GDP thêm 0,74%-10,25% (theo Viện Khoa học xã hội Trung Quốc), giúp thu nhập quốc dân của nước này có thể tăng thêm 298 tỷ USD vào năm 2030 (theo số liệu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson).

Điều quan trọng hơn là nếu tham gia CPTPP, Trung Quốc sẽ đóng vai trò đầu mối then chốt trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, một “vũ khí” lợi hại trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ.

Tuy vậy, với quy định rằng muốn gia nhập CPTPP thành công cần phải nhận được sự chấp thuận của toàn bộ 11 thành viên CPTPP (hiện tại), con đường để Trung Quốc gia nhập khối kinh tế - thương mại này không hề dễ dàng.

Nổi cộm nhất chính là tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia, một thành viên của CPTPP. Nguyên do thì có nhiều, từ việc Australia cấm tập đoàn Huawei tham gia phát triển mạng 5G (năm 2018) hoặc đòi phải có một cuộc điều tra cẩn thận về nguồn gốc đại dịch COVID-19 (mà nhiều nguồn tin cho rằng xuất phát từ những phòng thí nghiệm của Trung Quốc), dẫn tới việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia.   

Liệu trong bối cảnh ấy, các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Australia, một thành viên cả của Bộ tứ lẫn AUKUS, có thể mang lại kết quả khả quan trong một thời gian ngắn?

Một lý do khác khiến cho viễn cảnh về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP khá xa xôi chính là việc hệ thống pháp luật và quy tắc thương mại liên quan của Trung Quốc khác biệt rất lớn với những quy định của CPTPP, vốn là hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Để thu hẹp khoảng cách, cần rất nhiều thời gian và đó là nguyên nhân khiến cho quá trình đàm phán với các thành viên CPTPP của Trung Quốc sẽ kéo dài.

Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt từ lâu nhưng với sự tồn tại của Bộ tứ, được bổ sung bởi AUKUS, cuộc tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn lâu mới kết thúc.

Yên Ba
.
.