Abbas Kiarostami, điện ảnh là cảm nhận hiện tại

Bài 3: Hiện tại là giá trị văn hóa Ba Tư vĩ đại

Chủ Nhật, 05/09/2021, 09:31

Khi thực hiện các câu chuyện và hình ảnh phim, A. Kiarostami, theo nhà nghiên cứu Khatereh Khodaei, “không có ý định dựng lại những bức tranh Ba Tư trong các cảnh phim của mình, nhưng chắc chắn ông đã được sống trong bầu không khí của nghệ thuật Ba Tư, ngôn ngữ, thơ ca và văn hóa Ba Tư, cũng như cảm nhận được những tấm thảm dệt Ba Ta dưới chân mình”. Chính chiều sâu của sự tiếp nhận đó, bao hàm cả chắt lọc và tái dụng, mới giúp A. Kiarostami duy trì lâu dài bóng hình nghệ thuật Iran truyền thống trong các thước phim về sau của mình.

Quả đúng là, nếu chỉ hút vào những ẩn dụ đằng sau các câu chuyện giàu triết lí về sống và chết, về hiện tại và quá khứ, trách nhiệm và tình yêu thương thì có thể nói, khán giả vẫn chưa thể bước sâu vào thế giới điện ảnh của A. Kiarostami. Mức độ thử thách nhưng cũng là hấp dẫn, thi vị bậc nhất trong phim A. Kiarostami còn nằm ở cách mà ông khai thác, biểu đạt vẻ đẹp ngầm ẩn của văn hóa Ba Tư trong mỗi khuôn hình phim.

Ngay từ những phim truyện đầu tiên, kĩ thuật xây dựng hình ảnh của A. Kiarostami đã mang nhiều nét tương đồng với bố cục và màu sắc trong hội họa Iran truyền thống. Tinh thần chung là ông muốn truyền tải những nguyên tắc tôn trọng thiên nhiên, vũ trụ của hội họa Iran xưa. Một nghiên cứu của Khatereh Khodaei cho biết, đối với nghệ sĩ Iran truyền thống, họ luôn tin rằng mọi thứ trong vũ trụ đều do sự sáng tạo của Chúa và vì thế, khi vẽ tranh, họ tránh ưu tiên hình ảnh con người có mặt khắp nơi. Điều này sẽ giúp khán giả xem tranh chú ý đến những khoảng trống, những phần tràn đầy thiên nhiên, phong cảnh là nơi mà họ tin Chúa đang hiện diện.

A. Kiarostami cũng thường sử dụng nguyên tắc này khi thực hiện những cú quay dài và không bao giờ sử dụng ánh sáng điểm (spot lighting) khi quay cảnh sắc thiên nhiên, nhằm giúp khán giả nhìn thấy ánh khắp không gian, tương tự như sự rộng lượng, bao dung của Chúa trời. Sự dịch chuyển phong cảnh sẽ kéo theo những sắc màu khác nhau và mở rộng cái nhìn của khán giả về phía bất ngờ, ngạc nhiên. Chúng ta có thể lấy bức tranh“Manzareh Arefaneh” (xuất hiện vào khoảng năm 1393) và cảnh phim trong “And Life Goes On” để nhấn mạnh điểm tương đồng kĩ thuật, bố cục tạo hình: Bức tranh vắng bóng người, thuần túy miêu tả phong cảnh, với núi, cây cối, mặt nước và chim. Còn ở cảnh phim, góc máy toàn cảnh, bắt trọn một khoảng đồi núi rộng lớn với những vết nứt lớn, kéo dài, màu xanh thế giới tự nhiên chiếm trọn khuôn hình nên không cần một lời thoại nào, khán giả cũng đã cảm nhận rõ ràng về khả năng tái sinh lặng lẽ.

Ở một cảnh phim khác, A. Kiarostami để nhân vật Farhad trò chuyện với bà cụ trong làng, hai người ngồi đối diện; chủ nhà ngồi trên bậc cửa chính hình chữ nhật với cánh cửa sơn màu xanh. Phía trước họ là hoa dại, một cây nhỏ và con gà trống mào đỏ đi lại. Bố cục này cho thấy con người và thiên nhiên hài hòa, vẻ bình thản, từ tốn khiến của bà cụ khiến người khách không còn quá tò mò, xa lạ mà như là người trong cuộc, gặp gỡ và được lắng nghe các câu chuyện thực tế. Bằng kĩ thuật tạo hình đó, A. Kiarostami ngầm ý rằng sức mạnh của con người và sự kì vĩ của thiên nhiên đều có giá trị như nhau.

Bài 3: Hiện tại là giá trị văn hóa Ba Tư vĩ đại -0
Bức tranh “Manzareh Arefaneh” có nét tương đồng với kỹ thuật tạo hình ảnh trong phim “And Life Goes On”.

Cả “And Life Goes On” và “Where is the friend's home?” đều chú ý đến sự hiện diện của nhà cửa, lối kiến trúc dân dụng đặc trưng của người Kurd. Nhưng không phải mọi ngôi nhà đều xuất hiện, A. Kiarostami  tập trung lựa chọn nhiều hơn các khung cửa sổ, nơi mở ra phong cảnh phía sau hoặc hội tụ nhiều ánh sáng tự nhiên nhất. Vì thế, chúng vừa tả thực vừa có khả năng khơi gợi quá trình hồi sinh ở trước mặt. Hơn nữa, theo tôi, tình trạng đổ nát, hư hại của kiến trúc đã được A. Kiarostami xử lí bằng việc nhấn mạnh những gì sót lại cũng gợi lên tính cách ưa trang trí, làm duyên dáng  cho không gian sống của người dân.

Một vài chậu hoa vẫn khoe sắc, một bức tranh còn trên tường dù bị vết nứt của tường làm rách đôi, tấm cửa xanh nằm chỏng chơ, ấm nước và đèn dầu treo ở hiên; một chiếc cầu thang còn sót lại: nó dẫn lên “hư không”, nhưng kế đó là một ô cửa sổ, mở ra màu xanh,... tất cả đều mang dụng ý của đạo diễn. Chúng kết nối đời sống trước đây và chiếm trọn một phần không gian sống hiện tại. Trận động đất càng làm các thành tố kiến trúc bộc lộ phần nào thẩm mĩ và vẻ đẹp thường ngày trên vùng đất Koker xa xôi. 

Ngôi nhà của vợ chồng Hossein, xuất hiện cả trong hai phim “And Life Goes On” và “Through the Olive Trees”, cũng gia tăng tính chất thơ mộng giữa thực tại bi đát. máy quay đặt chính giữa, vuông góc với căn nhà, để bắt trọn nhân vật và đồ đạc. Đống gạch đất đổ nát ở hậu cảnh nhường chỗ cho hàng lan can gỗ có hoa văn. Cảnh phim tạo ra một hình ảnh phẳng (flat image) với dụng ý làm rõ màu sắc, đường nét phía trước.

Các kỹ thuật phối màu cũng được tính toán để hài hòa với bối cảnh tự nhiên, màu xanh lá cây, xanh chàm và màu kaki trên xen giữa màu các chậu hoa tím, đỏ và trắng, tất cả, là sản phẩm của nghệ thuật xây dựng hình ảnh, bài trí khéo léo để ngôi nhà mờ đi vẻ sơ sài, ảm đạm. Người vợ của Hossein đang tưới nước cho hoa trong dáng vẻ thư thái, yêu thích, và mặc kệ anh chồng đang than thở vì tai họa, cô vẫn nhắc nhở anh ta bẻ cổ áo ngay ngắn, một chiếc áo vest, trước khi sang nhà hàng xóm. Những cảnh phim hư cấu tối thiểu đó đều gắn với chi tiết, sự việc thường ngày, tạo nên một thực tại sinh động, gần gũi, đôi khi hóm hỉnh vốn dĩ gần gũi với kiểu trí tuệ dân gian.

A. Kiarostam mi khép lại giai đoạn rực rỡ và là hiện thân của Điện ảnh Làn sóng mới Iran bằng bộ phim “The Wind will carry us” vào năm 1999. Đây cũng là sự kết thúc viên mãn, xác lập và hoàn thiện sâu sắc toàn bộ cảm quan và suy tư của A. Kiarostami về cộng đồng tộc người Kurd thiểu số trong đời sống xã hội Iran đương đại. Nếu bộ ba phim về Koker giàu tính tài liệu, không quá cầu kì hay lạm dụng dàn cảnh để tô đậm tính cách riêng khác của vùng đất này thì “The Wind will carry us”, ngược lại, là một khám phá, phát hiện chất thi ca và triết học ẩn khuất trong cuộc sống tưởng như đơn điệu, nhàm chán. 

Bài 3: Hiện tại là giá trị văn hóa Ba Tư vĩ đại -0
Một góc máy đầy chất thi ca trong phim “The Wind Will Carry Us”.

Chuyện phim bắt đầu khi Behzard, một nhà báo, đóng giả một kĩ sư xây dựng hệ thống thông tin, đến ngôi làng người Kurd để tìm hiểu về nghi lễ tang ma khi họ hay tin một bà lão ở đây sắp gần đất xa trời. Thế nhưng bà lão vẫn còn khỏe, bệnh tình thuyên giảm và chưa có dấu hiệu sẽ cho Behzard nhìn thấy điều gì rõ ràng. Trải nghiệm xứ lạ với  Behzard, từ đó, mở ra những ngỡ ngàng và thắc mắc khác nhau trước cảnh sắc cũng như tập tục sinh hoạt địa phương. Anh được cậu bé Fazard cung cấp thông tin và chỉ dẫn đường đi lối lại. Cậu bé thường nhấn mạnh với Behzard rằng, mọi thứ ở làng, dẫu có vẻ không quen thuộc với người lạ lắm, đều do ông bà tổ tiên đặt ra từ lâu nên cậu chẳng thể hiểu hay giải thích thêm được. Behzard dần nhập cuộc dù khá lúng túng, đôi khi, thật hài hước và không kém mỉa mai, để liên lạc với thế giới văn minh của mình, anh lao lên chạy xuống ngọn đồi mới có sóng điện thoại.

Những “va chạm văn hóa” nảy sinh một cách tự nhiên trong những lần đối thoại với người già nơi đây khải thị cho Behzard về đời sống, về lẽ công bằng hay định mệnh mà sự thông thái của nó xứng đáng là những châm ngôn nhiều suy tưởng, ngẫm nghĩ. Ngôi làng Kurd đã loại bỏ tính “hiếu kì du lịch” của Behzard và thay vào đó là những rung cảm yêu mến xứ sở thực lòng nên cuối cùng, chính anh sốt sắng chạy đi tìm bác sĩ để cứu chữa một người dân vừa bị vùi lấp khi đào giếng. Behzard cùng với vị bác sĩ đi giữa cánh đồng lúa mỳ vàng rực trải dài bát ngát, vẫn dưới cú máy toàn cảnh, đã trở nên đầy gió như sự mênh mông bất diệt của cõi sống trên mặt đất này.

Không khó nhận ra ở bộ phim những ngụ ý về khoảng cách giữa truyền thống và hiện đại, giữa thành thị và nông thôn, giữa cái gọi là tri thức sách vở và hiểu biết dân gian. Phim cũng là một cách thăm dò cái hữu hình và vô hình, cái nhìn thấy được hằng ngày (cây cối, đồng lúa, ngọn đồi) và những gì không thể nhìn bằng mắt (đức tin, cái chết, linh hồn). Tuy vậy, chúng là những thực thể luôn có mặt ở bất cứ đâu và luôn kích thích sự tưởng tượng của mỗi cá nhân, như cách người dân nuôi dưỡng niềm vui chăm sóc đàn dê để lấy sữa mỗi ngày.

Như một người quan sát tinh tế và thấu hiểu, A. Kiarostami gợi mở, dẫn dắt  những người thành thị như Behzard vỡ lẽ thêm về sự nối tiếp không thể chia cắt giữa các miền không gian, thời gian. Chưa bao giờ mất đi quá khứ cũng như thật khó lòng để triệt tiêu cái già nua, bởi thế hiện tại, cái hôm nay phải mang một tinh thần sống bao dung, mở rộng và đối thoại. Điều đó trở nên thật giá trị vì nó bảo vệ con người, bảo vệ những lẽ phải của tâm hồn mà không có thứ quyền lực nào chia cắt được.

“The Wind will carry us” - “Gió sẽ mang chúng ta đi”, không ở đâu khác, đã là thi ca ngay từ tựa đề. Đấy là kiểu thi ca không chỉ bằng ngôn từ, mà còn bằng những không gian rộng, màu sắc đầy ắp và những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ sống, chết. Nó níu con người ở lại, ngay trong trần thế nhiều gian khó và định kiến, để tìm kiếm tự do, tin yêu và xúc cảm lãng mạn trong lành.

Mai Anh Tuấn
.
.