WHO nỗ lực đảm bảo công bằng nguồn cung thuốc điều trị COVID-19

Thứ Năm, 21/10/2021, 08:53

Bên cạnh việc thu hẹp sự mất bình đẳng trong phân phối vaccine COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung loại thuốc có khả năng điều trị căn bệnh này trên những người có triệu chứng nhẹ với giá thành phải chăng.

Trong thời gian qua, những thông tin về một loại thuốc kháng virus được chứng minh là có hiệu quả điều trị COVID-19 trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã đem lại hy vọng về thay đổi bước ngoặt trong cuộc chiến với đại dịch: Trong tương lai không xa, một viên thuốc đơn giản có thể cứu những người mắc COVID-19 khỏi nguy cơ tử vong hoặc biến chứng nặng. Đó chính là thuốc molnupiravir, do Merck & Cosản xuất, rất dễ phân phối và có thể sử dụng tại nhà.

Các kết quả thử nghiệm cho thấy molnupiravir có thể giảm một nửa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở nhóm người có nguy cơ cao ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Hãng dược phẩm này đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ. FDA có thể ra quyết định vào đầu tháng 12 tới.

Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ kéo dài do những bất cập trong phân phối vaccine. Nhiều nước đang hướng đến một vũ khí mới, bên cạnh vaccine, đó là những loại thuốc đã chứng minh được hiệu quả như các loại kháng thể đơn dòng, tuy nhiên, giá thành của chúng rất đắt đỏ, khan hiếm, bảo quản phức tạp và gần như ngoài tầm với của các nước nghèo.

Năm 2020, chính phủ Mỹ đã mua lượng lớn thuốc kháng virus remdesivir sau khi các nghiên cứu ban đầu cho thấy loại thuốc này có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi COVID-19. Mỹ được cho là cũng đang theo đuổi chiến lược tương tự với molnupiravir khi Washington đã có thỏa thuận 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình molnupiravir, tương đương 20% số lượng thuốc mà Merck có thể sản xuất trong năm nay, nếu loại thuốc này được FDA cấp phép khẩn cấp.

Một loạt các nước giàu khác như Australia, Hàn Quốc và New Zealand cũng đã ký hợp đồng với Merck. Nhiều người lo ngại điều này có thể dẫn đến một cuộc đua khác trong phân phối thuốc điều trị COVID-19 mà các nước nghèo dường như không thể theo kịp, tương tự như trong phân phối vaccine.

8-1.jpg -0
Kết quả thử nghiệm lâm sàng khả quan, thuốc molnupiravir được kỳ vọng "thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến với đại dịch. Ảnh minh họa Getty Images.

Tuy nhiên, không giống các nhà sản xuất vaccine như Pfizer và Moderna, các công ty đã phản đối lời kêu gọi về thỏa thuận sáng chế để các công ty dược phẩm nước ngoài có thể sản xuất loại vaccine mà các hãng này nắm độc quyền, Merck & Cosẽ cho phép các công ty dược phẩm Ấn Độ bán loại thuốc này với giá thấp hơn nhiều ở hơn 100 quốc gia có mức thu nhập thấp.

Cụ thể,8 công ty Ấn Độ hiện đang tham gia thử nghiệm lâm sàng các phiên bản khác nhau của thuốc molnupiravir và có 4 công ty đã xác nhận với New York Times rằng họ hy vọng có thể sớm công bố kết quả. Lãnh đạo một trong số các công ty này hy vọng công ty của ông có thể sản xuất thuốc với giá chưa đến 10 USD/liệu trình. Phần lớn các nước cận Sahara ở châu Phi, nơi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở mức dưới 3%, đều sẽ được hưởng lợi từ động thái này.Dù vậy, các thỏa thuận sản xuất thuốc cũng không đảm bảo hoàn toàn về việc tiếp cận toàn cầu.

Một nửa tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở các nước thu nhập thấp và trung bình trong nửa đầu năm 2021 là ở 32 nước nằm ngoài thỏa thuận của Merck. Một số nước có diễn biến dịch phức tạp như Brazil, Malaysia, Mexico và Peru hay Trung Quốc và Nga đều không nằm trong thỏa thuận sản xuất của Merck. Thuốc kháng virus cần phải kết hợp với việc xét nghiệm nhanh chóng và chính xác, một điều vốn còn hạn chế ở nhiều nơi trên thế giới.

Các nhóm y tế quốc tế đã đánh giá cao động thái trên của Merck & Co, song cho rằng điều này vẫn chưa đủ để các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận được loại thuốc này với số lượng đủ lớn. Họ cũng cho rằng những thiếu sót và thủ tục rườm rà của các tổ chức toàn cầu cũng có thể làm chậm hơn nữa tốc độ phân phối thuốc.

Một thông tin khả quan làtheo tài liệu về Chương trình tiếp cận công cụ chống COVID-19 (ACT-A) cho đến tháng 9/2022 của WHO mà Reuters có được, chương trình này đặt mục tiêu cung cấp 1 tỷ bộ xét nghiệm COVID-19 cho các nước nghèo, tăng cường mua thuốc điều trị cho khoảng 120 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới. Kế hoạch này nêu bật quyết tâm của WHO trong cung cấp thuốc điều trị và công cụ xét nghiệm với giá thành tương đối thấp sau khi không thuyết phục được các nước giàu chia sẻ nguồn cung vaccine dồi dào cho các nước kém phát triển.

Tuy nhiên, tài liệu này vẫn chỉ là một bản thảo chưa được phê duyệt chính thức, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome, Italy vào cuối tháng này. ACT-A kêu gọi các nước G20 tài trợ thêm 22,8 tỷ USD từ nay đến tháng 9/2022 để mua và phân phối vaccine, thuốc và bộ xét nghiệm cho các nước nghèo, thu hẹp khoảng cách về nguồn cung giữa các nước phát triển và kém phát triển. Cho đến nay, các nhà tài trợ đã cam kết cung cấp 18,5 tỷ USD cho chương trình.

Mặc dù không đề cập cụ thể đến loại thuốc nào, tài liệu của ACT-A cho biết dự kiến sẽ trả 10 USD cho liệu trình bằng "thuốc kháng virus đường uống mới cho bệnh nhân nhẹ và trung bình". Mặc dù có nhiều loại thuốc khác đang được nghiên cứu, nhưng molnupiravir là loại thuốc duy nhất cho đến nay cho kết quả khả quan trong các thử nghiệm giai đoạn cuối. Mức giá này rất thấp nếu so với 700 USD cho một liệu trình được cấp phép tại Mỹ thời gian qua. Đây chính là một hy vọng mới cho các nước nghèo trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Tiến Dũng
.
.