“Cuộc sát hạch” đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản

Thứ Bảy, 23/10/2021, 09:34

Đó chính là cuộc bầu cử Hạ viện dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/10 tới. Hiện nay, liên minh cầm quyền đang giữ 305 trong tổng số 465 ghế ở Hạ viện, trong đó đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có 276 ghế và đảng Công minh có 29 ghế. Liên minh cầm quyền đặt mục tiêu duy trì đa số ghế ở Hạ viện, đồng nghĩa với việc LDP và đảng Công minh phải giành được ít nhất 233 ghế trong cuộc bầu cử sắp tới.

Cuộc chạy đua các ghế trong Hạ viện sẽ gắn liền với chính sách quan trọng liên quan đến các vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với Nhật Bản hiện nay. Trước tiên là về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Liên quan tới vấn đề này, tân Thủ tướng Nhật Bản trong các bài phát biểu của mình đều nhấn mạnh đây là chính sách quan trọng hàng đầu, nhất là chuẩn bị cho đợt lây nhiễm thứ 6 vào mùa Đông tới. Cả đảng LDP và đảng đối lập đều đề cập đến các giải pháp khắc phục hạn chế của công tác y tế trong đợt lây nhiễm thứ 5 (từ tháng 7 – 9/2021), trọng tâm là các ca tử vong vì COVID-19 trong quá trình điều trị tại nhà mà không kịp nhập viện.

8-1.jpg -0
Cử tri lắng nghe ứng cử viên phát biểu tại Tokyo, ngày 18/10 - một ngày trước khi chiến dịch tranh cử vào Hạ viện chính thức được khởi động. Ảnh: Kyodo.

Nguyên nhân của đợt lây nhiễm thứ 5 được xác định chủ yếu là biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2. Số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất được ghi nhận vào ngày 20/8 với 25.852 ca, cao hơn khoảng 7.000 ca so với đợt lây nhiễm thứ 3 và thứ 4 trước đó. Số người chết do điều trị tại nhà đã gia tăng ở nhiều nơi, trong đó riêng Vùng Thủ đô (gồm Tokyo và ba tỉnh lân cận) là 38 trường hợp chỉ trong tháng Tám vừa qua. Để tránh tình trạng này, Thủ tướng Fumio Kishida đã chỉ đạo các bộ trưởng liên quan họp bàn nghiên cứu phương án giải quyết bao gồm cung cấp máy đo nồng độ oxy trong máu cho người bệnh điều trị tại nhà, mở rộng hệ thống cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, bổ sung thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống (nếu được phê duyệt) và sớm triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 vào đầu năm sau…

Bên cạnh việc tăng cường số giường chuyên dụng tại các bệnh viện công trên toàn quốc, còn thúc đẩy triển khai các bệnh viện dã chiến trong trường hợp khẩn cấp.  Trong khi đó, đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ), đảng đối lập lớn nhất tại Nhật Bản kêu gọi xem xét lại khái niệm “y tế khu vực” vốn thúc đẩy tiến trình sáp nhập bệnh viện công và giảm giường bệnh. Nhìn chung, chính sách chống dịch COVID-19 của nội các mới chủ yếu vẫn mang tính kế thừa, chưa có điểm mới đáng kể nào. Thực tế cho thấy, trong đợt lây nhiễm thứ 5, dù có cố gắng bố trí thêm giường bệnh, cũng sẽ ảnh hưởng đến chăm sóc y tế chung và cũng thiếu đội ngũ bác sỹ, y tá trực tiếp điều trị.

Thủ tướng Kishida cũng đề xuất biện pháp tăng cường chức năng của tháp chỉ huy, bao gồm việc thành lập Cơ quan quản lý khủng hoảng y tế, tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, việc tái cơ cấu tổ chức là vấn đề trung và dài hạn chứ không phải vấn đề cấp bách nhất hiện nay.

Về khôi phục hoạt động kinh tế bình thường, đây là vấn đề được người dân quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, nếu đẩy quá nhanh hoạt động khôi phục kinh tế, khả năng lớn gây ra đợt tái bùng phát dịch bệnh COVID-19. Khi đó, Nhật Bản lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Kinh tế Nhật Bản đã rơi vào mức tăng trưởng âm tồi tệ nhất sau Chiến tranh thế giới thứ 2 trong giai đoạn từ tháng 4-6/2020. Sau đó nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại giai đoạn từ tháng 7-12/2020 trước khi tiếp tục lại lún sâu vào khủng hoảng.

Nguyên nhân là do chính phủ đã quá vội vàng thúc đẩy các biện pháp kích cầu như chương trình kích thích du lịch “Go To Travel”. Đó là sự thiếu kiên nhẫn cho một quá trình hồi phục kinh tế toàn diện. Từ cuối tháng 9/2021, tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm đã được dỡ bỏ hoàn toàn. Đây là bước khởi đầu cho quá trình hồi phục kinh tế nhưng tâm lý bất an của giới doanh nghiệp vẫn còn khá lớn.

Ngày 12/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể là 5,9% trong năm 2021, giảm một chút so với dự báo đưa ra vào tháng 6 là 6,0%. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế Nhật Bản lại bị hạ xuống 2,4%, thấp nhất trong số các nước công nghiệp phát triển. Tuy việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu đã có tiến triển tích cực, nhưng các vấn đề khác vẫn chưa thể giải quyết được triệt để, như khả năng bùng phát biến thể mới có tốc độ lây lan mạnh và kháng vaccine, giá nguyên liệu tăng, sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng do thiếu nguồn cung chất bán dẫn… Đảng cầm quyền và đảng đối lập đều chủ trương thực hiện các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân. Nhưng giới chuyên gia nhận định, các biện pháp này chỉ có tác dụng “chữa cháy” tạm thời trong khi nguồn lực tài chính đang trở nên quá tải. Với ba lần bổ sung ngân sách trong tài khóa 2020, chi ngân sách của Nhật Bản đã tăng đến mức kỷ lục là 175.000 tỷ yên.

Với việc nguồn thu từ thuế không đủ trang trải, Chính phủ Nhật Bản buộc phải phát hành trái phiếu lên tới 112.000 tỷ yên, đồng nghĩa với việc tăng số nợ vay từ nước ngoài. Hiện tỷ trọng nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản là 256%, là mức nghiêm trọng đáng báo động nếu so với các nước công nghiệp phát triển khác như Đức là 70%, Mỹ là 132%, Italia là 157%.

Không có nhiều khác biệt lớn về chiến lược đối ngoại và an ninh giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập khi lựa chọn việc tăng cường hợp tác với các nước có chung quan điểm giá trị như dân chủ, nhân quyền, trong đó tiếp tục coi liên minh Nhật Bản-Mỹ là nền tảng. Tuy nhiên, cả hai phe đều không phác thảo được lộ trình của quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc, vốn tác động rất lớn và toàn diện đối với Nhật Bản trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8/10 vừa qua, Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh hai bên cần cùng nhau tạo nên mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng, hướng tới kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2022. Mặc dù thể hiện thái độ thiện chí đối thoại, nhưng Chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida vẫn chưa cho thấy một hình ảnh cụ thể nào về mối quan hệ “ổn định và mang tính xây dựng”.

Trong khi đó, tân Thủ tướng Nhật Bản lại rất tích cực trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua chủ nghĩa đa phương như cùng với các nước Mỹ, Australia, Ấn Độ thúc đẩy mạnh chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” củng cố năng lực quốc phòng, khả năng phòng thủ tên lửa và tăng cường an ninh kinh tế.

Rõ ràng, nếu quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản trở nên xấu đi thì nền kinh tế trong nước khó tránh những ảnh hưởng tiêu cực.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.