“Hội chợ phù hoa” qua đi “trăm năm cô đơn” còn lại

Thứ Năm, 16/08/2018, 14:22
Thế hệ những nhà thơ, nhà văn của một thời chưa xa ấy đã làm lay động trái tim của bao nhiêu người. Họ đã sống một đời sống vượt trên cả những hoa lệ đời thường, được thăng hoa trên từng cung bậc. 

Có một thời chưa xa, khi văn chương đúng nghĩa là một thánh đường nghệ thuật, mỗi nhà văn nhà thơ là một thế giới thu nhỏ, trọn vẹn đẹp đẽ và thiêng liêng. 

Tôi may mắn đã được gặp họ - những nhà văn, nhà thơ bước ra từ trang sách, những người mà suốt một thời cắp sách tôi yêu quý và đắm vào trong từng câu chữ: "Trên trời mây trắng như bông/ Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng" (thơ Ngô Văn Phú). 

Thế hệ những nhà thơ, nhà văn của một thời chưa xa ấy đã làm lay động trái tim của bao nhiêu người. Họ đã sống một đời sống vượt trên cả những hoa lệ đời thường, được thăng hoa trên từng cung bậc. Nhưng "hội chợ phù hoa" qua đi, "trăm năm cô đơn" còn lại - đó dường như là một nghiệp chướng của mỗi số phận đã mang trên mình duyên nợ văn chương...

Hoài vọng về ký ức...

Ở một góc phố quen thuộc trên đường Giảng Võ, một khu tập thể cũ kỹ, nhà thơ Ngô Văn Phú trong dáng hình hiền hòa và từ bi, bước ra lạch cạch mở cánh cửa sắt đã hoen rỉ theo thời gian. 

Đã lâu tôi chưa ghé thăm ông, trông ông đã thêm nhiều nếp nhăn tuổi tác với tuổi 80 có lẻ. Căn nhà cao cao trên tầng 5 khu tập thể cũ này của nhà thơ Ngô Văn Phú, tôi đã được đến nhiều lần, vào các thời điểm khác nhau, với những người khác nhau, nhưng dường như mọi thứ trong căn nhà ông, kể cả mọi đồ vật lớn bé đều xa lạ với sự đổi thay của thế giới đang biến chuyển với tốc độ chóng mặt. 

Khuôn cửa từ thời bao cấp. Cả chiếc xe đạp đã ở đó vài chục năm. Cả căn bếp, bồn đựng nước, nhà vệ sinh "ngồi bệt" nguyên bản từ thời xây ngôi nhà chung cư này. Vẫn nguyên vẹn. Cả chiếc bàn trà gỗ đã xộc xệch, những tủ sách phủ bụi thời gian, cả khung cửa sắt hoa văn hoen rỉ ôm trọn cả khung trời mộng mơ, nơi ông vẫn đứng nhìn ra phố xá tấp nập, lấy bình nước tưới cho chậu cây cảnh quỳnh giao dường như cũng đã mệt mỏi với cái nắng nóng khủng khiếp của Hà thành.

Nhà thơ Ngô Văn Phú.

Và ông, nhà thơ Ngô Văn Phú, người từng có một thời hoàng kim trong lãnh địa của mình, đó là thời ông làm Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, suốt cả một chiều dài thời gian mấy chục năm lúc nào cũng chỉ lủi thủi một mình, cặm cụi với bếp núc, cơm cháo và gặm nhấm cô đơn cùng những câu chuyện yêu thương, buồn vui đã đi suốt cả một thời tuổi trẻ...

Đã lâu nhà vắng khách, nhà thơ Ngô Văn Phú ân cần và bền bỉ ngồi lau từng tách trà đã khô những vết ố của tuần trà trước. Đàn ông ở một mình, lại là một thi sĩ mộng mơ, lặng lẽ, ít bè bạn đến thăm, nên ông lau tạm hai chén trà đủ để cho hai người. 

Ông từ tốn và bình tĩnh, nhấp từng ngụm trà nhài. Ông cứ thủng thẳng hỏi chuyện, cười tủm tỉm khi nghe được một câu chuyện nào đó thú vị. Dường như tất thảy mọi đổi thay tính bằng giây của thế giới bên ngoài không ảnh hưởng gì đến thế giới riêng của ông.

Nhà thơ Ngô Văn Phú có niềm kiêu hãnh của riêng mình. Cái thời văn chương quả thật là một thế giới tuyệt vời mà ai chạm được vào cũng như một sự thiêng liêng, trác tuyệt. Hồi ấy, đối với văn nhân, chẳng có gì hoàn mỹ hơn một bài thơ hay, một truyện ngắn đặc sắc. 

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, hồi ông làm giám đốc, những nhà văn nhà thơ làm việc tại nơi ấy để biên tập một cuốn sách, một tập thơ được coi như những con người kỳ vĩ đang canh giữ "ngôi đền thiêng văn chương" nước nhà.

Nhà thơ Ngô Văn Phú giọng đầy "trịnh trọng" kể rằng thời ấy ông đã nâng đỡ và in được nhiều tác phẩm mang tính lịch sử. Rồi ông đi về phía cái tủ ba buồng, tìm cuốn album đã cũ, lật giở từng tấm hình đen trắng, được cắt dán cẩn thận, ở đó có những người bạn lớn của ông như Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Xuân Quỳnh… 

Ông nâng niu như thể đó là những kỷ vật làm nên dấu ấn quý báu không gì có thể đánh đổi của một thời chưa xa...

Rõ ràng, như là nghiệp chướng, mỗi nhà văn nhà thơ đều mang trong mình một nỗi niềm u uẩn. Những tháng ngày êm đẹp trôi qua trong lặng lẽ. Những vần thơ thăng hoa, đồng nghĩa với việc cuộc sống cô đơn và họ đôi khi chỉ sống cho ký ức. 

Nhà thơ Ngô Văn Phú được mệnh danh là nhà thơ của làng quê, bởi quê hương Vĩnh Phú nơi ông sinh ra và lớn lên, có nhiều cảnh đẹp đã đi vào thơ ca của ông, một người vợ tảo tần đã sinh cho ông những người con...

Nhưng cuộc đời vốn không chiều lòng người, ông viết về quê hương nhưng viết bằng hoài niệm, ông biền biệt xa quê, nương thân nơi phố phường tấp nập, canh cánh một mảnh tình si với người trong mộng tưởng. 

Có khi ông lẩn thẩn đứng ngồi ngắm nhìn mây trắng bay đi bay về qua khung cửa sổ, thổn thức như thể dỗi hờn với chính trái tim mình vì không được cùng ai thắp lên ngọn lửa tình yêu trong suốt những tháng năm lạnh giá, có một người tình đã bỏ ông đi, mang theo tất cả những tháng năm tuổi trẻ đẹp đẽ và giờ đây trong căn phòng, chỉ còn vương vất lại hình ảnh và hơi ấm của người đẹp qua những bức tranh ông vẽ, những bài thơ ông viết: Người ấy chắc em thường vẫn nhớ/ Dải hành lang hẹp lối em qua/ Ban mai đang hửng lên ráng đỏ/ Ủ nóng trong tay một chén trà/ Người ấy chắc em thường vẫn nhớ/ Buồn thường uống rượu một mình thôi/ Chén đã kề môi mà chẳng nhấp/ Buông mắt nhìn ra một khoảng trời…

Đó cũng là một trong những lý do khiến ông muốn giữ nguyên trạng căn nhà với hàng nghìn cuốn sách ngổn ngang. Lối hành lang hẹp nơi ông để chiếc xe đạp cà tàng vẫn nguyên vẹn như vài chục năm trước, chiếc giường đơn lẻ ông nằm bao nhiêu năm nay vẫn ở nguyên vị trí cũ, cả chiếc gương soi, cả những bức ông tự vẽ chân dung người yêu vẫn ở nguyên như khi nàng còn hiện hữu… là vì ông muốn giữ lại tất cả như thuở xa xưa có bóng dáng của người yêu dấu. 

Ngày ngày ông cắm một nồi cơm, đi bộ ra chợ cóc gần nhà mua vài bìa đậu phụ, vài nghìn lạc rang, một chén rượu hoặc ly bia chan cả bữa cơm đạm bạc. Những ngày tháng phồn hoa, tấp nập khép lại trong ký ức, còn lại ông lẻ loi một mình đối diện với chính mình trong căn nhà tập thể đã dần xuống cấp...

"Em ra biển tìm quên..."

Có một người đàn bà thơ lúc nào cũng tự giễu nhại mình. Nàng điệu đà nữa và lúc nào cũng tự cho mình cái quyền được vui, được nhí nhảnh mọi lúc mọi nơi. 

Nàng cho mình cái quyền được đi chơi và luôn có một bộ ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ của chân dung và phong cảnh để post lên facebook. Gọi là "nàng" nhưng năm nay nàng đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy". 

Tính nàng hay ở chỗ, nàng gần gũi lớp trẻ, rủ đi chơi là xách balô lên và đi ngay dù chẳng biết nơi mình đến sẽ như thế nào trong tương lai, chỉ cần có bạn đồng hành là một người nàng yêu quý... Nàng là nữ nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ cứu nước Phan Thị Thanh Nhàn với bài thơ đã đi vào lịch sử văn học nghệ thuật Hương thầm.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, bài thơ được bà làm tặng cho một chàng trai nào đó, nhưng thực ra, đây là bài thơ bà viết tặng người em trai đi bộ đội (năm 1969). Một năm sau, bài thơ được giải Nhì của Cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ. 

Năm 1974, người em trai của bà hy sinh, bà cũng không biết em trai đã  kịp đọc bài thơ ấy hay chưa. Chính vì thế, mới đây, người em trai kế đã khắc bài thơ lên đá và đặt ở nghĩa trang liệt sĩ A Lưới, nơi người em trai đã hy sinh nằm lại.

Bà từng chia sẻ: “Mẹ tôi khi còn sống vẫn thường nhắc nhở anh chị em chúng tôi rằng, cậu ấy là người đã gánh hết mọi khó khăn vất vả của gia đình. Tôi thương, nhớ cậu ấy vì trước ngày hy sinh chưa kịp yêu, chưa lập gia đình. 

Bài thơ Hương thầm tôi viết sau ngày em trai đi bộ đội, “cửa sổ” hay “hương bưởi” là cái cớ để bày tỏ sự yêu quý của tôi với em trai mình. Tôi viết một bài thơ rất thật về gia đình mình nhưng vào những năm tháng chiến tranh ấy, bài thơ lại mang hơi thở của cuộc sống. Tôi viết rất tự nhiên với những cảm xúc riêng của mình và không nghĩ rằng bài thơ lại thành công và để lại dấu ấn đậm nét như thế”. 

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn bảo, có lẽ vì bà nổi tiếng với bài Hương thầm nên trong cả cuộc đời, bà đối diện với những buồn vui thầm lặng. Cuộc sống tưởng là đủ đầy viên mãn với một "bà già" như bà, nhưng trong sâu thẳm trái tim, bà luôn thấy cô đơn và thiếu vắng. 

Hay bởi những lời lẽ trong bài thơ đã ám ảnh suốt cả cuộc đời người con gái "hương bưởi thơm cho lòng bối rối" nên bà cứ sống thiếu vắng, cô đơn suốt cả một chặng đường thanh xuân như là một định mệnh nghiệt ngã. 

Bà tự bạch: "Em ra biển tìm quên/ Chẳng may trời mưa suốt/ Nước không người tắm mát/ Cát không người dạo chơi/ Gió lạnh đến tê người/ Sóng như là chạy trốn/ Biển mịt mù vắng tanh/ Không cánh buồm - không bến.../ Em chìa tay hứng mưa/ Nghe lòng mình mặn chát...".

Cuộc đời vốn không như là giấc mơ thanh thoát, nhẹ nhàng như thời Hương thầm. Bà từng có một tình yêu đẹp và lãng mạn với nhà thơ Thi Nhị, một người đàn ông yêu thương, tôn trọng và chiều chuộng bà hết mực, cho bà nguồn cảm hứng dạt dào trong tình yêu và thơ ca. 

Những tưởng rồi cuộc đời của nàng thơ sẽ viên mãn, thì ông lại ra đi đột ngột vào một ngày bà đi công tác xa nhà. Hồi ấy đường sá xa xôi, tàu chậm, không điện thoại, không e-mail, nên khi nữ nhà thơ trở về, thì ông đã mồ yên mả đẹp như muốn tránh mặt không để vợ buồn. 

Bà vẫn trách, ông tệ quá, bỏ lại bà với cả một cuộc đời góa phụ dài dặc từ năm 36 tuổi với cô con gái hồi ấy mới 6 tuổi...

Vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa viết văn làm báo… đã khiến tuổi xuân của bà trôi qua trong lặng thầm, những giấc mơ trôi qua lặng thầm, những ước vọng trôi qua lặng thầm, những nỗi đau cũng trôi qua lặng thầm như một giấc chiêm bao. 

Đôi khi bà giật mình vì ngoảnh đi ngoảnh lại, đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, những mùa xuân cuộc đời trôi qua chóng vánh. Con gái bà lại là một người đầy cá tính, cũng chẳng chịu lấy chồng để bà có cháu bế bồng sớm hôm. 

Những lúc buồn bà đi chơi, rồi gặp gỡ bạn bè, nhưng bạn bè cũng dần xa vắng, bà lại ôm nỗi cô đơn để trải lòng với trang viết: "Tôi đã có một người như mơ ước/ Người ấy yêu tôi thật hết lòng/ Người uyên bác, giỏi giang và rất hóm/ Biết giễu đùa tôi thân ái bao dung/... Tôi đã có một người yêu tôi quá/ Biết oán hờn hay căm giận anh đây?/ Không - tôi cứ nặng lòng thương mến/ Dẫu bây giờ tôi đã trắng tay...".

Tôi hỏi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nếu được có vài điều ước cho bản thân, bà sẽ ước điều gì? Bà cười dân dã: "U mà ước thì phải có vài chục điều chứ một vài điều chả đủ. Bây giờ thì u chỉ ước con gái u đi lấy chồng cho bớt khó tính. Nó ở nhà, u và nó, như hai bà già ở với nhau. Mà nó còn khó tính hơn cả u ấy chứ!".

Nói rồi, bà lảng sang chuyện khác, nhưng tôi biết trong ánh mắt bà có một vệt buồn. Khi rời xa chuyện buồn, bà lại sống với cuộc đời tươi đẹp tuổi thất thập của mình: Đi nói chuyện thơ, đi chơi với đám trẻ, rồi lướt facebook, email, đến đâu là có những bức hình "sống ảo" ở đó để khoe với bạn bè và lưu giữ những chuyến đi của mình. 

Bà cũng là người chăm chỉ tập luyện hàng ngày, nào bơi lội, thể dục, tập gym, earobic... 

Với tôi - một nhà thơ hậu sinh, bà vẫn mãi là một giá trị khó thay đổi, của một thế hệ các nữ văn sĩ bước ra từ cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, đi qua mọi lẽ sống còn ở cuộc đời, những thành bại, những khổ đau, để thấy rằng, dù thế nào cũng phải sống và sống đẹp nhất mỗi ngày.

Cây đại thụ trầm ngâm

Ông là một nhà văn khiến cho lớp trẻ chúng tôi trân trọng và kính nể. Ông luôn dành những lời động viên quý giá cho mỗi người viết văn dù có thể chỉ trong nay mai thôi, họ đứt gánh giữa chừng và dừng chân lại trong cõi văn rộng bao la và khó như tìm đường lên trời. 

Gặp nhà văn Ma Văn Kháng luôn nhận thấy rằng, trong cái thâm nho, trầm tĩnh, ông đầy bặt thiệp và hóm hỉnh. Ông luôn mang lại cho người đối diện sự tin cậy và chia sẻ chân tình, dù ông là người luôn có xu hướng lánh xa mình trước đám đông.

Ông bảo rằng, có một việc cần thiết ở chặng cuối cuộc đời ông đã nỗ lực làm là tổng kiểm kê lại những sáng tác và những gì liên quan đến sáng tác của mình. Sắm hai chiếc tủ kính lớn, sắp xếp một cách có trật tự và hệ thống vào đó. 

Nhà văn Ma Văn Kháng.

Trước hết là để dành cho con cháu, sau nữa có ai cần biết, cần mượn đọc thì có thể sử dụng khi cần. Ông là người tiến bộ, ông bảo tuổi già bất chợt đến, bất chợt đi, bất chợt về với tổ tiên. Nên ông đã làm một việc cần thiết: viết di chúc dặn dò con cháu. Vui nhất là không ít bạn bè văn chương của ông, sau khi biết ông làm di chúc cho con cháu đã... mượn để tham khảo. 

Nói vậy để thấy cần phải hoàn toàn thanh thản chuẩn bị cho mình mọi tâm thế an lành, để có thể yên tâm một điều rằng, sinh ra trên cõi đời này, mình đã tận tâm, tận lực đến giây phút cuối.

Nhà văn Ma Văn Kháng luôn tự nhận mình bây giờ là ông già "cổ lỗ sĩ", ông già "hết hơi", ông già "lạc hậu" rồi và không thích ồn ào của truyền thông, báo chí cũng như trong rất nhiều năm tuổi trẻ ông luôn cố gắng để mình không vướng vào những hệ lụy đời thường, nhất là những ham hố ngoài văn chương. 

Căn nhà yên tĩnh quen thuộc ông đã sống gần như trọn cuộc đời ở cạnh con phố đông đúc và đẹp nhất của Hà Nội, phố Nguyễn Chí Thanh, lúc nào cũng sạch bóng và gọn gàng. Căn nhà có bàn tay người phụ nữ chăm sóc chu đáo. Vợ ông, một người đàn bà lặng lẽ đi cạnh cuộc đời chồng, sinh cho ông những người con giỏi giang thành đạt. 

Và bà, chính xác là người đàn bà dịu dàng của cuộc đời ông, đã ở phía sau, bỏ lại mọi vinh quang, giải thưởng, những lần vinh danh, những khi ông ở trên đỉnh cao danh vọng, chỉ đơn giản ở nhà lo cho bếp núc, lo cho bữa cơm gia đình, đã là một điểm tựa vững vàng cho ông suốt những năm tháng tuổi bát thập, lo cho ông từng cơn đau trở trời trái nắng...

Nhưng trong tận cùng sâu thẳm, ông vẫn có những nỗi niềm trắc ẩn: Nếu được lựa chọn lại, ông sẽ rời bỏ mảnh đất Lào Cai, nơi ông làm ông giáo, rồi làm đến chức thư ký Bí thư tỉnh ủy để về Hà Nội sớm hơn chừng chục năm. Bởi vì khi bước chân về Hà Nội rồi, ông mới nhận ra rằng, hóa ra ông đã ở miền núi đến một phần tư thế kỷ. 

Tỉnh lẻ rất tình cảm, rất gắn bó, như một phần cơ thể mình vậy, nhưng nếu để làm văn chương chuyên nghiệp thì hóa ra ông thấy cần nhiều điều hơn thế. Về Hà Nội để chỉ đơn giản đi học thêm về mỹ học, triết học, để được thấm nhuần văn hóa Thăng Long, thấm nhuần cái “hồn thiêng sông núi” cho tác phẩm của ông bớt đi chất tỉnh lẻ.

Ông nói vậy không phải để chê tỉnh lẻ, nhưng thực sự cái gọi là “văn hóa tỉnh lẻ” cản trở và làm ông bé đi ghê lắm, cảm giác nơi đó như cái lồng chật chội dù tình cảm rộng mênh mông, nhưng muốn bứt phá được là rất khó. Một phần tư thế kỷ là quá lâu so với một đời người. 

Về đến Hà Nội, gặp anh xích lô, gặp một bà bán nước chè ở vỉa hè cũng thấy họ khác. Họ nói nhiều, nói hay, nói đâu ra đấy, còn mình ú a ú ớ. Và gặp ai cũng thấy họ... hay hơn mình. Điều đó khiến cho ông mãi sau 6 năm khi rời xa Lào Cai về Hà Nội mới viết được tác phẩm Mưa mùa hạ, một tác phẩm thể hiện sự khai sáng cuộc đời ông như một cơn mưa mùa hạ trút xuống và rửa trôi mọi nhẽ...

Bây giờ ở trong căn nhà cao rộng và đẹp đẽ, ông vẫn nhớ về căn nhà tập thể tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 6 người trong gia đình ông gồm hai vợ chồng, 2 con, mẹ già và cậu em trai xuất ngũ chỉ ở trong 8m². 

Ban ngày ra công viên ở, tối đến mới được về nhà. Nhà chẳng có vật dụng gì giá trị, ông và vợ đi chung chiếc xe đạp thì khóa lại để ngoài cửa. Bốn năm sau, hai vợ chồng ông vất vả lắm mới lo toan để xin được cấp căn hộ chung cư ở Thành Công rộng khoảng 28m². 

Nhà văn Ma Văn Kháng kể lại rằng, ông chở vợ trên xe đạp, cầm cái giấy nhận nhà mà đi trên đường run rẩy chỉ sợ bị xe ôtô đâm phải. Ở trong 8m² suốt nhiều năm trời, nên khi được đến ở trong căn hộ 28m² được chia làm hai buồng, mỗi buồng 14m² không khác gì một tòa lâu đài.

Có lúc ông trò chuyện với vợ: Ở rộng thế này làm gì, chỉ cần 14m² thôi, giá mà cho một gia đình nào không có nhà ở nữa thì tốt. Đến khi chuyển về nhà mới, ông vẫn chưa tin mình có nhà, chưa có cảm giác là nhà của mình, nằm ngủ vẫn chỉ mê thấy chuyện nhà cửa. 

Khi “an cư” cũng là thời gian nhà văn Ma Văn Kháng viết được nhiều nhất và thăng hoa nhất. Nhiều tác phẩm của ông trong thời kỳ này đã trở thành những dấu ấn không thể mờ phai trong nền văn xuôi hiện đại.

Nhà văn Ma Văn Kháng luôn tránh xa những cuộc trà dư tửu hậu, những cuộc xôm tụ bạn bè, mà chỉ thấy ông tranh thủ từng giây khắc của cuộc đời để cần mẫn gieo trồng trên cánh đồng chữ nghĩa. Điều luôn khiến ông buồn và trăn trở, dù nó đã xảy ra quá lâu rồi, đó là sự ra đi quá sớm và đột ngột của người con rể, để lại con gái ông góa phụ khi còn quá trẻ và các cháu ông côi cút. 

Ông bảo, giá mà ông đánh đổi được mạng sống của mình để có thể thay đổi được điều gì đó cho con rể, ông cũng xin sẵn sàng. Nhưng mọi chuyện buồn rồi cũng phải để cho nó lắng xuống và ngủ yên trong một góc tâm hồn. 

Vì thế có một quãng trong tầm hơn 10 năm, người ta gặp được ông rất khó, ông lặng lẽ khép cửa phòng văn, khép cửa tâm hồn, khép cửa những vui buồn bên ngoài cuộc đời ồn ã, để làm nhiệm vụ thay cha của những đứa trẻ, để chăm nom, bảo ban và làm chỗ dựa tinh thần, gắng gỏi bù đắp vết thương đau đớn, xót xa cho con gái và các cháu. 

Giờ đây, các cháu của ông đã lớn khôn trưởng thành, ông mới thanh thản để xếp sắp lại những thành quả của mình vì ông bảo quỹ thời gian ông dành cho riêng mình không còn nhiều nữa.

Rồi như một tiếng thở dài, ông bảo, đời người mơ ước thì vô cùng, nhưng trước những bất an và sự vô tận của đời sống con người ta phải biết đâu là điểm dừng của những giới hạn trong cuộc sống. Biết cân bằng giữa những thái cực, giữa văn chương và cuộc đời, giữa bạn bè và gia đình, giữa niềm đam mê và trách nhiệm... 

Để không phải hối tiếc điều gì cả. Và để chắc chắn rằng, suốt cuộc đời, mình và các tác phẩm của mình đã sống trọn vẹn với những yêu thương... 

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.