Trò chuyện Chủ nhật

Phát triển thị trường lao động phải là bài toán chiến lược

Chủ Nhật, 24/10/2021, 08:28

Các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất trở lại sau thời gian thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, làn sóng lao động di chuyển từ các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn về quê thời gian qua được cho là tạo ảnh hưởng đến thị trường lao động, và doanh nghiệp phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt lao động thời gian tới.

Cùng với đó là việc giải quyết bài toán việc làm cho các đối tượng lao động này cần được tính toán ra sao. Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia lao động, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội.

Phát triển thị trường lao động phải là bài toán chiến lược -0
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương.

PV: Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt làn sóng dịch thứ 4 đã khiến rất nhiều lao động lao đao. Họ phải rời bỏ thành phố để về quê. Điều này sẽ tác động ra sao đến thị trường lao động thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Theo tôi thì từ nay đến cuối năm bàn đến vấn đề gì, kể cả là vấn đề lao động việc làm cũng chỉ mang tính chất dự báo, dự đoán. Vì gần 2 năm nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp. Mọi việc tưởng như cũng yên ổn hơn một chút rồi bất ngờ làn sóng dịch thứ 4 bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Vì chưa có tiền lệ nên ngay cả các biện pháp phòng, chống dịch cũng còn gặp không ít lúng túng, do đó các dự báo, kết nối cung cầu lao động gặp nhiều vấn đề cũng là điều dễ hiểu.

Việc làn sóng người lao động rời các trung tâm kinh tế lớn, trung tâm công nghiệp về quê theo tôi đó là điều tất nhiên. Thị trường lao động là thị trường dẫn suất để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Mấy tháng trời, nhiều tỉnh, thành phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Ưu tiên cho phòng, chống dịch, không đặt nặng nhu cầu phát triển kinh tế thì người lao động di chuyển là bình thường. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhu cầu về quê của người người lao động chúng ta chưa nhìn thấy được. Đáng lẽ những cuộc di chuyển như thế chúng ta tổ chức được thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Theo ý kiến của tôi, việc di chuyển này của người lao động cũng có phần tích cực. Thứ nhất là việc tái phân bố lại thị trường lao động. Đây cũng là dịp để người lao động nhìn nhận lại đi hơn hay về quê hơn. Nhìn hành trang họ về quê cũng chẳng có gì, như thế chứng tỏ người ta đi vào đó làm việc cũng chỉ đủ ăn mà về mặt an sinh xã hội họ cũng chẳng được gì. Thứ hai là việc định hướng lại phát triển kinh tế theo kiểu tích tụ lại vào một chỗ nào đó với một nhà máy rất lớn, với hàng vạn công nhân, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng xã hội, khó đảm bảo an sinh xã hội.

PV: Tuy nhiên khi các doanh nghiệp mở cửa sản xuất trở lại thì sẽ bị thiếu hụt lao động. Theo bà, chúng ta cần có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Ít ngày qua đã xuất hiện những thông tin về việc doanh nghiệp lo thiếu lao động. Tuy nhiên dưới góc nhìn của tôi, việc số lượng lao động này về quê có tác động đến thị trường lao động nhưng sẽ không tác động quá lớn theo kiểu ngay lập tức gây ra hiệu ứng thiếu hụt lao động. Nó thể hiện rõ qua con số thống kê mà Tổng cục Thống kê đã đưa ra. Số lao động di chuyển về quê là khoảng 1,3 triệu người. Số này thật ra chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số hơn 55 triệu lao động của chúng ta hiện nay.

Theo quan sát của tôi nhiều năm qua, quý 4 năm nào cũng thế, đây là quý đặt hàng, đơn hàng về nhiều nên áp lực về tình trạng lao động. Sau đó, quý 1 các năm, sau khi người lao động về quê ăn Tết xong, có người thì không quay lại, có người thì quay lại muộn nên gây ra tình trạng thiếu hụt lao động. Có nghĩa tình trạng căng thẳng về lao động năm nào cũng xảy ra ở cuối năm trước và đầu năm sau. Còn năm nay rơi đúng vào thời điểm này nên người ta cho là do làn sóng lao động di chuyển về quê vừa rồi. Thật ra nó chỉ có một chút cộng hưởng.

Thêm nữa phải quay trở lại với câu chuyện của các doanh nghiệp. Thời điểm này và kể cả trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cũng không phục hồi được hết. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ hoạt động được 30- 50% công suất. Doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu. Hiện xuất khẩu chậm lại, phục vụ chủ yếu thị trường trong nước thì cũng không cần đến một nhu cầu lao động cao như thế. Chắc chắn chưa lo đến việc thiếu hụt lao động. Còn khi mọi thứ bình thường lại hẳn, người lao động sẽ lại di chuyển quay lại.

Tuy vậy từ vấn đề này, chúng ta cần phải nhìn thấy được vấn đề an ninh việc làm, an ninh thu nhập và an sinh xã hội cho hàng chục triệu lao động. Đây là bài toán chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc sau đợt dịch COVID-19 này.

PV: Bà có nghĩ rằng phải chăng chúng ta chưa có một tầm nhìn dài hạn, không dự liệu được các tình huống về lực lượng lao động?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi nghĩ không phải là tầm nhìn dài hạn mà là quan điểm về nhân lực. Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn nghĩ nhân lực chỉ là cái đuôi của phát triển kinh tế. Chính vì thế nguồn di chuyển lao động của chúng ta là bị động. Cách đây 20 năm khi ở quê điều kiện không có, người ta di chuyển ra thành phố nơi có việc làm, thu nhập tốt hơn. Nay khi thành phố không có việc làm thì người ta lại phải di chuyển quay lại. Đúng ra di dân là phải theo lực hút, có nghĩa người ta di chuyển đến nơi có điều kiện làm việc, điều kiện sinh sống, an sinh xã hội tốt hơn. Do đó, vấn đề phát triển thị trường lao động phải là bài toán chiến lược.

PV: Theo bà, công tác dự báo, kết nối thị trường lao động thời gian tới phải được triển khai thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Như tôi đã nói ở trên, luồng lao động di chuyển về quê những ngày qua không phải quá lớn. Người ta di chuyển cùng lúc và bằng xe máy trên chặng đường hàng trăm km nên tạo ra dư luận xã hội lớn. Còn theo điều tra của TP Hồ Chí Minh thì chủ yếu người lao động di chuyển về quê ở địa phương này là lao động tự do. Nói thì nói thế thôi chứ hiện nay, lực hút của các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp vẫn rất lớn nên khi ổn định thì họ lại quay lại. Vừa rồi họ cũng không đi được vì các địa phương vẫn đang thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Ở góc độ các địa phương phải xây dựng phương án, kế hoạch để tận dụng nguồn nhân lực này. Kinh tế các địa phương đều đang phát triển, có nhiều cơ hội nên cũng cần nhân lực. Trong khi nguồn nhân lực từ các trung tâm kinh tế lớn về họ năng động, có kinh nghiệm. Cùng với đó, các chính sách việc làm của chúng ta có rất nhiều như: Hỗ trợ cho vay vốn phát huy việc làm, đào tạo nghề lao động nông thôn… Rất nhiều chương trình có thể giải quyết việc làm cho họ nên các địa phương cần phải làm tốt các chính sách về lao động việc làm. Chứ đừng có nói rằng không thể giải quyết được việc làm cho họ.

PV: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp quý III/2021 cao nhất trong 10 năm qua. Thực sự ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 là quá lớn. Theo bà, đâu là lời giải bài toán việc làm hiện nay?         

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Lúc này không chỉ người lao động lao đao nên chúng ta không chỉ giải quyết bài toán cho người lao động. Tôi cho rằng, lời giải tốt nhất hiện nay là phải nhanh chóng ổn định và phát triển sản xuất. Điều quan trọng là làm sao để hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng như Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trở lại hoạt động. Đồng thời, Nhà nước phải cắt giảm các thủ tục hành chính, nới lỏng các thủ tục cho doanh nghiệp nhanh chóng trở lại hoạt động để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

PV: Theo bà, cuộc "di dân" lớn vừa rồi đặt ra nhiều thách thức trong việc đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, kỹ năng và chất lượng cao ra sao?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Ở khía cạnh nào đó có thể nói rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự là chiến lược. Theo tôi, đào tạo lao động có chiến lược là phải nắm được lực lượng lao động phân bố như thế nào, cần thống kê dân cư lao động để từ đó triển khai hệ thống đào tạo một cách bài bản.

Cùng với đó hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nhiều về kỹ năng tối thiểu, kiến thức tối thiểu, điều kiện kỹ thuật tối thiểu…Từ đó đặt ra vấn đề rất quan trọng là đào tạo. Bởi vì chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của Việt Nam ở mức thấp. Nguồn nhân lực này nếu không có sự chuẩn bị thì sẽ không thể đáp ứng, phù hợp để áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật được. Cách mạng công nghiệp 4.0 có 3 nấc.

Nấc thứ nhất là nấc đại trà, đòi hỏi công nghệ theo dạng phổ cập. Nấc thứ 2, những nhóm ngành nghề mà đưa khoa học công nghệ vào có thể thay thế được tuyệt đối về lao động. Ví dụ như những nhóm ngành nghề mà công việc lặp đi lặp lại. Ở nấc này, những lao động nào rời đi thì phải đào tạo lại, còn nhóm nào ở lại thì phải đào tạo nâng cao. Ở nấc thứ 3 là những ngành nghề mũi nhọn, chiến lược (ở trình độ cao) thì phải được đào tạo bài bản. Như vậy, hệ thống đào tạo hiện rất nhiều đất và cần thực hiện nhiều sự thay đổi cho phù hợp. Do đó, đào tạo hiện phải theo cả chiều ngang để phổ cập, cùng với đó là đào tạo theo chiều dọc kết nối liên thông với nhau.

PV: Xin cảm ơn bà!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.