Ladakh – trải nghiệm nơi tận cùng thế giới

Thứ Hai, 05/06/2023, 13:39

Khi xem những album chia sẻ về Ladakh - những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa, những hoang mạc bụi bặm quên lối về, những dòng sông xanh biếc ngút ngàn... chắc chắn bạn sẽ bị mời gọi, muốn ngay lập tức xách vali lên và đi ngay cùng với những cảm hứng về sự dịch chuyển.

Nhưng không hẳn vậy, để đến Ladakh bạn cần hơn một quyết tâm, cần hơn một trái tim đam mê khám khá vì đơn giản Ladakh - là nơi trải nghiệm không dành cho những người ưa tận hưởng.

Những con đèo đông cứng mọi thứ

Một trong những điểm đến không thể bỏ qua với bất cứ du khách nào khi đến Ladakh là đèo Khardung La. Đèo nằm trong dãy Karakoram ở phía Bắc thị trấn Leh khoảng 40 km. Ở độ cao 5.602m, đèo Khardung La là con đường dành cho xe cơ giới cao nhất thế giới và đóng vai trò là cửa ngõ vào thung lũng Nubra và Shyok ở vùng Ladakh của bang Jammu và Kashmir, cực Bắc của Ấn Độ.

6.jpg -0
Tác giả tại đèo Kharung La, cao 5.602 mét, đèo dành cho xe cơ giới cao nhất thế giới

Quá ấn tượng với những con đường uốn lượn lên núi, những lá cờ ngũ sắc tung bay trên mái vòng óng ánh của các bảo tháp stupa, chúng tôi hào hứng và dường như bỏ lại những mệt mỏi do sốc độ cao, cảm giác lúc nào mũi cũng rỉ máu do khô hay những đầu ngón tay buốt lạnh như bị kim châm tại Leh để hồ hởi lên đường.

Trái ngược với buổi mai sớm, trời tại Leh xanh vời vợi, mây trắng vài mảnh mỏng tanh, hững hờ… càng đi xa Leh, càng lên cao, sương mù dần thay mây trắng. Gà gật sau vài giấc mộng chưa thành trong cơn thiếu oxy, mắt tôi gần như bị lóa sáng, phải liên tục nhắm và mở mắt vì xung quanh chỉ còn lại một màu trắng lóa của tuyết. Niềm vui chưa trọn đã lại tiếp tục đón nhận kinh hoàng, lúc này cả xe gần như đã tỉnh hẳn bởi mặt đường lởm chởm sỏi đá xóc, liên tục là những cú ngoặt tay áo của bác tài. Do chọn ngồi phía sát cửa kính (để ngắm cảnh) nên tôi luôn có cảm giác “đứng tim”, khi cả người và xe có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào vì đường không có rào chắn bảo vệ.

Trong xe bắt đầu có người cầu cứu túi nôn, thi thoảng lại có tiếng chị em xin dừng xe, hé cửa để… thở do thiếu oxy. Còn tôi, chỉ còn biết nhắm nghiền mắt vì bên ngoài toàn bộ con đường tuyết ngập phủ, thi thoảng lại thấy những khúc đường quanh co sát bên mép vực sâu hoắm. Đúng lúc chúng tôi thấy mình khó thở nhất, trời mờ mịt sương, tuyết trở nên trắng xóa khắp nơi thì bác tài hiền hậu người Ấn chỉ vào tấm biển báo còn 300m nữa là đến Khardung La.

Thấy tấm biển - cả xe như được tiêm liều dopping. Chúng tôi, người hồ hở “lên đồ”, kẻ khấp khởi “chỉnh trang mũ áo” cho công cuộc “check in”. Nhưng lúc này, hóa ra mệt mỏi nhất không phải công cuộc… thở ở độ cao 5.602m mà là... di chuyển trong tuyết. Đoàn chúng tôi di chuyển với tốc độ mà nói như ở nhà là “slow motion”. Tất cả những người khỏe nhất, nhanh nhất đều phải di chuyển với tốc độ 5s/1 bước chân, vừa đi vừa tập hít thở sâu do lạnh, do thiếu không khí. Đoạn đường ngắn 3m từ xe ra chỗ tấm biển Khardung La màu vàng cho tôi cảm giác như con đường bất tận.

Khoảnh khắc ở Kharung La có lẽ cũng là khoảnh khắc chụp ảnh nhanh nhất cuộc đời của tôi. Chúng tôi chỉ chụp vội vài tấm hình, sờ vào vài tảng đá, chạm vào Khardung La ngay dưới chân mình... rồi vội vàng lên xe. Một cách nhanh nhất, chúng tôi nói chia tay ngọn đèo cao nhất thế giới, chia tay với cái rét mà cảm giác buốt tận từng mạch máu, len lỏi từng tế bào trong mình, chia tay không hẹn ngày gặp lại trong cái tủm tỉm cười “thường thôi” của bác tài.

Bão cát, bão tuyết… những đặc sản oái oăm

Sau khi “mạnh mẽ” vượt qua “con đường để đời” của đèo Khardung La, chúng tôi đã được “đền bù” bởi màu xanh của thung lũng Nubra. Trái tim của tôi như “nhảy nhót” khi thấy phong cảnh cực rộng, những con đường mòn xinh xắn và dòng sông Shyok chảy giữa thung lũng…

Ladakh – trải nghiệm nơi tận cùng thế giới -0
Những con đường đèo ngập tuyết, chênh vênh bên miệng vực là “đặc sản” của Ladakh

Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Nubra những cảnh quan tuyệt sắc cùng những tu viện cổ sừng sững trên đỉnh đồi, nơi mà đứng từ đó, người ta có thể phóng tầm mắt rồi thu trọn vào đáy mắt những núi mây trùng điệp, những con đường cát trải dài bất tận. Cảnh tượng những bóng người bước chậm rãi bên những chú ngựa ngẩn ngơ hay những chú lạc đà hoang dã đang gặm cỏ trên thung lũng trải dài sẽ là những hình ảnh đã được “chụp ảnh bằng mắt”, theo tôi suốt những chặng hành trình về sau này.

Trong nhiều thế kỷ, các đoàn lữ hành lớn mang theo len và vải, thuốc phiện, gia vị và đá quý... theo con đường Leh - Yarkand (ở Trung Quốc). Nubra từng là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường Tơ lụa năm xưa. Chúng tôi rất hào hứng với trải nghiệp được… cưỡi lạc đà, cảm giác như mình là những “Quý ngài tơ lụa” tại đây. Nhưng khi chúng tôi đã sẵn sàng trên lưng lạc đà, bước những bước chân đầu tiên trên những dải cát sa mạc thì bão cát ập đến. Chúng tôi chỉ kịp nghe thấy hiệu lệnh chùm khăn lên và cúi đầu thấp xuống… Đó là lần đầu tiên tôi thấy bão cát, lần đầu tiên cảm nhận hơi nóng khói bụi của cát dường như nuốt chửng mình. Dù hình ảnh trời sau bão cát được bạn tôi chụp lại rất đẹp thì thứ đọng lại trong tôi lại là hình ảnh của nhân viên cầm chổi và gầu hót thu gom từng xô cát tại tất cả các hành lang, ngóc ngách của khách sạn.

Sau bão cát, chưa hết ám ảnh với tuyết ở Đèo Kharung La cao 5.602m, chúng tôi tiếp tục được tuyết đón chào ở Đèo Chang La cao 5.300m khi trên đường di chuyển về Leh. Và tại đây, trên đỉnh đèo cao dành cho xe cơ giới cao thứ 3 thế giới, chúng tôi đã được nếm mùi… bão tuyết.

Khi những cơn gió tuyết vù vù thổi, len lỏi qua từng milimet cửa kính, khi ánh nắng mặt trời tắt lịm thay vào đó là những thứ màu mờ mờ xám là lúc xe chúng tôi bị dừng lại hẳn giữa lưng chừng đèo.

Tôi sờ tìm kính râm, he hé mắt cố nhìn qua cửa kính toàn màu trắng, nhìn vắt sang bên kia núi là hàng chục đoàn xe quân sự bánh xe quấn xích sắt, hàng trăm xe ô tô bất động nằm lầm lũi trong tuyết. Lúc đầu, để tránh say độ cao, các chị em trong xe còn rủ quay clip, hô “I love you” với các anh lính đến từ đoàn xe quân sự đi thông và cào tuyết. Nhưng sau 1 tiếng, 2 tiếng và gần 3 tiếng chờ đợi qua đi, đã có người trong đoàn phải dùng đến bình oxy dự phòng. Chúng tôi, người còn khỏe thì đi kiểm tra đồ ăn, nước uống dự trữ, kẻ yếu bóng vía… bắt đầu lo nỗi lo bị bỏ lại, vất vưởng nơi xứ người.

Cả xe, người mệt vùi đầu thiếp đi trong đống khăn và quần áo, kẻ thì ngồi tập thở luyện cho oxy lên não, người ôm mắt vì bị lóa sáng do tia UV… Và rồi tôi nghe tiếng lách cách của tiếng xích, ngửi thấy mùi dầu máy của ô tô đã khởi động. Sau gần 4h nín thở ở nơi xung quanh toàn là tuyết trắng, không điện, không sóng điện thoại thì đã có tín hiệu… được khởi hành. Tiếng mọi người vui mừng nhòa trong màu tuyết trắng, loáng thoáng đâu đó tôi nghe thấy tiếng Đen Vâu hát… “Đường về nhà” ở các xe phía trước.

Khi viết lại những trải nghiệm “hành xác” đáng nhớ trong chuyến hành trình đến Ấn Độ này, tôi thầm cảm ơn những người bạn đồng hành, những người dân bản địa thân thiện, mến khách... Đó là hình ảnh vị bác sĩ trong bệnh viện Leh nhất định không cho bạn tôi về vì sợ chưa ổn, dù bệnh viện quá tải bệnh nhân, đó là cái vỗ vai của Landtour Kunga lúc đưa chúng tôi về khách sạn với lời dặn, đây là bình oxy, nếu mệt quá thì gọi, tôi sẽ có mặt đưa vào viện ngay, đó là bác tài xế với những bản nhạc chất lừ và luôn sẵn sàng hỗ trợ dù bất cứ yêu cầu gì….

Ladakh không chỉ mang cho tôi một sự gần gũi và nguyên sơ của thiên nhiên – thứ cảm giác hiếm có khó tìm trong thời buổi này mà còn đọng lại trong tôi về một vùng đất nơi con người và sự bình yên là một.

Bạn bè hỏi tôi về Tour Ladakh. Tôi khuyên họ, đừng đến Ladakh nếu bạn là người thích an nhàn. Nhưng nếu thích chinh phục thiên nhiên kỳ vĩ, nguyên sơ, thích thử thách bản thân hay phải lòng những thứ nhỏ nhặt nhưng an yên và mến thương đến lạ thì hãy đến đây. Và đặc biệt, hãy đến khi bạn còn trẻ, để như Fitzhugh Mullan từng nói, bạn sẽ không phải lo lắng về những ổ gà trên đường và được tận hưởng cuộc hành trình của mình.

Ngã ngửa vì sốc độ cao

“Tôi tưởng mình đã có thể… chết ở đó vì xuống sức rất nhanh. Tôi không thở được, cảm giác trong người không còn chút oxy cũng như chút sức lực nào. Tôi đã cầu cứu bạn mình và tôi đã được trải nghiệm… cảm giác du lịch trong bệnh viện nơi xứ người”, chị Nhung (Hà Nội), một du khách Việt vừa hoàn thành chuyến Ladakh sau 9 ngày trong tháng 4 nhớ lại.

Theo chị Nhung, cả đoàn hơn 30 người đã được cảnh báo về việc sốc độ cao nên đã uống thuốc chống sốc 1 ngày trước khi lên đường. Thậm chí, còn tỉ mỉ dặn nhau luyện tập thể lực. Nhưng chị và một số bạn nữ liên tục bị những cơn nôn hành hạ với vị mật đắng đến lợm người trong những ngày đầu, đầu đau như muốn nổ tung không có hồi kết… dường như con đường đến bệnh viện đang chờ ở ngay phía trước rồi.

Là hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm tại Ladakh, anh Skalzang Kunga chia sẻ, Leh (thị trấn Leh thuộc bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ - thủ phủ của Ladakh) cao khoảng 3.500m, không khí khá loãng nên chúng tôi thường khuyên du khách mới tới cần đi lại nhẹ nhàng, tuyệt đối không chạy nhảy, vận động mạnh hay tắm rửa để cơ thể có thời gian thích nghi. Thường thì khách sẽ phải ở lại Leh 2 ngày trước khi chinh phục những đỉnh cao hơn.

Thanh tuyền
.
.